Hà Nội

Nhà ở xã hội

28-12-2015 08:56 | Xã hội
google news

SKĐS - Bên cạnh những khu chung cư cao cấp, những chung cư dành cho người lao động gọi là nhà ở xã hội đang thật sự là một nhu cầu cấp thiết trong đời sống.

Bên cạnh những khu chung cư cao cấp, những chung cư dành cho người lao động gọi là nhà ở xã hội đang thật sự là một nhu cầu cấp thiết trong đời sống. Khi thị trường bất động sản “đóng băng”, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã lựa chọn xây dựng nhà ở xã hội như một cách làm để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển. Thế nhưng chương trình phát triển nhà ở xã hội hầu như thất bại - theo nhận định của Bộ Xây dựng gửi đến báo chí vào ngày 21/12.

Nhà ở xã hội tuy giá cả không như với chung cư cao cấp nhưng cũng là khoản tiền lớn mà người lao động bình thường khó có thể mua nổi. Thay vì cho thuê, nhà ở xã hội thường chỉ bán nên người cần ở vẫn cần mà bên bán vẫn khó bán dù rằng nhà ở xã hội vẫn còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, dù có nhiều ưu đãi về chính sách phát triển nhà ở xã hội nhưng các thủ tục hành chính liên quan đến thiết lập dự án và xây dựng tương đối phức tạp và tốn nhiều thời gian của chủ đầu tư. Mặt khác, doanh nghiệp phải tính đến lợi nhuận trước tiên nên  các doanh nghiệp tư nhân chỉ chú trọng xây nhà cho người khá giả để quay vòng vốn và thu lợi nhanh hơn. Bên cạnh đó, nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội còn thiếu nên nhiều doanh nghiệp bất động sản khó có chuyện lấy việc phát triển nhà ở xã hội làm mục đích chính và thị trường mới chỉ có nhà ở xã hội để bán, còn thiếu nhà ở cho thuê là vì vậy...

Công bằng mà nói, trong vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp Nhà nước cũng tích cực phát triển nhà ở xã hội như Tổng công ty Becamex IDC thực hiện Dự án nhà ở xã hội tại Bình Dương, quy mô 64.000 căn hộ, diện tích xây dựng hơn 2,7 triệu m2 sàn; Tổng công ty IDICO - Bộ Xây dựng triển khai Dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai quy mô 3.500 căn; Tổng công ty Viglacera triển khai Dự án khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, với quy mô 3.500 căn hộ... Thế nhưng các dự án nhà ở xã hội mà các doanh nghiệp trên phát triển cũng mang tính chất “nội bộ”, tức là phục vụ công nhân viên của chính các đơn vị này chứ chưa phải là các dự án nhà ở xã hội được bán, cho thuê với nhiều người thu nhập thấp trong xã hội.

Về phía các địa phương, nhiều nơi chưa thực sự quan tâm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Theo quy định phải dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để đầu tư phát triển nhà ở xã hội nhưng một số nơi chưa được thực hiện nghiêm túc.

“Làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn”, khi địa phương không mặn mà thì nguồn vốn cho việc phát triển nhà ở xã hội bị giới hạn. Nói cách khác, sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư dành cho nhà ở xã hội cũng dẫn đến những hạn chế trên. Nhu cầu nhà ở xã hội quả là rất nóng nhưng việc đáp ứng nhu cầu còn nhiều bất cập, đặc biệt là công tác quy hoạch đất đai dành cho nhà ở xã hội của các địa phương chưa tốt.

Đã đến lúc cần có những chính sách đòn bẩy như chính sách thuế đất ưu đãi, chủ đầu tư nhà ở xã hội là các địa phương “xuất vốn” cùng doanh nghiệp với những điều kiện thuận lợi cùng phát triển chương trình nhà ở xã hội bởi nguồn “lãi” nhất là những khó khăn của tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội vốn chiếm đa số được chia sẻ. “An cư lạc nghiệp”, khi người lao động có cuộc sống ổn định, sức sản xuất sẽ tăng theo tỷ lệ thuận.

Hy vọng không lâu, nhà ở xã hội sẽ phát triển để người lao động có thể thuê hoặc mua trả dần theo % lương hàng tháng.


Lê Quý
Ý kiến của bạn