"Nhà quê" những năm 30 thế kỷ trước

23-11-2009 06:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

Thời Pháp thuộc, bọn thực dân tạo ra chữ nhaqué (đọc theo giọng Pháp là ni-ắ-cuê) để gọi nông dân ta một cách khinh miệt.

Thời Pháp thuộc, bọn thực dân tạo ra chữ nhaqué (đọc theo giọng Pháp là ni-ắ-cuê) để gọi nông dân ta một cách khinh miệt.

Vào những năm 30, Hoài Thanh tuổi 25 - 26 ở Huế ra làm nghề chữa mo-rát và viết báo sau khi bị tù và đuổi học vì chống Pháp. Ông ký tên là Le Nhaqué ở báo La Gazette de Hue và Nhà - Quê ở báo Tràng An. Đọc chục bài ông viết về nông thôn trong tập Hoài Thanh trên báo Tràng An, Huế 1935-1936 (NXB Hội Nhà văn 2009, Từ Sơn sưu tầm) ta hiểu rõ tại sao ông lấy bút danh trên, lòng ưu ái của ông đối với nông dân, sự dũng cảm bênh vực một giai cấp bị cả Tây lẫn ta rẻ rúng (Lý Toét, Xã Xệ).

Một gia đình Việt Nam những năm 30 của thế kỷ 20.

Lấy bút danh Nhà-Quê và Le Nhaqué là để công khai tuyên bố tự nhận mình cũng là nhà quê, tự hào chứ không xấu hổ. Có lẽ cũng bắt chước Nguyễn Ái Quốc đặt tên báo là Le Paria (Người cùng khổ) "Ở xứ ta hiện nay, dân quê là phần tử quan trọng hơn hết và khốn khổ hơn hết: Sau 50 năm Âu hoá, dân quê phần đông chưa hề được hưởng một tý ơn gì của nền văn hoá mới. Cuộc đời của họ vẫn âm thầm và nặng nề như mấy trăm năm về trước".

Bất lực và vô trách nhiệm, chính quyền thực dân phong kiến chẳng làm gì mấy để canh tân cấu trúc về kỹ thuật nông nghiệp. Như ở Trung Kỳ, gạo sản xuất ra ế ẩm, không nước nào mua. Trong khi đó ngô tuy ít mà có lời, xuất được sang Pháp. Vậy mà Sở Nông chánh và chính quyền chả làm gì  để phá thế độc canh lúa, khuyến khích dân trồng ngô bằng những biện pháp cụ thể.

Một tờ báo Pháp than phiền là một viên giám binh Tây mỗi tháng lương có 146 đồng thì làm sao đủ sống ở thuộc địa. Vậy mà, 146 đồng là gấp 10 lần lương trung bình người Việt và gấp hơn 100 lần thu nhập của người nông dân. Đời sống  nông dân là cơ cực, bị áp bức, bóc lột. "Chỉ với ba đồng xu một ngày họ đã đủ sống mà cũng không sao kiếm nổi! (1 đồng= 100 xu) "

"Gặp kỳ sưu thuế, thôi thì có gì cũng bán, bán ruộng nương nhà cửa, bán trâu bò, cầy cuốc, bán đồ thờ, bán con cái... Trung bình mỗi người dân mỗi năm chịu ba đồng bạc sưu. Các bạn có biết 3 đồng là bao nhiêu không?  Đó là tiền công của họ làm trong hai tháng, có nghĩa một năm có 60 ngày làm không công cho bọn thống trị. Họ bị hà hiếp bởi đủ mọi sai dịch: tuần đinh, lính lệ, lý trưởng... Cô Phát 19 tuổi ở Cao Lãnh uống thuốc pháo tự tử  chỉ vì hái mấy bông bí, bị hương quản bắt và định làm nhục. Anh Tuất ở Thanh Hoá nhẩy xuống sông tự tử vì bị sai dịch đánh trong cơn sốt rét".

Nhưng điều mà Hoài Thanh lo lắng nhất là chính sách ngu dân sẽ tiêu diệt mất khả năng phản ứng của đại chúng nông dân. Ông nhớ đến anh Trịnh một thợ cầy, có sức khoẻ, thông minh khác thường "Tôi dạy anh chữ quốc ngữ, chỉ mấy tối anh đã viết ngay ngắn thẳng hàng. Một người tiếp thu nhanh như vậy mà vì hoàn cảnh, không được đi học, mai một dần... Có bao nhiêu anh Trịnh khác ở nước ta?  Thật là một sự phí phạm ghê gớm!".

Cùng báo chí tiến bộ thời đó, Hoài Thanh  báo động toàn dân cần cứu   vớt dân quê, vì "nông thôn là nền tảng của xứ này!".

Ngòi bút của Nhà-Quê lên án không những chính sách nông dân mà tất cả những việc đàn áp bất công đương thời. Vì vậy, chính quyền thực dân cấm Hoài Thanh viết báo Tràng An, ngăn chặn cái "mầm cách mạng". Chúng ngờ đâu, Hoài Thanh  đã dành được thời gian này viết phê bình văn học. Ông soạn sách Thi nhân Việt Nam (1941) tổng hợp và cổ vũ Thơ Mới,  chính khuynh hướng lãng mạn đã canh tân văn học ta. Nhiều người ngộ nhận  chỉ thấy mặt tiêu cực (xa rời quần chúng, cá nhân hoặc hoài cổ...) của chủ nghĩa lãng mạn. Lịch sử chủ nghĩa lãng mạn trên thế giới cho thấy cả mặt tích cực: đề cao dân tộc, phản phong... Ở ta cũng vậy! Lãng mạn đòi hỏi tự do cá nhân, chống lại thói độc đoán phong kiến, bước chuẩn bị để chuyển sang đòi hỏi tự do dân tộc. Nhiều nhà thơ mới lãng mạn đi theo Cách mạng tháng Tám chứng tỏ điều ấy.

Đánh giá Hoài Thanh chủ trương "nghệ thuật vị nghệ thuật" khi bút chiến với Hải Triều cũng không xác đáng. Đọc kỹ các tư liệu thì thấy Hoài Thanh không hề theo quan điểm duy mỹ. Từ điển Văn học (bộ mới) đã nhận định: "Do trình độ nắm lý luận Mácxít của Hải Triều bấy giờ còn hạn chế, nên ông không tránh khỏi những sai sót, những vận dụng còn giản đơn, sơ lược  khi quy kết phía đối lập mà ông gọi là nhóm "nghệ thuật vị nghệ thuật" (Nguyễn Hoành Khung). Nhà thơ Xuân Sách dựa vào Hải Triều cũng nhận định sai khi ông viết thơ chân dung về  Hoài Thanh "Vị nghệ thuật nửa đời người...".  Thời gian và lịch sử đã chiêu tuyết cho nhà phê bình để thống nhất với quan điểm một nhà báo từng bênh vực người nông dân "Nhà quê".

Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn