Nhà Rông vài chuyện chưa xa...

27-09-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhà rông phổ biến ở vùng đồng bào các dân tộc Trường Sơn Tây Nguyên. Hiện nay chỉ còn lác đác ở các tỉnh Bắc Tây Nguyên.

Nhà rông phổ biến ở vùng đồng bào các dân tộc Trường Sơn Tây Nguyên. Hiện nay chỉ còn lác đác ở các tỉnh Bắc Tây Nguyên. Có thể xưa kia nó kéo dài đến hết các dân tộc ở Nam Tây Nguyên nữa, nhưng do đủ thứ lý do, giờ chỉ còn ở Gia Lai và Kon Tum là chủ yếu. Là nói hơn chục năm về trước, chứ giờ nó cũng đang báo động vì sự ít đi hàng ngày, với rất nhiều lý do, trong đó có sự tác động không nhỏ của cách hành xử của những con người hiện tại.

Nhà Rông vài chuyện chưa xa...

Nhà rông ở xã Gào, TP. Pleiku do TP.Hà Nội tặng.

Một trong những lý do ấy là sự ồ ạt xây dựng các nhà rông văn hóa.

Nhà rông, vốn dĩ nó chỉ có tranh tre nứa lá, thế mà nó cao vút giữa cao nguyên, chả sợ gì gió bão. Nó gắn chặt với các làng đồng bào. Đơn vị quần cư của người Tây Nguyên xưa là làng, ra khỏi làng là một thế giới khác, không thuộc mình. Bản thân người Kinh ngày xưa cũng từng thế, lấy làng làm trung tâm, ra khỏi lũy tre là một nơi không phải của mình. Nhà rông là linh hồn của làng Tây Nguyên. Nó vừa là uy quyền tâm linh vừa thể hiện sự hùng mạnh vật chất của làng. Làng mà không có nhà rông là bị coi là làng yếu kém, là làng đàn bà. Nhà rông là nơi người dân gửi gắm khát vọng của mình vào Giàng, vào trời xanh. Đỉnh các nhà rông bao giờ cũng có các Giàng ngồi đấy, nghe ngóng, chở che cho dân làng. Mỗi khi có việc, dân làng lại cúng tại nhà rông, và chính các Giàng trên nóc nhà rông ấy lại làm chức năng thông tin tiếp cho Giàng trên trời biết để phân xử, bao bọc, phù hộ dân làng. Vì thế trong các nóc nhà rông bao giờ cũng có những nơi giấu vật thiêng, rất bí ẩn, không ai được mở trừ già làng và thầy cúng. Và muốn mở thì phải làm lễ. Vật thiêng nhiều khi rất đơn giản, là cái răng nanh con thú săn được, là hòn đá, con dao gỉ vân vân, nhưng khi đã ngự trên chỗ thiêng thì nó trở nên thiêng. Nhà rông ngoài chức năng hội họp thì còn là nơi đàn ông con trai tối tối lên đấy ngủ. Tôi mỗi lần xuống làng là lại mắc võng nhà rông ngủ, và nhờ thế mà tiếp cận cái thế giới đêm trên nhà rông, mới biết nó thú vị thế nào.

Vân vân các loại

Đến một ngày, người ta thấy cần phải nhân rộng mô hình nhà rông, biến nó thành nhà rông văn hóa, thành thiết chế văn hóa, để cho cả vùng cùng được hưởng.

Và thế là những cái nhà rông bê tông lợp tôn khổng lồ ra đời.

Đấy là những cái nhà rông phải nói là rất thô kệch, xấu xí, mọc lên đầy ở các xã Tây Nguyên cách đây một hai thập niên. Nó đến từ 2 nguồn chính, một là dự án của Bộ Văn hóa thời ấy. Thường thì mỗi cái nhà rông loại này trị giá chừng 200 triệu (thời giá lúc ấy), trong đó có 100 cho nhà và 100 cho ruột. Đột xuất có cái giá thành lên đến hàng tỉ. Nguồn thứ 2 là đền bù thủy điện, tái định cư, hoặc các đơn vị doanh nghiệp, các tỉnh tặng.

Nhà Rông vài chuyện chưa xa...

Nhà rông văn hóa ở huyện Chư Prông, Gia Lai.

Cả vỏ và ruột nhà rông loại này ngay lập tức bị tẩy chay, vì nhiều lẽ.

Một là như đã nói, nhà rông chỉ gắn với làng. Ở đây toàn là nhà rông làm ở trụ sở xã nên nó chơ vơ ở đấy, chả ai vào sử dụng. Thứ 2 những thứ tạo nên hồn cốt nhà rông đều không có, trong đó quan trọng nhất là bếp lửa và vật thiêng. Ngay một chi tiết này thôi cũng không ai để ý. Ấy là do tập quán và sinh hoạt của mình, đồng bào rất hay uống rượu cần bên bếp lửa và liên tục hút thuốc rất nặng. Uống rượu cần thì luôn phải đổ nước, và hút thuốc nặng thì luôn luôn... nhổ nước bọt. Cái sàn nhà rông truyền thống bằng le hoặc ván luôn có khe hở để nước chảy xuống dưới, và đồng bào nhổ nước bọt xuống đấy (nhổ quen nên họ nhổ rất tài, xa và chính xác), giờ nền xi măng đầy bụi, bà con đi chân đất, hãy hình dung sự nhoe nhoét của nó.

Hai là, ai là người sẽ quản lý cái nhà rông chung ấy khi mà trong ruột nó là máy móc hàng trăm triệu, và để vận hành máy móc ấy, khi ấy phải tốn tiền mua xăng chạy máy nổ, tiền thuê băng video và đủ thứ tiền lặt vặt nữa... Hồi ấy nhà rông văn hóa chủ yếu là chỉ chiếu video cho đồng bào, nhưng với những bất tiện như thế nên sau vài tháng là vĩnh viễn khóa để đấy, để nó tự sụp dần, dù khi khánh thành nhà rông thường tổ chức rất lớn, mời đầy đủ ban ngành từ tỉnh tới huyện, có nơi tổ chức ăn trâu, nhậu nhẹt tưng bừng cả ngày. Trong khi những nhà rông truyền thống, vì đã có nhà rông văn hóa nên bị chính quyền bỏ rơi, làng nào muốn làm mới, sửa chữa thì tự túc. Mà tự túc thế nào được khi mà muốn chặt gỗ làm cột thì phải xin phép, và phần lớn là không được, lý do không chính đáng thì... quên đi.

Mà cái nhà rông truyền thống rất lạ. Nó toàn do những ông nông dân làm, chả cần thiết kế tính toán gì hết, cứ ngửa cổ nhìn trời một lúc, thế là cắt cử, người đi chặt gỗ trong rừng, người lấy lồ ô, người cắt tranh, năm sáu tháng thì xong, hoàn toàn không dùng đến sắt thép đinh đục bào... gì hết, chỉ con rựa và cái rìu, còn toàn bộ là đồ rừng. Thế mà chính xác đến từng chi tiết, mà các kiến trúc sư, các họa sĩ ngả mũ kinh ngạc, mà chịu đựng bao nhiêu gió bão Tây Nguyên, mỗi cái nhà rông cao bằng cái nhà ba tầng chứ ít à. Nghe mấy ông kiến trúc sư bảo, nó còn tuân thủ rất đúng tỉ lệ vàng của kiến trúc và xây dựng, điều mà không phải công trình hiện đại nào bây giờ cũng có thể. Cái nhà rông văn hóa thô bao nhiêu thì cái nhà rông truyền thống nó trữ tình bấy nhiêu. Tôi phát hiện ra, nếu nhìn kỹ, té ra cái nhà rông truyền thống nó không góc cạnh thẳng lừ như cái nhà bê tông, mà dáng nó rất cong, rất uốn lượn, tức là trong sự thẳng có cong, trong sự cứng có mềm, trong dáng đồ sộ có cái yếu ớt, trong cái hùng vĩ có sự dịu dàng... Có lẽ điều ấy khiến nó chịu được những cơn gió luôn lồng lộng đêm ngày được ví như những con ngựa hoang thảo nguyên, dù nó luôn được làm trên những chỗ cao nhất của làng và nó bật lên giữa các nhà sàn lúp xúp xung quanh.

Nhà Rông vài chuyện chưa xa...

Nhà rông truyền thống ở Kon Tum.

Hồi ông Sô Lây Tăng, một bác sĩ người Jẻ-Triêng làm Bí thư tỉnh ủy Kon Tum, chắc vì thấy nó quá vô lý, mặt nữa ông rất nghe ý kiến phản biện của báo chí, nên tỉnh ủy Kon Tum đã ra một cái nghị quyết “phục hồi và bảo vệ nhà rông truyền thống” do ông trực tiếp ký. Hồi ấy tôi là người đã lẩy một câu nói của ông ra để làm tít một bài báo “Không chi thiết kế phí cho nhà rông”. Là đồng bào tự làm thì chả sao, mà nó lại đẹp, lại có giá trị sử dụng, trong khi cũng cái ấy, vào tay nhà nước, thế là lại phải thiết kế, duyệt thiết kế các loại... và thiết kế thì phải có tiền, duyệt cũng có tiền... ấy là nói tiền chính đáng, không kể này nọ...

Cái phong trào làm nhà rông văn hóa nó kéo theo hệ lụy là bây giờ các nhà rông truyền thống cũng... ngắc ngoải. Bởi bao nhiêu nhân lực vật lực đã đổ hết vào hàng trăm cái nhà rông khổng lồ chơ vơ kia rồi, giờ bà con chỉ còn tận dụng những cái nhà rông cũ. Tôi đã đi rất nhiều làng Tây Nguyên, khách đến họ đều mời lên nhà rông, rồi khui ghè rượu đãi khách. Nếu qua đêm thì mời cơm rồi mắc võng ở đấy mà ngủ, cùng với trai làng. Nhưng giờ những làng còn nhà rông ít lắm, và cũng rất sập sệ. Giá như tiền làm những cái nhà rông khổng lồ ấy chia về cho các làng, họ bỏ thêm công sức ra rồi tự làm thì hay biết bao nhiêu. Giờ muốn làm cũng không được, bởi thứ nhất là đã... hết gỗ. Rừng Tây Nguyên hết gỗ tưởng đùa mà lại hóa thật. Thứ hai là nghệ nhân sau một thời gian dài không được hành nghề cũng đã kịp... lụt nghề. Không phải ai cũng có thể làm nhà rông. Mỗi làng chỉ có một hoặc 2 ông có khả năng chỉ huy, người Kinh gọi là thợ cả. Họ tính toán như thần và xử lý công việc rất chuyên nghiệp, dù chả có tí chữ nào, dù không phải dùng đến một tẹo sắt thép xi măng gạch đá... nào, thế mà mọi việc cứ đâu vào đấy, nhà rông truyền thống hình thành và trường tồn qua năm qua tháng, qua mưa qua bão, qua nắng qua gió...

Chắc chỉ mươi năm nữa, có khi đến các làng Tây Nguyên, sẽ gặp một tấm bảng: Nơi đây, xưa là một cái nhà rông!!!          

Bài và ảnh: VĂN CÔNG HÙNG

 


Ý kiến của bạn