Nhà mạng có phần trách nhiệm?

18-07-2014 02:11 | Thời sự
google news

SKĐS - Trước những diễn biến phức tạp của các hoạt động tội phạm công nghệ cao, chỉ trong thời gian ngắn, các lực lượng chức năng đã tổ chức giăng lưới bóc gỡ hàng loạt các nhóm đối tượng

Trước những diễn biến phức tạp của các hoạt động tội phạm công nghệ cao, chỉ trong thời gian ngắn, các lực lượng chức năng đã tổ chức giăng lưới bóc gỡ hàng loạt các nhóm đối tượng ( có cả người nước ngoài - PV), các công ty viễn thông, thu giữ hàng chục tỉ đồng cùng nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại được sử dụng vào mục đích đánh cắp thông tin, lừa gạt khách hàng...

Đánh vào các tổ chức lớn

Ngày 15/7, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) đã họp, thông báo về nội dung chuyên án triệt phá nhóm đối tượng sử dụng thiết bị điện tử công nghệ cao kết nối mạng internet phát tán tin nhắn lừa đảo chiếm đoạt phí dịch vụ của người sử dụng điện thoại di động. Đây là chiến công xuất sắc của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) và Công an quận Đống Đa, TP. Hà Nội sau hơn nửa năm đấu tranh. Theo tài liệu của cơ quan công an, đối tượng cầm đầu nhóm phạm tội thứ nhất là Lê Ngọc Tiến (trú tại Bắc Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) đã bỏ tiền tổ chức thuê người, mua sắm trang thiết bị thành lập 3 Công ty Vvas, Vcontent, Bắc Đại Dương hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo trên các đầu số 7x68 và 7x77 của các nhà cung cấp dịch vụ di động Vinaphone, Mobiphone, Viettel.

Ngày 13/6, cùng lúc tổ công tác đã bắt quả tang và khám xét phòng 119, nhà 5B, tập thể Đại học Công đoàn, quận Đống Đa và số 234 Nguyễn Trãi, TP. Hà Nội, thu giữ hàng chục hệ thống thiết bị phát tán tin nhắn lừa đảo gồm máy tính xách tay và để bàn, hàng chục bộ Hub (thiết bị để cắm USB 3G và sim điện thoại), hàng chục USB 3G và hơn 9.000 sim điện thoại cùng nhiều thiết bị, tài liệu liên quan. Kết quả điều tra ban đầu, xác định từ 6/2013 đến tháng 6/2014, Công ty Vvas, Vcontent đã phát tán hàng triệu tin nhắn lừa đảo từ các đầu số trên với 27 cú pháp chiếm đoạt khoảng 22 tỷ đồng của các thuê bao di động. Số tiền này Tiến ăn chia với các nhà mạng theo tỷ lệ 45 - 55%.

Ngay sau khi bị bắt giữ, cơ quan công an còn phát hiện Tiến đã thành lập thêm 2 công ty khác để tiếp tục “bành trướng” quy mô hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo. Cơ quan điều tra cho biết, đối tượng Tiến cực kỳ thủ đoạn trong việc thực hiện hành vi phạm tội. Tiến không hề đứng tên ở chức danh, địa vị nhưng lại có vị trí rất quan trọng, có thể điều khiển các giám đốc công ty nhất nhất nghe theo. Tiến trực tiếp điều hành mọi hoạt động của Công ty Vvas do Nguyễn Xuân Dũng làm Giám đốc và Công ty Vcontent do Nguyễn Duy Đông làm Giám đốc.

Các công ty này có hoạt động tương tự giống nhau, chúng chia thành nhiều nhóm, trong đó đối tượng Nguyễn Thị Trang, Lương Thị Toan trực tiếp soạn thảo nội dung tin nhắn; Dũng, Đông cùng với Trần Khắc Quỳnh phát tán tin nhắn; Đinh Nguyên Nam làm kỹ thuật; kế toán Lê Thị Song Hoàn thu tiền. Các đối tượng sử dụng các cú pháp khác nhau để lôi cuốn mọi người với nội dung cổ súy cho lô đề, tử vi bói toán, lừa đảo trúng thưởng, ví dụ như: soạn tin để có 2 số cuối giải xổ số đặc biệt, nhận thư và lời giải xổ số miền Bắc... Khi nhận được tin nhắn, chủ thuê bao gửi lại cho các đầu số sẽ tự động trừ từ 500 - 15 nghìn đồng/tin nhắn.

Mở rộng điều tra, cơ quan công an còn phát hiện một nhóm công ty khác là Công ty Thiên Ngân, Thiên Hà do Trần Ngọc Hùng (trú tại phố Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu phát tán tin nhắn lừa đảo.

Cần chủ động đấu tranh

Trước sự gia tăng hoạt động tội phạm này, Trung tướng Trần Trọng Lượng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm cho biết: Tội phạm công nghệ cao bây giờ kiếm tiền rất dễ, có khi chúng chỉ ngồi trong căn phòng với chỉ mấy cái thiết bị và máy tính là đã kiếm được tiền, thậm chí là kiếm được nhiều tiền. Ông cho biết thêm: Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao khám phá và cũng đã phát hiện nhiều vụ việc rất lớn, thu được rất nhiều, cũng có tác dụng phòng ngừa, tác dụng răn đe, trừng trị các đối tượng vi phạm. Qua điều tra các vụ án trên cho thấy có sự dính líu của các nhà mạng trong hoạt động này. Cụ thể, từ điều khoản hợp đồng mà 6 công ty nói trên ký với các nhà mạng là Viettel, MobiFone, Vinaphone cho thấy, các công ty lừa đảo hưởng 45% doanh thu, còn các nhà mạng hưởng 55%. Đây là nguyên tắc bắt buộc khi bất cứ đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung số nào ký kết hợp đồng với nhà mạng. Đáng chú ý, mặc dù hưởng tỉ lệ ăn chia lớn nhưng các nhà mạng hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm pháp lý vì nội dung hợp đồng đều trút hết trách nhiệm cho đơn vị cung cấp dịch vụ.

Các chuyên gia cũng khẳng định việc phát tán tin nhắn rác lừa đảo không mới, đã diễn ra từ nhiều năm nay, các nhà mạng đều đã có biện pháp phòng chống nên việc một nhóm công ty hoạt động lừa đảo cả 1 năm, đến khi cơ quan công an phát hiện mới biết thì có dấu hiệu bất thường. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của nhà mạng trong việc quản lý, kiểm soát đối với việc cung cấp dịch vụ này.         

  Giao Linh - Viễn Phương

 


Ý kiến của bạn