Công suất do điện hạt nhân mang lại
Để thực hiện yêu cầu Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương đã rà soát và xây dựng các nội dung cần xin ý kiến tham vấn đối với Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Tại dự thảo điều chỉnh lần này, Bộ Công Thương đưa ra 3 kịch bản về nhu cầu điện tương ứng với các kịch bản tăng trưởng kinh tế.
Kịch bản thấp: Nhu cầu điện đến năm 2030 là 452 tỷ kWh; năm 2035 là 611,2 tỷ kWh.
Kịch bản cơ sở: Đến năm 2030 là 500,3 tỷ kWh; năm 2035 là 711,1 tỷ kWh.
Kịch bản cao: Đến năm 2030 là 557,7 tỷ kWh, năm 2035 là 856,2 tỷ kWh.
![Nhà máy điện hạt nhân hoàn thành sẽ đóng góp vào tổng công suất điện thế nào?- Ảnh 2. Nhà máy điện hạt nhân hoàn thành sẽ đóng góp vào tổng công suất điện thế nào?- Ảnh 2.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/thumb_w/640/324455921873985536/2025/2/10/nha-may-dien-hat-nhan-1739160607249344972617.jpeg)
Phát triển điện hạt nhân giải bài toán an ninh năng lượng trong tương lai.
Với các kịch bản trên, Bộ Công Thương đề xuất 2 kịch bản chính để tính toán phát triển nguồn và lưới điện. Kịch bản 1: Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I (2x1200MW) được đưa vào vận hành giai đoạn 2031-2035, Ninh Thuận II (2x1200MW) vận hành giai đoạn 2036-2040. Cùng với đó, 3 nhà máy LNG chưa xác định chủ đầu tư vận hành sau năm 2030, khí Cá Voi Xanh dự kiến đưa vào bờ giai đoạn 2031-2035, không phát triển mới nguồn LNG, nhập khẩu Trung Quốc tăng thêm 300 MW.
Ở kịch bản 2: Hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận vận hành giai đoạn 2031-2035; đồng thời toàn bộ 14 nhà máy LNG vận hành giai đoạn 2026-2030, khí Cá Voi Xanh dự kiến đưa vào bờ giai đoạn 2031-2035, cho phép phát triển mới nguồn LNG từ năm 2030 và nhập khẩu Trung Quốc tương tự kịch bản 1.
Dự kiến, hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận sẽ có tổng công suất 4 tổ máy 4.800 MW. Số này cao hơn 800 MW so với kế hoạch của Chính phủ hồi cuối 2009. Sau 2030, nhà điều hành cũng dự kiến phát triển lưới điện truyền tải để đấu nối, giải tỏa công suất từ các nhà máy điện hạt nhân.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm nay và hai chữ số trong các năm tiếp theo. Tức là, nhu cầu tăng trưởng điện mỗi năm khoảng 12-14%. Do đó, phát triển điện hạt nhân sẽ giúp Việt Nam đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.
Nguồn điện hạt nhân (kể cả điện hạt nhân quy mô nhỏ SMR) đều phải đặt ở những vị trí có tiềm năng do đặc biệt liên quan đến vấn đề an toàn, địa chất khu vực và vấn đề chôn cất chất thải hạt nhân. Do đó, giới hạn tiềm năng phát triển điện hạt nhân, theo Bộ Công Thương, có thể xem xét xây dựng tại 3 vùng, gồm Nam Trung Bộ (khoảng 25-30 GW), Trung Trung Bộ (khoảng 10 GW) và Bắc Trung Bộ (khoảng 4-5 GW).
Hiện, hai địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải (Ninh Thuận) có công bố quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Hai địa điểm ở Quảng Ngãi, 1 ở Bình Định cũng được xem xét là địa điểm tiềm năng phát triển 4 tổ máy điện hạt nhân quy mô lớn. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, do không có quy hoạch được công bố, nên sau 10 năm, các địa điểm này cần rà soát, đánh giá lại.
Đến năm 2050, Việt Nam sẽ xuất hiện thêm 5 GW điện hạt nhân tại Bắc Trung Bộ, ngoài 4.800 MW nguồn điện hạt nhân đã cam kết tại Ninh Thuận. Ngoài ra, nguồn năng lượng từ nhà máy điện turbin khí chu trình hỗn hợp và khí hóa lỏng (LNG) sẽ có thêm khoảng 8,4 GW. Các nguồn điện gió, điện mặt trời và pin lưu trữ tiếp tục tăng cao so với Quy hoạch điện VIII hiện tại.
Điện hạt nhân mang lại gì cho Việt Nam?
Với việc nghiên cứu trở lại chương trình điện hạt nhân và trước mắt là Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội mới, không chỉ hứa hẹn bổ sung một nguồn năng lượng tin cậy và bền vững mà còn có thêm một giải pháp trong thời kỳ chuyển đổi từ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Xét về công suất điện năng từ nhà máy này với tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam thì đây cũng là một con số không lớn nhưng sự hiện diện của nó nói lên nhiều điều. Bởi lẽ, năng lượng hạt nhân là một công nghệ đặc biệt.
Theo TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, điện hạt nhân có một vai trò rất quan trọng bởi điện hạt nhân không chỉ là nguồn điện ổn định, tin cậy nhất để đảm bảo công suất chạy nền cho cả một hệ thống điện quốc gia mà còn là bài toán mở về tiềm lực quốc gia, là ngành công nghiệp quan trọng.
Về bản chất, công nghệ hạt nhân là một công nghệ liên ngành, đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau như các ngành khoa học cơ bản, ngành cơ khí chế tạo, tự động điều khiển, vật liệu thép hợp kim, hóa công nghiệp, công nghệ thông tin… Những yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn, chất lượng của công nghệ hạt nhân và các công nghệ liên quan trong một nhà máy hạt nhân không chỉ đòi hỏi năng lực của các ngành tham gia mà còn thúc đẩy năng lực ấy tăng lên. Bởi vì việc phát triển điện hạt nhân đòi hỏi năng lực về mặt KH&CN hạt nhân, năng lực công nghiệp để có thể tham gia xây dựng và đưa các lò phản ứng vào vận hành với tiêu chuẩn cao và khắt khe nhất.
"Chúng ta có thể thấy cùng với năng lượng tái tạo, Trung Quốc có một chương trình phát triển điện hạt nhân lớn nhất thế giới (hiện nay đã có 56 lò phản ứng hạt nhân đang vận hành, 29 lò phản ứng đang xây dựng và dự kiến đến 2050 sẽ có khoảng hơn 270 lò phản ứng). Họ biết rằng, điện hạt nhân vừa là nguồn điện ổn định, hầu như không phát thải, cũng vừa là công cụ hữu hiệu trong nhiều vấn đề cạnh tranh, địa chính trị khu vực, năng lực quốc phòng…", TS. Trần Chí Thành phân tích.
Ông Lê Đại Diễn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, với mục tiêu Net Zero vào năm 2050 và tăng trưởng kinh tế 2 con số trong những năm tới thì việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là rất cần thiết và cấp thiết.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được tái khởi động bổ sung một nguồn năng lượng ổn định, hầu như không phát thải khí nhà kính. Dự án sẽ làm tăng tính đa dạng của các nguồn năng lượng của ngành điện nói riêng và năng lượng Việt Nam nói chung.
Nếu chúng ta triển khai và thành công trong việc xây dựng và sản xuất điện hạt nhân thương mại như mốc thời gian mà Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ đã đề ra trong phiên họp thứ hai vừa qua đã là minh chứng cho sự phát triển của nền kinh tế của đất nước. Nền kinh tế có một nguồn cung cấp năng lượng ổn định, đủ sức đáp ứng nhu cầu của các lĩnh vực công nghiệp mà chúng ta kỳ vọng phát triển như công nghiệp bán dẫn, AI và kinh tế số nói chung.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, dự thảo nội dung điều chỉnh Quy hoạch điện VIII sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định với tinh thần điều chỉnh theo hướng mở, tạo thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, nhằm đạt mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế xã hội, phù hợp với cam kết quốc tế và bối cảnh hội nhập.
Việc bổ sung điện hạt nhân vào cơ cấu nguồn điện quốc gia có thể làm thay đổi chiến lược phát triển các nguồn năng lượng khác.