Đến với xứ Huế mộng mơ, vùng đất của những di sản văn hóa, du khách không thể quên một loại hình âm nhạc đặc biệt, thấm đẫm nét văn hóa Huế, với âm hưởng rộn ràng, da diết, uyển chuyển, trang trọng mà tao nhã. Đó là Nhã nhạc, vốn trước đây chỉ được tổ chức vào các dịp lễ của triều đình phong kiến.
Từng phát triển rực rỡ dưới triều Nguyễn (1802-1945), Nhã nhạc, loại hình âm nhạc tao nhã, thiêng liêng thường dùng để trình diễn trong các dịp đại lễ trang trọng của triều đình, những cuộc cúng tế thần linh và tổ tiên, đã trở thành một loại hình âm nhạc cung đình không thể thiếu của triều đại thời bấy giờ.
Ngày nay, Nhã nhạc Huế vẫn là sự lựa chọn thưởng thức hàng đầu của du khách. Nghe Nhã nhạc ở trong Đại Nội Huế, cảm nhận sự trầm mặc của không gian nơi đây, cùng với ánh sáng mờ ảo, với những làn điệu mang âm hưởng cổ xưa đưa người nghe thả hồn vào quá khứ trong những suy tưởng về triều đại nhà Nguyễn, triều đại biết kế thừa truyền thống âm nhạc cung đình của các triều đại trước, phát triển rực rỡ, phong phú hơn cả về đề tài, thể loại và số lượng.
Nhã nhạc Việt Nam qua 1.000 năm định hình và phát triển
Theo các nhà nghiên cứu, âm nhạc cung đình được ra đời từ lúc thiết lập Nhà nước quân chủ Việt Nam. Từ thời nhà Lý (1010-1225), âm nhạc cung đình đã được định hình và sau đó được phát triển qua các triều đại nhà Trần (1225-1400), nhà Hồ (1400-1407), nhà Lê (1427-1788), nhà Tây Sơn (1889-1801) và đặc biệt phát triển rực rỡ ở triều Nguyễn.
Nhã nhạc cung đình biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Cũng vì vậy, Nhã nhạc được các triều đại quân chủ Việt Nam coi trọng.
Dưới thời nhà Lý, Nhã nhạc cung đình đã ra đời và bắt đầu đi vào quy củ. Nhã nhạc thời kỳ này có lời hát tao nhã, điệu thức cao sang, là biểu tượng cho sự trường tồn, hưng thịnh và quyền lực của quân chủ phong kiến.
Dưới thời Lê, Nhã nhạc cung đình là thể loại âm nhạc dành riêng cho giới quý tộc, bác học. Thể loại nhạc có kết cấu phức tạp, chặt chẽ với quy mô tổ chức rõ ràng, chi tiết.
Từ triều Lê, Nhã nhạc được phân định ra nhiều thể loại riêng biệt như Giao nhạc, Đại triều nhạc, Miếu nhạc, Đại yến nhạc, Thường triều nhạc, Cửu nhật nguyệt lai trùng nhạc…
Tuy nhiên vào cuối Triều Lê, Nhã nhạc không còn giữ được sự phát triển mà bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái, nhạt phai do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Sau khi suy yếu từ cuối thời Lê, Nhã nhạc cung đình Huế phát triển mạnh mẽ trở lại và được tổ chức bài bản vào triều Nguyễn (giai đoạn 1802-1945). Đặc biệt vào nửa đầu thế kỷ XIX, triều đình vua Gia Long đã biết sử dụng thể loại âm nhạc bác học này để “di dưỡng tinh thần” khi mới lập nghiệp ở phương nam.
Từ đây Nhã nhạc đã gắn liền với cung đình Huế và phát triển theo mô thức quy phạm đúng chuẩn, có hệ thống, bài bản với hàng trăm nhạc chương. Giai đoạn này cũng là bước chuẩn bị quan trọng, tạo tiền đề phát triển cho âm nhạc cung đình qua các đời vua sau.
Triều Nguyễn đã đưa âm nhạc vào "giáo hóa" phong tục. Dòng nhạc cung đình triều Nguyễn thực sự là một điển hình cho âm nhạc bác học Việt Nam. Các vua triều Nguyễn tiếp nối truyền thống thường tổ chức các buổi hòa nhạc cung đình.
Trong thời nhà Nguyễn, âm nhạc cung đình được dùng trong các dịp tế lễ Tế Đại triều (2 tháng/lần), Thường triều (4 tháng/lần), lễ tế Nam Giao, Tịch điền, sinh nhật vua và hoàng hậu, lễ đăng quang, lễ tang của vua và hoàng hậu, đón tiếp sứ thần...
Đời vua Thành Thái, đội Nhã nhạc gồm 120 người, sau lấy thêm 20 đồng ấu. Sang đến đời vua Khải Định tuyển thêm 30 đồng ấu vào đội Nhã nhạc. Nhã nhạc có vị trí quan trọng đến mức, những người hoạt động lâu năm về Nhã nhạc, có kinh nghiệm trong nghề sẽ được triều đình phong hàm, phong tước.
Để tôn thêm phong thế, nghi vệ của triều đình, triều Nguyễn lập ra ban Đại nhạc dùng trong các cuộc đại lễ và ban Tiểu nhạc dùng trong các cuộc vui, ca múa. Đó là loại nhạc ngự dành riêng cho triều đình mà ta gọi là nhạc cung đình.
Các bậc vương thần, các nhà quyền quý dưới triều Nguyễn cũng thường tổ chức các buổi Nhã nhạc để thưởng thức riêng với nhau, họ mời các tay đàn trong ban Tiểu nhạc của triều đình đến nhà để hòa đàn cùng với ca nhi trình diễn.
Đó là hình thức ca nhạc thính phòng, một lối thưởng thức ca nhạc tao nhã tương tự như lối ca trù ở miền Bắc. Thú thưởng ngoạn này lúc đầu chỉ giới hạn trong phủ chúa hoặc các bậc vương công, dần dần mới phổ biến ra quần chúng.
Có một điều đặc biệt là nếu ca trù phát sinh từ dân gian, rồi tràn vào cung đình, là loại hình ca nhạc ưa thích của giới nho sỹ Bắc Hà; thì Nhã nhạc lại xuất phát từ cung đình rồi lan tỏa ra dân gian.
Sự tập trung của chế độ quân chủ thời Nguyễn đã quy tụ được tất cả các nhạc sỹ, nhạc công tài hoa nhất. Để phù hợp với nội dung từng buổi lễ, Bộ Lễ và Hàn lâm Viện biên soạn các nhạc chương như trong lễ Tế giao có 10 nhạc chương mang chữ Thành (nêu việc thành công), trong tế Xã tắc có 7 nhạc chương mang chữ Phong (được mùa), lễ Tế miếu có 9 nhạc chương mang chữ Hòa (hài hòa)...
Sau khi triều Nguyễn cáo chung (1945), Nhã nhạc cũng mất đi vị trí chức năng xã hội và môi trường diễn xướng nguyên thủy, lâm vào tình trạng suy thoái và có nguy cơ thất truyền.
Tuy vậy, ngay sau khi Nhã nhạc được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại vào ngày 7/11/2003 (từ năm 2008 gọi là Di sản văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại), Việt Nam đã có chương trình hành động quốc gia nhằm bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị của Nhã nhạc.
Ngày nay, Nhã nhạc cung đình Huế với các hình thức như dàn nhạc, ca chương, bài bản, vũ khúc được diễn xướng trong nhiều dịp như Festival Huế, lễ hội Phật giáo, lễ hội dân gian, âm nhạc thính phòng…
Nhã nhạc còn được trình diễn trong các nghi thức ngoại giao, biểu diễn phục vụ khách du lịch và dân địa phương trong các dịp đại lễ và tết cổ truyền… Chính vì thế, Nhã nhạc ngày nay vẫn có điều kiện và không gian diễn tấu phong phú. Giá trị nghệ thuật vẫn được giữ gìn, trường tồn và tiếp tục phát huy.
Khám phá nghệ thuật Nhã nhạc cung đình Huế
Khác với các thể loại âm nhạc khác của Việt Nam, Nhã nhạc cung đình là loại hình âm nhạc duy nhất mang tính quốc gia.
Nhã nhạc cung đình Huế hiện nay tồn tại dưới ba hình thức gồm Đại nhạc, Tiểu nhạc và Múa cung đình.
- Dàn Đại nhạc: Là dàn nhạc rất quan trọng trong hệ thống Nhã nhạc cung đình Huế, diễn tấu với những hình thức quan trọng nhất trong những buổi lễ, có âm lượng lớn, nhạc cụ chủ yếu là dàn trống và kèn. Dàn đại nhạc thường được dùng trong lễ tế như tế Nam Giao, tế Miếu...
So với dàn Đại nhạc được mô tả trong các dữ liệu thì dàn nhạc hiện nay có biên chế gọn nhẹ hơn. Cấu trúc dàn Đại nhạc gồm Bộ gõ (trống đại, trống chiến, trống bồng, não bạt hay xập xoã, mõ sừng trâu, trống cơm); Bộ hơi (kèn); Bộ dây (đàn nhị).
- Dàn Tiểu nhạc: So với dàn Đại nhạc, các bản âm nhạc của dàn Tiểu nhạc tương đối ổn định. Âm nhạc mang màu sắc trang nhã, vui tươi, thường sử dụng trong các buổi yến tiệc của triều đình, lễ đại khánh, tết Nguyên Đán. Chất liệu dễ đi vào lòng người, không quá trang nghiêm hoặc sầu bi như các bài của Đại nhạc, âm lượng không quá lớn.
Cấu trúc nhạc cụ dàn Tiểu nhạc gồm Bộ gõ (trống bảng, sinh tiền, tâm âm la, phách); Bộ hơi (sáo); Bộ dây (đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn tam huyền, đàn nhị).
- Múa cung đình: Múa cung đình triều Nguyễn tiếp thu những điệu múa từ cung đình và dân gian của các triều đại trước, nâng cao và sáng tạo thành những điệu múa mới mang đặc trưng của nghệ thuật biểu diễn thời Nguyễn. Múa cung đình triều Nguyễn chủ yếu là múa tập thể, tư tưởng chủ đề thường biểu hiện ở các đội hình di chuyển và kết thúc bằng một đội hình ngưng đọng. Một số điệu múa cung đình nổi bật là múa bát dật, Múa lục cúng hoa đăng, Múa lân mẫu xuất lân nhi.
“
Khác với các thể loại âm nhạc khác của Việt Nam, Nhã nhạc cung đình là loại hình âm nhạc duy nhất mang tính quốc gia.
Nhã nhạc Việt Nam có hệ thống các bài bản rất phong phú, chỉ riêng hệ thống nhạc chương đã có hàng trăm bản, đó là chưa kể đến các bản khí nhạc dành cho Tiểu nhạc, Đại nhạc và Huyền nhạc...
Các nhạc khí có những thang âm khác nhau khi trang nhã, tiếng trong tiếng đục, tiếng nhặt, tiếng khoan, khi dồn dập, khi khoan thai, khi rộn rã, khi ưu tư...
Đặc biệt, trong tất cả các nhạc khí và nhạc cụ giá trị nhất của Việt Nam đều có mặt trong dàn nhạc cung đình triều Nguyễn, gắn với các tiết tấu phong phú và các bài bản có nội dung sâu sắc.
Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản... của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.
Dàn nhạc cung đình thường có quy mô lớn và các chủng loại phong phú với đầy đủ các chủng loại như Bộ nhạc cụ hơi (sáo, kèn...); bộ dây (đàn nhị, nguyệt, tỳ bà, đàn tam...); bộ nhạc cụ màng rung (trống chiến, trống bảng, trống đại, trống bồng...); bộ nhạc cụ thể minh (chuông, xập xỏa, lục lạc, mõ sừng, sinh tiền, tam âm la, phách...).
Tất cả các chủng loại nhạc khí trên thể hiện trình độ điêu luyện về âm nhạc, trình độ chế tác thủ công, mỹ thuật tạo hình... của những nhạc sư, những người thợ Việt Nam xưa.
Nhã nhạc không chỉ chứa đựng hệ thống âm nhạc dựa trên thang ngũ âm, mà còn bao hàm cả nghệ thuật biểu diễn. Nói đến Nhã nhạc là nói đến kỹ thuật biểu diễn khí nhạc, trong đó mỗi nhạc cụ đều áp dụng một mức độ kỹ thuật điêu luyện nhất định.
Với những nhạc cụ dây thì các kỹ thuật như rung, vuốt, vỗ, nhấn, vê được áp dụng như những nguyên tắc để tạo nên vẻ đẹp của giai điệu.
Với kèn Bóp, một nhạc cụ nằm trong hệ thống Đại nhạc thì tiếp hơi là kỹ thuật tinh tế nhất đòi hỏi nhạc công phải luyện tập công phu, nhất là tập luyện để có hơi thở sâu...
Các nghệ nhân trình diễn Nhã nhạc cũng được rèn luyện một cách công phu và nghiêm ngặt. Trong quá trình hòa tấu, các nhạc công phải chú ý lắng nghe nhau, nhất là nghe tiếng trống báo hiệu để vào "thủ," ra "vĩ" thật nhịp nhàng, ăn ý.
Nhã nhạc không chỉ có ảnh hướng lớn đến nhiều loại hình âm nhạc khác trong vùng như ca Huế, nhạc tuồng; nhạc múa cung đình, mà còn vượt thoát khỏi vùng đất khai sinh ra nó, lan tỏa vào phía Nam, góp phần khai sinh ra những hình thức nghệ thuật biểu diễn mới như Đờn ca tài tử và Cải lương.
Cùng với nhạc khí và nhạc cụ, các vũ điệu và ca từ (ca hát) cũng được thể hiện rất phong phú, chứa đựng những nội dung mang tính bác học. Những giá trị này đã tạo cho âm nhạc cung đình có phong cách khác với các loại hình âm nhạc khác của Việt Nam và thế giới.
Nhã nhạc Huế được lưu truyền trong đời sống nhân dân một cách rộng rãi với nhiều hình thức diễn xướng trong các lễ hội, các nghi thức truyền thống, biểu diễn tại các chương trình âm nhạc. Trang nghiêm mà gần gũi, dân dã nên Nhã nhạc Việt Nam được ưa thích, lưu truyền từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.
Bảo tồn, đưa Nhã nhạc đến với công chúng đương đại
Nhã nhạc cung đình Huế có thể được xem là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Từ những năm 1992, công tác bảo tồn Nhã nhạc cung đình đã được triển khai, Nhã nhạc Việt Nam cũng dần được thế giới biết đến.
Tháng 3/1994, UNESCO tổ chức Hội nghị quốc tế các chuyên gia về di sản văn hóa phi vật thể tại Huế. Trong một cuộc họp tiểu ban nghệ thuật, giáo sư Trần Văn Khê cùng các giáo sư của Việt Nam là Trần Quốc Vượng và Tô Ngọc Thanh, các giáo sư Nhật Bản là Tokumaru và Yamaguti, giáo sư người Philippines là Jose Marceda đệ trình UNESCO và Chính phủ Việt Nam về một chương trình quốc gia khôi phục và nghiên cứu Nhã nhạc cung đình Huế.
Trên cơ sở đó, Bộ văn hóa-Thông tin và tỉnh Thừa Thiên-Huế đã giao Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế lập hồ sơ ứng cử cấp quốc gia Nhã nhạc Huế - Nhạc Cung đình Việt Nam đệ trình UNESCO đề nghị công nhận là Kiệt tác Di sản Phi vật thể và Truyền khẩu của thế giới (năm 2002).
Từ năm 1995, Nhã nhạc cung đình Huế đã được biểu diễn tại Nhà văn hóa Thế giới của Pháp và nhiều nước khác ở châu Âu. Một đĩa CD nhạc cung đình Huế đã được Nhà văn hóa Thế giới cho ra đời dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết và Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Khê.
Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại (từ năm 2008 gọi là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại). Theo đánh giá của UNESCO, trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia.
Trong 16 năm qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn được 10 nhạc chương trong lễ Tế Giao, 9 nhạc chương trong lễ Tế Miếu, 5 nhạc khúc trong lễ Đoan Dương, Vạn Thọ và Tết Nguyên đán, 40 nhạc khúc trong diễn tấu với đội Tiểu nhạc, 14 nhạc khúc kèn dùng trong Đại nhạc, 10 nhạc khúc diễn tấu khi có Vua ngự.
Trong khuôn khổ dự án "Bảo tồn và phát huy những giá trị Nhã nhạc Huế,” việc truyền dạy nghề theo kiểu truyền thống cho các nhạc công Nhã nhạc đã được triển khai hiệu quả.
Dự án cũng triển khai nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ và phục hồi bài bản Nhã nhạc tiêu biểu như Thái Bình cổ nhạc, các bản ca Thài trong lễ tế Nam Giao; chuyển biên các bài bản Nhã nhạc; lập hồ sơ các nghệ nhân tiêu biểu là những "báu vật nhân văn sống."
Nghệ nhân Lữ Hữu Thi - Người góp phần bảo tồn và giữ gìn Nhã nhạc cung đình Huế
Nghệ nhân Lữ Hữu Thi (104 tuổi) ở số nhà 200 Đặng Tất, phường Hương Vinh, thành phố Huế, hiện được xem là "báu vật nhân văn sống" của Nhã nhạc Huế.
Là người cuối cùng của đội nhạc Hòa Thanh, dưới triều Vua Bảo Đại xưa, nay ở vào tuổi 104, với hơn 80 năm theo nghề Nhã nhạc, cụ vẫn say sưa truyền nghề.
Điều làm cụ mãn nguyện nhất hiện nay là đã truyền lại được các ngón nghề cho thế hệ con cháu ở đội nhạc công Nhà hát nghệ thuật truyền thống Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế).
Trong suốt hơn 80 năm theo nghề Nhã nhạc, điều làm cụ mãn nguyện nhất là đã truyền lại được các ngón nghề từ cây đàn nhị và chiếc kèn bóp cho các thế hệ con cháu, góp phần bảo tồn và giữ gìn được những giá trị Nhã nhạc truyền thống của dân tộc.
Giáo sư Trần Văn Khê - người thổi bùng lên ngọn lửa say mê âm nhạc dân tộc
Giáo sư Trần Văn Khê đã có nhiều đóng góp trong việc đưa Nhã nhạc cung đình Huế (Âm nhạc Cung đình Việt Nam) đệ trình UNESCO công nhận là kiệt tác Di sản Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại.
Trong thời gian lập hồ sơ, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe không tốt, nhưng giáo sư vẫn thường xuyên về lại Việt Nam để cùng các thành viên nhóm lập hồ sơ của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và các chuyên gia tư vấn khác xem xét điều chỉnh nội dung và các tư liệu cần thiết, bổ sung kịp thời theo yêu cầu của UNESCO, góp phần cho sự thành công của bộ hồ sơ.
Kết quả, tháng 11/2003, Nhã nhạc Huế - Nhạc cung đình Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của thế giới (từ năm 2008 được UNESCO hợp nhất thành danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại).
Với cách diễn đạt vừa dí dỏm lại rất uyên bác, với khả năng chơi được nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác nhau để minh họa cho phần giới thiệu của mình, lại có thể diễn đạt trực tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, giáo sư Trần Văn Khê đã thổi bùng lên ngọn lửa say mê âm nhạc dân tộc cũng như Nhã nhạc Cung đình Huế đến với đông đảo công chúng ở trong và ngoài nước.
Nhà hát cổ Duyệt Thị Đường
Khi đến tham quan khu vực Đại Nội Huế (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế), du khách không chỉ khám phá vẻ đẹp của các cung điện phủ bóng thời gian mà còn được thưởng thức Nhã nhạc Cung đình tại Nhà hát Duyệt Thị Đường.
Nhà hát cổ Duyệt Thị Đường được xây dựng năm 1826 dưới triều vua Minh Mạng. Đây là nhà hát của hoàng cung, nơi dành cho vua và những người trong hoàng tộc thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật cung đình và tuồng cổ.
Đây còn là nơi trình diễn nghệ thuật chiêu đãi sứ thần các nước, nhằm giới thiệu các giá trị di sản văn hóa phi vật thể bao gồm nhã nhạc, Múa cung đình và Tuồng cung đình.
Nhà hát Duyệt Thị Đường được trùng tu đưa vào sử dụng nhưng đã kế thừa lịch sử, tiếp tục khai thác, phục hồi những tác phẩm tiêu biểu có khả năng bị thất truyền, nhất là Nhạc lễ cung đình Huế để đưa Nhã nhạc Huế, một loại hình âm nhạc chốn cung đình đến với công chúng.
Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang xây dựng nhiều tiết mục biểu diễn của Nhã nhạc Cung đình trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo giới thiệu đến du khách.
Đưa Nhã nhạc cung đình Huế đến với công chúng
Việc bảo tồn Nhã nhạc Huế trong thời gian qua đã tập trung đúng hướng vào các nội dung chính như nghiên cứu, sưu tầm và lưu trữ tài liệu; đào tạo và truyền dạy nghề, phục hồi bài bản nhã nhạc tiêu biểu; phục chế trang phục, các hoạt động quảng bá để phát huy giá trị Nhã nhạc cung đình Huế.
Trong nỗ lực bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đối với Nhã nhạc Huế có một phần đóng góp đáng ghi nhận của các tổ chức quốc tế như UNESCO, các nước Hàn Quốc, Nhật Bản...
Thành công lớn nhất của công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc Huế (Nhạc cung đình Việt Nam) là đưa Nhã nhạc Huế, từ loại hình âm nhạc chỉ phục vụ trong cung vua xưa đến rộng rãi với công chúng, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.
Đặc biệt, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn phối hợp với nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục chế trang phục Nhã nhạc Huế gồm 15 áo mão Đại nhạc, 15 áo mão Tiểu nhạc, 64 áo Giao lĩnh Bát dật Văn, 64 Trấn thủ Bát dật Võ...
Không chỉ bảo tồn các giá trị của Nhã nhạc cung đình, trong những năm qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng đã triển khai viêc quảng bá Nhã nhạc với công chúng trong ngoài nước, khiến loại hình âm nhạc này được lưu truyền rộng rãi thông qua việc tổ chức trình diễn thường xuyên.
Năm 2004, tại Festival Huế lần thứ 3, nhiều sân khấu đã tổ chức để trình diễn Nhã nhạc Huế và đều thu được những thành công. Từ năm 2005 loại hình nghệ thuật này bắt đầu được phát huy và khai thác triệt để, tạo sự chú ý của du khách đến với Cố đô Huế.
Tại các kỳ Festival Huế 2004, 2006, 2008, Nhã nhạc Huế trình diễn các lễ tế đàn Nam Giao, lễ tế đàn Xã Tắc, lễ Truyền Lô, lễ thi tiến sỹ Võ, lễ lên ngôi hoàng đế Quang Trung... Nhã nhạc Huế cũng được biểu diễn thường kỳ ở Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội Huế) và Nhà hát Minh Khiêm Đường (Lăng Tự Đức).
Nhìn chung, thời gian biểu diễn của Nhã nhạc thường gắn với các lễ hội, lễ tế lớn. Việc biểu diễn thường kỳ được tổ chức ở Duyệt Thị Đường (Đại Nội) và Minh Khiêm Đường (Lăng Tự Đức) nhưng chủ yếu là ở Duyệt Thị Đường.
Nhà hát Duyệt Thị Đường (được xây dựng cách đây 200 năm) được trùng tu đưa vào sử dụng nhưng đã kế thừa lịch sử, tiếp tục khai thác, phục hồi những tác phẩm tiêu biểu có khả năng bị thất truyền, nhất là Nhạc lễ cung đình Huế để đưa Nhã nhạc Huế, một loại hình âm nhạc chốn cung đình đến với công chúng.
Nhiều tiết mục đã được Nhà hát Duyệt Thị Đường dàn dựng và biểu diễn như trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc); Phú lục dịch, Kim tiền (tiểu nhạc); Vũ phiến, Lục cúng hoa đăng (múa) và nhiều trích đoạn tuồng cổ như Kỷ Lan Anh, Ôn Đình chém Tá.
Một điểm nhấn khá đặc biệt trong việc thu hút du khách thưởng thức Nhã nhạc Huế, đó là việc trình diễn Nhã nhạc Huế diễn ra khá đa dạng, ở ngoài trời, trong các cung điện, đền miếu và trong Nhà hát hoàng cung Duyệt Thị Đường.
Như vậy, du khách có thể tiếp cận với Nhã nhạc ở những cấp độ nông sâu khác nhau. Trong quá trình tham quan hoàng cung, họ có thể dừng lại vài ba phút ở Ngọ Môn hay Thế Miếu để xem cho biết Nhã nhạc là gì. Còn nếu muốn biết sâu hơn về Nhã nhạc, du khách có thể vào xem phần biểu diễn kéo dài khoảng 30 phút trong Nhà hát hoàng cung Duyệt Thị Đường. Ở đây, du khách có thời gian, điều kiện để được giới thiệu sâu hơn, kỹ hơn về giá trị nghệ thuật của Nhã nhạc Huế.
Ngoài ra, du khách cũng có thể mua vé lên thuyền rồng, dạo quanh sông Hương thơ mộng và thưởng thức Nhã nhạc cùng các thể loại âm nhạc khác.