Nghề y là một nghề đặc biệt vừa mang tính khoa học chính xác vừa có tính nghệ thuật, đó là sự tổng hợp các hoạt động thể lực, tinh thần và đạo đức, được bồi đắp bằng tài năng, sự đào tạo và kinh nghiệm. Những nhà phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật tim mạch phải có các phẩm chất hơn thế.
Thầy thuốc ưu tú, tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng - Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch Bạch Mai có trên 22 năm là bác sĩ phẫu thuật tim, đã mang lại sự sống cho hàng nghìn người bệnh, là người đã tích cực tham gia nhiều hoạt động phát triển các phẫu thuật tim mạch và áp dụng thành công các tiến bộ phẫu thuật tim của thế giới vào hoàn cảnh Việt Nam.
TS. Dương Đức Hùng (giữa) trong một ca mổ tim.
Chuyện hai bố con được mổ tim
Một dấu ấn trong sự nghiệp phẫu thuật của TS. Dương Đức Hùng là đã mổ thành công cho hai bố con trong một gia đình ở làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội mắc Hội chứng Marfan, một bệnh khó chữa và có tính di truyền (Dũng là bố, cao 1,78m; con trai Tùng, cao 1,88m; con gái Phương 16 tuổi, cao 1,72m). Ông Nguyễn Văn Dũng bị đau tim, nhiều lần khó thở, ngất xỉu. Từ năm 1998, các thầy thuốc ngành tim mạch đã chẩn đoán bệnh. Năm 2001, ông Dũng lên cơn đau ngực đột ngột và dữ dội do phồng động mạch chủ dẫn đến trụy tim mạch.
Bệnh nhân được gia đình đưa đi cấp cứu tại Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực BV Việt Đức trong tình trạng rất nặng, người gầy, sức yếu với hy vọng được BS. Hùng vừa tiếp thu các kỹ thuật phẫu thuật tim tiên tiến ở Pháp về sẽ mổ cho. Sau khi thăm khám, BS. Hùng đã giải thích, bệnh nhân Dũng rất yếu, với sức khỏe như vậy rất khó qua khỏi, lại chi phí nhiều tiền thuốc và dụng cụ. Chị Hương - vợ bệnh nhân rất tha thiết đề nghị: “Tôi biết sức khỏe của chồng tôi, dù còn ít hy vọng sống nhưng gia đình vẫn mong bác sĩ mổ để bố các cháu qua khỏi. Nếu không cứu được, tôi sẽ đưa thi hài chồng tôi về làm tang lễ ngay tại nhà và tôi đã gửi tiền cho bà chị gái nhờ lo hộ việc hậu sự, nếu chuyện không may xảy ra”. Trước nguyện vọng của gia đình, TS. Hùng đã chấp nhận mổ. Ông huy động cán bộ, phương tiện thuốc men thực hiện ca mổ thành công. Từ phòng mổ bước ra, ông thông báo với hơn 30 người của gia đình ngóng đợi tin và mở chai rượu Champagne để mừng. Ngày hôm sau, bệnh nhân đột ngột có biến chứng, TS. Hùng đã ở lại Bệnh viện, thức trắng cả ngày và đêm để lo cho bệnh nhân.
Bệnh nhân Dũng sau 10 ngày được ra viện. Gia đình đã tổ chức bữa cỗ cúng và mời họ hàng, làng xóm và vị ân nhân của gia đình. TS. Hùng chỉ đến dự được 20 phút trong sự chào đón nồng nhiệt của gia đình và dân làng. Bà mẹ bệnh nhân đã nắm chặt hai bàn tay TS. Hùng nức nở khóc, chân thành biết ơn... Tại đây, TS. Hùng thương cảm với hoàn cảnh của một gia đình nghèo, ông Dũng có mẹ già, vợ và hai con còn nhỏ. Lúc đó có thể tiến sĩ chưa biết, sau ngày đó, gia đình đã phải bán mảnh đất làng hoa hơn 100m2 với căn nhà cấp 4 lợp tôn để có tiền trả nợ, rồi mua mảnh đất 22m2 để sinh sống. Sức khỏe của ông Dũng tốt dần lên, ổn định trong 13 năm qua. Ông đã giúp vợ chí thú làm ăn, mở hàng ăn uống, đã tích cóp được tiền mua đất khác rộng hơn, làm được nhà 3 tầng ở mặt ngõ và có tiền viện phí, thuốc men để đưa con trai Nguyễn Quang Tùng mắc bệnh giống như bố đến TS. Hùng trực tiếp mổ tim tại Đơn vị phẫu thuật Tim mạch BV Bạch Mai vào tháng 10/2013 bình an.
Phẫu thuật nội soi thay van hai lá bằng van nhân tạo
TS. Dương Đức Hùng đã thực hiện một kỹ thuật mới là Phẫu thuật nội soi thay van hai lá bằng van nhân tạo cơ học ON-X bằng phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân Đoàn Ngọc Thống, 38 tuổi (TP. Thanh Hóa).
Trước đây, kỹ thuật mổ tim hở như truyền thống, phẫu thuật viên phải cưa xương ức đến 15cm, sau khi thay van hai lá, rồi đóng xương ức bằng chỉ kim loại gây đau đớn cho bệnh nhân. Thêm nữa, phải cần đến thuốc giảm đau liều mạnh và thời gian bệnh nhân ra viện phải lâu hơn. Đây là ca mổ nội soi tim có kỹ thuật khó và đòi hỏi phải có những dụng cụ phẫu thuật chuyên biệt được TS. Hùng và các bác sĩ Viện Tim mạch Việt Nam thực hiện vào ngày 23/3/2013. Ông chỉ cần đưa dụng cụ nội soi vào qua hai lỗ nhỏ và một đường rạch cạnh sườn dài khoảng 3cm để đưa van nhân tạo vào. Ca mổ được tiến hành trong 3 giờ cho kết quả khả quan. Bệnh nhân tỉnh ngay sau đó. Hôm sau, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, đi lại, ăn uống bình thường và sau 5 ngày thì xuất viện.
Đây là trường hợp nội soi tim mạch đầu tiên được thực hiện thành công ở nước ta, mở ra triển vọng mới trong việc điều trị cho bệnh nhân tim mạch.
TS. Dương Đức Hùng nghiên cứu bệnh án trước khi làm phẫu thuật.
Ghép thành công van tim tự thân, tồn tại suốt đời
TS. Dương Đức Hùng và các bác sĩ Viện Tim mạch, BV Bạch Mai đã lấy van động mạch phổi để ghép vào vị trí của van động mạch chủ, đồng thời lấy màng tim để tạo một van động mạch phổi khác cho một bệnh nhân 22 tuổi ở Nghệ An.
Kỹ thuật ghép van tự thân đã giúp người bệnh không phải mua ít nhất một chiếc van có giá 30 triệu đồng, chưa kể chi phí thuốc chống đông máu và các loại thuốc khác để duy trì, giúp van nhân tạo hoạt động tốt. Cho đến nay, Việt Nam đã có 5 bệnh nhân được mổ ghép van tim bằng cách này.
TS. Hùng còn ứng dụng thành công mô hình “phẫu thuật không kháng sinh”, giúp người bệnh giảm nguy cơ kháng sinh do dùng thuốc kéo dài cũng như giảm chi phí điều trị từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Để làm được điều này, các nhân viên y tế phải tuân thủ chế độ nghiêm ngặt, bảo đảm phòng mổ và điều trị hoàn toàn vô trùng, tránh nhiễm khuẩn.
Cứu sống bệnh nhân bị nhiễm trùng tim rất nặng
Một số bác sĩ đã từ chối các phẫu thuật xử trí nhiễm trùng tim là ca mổ rất khó khăn, tỷ lệ tử vong rất lớn. TS. Hùng kể lại: “Trước khi quyết định thực hiện ca mổ, tôi đã rất đắn đo, nói hết những khó khăn cho gia đình, nhưng mẹ của anh thanh niên đã nắm chặt lấy tay tôi cầu khẩn: “Bác sĩ làm ơn cứu em nó. Chỉ cần cứu nó sống, cho dù không lao động được thì vẫn là trụ cột gia đình, cho hai con của nó còn có bố”. Lời yêu cầu khẩn thiết của người mẹ đã tiếp sức cho tôi quyết tâm. Mong ước của bà mẹ là áp lực lớn đối với tôi và cả kíp mổ, phải phấn đấu cho thành công. Tôi động viên anh chị em: “Chúng ta cùng cố gắng nhé”.
Ca mổ căng thẳng kéo dài trong 4 tiếng đồng hồ, vượt qua các khó khăn, cuối cùng, mọi cố gắng của ông và ê-kíp mổ đã được đền đáp xứng đáng. Ngày tiễn bệnh nhân ra viện, bên các con và hai cháu, bà mẹ vui mừng nói lời biết ơn công lao của các thầy thuốc đã cứu sống không chỉ cho con trai bà mà cứu sống một gia đình. TS. Hùng rất xúc động.
Văn hóa phong bì
TS. Dương Đức Hùng kể lại với chúng tôi: Tôi có hai người cha; đó là bố tôi - PGS.TS. Dương Đức Bính - một chuyên gia về chấn thương chỉnh hình; và ông bố dạy nghề y là PGS. Viện sĩ Tôn Thất Bách - chuyên gia phẫu thuật tim, đã có lúc nói chuyện với tôi về vấn đề rất nhạy cảm này.
Nhiều người nhà bệnh nhân luôn lo lắng khi giao người thân đang ở tình trạng rất nặng cho tôi và ê-kíp mổ nên tìm cách biếu quà trước. Họ cho mình cốt để mong cho người nhà họ được làm tốt. Chúng tôi không bao giờ nhận, và luôn bảo họ cứ yên tâm. Ca mổ thành công, nếu những người đó có bày tỏ sự cảm ơn, chúng tôi cử người tiếp nhận, không phân biệt nhiều, ít, to, nhỏ. Có trường hợp chúng tôi nhận, rồi trả lại họ vì biết hoàn cảnh bệnh nhân rất nghèo. Có trường hợp lúc ra viện họ không có gì, nhưng một thời gian sau, vào dịp lễ Tết, họ lại mang quà đến cảm ơn các thầy thuốc đã cứu sống họ ngày nào. Các thầy vẫn bảo chúng tôi: “Đó là phong tục của một xã hội văn minh chứ không phải là sự hối lộ”.
Ðường dẫn đến thành công
TS. Dương Đức Hùng sinh năm 1966 tại quê hương Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp bác sĩ nội trú ngoại khoa năm 1992, đã đi thực tập về Phẫu thuật Tim người lớn và trẻ em tại Pháp các năm 1995, 1999 và 2004. Với những phấn đấu bền bỉ, năm 2008, TS. Dương Đức Hùng được đề bạt là Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Lồng ngực BV. Việt Đức, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Ông được kết nạp vào Đảng ngày 3/2/2010. Năm 2012, ông là Trưởng Đơn vị phẫu thuật Tim mạch, Viện Tim mạch, BV Bạch Mai.
Người Pháp có câu nói: Nhà phẫu thuật là người có cái đầu lạnh, trái tim nóng và đôi bàn tay bọc nhung. Với ba yếu tố đó, một bác sĩ có thể trở thành một nhà phẫu thuật chuẩn mực, song nếu có thêm chút năng khiếu bẩm sinh sẽ là nhà phẫu thuật xuất sắc, có tài năng.
Song tất cả là chưa đủ. TS. Dương Đức Hùng đã phải trải qua một quá trình khổ luyện như nghề võ, một sự rèn luyện liên tục, trường kỳ, năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác và từng ngày, từng ngày tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Để làm nên những thành công, TS. Hùng cần mẫn học hỏi các thầy, qua sách vở, qua bạn bè và học qua các biến chứng xảy ra trong ca mổ không đạt yêu cầu của chính mình và của đồng nghiệp.
TS. Dương Đức Hùng đã tham gia giúp đỡ, phát triển phẫu thuật tim tại BV Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Thống nhất TP. Hồ Chí Minh, đồng thời tham gia giảng dạy lý thuyết và thực hành cho sinh viên và học viên sau đại học Trường đại học Y Hà Nội. Ông tham gia 2 đề tài NCKH cấp Nhà nước, chủ trì nhiều đề tài cấp Bộ, cấp cơ sở.
Bài, ảnh: Trần Giữu