Ngục Kon Tum (hay còn gọi là nhà Ngục Kon Tum) được thực dân Pháp xây dựng rất sớm để giam giữ những người tù chính trị kiên trung. Từ năm 1929, thực dân Pháp đã đưa những người tù chính trị về đây. Đến năm 1930 - 1931 thì số lượng ngày càng nhiều lên.
Không chỉ đối xử tàn ác với những người tù chính trị của ta mà thực dân Pháp còn bắt đi lao động khổ sai trên công trường Đăk Pao, Đăk Pék nên các chiến sĩ không ngừng đấu tranh.
Gây tiếng vang lớn trong nước cũng như toàn cõi Đông Dương khi ấy là Cuộc đấu tranh lưu huyết diễn ra ngày 12/12/1931. Cuộc đấu tranh nhằm quyết liệt phản đối những âm mưu tàn độc, những hành động man rợ của thực dân, dù có phải đổ máu, hy sinh. Chết cho sự sống, chết một người để cứu sống muôn người, để thực dân Pháp phải thay đổi. Lúc ấy các chiến sĩ tù chính trị đã đồng tâm hô vang khẩu hiệu "phản đối đi làm đường", "phản đối chế độ thực dân cai trị".
Từ các cuộc đấu tranh này, cộng đồng các dân tộc anh em trên mảnh đất Kon Tum đã được chứng kiến những hành động chính nghĩa giữa người tù bị xiềng xích, gông cùm, bị hành hạ đến tàn tạ với kẻ địch là những tên lính hùng hổ, ác độc. Chúng còn có súng đạn cầm tay. Từ đó, người dân ở Kon Tum một lòng trân trọng và khâm phục sự đấu tranh của những người tù chính trị cộng sản.
Sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Cuộc đấu tranh lưu huyết đã khiến thực dân Pháp thay đổi chế độ cai trị hà khắc. Chúng không đưa tù nhân ở đồng bằng lên Ngục Kon Tum nữa. Người tù ốm đau không còn bị hành hạ đi lao động khổ sai. Năm 1934, thực dân Pháp phải bỏ Ngục Kon Tum chuyển đi nơi khác.
Hiện nay, Ngục Kon Tum là di tích lịch sử - văn hóa, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân. Hàng loạt tư liệu, hình ảnh quý giá minh chứng cho một giai đoạn lịch sử không thể nào quên được lưu giữ một cách cẩn thận trong Ngục Kon Tum.