Theo Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Quốc hội đã tán thành chủ trương mới về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông theo Đề án của Chính phủ. Trong đó, về nội dung đổi mới, có quy định: Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học…; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hoá giáo dục" do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 3/11, đánh giá về các chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK đến thời điểm này, bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nói: "Nghị quyết 88 và Luật Giáo dục quy định xã hội hoá SGK là chủ trương hết sức đúng đắn, đột phá, chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế xã hội hoá nhằm khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực xã hội có hiệu quả và đáp ứng yêu cầu của phát triển".
Tuy nhiên, việc xã hội hoá gặp nhiều khó khăn bởi khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, có nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên có một bộ SGK. Quy định xã hội hoá nhưng việc biên soạn SGK chưa có chính sách khuyến khích gì kèm theo. Nghị quyết 88/2014/QH13 giao cho các cơ sở giáo dục phổ thông chọn SGK, tuy nhiên Luật Giáo dục quyết định giao việc chọn SGK cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Điều này ảnh hưởng phần nào đến việc được chọn một bộ sách ưng ý đối với giáo viên, học sinh của các cơ sở giáo dục phổ thông.
Về giá sách, ví dụ như SGK của môn học tiếng Anh có giá cao hơn hẳn so với giá SGK của các môn học khác, vì hầu hết sách của nhà xuất bản nước ngoài được một số nhà sách Việt Nam mua bản quyền rồi điều chỉnh nội dung cho phù hợp. Nếu định giá rẻ, chắc chắn chỉ có bộ SGK được biên soạn theo đề án Ngoại ngữ quốc gia, bây giờ trở thành SGK của một NXB đáp ứng được. Còn các bộ SGK khác khó có thể bán theo giá đó. Như vậy liệu các nhà sản xuất có tiếp tục mua bản quyền và làm sách tiếng anh nữa không?
Để các bộ SGK đóng góp cho xã hội hoá giáo dục tốt hơn, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, thứ nhất cần kiên định chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK. Thứ hai, cần xem xét lại việc giao cho UBND cấp tỉnh quyết định việc chọn SGK trong Luật Giáo dục. Thứ ba, cần nghiên cứu kỹ việc nhà nước định giá SGK để có giải pháp hài hòa, phù hợp, không ảnh hưởng đến việc xã hội hóa, chống độc quyền trong lĩnh vực này.
"Chúng ta nói Nhà nước định giá SGK, trước hết được tiếng với dân, nhưng chưa chắc giá sách đã giảm nhiều. Vì dẫu có định giá thì vẫn phải dựa trên các yếu tố hình thành giá. Vấn đề thứ hai, tôi cho rằng, mỗi năm, mỗi gia đình học sinh có giảm được một khoản tiền nhỏ việc mua SGK, thì cũng không chắc giảm gánh nặng chi tiêu đầu năm. Bởi vì ngoài SGK, còn phải đóng học phí, mua đồng phục, sách tham khảo và các đồ dùng học tập khác. Nhà nước thì không thể định giá tất cả các mặt hàng này. Do đó, tôi nghĩ khi tính toán việc đưa SGK vào mặt hàng định giá thì đang vướng vào một vài vấn đề mang tính nguyên tắc.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 của Luật Giá, Nhà nước chỉ định giá đối với hàng hóa dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất kinh doanh, tài nguyên quan trọng, hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước. Như vậy SGK không thuộc các mặt hàng trên. Khi ban hành Nghị quyết 88, chúng ta thấy Quốc hội chỉ có quy định xã hội hóa việc biên soạn SGK, chứ không quy định SGK là mặt hàng Nhà nước định giá.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, mấy năm qua có nhiều doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân đã tham gia biên soạn, xuất bản SGK. Để hài hòa các yêu cầu, theo tôi, có thể xem xét hai phương án điều chỉnh việc định giá đối với SGK.
Phương án thứ nhất, chỉ định giá với SGK do doanh nghiệp Nhà nước sản xuất. Bởi vì theo lẽ thông thường, người ta chỉ có thể định giá tài sản thuộc sở hữu của mình, hoặc là mặt hàng do mình sản xuất ra. Vì vậy, nếu định giá, Nhà nước chỉ có thể định giá đối với SGK của doanh nghiệp Nhà nước. Quy định như vậy cũng không lo SGK của doanh nghiệp tư nhân sẽ có giá cao hơn. Vì một mặt SGK của các doanh nghiệp này vẫn thuộc diện kê khai giá, mặt khác, các doanh nghiệp này cũng phải tham chiếu giá SGK của doanh nghiệp Nhà nước để có tính cạnh tranh.
Phương án thứ hai, tôi đề xuất, trong luật chỉ quy định các mặt hàng được định giá, trong đó có SGK. Rồi giao cho Chính phủ quy định khung giá phù hợp với từng thời kỳ, trong đó quy định giá tối đa để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, quy định giá tối thiểu để bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh. Quy định này sẽ nhất quán với Điều 11 của Luật Giá hiện hành, đó là tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh có quyền tự định giá hàng hóa dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá và quyết định được giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất kinh doanh, mà Nhà nước quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu".
Cũng tại buổi tọa đàm, với tư cách doanh nghiệp tư nhân tham gia xã hội hóa SGK, nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) cho biết là doanh nghiệp tham gia biên soạn SGK nên sẵn sàng và chấp nhận pháp luật quy định.
"Tuy nhiên, đề nghị Bộ GD&ĐT, các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ để luận giải đầy đủ, chi tiết đưa ra mức giá để người làm sách có thể chấp nhận được, làm được... nếu không hợp lý thì việc xã hội hóa sẽ không tiến hành được. Hiện nay, nhà nước chưa có chính sách nào để hỗ trợ, giúp đỡ cho xã hội hóa, do đó, các đơn vị biên soạn SGK gặp muôn vàn khó khăn", nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái đề nghị.
Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, định giá quan trọng là những nguyên tắc, phương pháp định giá, mà quan trọng nhất là làm sao vẫn tạo động lực cho các nhà xuất bản, huy động tối đa nguồn lực của các nhà khoa học tham gia.
"Tôi nghĩ rằng các nhà xuất bản nên yên tâm về chủ trương của Nhà nước", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.
Theo ông Thưởng, việc lựa chọn về sách, vấn đề làm sao tránh bất cập, những can thiệp không xuất phát từ cơ sở. Tới đây cũng có những kết luận để tránh tác động tiêu cực; cũng như nghiên cứu để điều chỉnh Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT trên tinh thần phải tôn trọng từ cơ sở, giáo viên, học sinh, nhà trường chứ không phải từ cơ quan quản lý cấp trên.