Hà Nội

Nhà phân phối độc quyền vắc xin Pentaxim tại miền Bắc: Chất lượng Pentaxim và Quinvaxem như nhau

04-01-2016 14:10 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bà Đặng Hồng Thúy- Giám đốc Công ty Hồng Thúy - đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền vắc xin dịch vụ Pentaxim (vắc xin 5 trong 1) tại miền Bắc: “Mặc dù tôi là nhà phân phối vắc xin dịch vụ nhưng tôi vẫn phải công bằng đứng dưới góc độ của người dân và nhà chuyên môn nói rằng chất lượng của vắc xin dịch vụ và vắc xin Quinvaxem là như nhau. Không có chuyện vắc xin dịch vụ tốt hơn vắc xin Quinvaxem”.

Đây là thông tin được bà Thúy đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống xung quanh câu chuyện khan hiếm vắc xin dịch vụ được dư luận quan tâm…

Bà Đặng Hồng Thúy - nhà phân phối độc quyền vắc xin dịch vụ khu vực phía Bắc

PV: Bà nghĩ sao về việc cha mẹ sẵn sàng xếp hàng từ nửa đêm chỉ để đăng ký được vắc xin dịch vụ cho con/em mình, trong khi cũng loại vắc xin này ở chương trình tiêm chủng mở rộng lại không hề thiếu?

Bà Đặng Hồng Thúy: Trước khi trả lời câu hỏi của bạn, tôi cũng phải khẳng định luôn là trong suốt 23 năm chúng tôi làm việc và hợp tác với hãng Sanofi Pasteur về việc cung ứng vắc xin dịch vụ cho khu vực miền Bắc, chưa bao giờ xảy ra sự việc thiếu vắc xin căng thẳng như hiện nay. Nói cách khác đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố thiếu vắc xin dịch vụ.

Theo tôi, có 3 nguyên nhân dẫn tới việc thiếu hụt hay khan hiếm vắc xin dịch  vụ 5 trong 1 và 6 trong 1 và kéo theo tình trạng “hội chứng đám đông” và áp lực tâm lý trong tiêm chủng dịch vụ. Thứ nhất, do nhu cầu sử dụng 2 loại vắc xin này trên toàn cầu trong đó có Việt Nam gia tăng vượt quá khả năng của nhà sản xuất, dẫn tới "đứt hàng" toàn cầu. Thêm nữa, nhà sản xuất cho biết họ đang nâng cấp sửa chữa lại một số dây chuyền/nhà máy sản xuất do đó số lượng vắc xin hiện có chủ yếu là để đáp ứng cho các nước đã ký cam kết sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Thứ hai, trên thực tế tại Việt Nam sau một số sự cố về tiêm chủng vắc xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng là nguyên nhân làm gia tăng nhu cầu tiêm vắc xin dịch vụ Pentaxim.

Thứ ba, cũng phải thẳng thắn nói rằng, việc vắc xin dịch vụ gia tăng và lên đến đỉnh điểm là sự cố vỡ trận ở phòng tiêm dịch vụ 182 Lương Thế Vinh – Hà Nội vừa qua có nguyên nhân chính là do công tác truyền thông, thông tin về nguyên nhân các sự cố, tai biến sau tiêm vắc xin Quinvaxem  chưa thực sự minh bạch, rõ ràng và thuyết phục nên đã dẫn tới “hội chứng đám đông”. Khi người dân lo ngại về vắc xin Quinvaxem dẫn tới việc họ sẽ đổ xô tìm tiêm vắc xin dịch vụ cho con/em mình vì áp lực tâm lý cho rằng vắc xin dịch vụ tốt hơn vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

PV: Bà vừa nói đến nhu cầu sử dụng vắc xin dịch vụ gia tăng trong thời gian qua. Vậy số lượng cụ thể vắc xin dịch vụ Pentaxim được sử dụng tại Việt Nam trong thời gian qua gia tăng như thế nào thưa bà?

Bà Đặng Hồng Thúy: Theo theo thống kê của chúng tôi, trong 5 năm từ năm 2010 -2014, công ty chúng tôi đã bán ra 336.931 liều vắc xin Pentaxim như vậy chia trung bình cho 5 năm ở thời điểm đủ vắc xin thì chỉ có khoảng 67.000 liều/năm đối với khu vực miền Bắc, còn đối với khu vực miền Nam thì thường sử dụng ít vắc xin dịch vụ hơn. Như vậy với cả nước ở thời điểm đủ vắc xin dịch vụ, hay không xảy ra các sự cố khan hiếm thì chỉ cần từ 120.000-130.000 liều Pentaxim/năm là đủ. Trong khi theo thông tin của Bộ Y tế, trong những năm qua, tại Việt Nam đã có khoảng 25 triệu mũi tiêm Quinvaxem được thực hiện, với tỷ lệ tiêm chủng 3 mũi vắc xin hàng năm đạt trên 90%.

Tuy nhiên, theo ước tính của chúng tôi sau những sự cố  về tiêm chủng vắc xin Quinvaxem thì nhu cầu vắc xin dịch vụ Pentaxim tăng lên tới khoảng 300.000-400.000 liều/ năm.

PV: Quay trở lại câu chuyện mà bà đã nói, một phần nguyên nhân nhu cầu sử dụng vắc xin dịch vụ tăng là có nguyên nhân từ sự cố tiêm chủng vắc xin Quinvaxem. Vậy theo ý kiến của bà giải pháp của vấn đề này là gì?

Bà Đặng Hồng Thúy: Trước hết, về giải pháp cung ứng, phân phối. Theo thông báo của Sanofi thì đến tháng 12/2015, công ty chúng tôi được cung cấp cho 75.300 liều Pentaxim ở miền Bắc. Tuy nhiên tới ngày 14/12, chúng tôi mới chỉ nhận được có 15.000 liều vắc xin Pentaxim và số vắc xin này đã được công khai minh bạch trên truyền thông và phân phối hết cho các cơ sở tiêm chủng ở khu vực miền Bắc. Và tới ngày 31/12, chúng tôi đã nhận được thêm 29.000 liều vắc xin Pentaxim trong đó phải bỏ ra 120 liều để tiến hành kiểm định chất lượng như vậy chỉ còn 28.880 liều cũng sẽ được phân phối hết cho các cơ sơ tiêm chủng sau khoảng 2 tuần nữa khi có kết quả kiểm định. Như vậy chúng tôi mới nhận được 44.000 liều. Còn số vắc xin Pentaxim còn lại là khoảng hơn 31.000 liều, Sanofi có giao hàng cho chúng tôi hay không để cung ứng cho miền Bắc trong đầu năm 2016 thì tới giờ chúng tôi cũng chưa nhận được thông báo mới từ phía họ. Trong khi theo thông tin chúng tôi được biết, số vắc xin Pentaxim ở khu vực phía Nam có khoảng 117.000 liều (trong số 160.000 liều được thông báo đã về đến Việt Nam). Do đó, vấn đề đặt ra là can thiệp, điều phối đúng lúc/ đúng thời điểm của cơ quan quản lý, nhà sản xuất để làm sao hài hòa số lượng vắc xin dịch vụ giữa hai miền Nam/ Bắc nhằm tránh gây xáo động trên thị trường và hiểu nhầm đáng tiếc về việc “găm hàng làm giá”.

Tiêm chủng góp phần giúp hàng triệu trẻ em được bảo vệ sức khỏe

Tiếp đến là vấn đề chất lượng: Theo quy định của Bộ Y tế, tất cả 100% lô hàng vắc xin nhập khẩu dù là vắc xin dịch vụ hay vắc xin trong tiêm chủng mở rộng khi nhập về Việt Nam đều phải kiểm định chất lượng, ngoài ra còn phải có kiểm định chất lượng của quốc gia sản xuất vắc xin đó. Và sau khi có phiếu kiểm định đạt chất lượng mới được phép lưu hành. Như vậy chắc chắn chất lượng vắc xin Quinvaxem hay vắc xin Pentaxim đảm bảo an toàn thì mới được đưa ra sử dụng. Do đó, chất lượng của vắc xin dịch vụ và vắc xin Quinvaxem là như nhau. Hay nói cách khác là không có chuyện chất lượng vắc xin dịch vụ tốt hơn vắc xin Quinvaxem. Còn về thành phần, vắc xin dịch vụ và Quinvaxem là gần như giống nhau chỉ khác là vắc xin dịch vụ là vô bào và Quinvaxem là toàn tế bào. Trong khi đó về hiệu quả điều trị và khả năng miễn dịch thì theo nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều khẳng định khả năng đáp ứng miễn dịch của vắc xin Quinvaxem ở Việt Nam tốt hơn so với Pentaxim, cùng với đó độ an toàn của hai loại vắc xin này là tương đương nhau.

Do vậy giải pháp thứ ba là để người dân tin dùng vacccine Quinvaxem, theo tôi vấn đề quan trọng ở đây là cơ quan quản lý phải công khai minh bạch rõ ràng các trường hợp sự cố sau tiêm vắc xin Quinvaxem, cái nào lỗi về mình thì phải thẳng thắn thừa nhận, cái nào rõ ràng do vắc xin… để tránh cho người dân nghĩ chúng ta không minh bạch về thông tin. Bên cạnh đó, cũng phải đẩy mạnh truyền thông về chất lượng và hiệu quả thực chất của Quinvaxem, thậm chí nên làm những bảng so sánh về chất lượng, hiệu quả giữa vắc xin dịch vụ và vắc xin Quinvaxem ngay tại các điểm tiêm chủng để khi người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin được biết rõ.

PV: Là nhà phân phối độc quyền về vắc xin dịch vụ của khu vực miền Bắc, tuy nhiên trong câu chuyện về vắc xin bà vẫn “nói tốt” cho vắc xin tiêm chủng mở rộng. Vậy bà không sợ ảnh hưởng đến kinh doanh sao, thưa bà?

Bà Đặng Hồng Thúy: Tôi là nhà kinh doanh nhưng cũng là người dân bình thường nên tôi nghì mình nói đúng về bản chất của vắc xin Quinvaxem là hoàn toàn công bằng cho dù có thể ảnh hưởng tới việc kinh doanh nhưng đây là đạo đức nghề nghiệp và cạnh tranh lành mạnh nên tôi rất khách quan, minh bạch, có sao thì tôi nói thế.

PV: Xin cảm ơn bà!


Thái Bình (thực hiện)
Ý kiến của bạn