Hà Nội

Nhà nghiên cứu trẻ nặng lòng với ngôn ngữ Việt

15-08-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tháng 7 vừa qua, TS. Trần Trọng Dương - nhà nghiên cứu Hán Nôm, đang công tác tại Viện nghiên cứu Hán Nôm đã cho ra đời cuốn từ điển đầu tiên về đại thi hào Nguyễn Trãi

Tháng 7 vừa qua, TS. Trần Trọng Dương - nhà nghiên cứu Hán Nôm, đang công tác tại Viện nghiên cứu Hán Nôm đã cho ra đời cuốn từ điển đầu tiên về đại thi hào Nguyễn Trãi, đó cũng là cuốn từ điển đầu tiên về tiếng Việt cổ thế kỷ 15 có tựa đề Nguyễn Trãi quốc âm từ điển.

Nặng lòng với Quốc âm thi tập

Đại thi hào Nguyễn Trãi là người đặt nền móng ngôn ngữ văn học dân tộc với tập thơ Quốc âm thi tập. Và để hiểu rõ hơn Quốc âm thi tập, đặc biệt là ngôn ngữ của tập thơ này, TS. Trần Trọng Dương đã nảy ra ý định làm một cuốn từ điển. Vậy là từ năm 2009, anh đã bắt tay vào công việc, tham khảo hơn 200 nguồn tài liệu là những cuốn từ điển, cuốn sách, bài nghiên cứu chuyên sâu của các học giả trong và ngoài nước về nhiều khía cạnh lịch sử phong tục tập quán, đặc điểm, sự phát triển của ngôn ngữ tiếng Việt; về những tác phẩm văn học nổi tiếng thời kỳ Trung đại; các từ ngữ cổ trong tiếng Việt...

TS. Trần Trọng Dương.

TS. Trần Trọng Dương.

Từ niềm đam mê và làm việc không mệt mỏi, cuối cùng Nguyễn Trãi quốc âm từ điển được ra đời trong tháng 7/2014. Cuốn sách này đã khảo sát 2.500 mục từ và 12.000 lượt âm tiết đã xuất hiện trong 254 bài thơ của Quốc âm thi tập. Mỗi mục từ được sắp xếp khoa học từ phần khảo cứu từ loại, chú thích phong cách, sắc thái tu từ, so sánh với các ngôn ngữ khác đến lý giải nghĩa cơ bản, nghĩa xuất hiện trước đến các nghĩa phái sinh. Tác giả cũng đã sưu tập toàn bộ từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ được Nguyễn Trãi vận dụng trong tập thơ Nôm cổ nhất, đồ sộ nhất ra đời vào thế kỷ 15. Quốc âm thi tập là tập thơ nguyên vẹn và đồ sộ nhất đến nay chúng ta còn giữ được. Vì tập thơ cách xa chúng ta gần 600 năm, nếu không làm một cuốn từ điển để chú thích toàn bộ từ ngữ trong tác phẩm đó thì người hiện đại như chúng ta hôm nay rất khó đọc, khó hiểu”, TS. Trần Trọng Dương chia sẻ.

Tác giả cuốn từ điển lấy hai câu thơ “Xa hoa lơ lửng nhiều hay hết/ Tằn tiện đâu đang ít vẫn còn” làm dẫn chứng. Theo TS. Trần Trọng Dương, chữ “tằn tiện” lâu nay chúng ta vẫn dùng nhưng “đâu đang” thì đã mất. “Đâu đang” có nghĩa là dành dụm, chắt bóp. Đó là hai câu thơ Nguyễn Trãi viết nhằm lẩy lại thành ngữ, tục ngữ của Việt Nam nhưng được diễn đạt ở thế kỷ XV. Bình thường, nếu độc giả đọc qua hai câu thơ này thì rất khó để hiểu hết được ý nghĩa. Bởi thế, TS. Trần Trọng Dương mong rằng qua cuốn từ điển, độc giả có thể nắm bắt được nghĩa của mỗi mục từ trong sự vận động phát triển, từ đó có hứng thú hơn khi tiếp cận với những từ ngữ, thành ngữ cách nay đã 600 năm.

Bìa cuốn từ điển Nguyễn Trãi quốc âm từ điển.

Chưa dừng lại

Nguyễn Trãi quốc âm từ điển từ khi ra mắt đã nhận được sự chú ý và đánh giá cao của giới nghiên cứu. GS. Trần Ngọc Vương cho biết, cuốn sách của TS. Trần Trọng Dương mang nhiều ý nghĩa, như chính tác giả đã nói, đó là minh bạch hóa những bước đi của ngôn ngữ lịch sử người Việt. GS. Trần Ngọc Vương nhận định: “Cuốn sách của Trần Trọng Dương góp phần làm sáng tỏ bước đi của lịch sử ngôn ngữ, cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Đồng thời, Nguyễn Trãi quốc âm từ điển cũng có dấu tích văn hóa ở chỗ đánh dấu sự phát triển của tiếng Việt, của tư duy và văn hóa Việt”.

Sở dĩ GS. Trần Ngọc Vương nói vậy là bởi theo ông, thiếu sót lâu nay của chúng ta khi nghiên cứu Quốc âm thi tập thường ở góc độ một tác phẩm văn học bình thường chứ không phải một tác phẩm có tính cách tân và chuẩn mực về ngôn ngữ. Vì thế, cuốn từ điển của TS. Trần Trọng Dương làm về Quốc âm thi tập dù đã khá muộn nhưng vẫn rất cần thiết.

Với TS. Trần Trọng Dương, anh cho biết, sẽ tiếp tục niềm đam mê bởi thời gian tới, anh có dự định sẽ biên soạn một cuốn từ điển tiếng Việt từ thế kỷ X đến thế kỷ XX. Có lẽ dự định mới của TS. Trần Trọng Dương được “thắp lửa” từ Nguyễn Trãi quốc âm từ điển, vì như anh nói: “Sau khi làm xong Nguyễn Trãi quốc âm từ điển, tôi tự thấy đã khám phá ra chân trời mới về nghệ thuật ngôn từ của Nguyễn Trãi, về cách Nguyễn Trãi đã vun đắp cho tiếng Việt”.

    Phạm Quỳnh

 


Ý kiến của bạn