Nhà phát minh ra xạ phẫu (dao gamma): Trở thành thiên tài sau một tai nạn

17-09-2023 13:00 | Y học 360

SKĐS - Phương pháp xạ phẫu bằng tia gamma (hay còn gọi là dao gamma) là phát minh làm thay đổi ngành thần kinh học, dùng để điều trị u não. Nhà phát minh ra dao gamma chính là một thiên tài. Trong quá khứ, tai nạn đã trở thành bước ngoặt thay đổi cuộc đời ông, giúp ông dấn thân vào ngành y khoa.

Người bệnh hát trong lúc được robot AI mổ nãoNgười bệnh hát trong lúc được robot AI mổ não

Ông Hải (58 tuổi) bị đột quỵ xuất huyết não đã hơn 24 giờ, dần lơ mơ yếu liệt, nếu mổ theo phương pháp truyền thống, nguy cơ di chứng cao nhưng khi được mổ lấy máu tụ tỉnh thức bằng robot AI, ông có thể song ca cùng bác sĩ ngay khi đang mổ.

Cả cuộc đời mình, vị bác sĩ người Thụy Điển Lars Leksell đã mày mò phát triển các phương pháp mới điều trị rối loạn thần kinh. Dao gamma (hay xạ phẫu) mang tới một cuộc cách mạng trong y khoa.

Hai tác giả Tommy và Åsa Bergenheim đã dành vài năm để nghiên cứu về cuộc đời của Lars Leksell. Trong tiểu sử viết về ông mang tên "Bộ não và Trái tim" (ra mắt năm 2021), chân dung của vị bác sĩ tài hoa này đã được khắc họa rõ nét.

Tommy Bergenheim - giáo sư danh dự về phẫu thuật thần kinh cho biết, tư duy khoa học của Lars Leksell dựa trên nền tảng kiến thức rộng. Ông đã bắt kịp những nghiên cứu đổi mới vượt qua cả lĩnh vực phẫu thuật thần kinh của mình. Thế mạnh của ông là kết nối những thành tựu và công nghệ từ các lĩnh vực khác nhau để đưa ra phát minh mới.

Nhà phát minh ra xạ phẫu bằng dao gamma: Trở thành thiên tài sau một tai nạn - Ảnh 1.

Bác sĩ người Thụy Điển Lars Leksell - nhà thiên tài đã phát minh ra phương pháp xạ phẫu bằng tia Gamma (hay còn gọi là dao Gamma) để triệt tiêu u não. Đây là phương pháp phẫu thuật không xâm lấn, không gây chảy máu nhờ dùng phóng xạ thu nhỏ khối u.

Người con trai của ông Larry Leksell đã có những lời tưởng niệm về người cha của mình như sau: "Bố tôi luôn tập trung cao độ vào bệnh nhân. Ông luôn cảm thấy đau thay cho người bệnh. Thiên bẩm của ông là tạo ra ảnh hưởng và đưa ý tưởng khoa học của mình vào thực hành lâm sàng."

Dao gamma hay xạ phẫu chính là phương pháp loại bỏ khối u không gây đau, không gây chảy máu.

Xạ phẫu Gamma Knife hay phẫu thuật sử dụng dao Gamma là một phương pháp điều trị sử dụng bức xạ dưới hướng dẫn của máy tính để điều trị u não ác tính, dị dạng mạch máu và các bất thường khác trong não. Dao Gamma là một phương pháp điều trị sử dụng các chùm bức xạ tập trung cao độ.

Xạ phẫu (được dịch từ Stereotactic radiosurgery), đôi khi còn được gọi là xạ trị định vị lập thể (Stereotactic Radiotherapy) là phương pháp xạ trị đưa liều xạ cao đến bướu với sự hỗ trợ của hệ thống định vị vị trí khối bướu đa chiều với sự chính xác <1mm.

Tai nạn giao thông đưa Lars Leksell vào con đường y khoa

Hồi còn trẻ, chàng thanh niên Lars Leksell chưa có ý định theo đuổi con đường y khoa. Khi đó, ông thiên về lựa chọn ngành luật hoặc lịch sử văn học. Tuy nhiên, một vụ tai nạn ông gặp phải đã vĩnh viễn làm thay đổi cuộc đời ông. Sau khi phải nhập viện điều trị, chứng kiến sự tận tâm của các bác sĩ cùng những kỹ thuật của họ, ông cảm thấy ấn tượng tới mức quyết định phải theo đuổi ngành y khoa.

Vào mùa thu năm 1927, ông đã được nhận vào trường y. Trong quá trình học, Leksell không cảm thấy đam mê các môn lý thuyết, tiền lâm sàng và luôn lo lắng trước mỗi kỳ thi.

Tuy nhiên, điều này đã thay đổi hoàn toàn sau khi chàng thanh niên nhận bằng cử nhân, người bác sĩ trẻ trở nên say mê với các môn lâm sàng.

Vào tháng 1 năm 1931, Leksell gặp một trong những bác sĩ phẫu thuật hàng đầu của Thụy Điển - Herbert Olivecrona. Nhà phẫu thuật sau này là giáo sư và trưởng phòng khám phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Seraphim ở Stockholm.

Olivecrona được cho là đã phẫu thuật cho hơn 6.000 bệnh nhân u não trong suốt sự nghiệp của mình. Trong số các bệnh nhân được Olivecrona phẫu thuật có nhà văn người Hungary Frigyes Karinthy. Nhà văn này sau đó đã đưa trải nghiệm của mình vào trong cuốn tiểu thuyết "Chuyến tham quan quanh sọ của tôi" vào năm 1939.

Cuộc gặp gỡ "định mệnh" đã đưa Lars Leksell vào một ngã rẽ mới: chàng thanh niên quyết định trở thành một bác sĩ giải phẫu thần kinh.

Tuy nhiên, ông đã phải vượt qua nỗi sợ hãi với mùi khó chịu và máu khi mổ cho bệnh nhân, con trai ông - Dan Leksell cũng là một bác sĩ kể lại.

"Cha tôi cảm thấy rất khiếp với những cuộc phẫu thuật dùng dao mổ thường với đầy máu. Vào những năm 1930, phẫu thuật thần kinh còn ở giai đoạn sơ khai và tỷ lệ tử vong rất cao. Từ 60 đến 70% bệnh nhân tử vong trong vòng một tháng sau khi thực hiện thủ thuật. Điều đó khiến bố tôi băn khoăn liệu có phương pháp phẫu thuật não nào ít xâm lấn và ít chấn thương hơn hay không.”, ông Dan Leksell tâm sự.

Lars Leksell là người có óc thẩm mỹ tinh tế. Thực tế, khung cảnh máu me trong các cuộc phẫu thuật não đã trở thành động lực để ông cách mạng hóa y học, dẫn tới sự ra đời của dao gamma, dùng tia gamma để triệt tiêu u não.

"Cha tôi là nhà đổi mới sáng tạo với những lý tưởng cao đẹp về tính thẩm mỹ. Ông rất thích những thứ đẹp đẽ và rất ghét những thứ xấu xí", BS. Dan Leksell nói.

Năm 1935, Lars Leksell nhận bằng cử nhân y khoa. Ông muốn tham gia cùng người thầy Olivecrona của mình, nhưng Bệnh viện Seraphim không tuyển thêm bác sĩ, vì vậy mà ông phải tìm công việc bên ngoài các thành phố lớn.

Trong vòng vài năm, ông đã tích lũy được kinh nghiệm tại vài bệnh viện khác nhau, bao gồm Bệnh viện Sundsvall và phòng khám phẫu thuật nổi tiếng của bệnh viện này.

Vào mùa thu năm 1938, Lars Leksell cuối cùng đã được làm việc cùng người thầy của mình. Ông trở thành trợ lý cho thầy mình tại Bệnh viện Seraphim, nơi khởi đầu cho các nghiên cứu của ông.

Dự án đầu tiên của Lars Leksell liên quan đến việc chụp ảnh khối u não bằng X-quang, thí nghiệm trên thỏ được cấy ghép khối u ác tính. Kỹ thuật đã thành công dù công trình nghiên cứu của ông chưa bao giờ được xuất bản.

Trong một dự án khác, Lars Leksell và một đồng nghiệp chế tạo một thiết bị có thể đo chuyển động của mắt bằng phương pháp sinh lý thần kinh.

Đầu tháng 5/1945, Lars Leksell đã trình bày luận án tiến sĩ về các sợi thần kinh mỏng mà ông gọi là tế bào thần kinh vận động gamma. Theo thời gian, công trình này đã trở thành nền tảng của ngành sinh lý thần kinh.

Sau khi Thế Chiến II kết thúc, Lars Leksell rời Bệnh viện Seraphim để thành lập phòng khám phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Lund ở miền nam Thụy Điển. Ông bắt đầu nghiên cứu về phẫu thuật thần kinh.

Ở Thụy Điển, ca phẫu thuật thùy não đầu tiên được thực hiện trên bệnh nhân vào những năm 1940. Những tác động bất lợi của những can thiệp này, chẳng hạn như rối loạn nhân cách và tử vong. Đó chính là điều khiến Leksell trăn trở để tìm ra một phương pháp khác an toàn và ít tác dụng không mong muốn.

Những bước tiến dẫn đến sự ra đời của dao Gamma (xạ phẫu)

Năm 1949, BS Lars Leksell phẫu thuật cho bệnh nhân đầu tiên sử dụng dụng cụ định vị. Bệnh nhân là một nam giới 40 tuổi với khối u nang chứa đầy dịch đè lên dây thần kinh thị giác ở mắt. Bằng cách sử dụng thiết bị định vị, Leksell có thể xác định được vị trí của khối u và dẫn lưu u nang. Bằng cách tiêm chất lỏng phóng xạ, có thể làm chậm lại sự phát triển của khối u.

Vào thập kỷ 1950, Leksell đã đưa ra khái niệm về xạ phẫu, vào thời điểm đó đây là một ý tưởng mang tính đột phá. Mục tiêu của ông là phát triển một kỹ thuật thực hiện các ca phẫu thuật hoàn toàn không gây chảy máu. Sử dụng bức xạ ion hóa được truyền theo kiểu bắn chéo để triệt tiêu khối u não mà không cần mở hộp sọ. Dụng cụ định vị lập thể cung cấp tọa độ cần thiết để tính toán vị trí của mục tiêu và hướng của bức xạ.

Bức xạ được sử dụng lúc đầu là tia X-quang thông thường. Những bệnh nhân đầu tiên được chiếu xạ vào năm 1955.

Lars Leksell sau đó hợp tác với Kurt Lidén, nhà vật lý bức xạ tại Đại học Lund.

Một nhóm nghiên cứu người Mỹ do nhà vật lý sinh học Cornelius Tobias dẫn đầu đã tiến hành các thí nghiệm với bức xạ proton tại UC Berkeley ở California. Những nỗ lực tương tự cũng được thực hiện ở Thụy Điển do người đoạt giải Nobel Theodor Svedberg và đệ tử trẻ Börje Larsson ở Uppsala đi tiên phong. Leksell nói với họ về ý tưởng của mình và thuyết phục họ tham gia vào một dự án nghiên cứu mới.

Vào thời điểm đó, Börje Larsson đang là nhà sinh học bức xạ tại Viện Hóa học Hạt nhân Gustaf Werner ở Uppsala, Thụy Điển. Bức xạ proton được thử nghiệm lần đầu tiên vào tháng 11/1958 trên những bệnh nhân bị trầm cảm, đau nặng và bệnh Parkinson vào tháng 11/1958.

Cộng tác với Börje Larsson, Leksell thảo luận về cách sử dụng một loại phóng xạ khác. Sự lựa chọn là cobalt-60 - bức xạ gamma, có thể được truyền qua một thiết bị được phát triển đặc biệt. Và cuối cùng, dao Gamma ra đời.

Dao Gamma (xạ phẫu) dựa trên nguyên lý lập thể và công trình lý thuyết của Lars Leksell. Hệ thống xạ phẫu đầu tiên được đặt tại phòng khám X-quang thuộc Bệnh viện Sophiahemmet ở Stockholm. Vào tháng 1/1968, phương pháp điều trị đầu tiên được thực hiện trên một bệnh nhân có khối u tuyến yên, một loại khối u lành tính. Trong những năm đầu, bệnh nhân chủ yếu được điều trị bệnh Parkinson và các cơn đau do khối u.

Năm 1960, Herbert Olivecrona nghỉ hưu và Leksell kế nhiệm ông làm giáo sư tại Viện Karolinska và giám đốc phòng khám phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Seraphim ở Stockholm.

Dao Gamma đã trở thành phát minh khoa học nổi tiếng nhất của Lars Leksell. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng cho những phát minh nổi tiếng nhất của mình.

Mời độc giả xem thêm video:

Những điều thú vị về cha đẻ của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm


LiLy
(theo Elekta.com)
Ý kiến của bạn