Nhà lý luận Hoàng Tùng với văn hóa dân tộc

03-08-2017 13:43 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhà báo Hoàng Tùng đã trở thành một danh xưng, một tên gọi quen thuộc và kính trọng trong làng báo Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Nhưng Hoàng Tùng đâu chỉ là một nhà báo, mà ông còn là một nhà lý luận - chính trị và một nhà lý luận văn hóa uyên thâm, sắc sảo, rất đáng nể trọng.

Theo hiểu biết của tôi thì, hầu hết các nhà lãnh đạo của Đảng ta, những học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều quan tâm tới nền văn hóa ngàn năm của dân tộc, đó là những lãnh tụ như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng... và những nhà lãnh đạo khác như Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, nhưng sự hiểu biết và sự quan tâm của các nhà lãnh đạo kiệt xuất đó về văn hóa nghệ thuật được thể hiện chủ yếu là ở phần lý luận cơ bản và sự chỉ đạo về đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng nhiều hơn là sự nhập cuộc với thực tiễn hoạt động của giới nghệ sĩ.

Trong khi đó, đồng chí Hoàng Tùng, sinh thời, với cương vị Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và có thời kỳ làm Tổng biên tập Báo Nhân Dân, rồi làm Giám đốc NXB Sự thật, nhưng không phải vì thế mà chỉ gọi ông là nhà báo Hoàng Tùng, mà ông còn là nhà lý luận chính trị và lý luận văn hóa, thậm chí có thể gọi là một học giả uyên thâm. Chúng ta suy tôn Hoàng Tùng là nhà báo xuất sắc, có nghĩa là chúng ta chưa công nhận Hoàng Tùng là nhà văn hóa, nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta.

Nhà lý luận Hoàng Tùng.

Nhà lý luận Hoàng Tùng.

Tôi nghĩ rằng không có phông văn hóa tốt, không có tâm hồn và tình yêu văn hóa thiết tha thì không thể làm nhà báo tốt được. Vì vậy, có thể coi Hoàng Tùng là nhà lý luận văn hóa tư tưởng của Đảng ta, mà lý luận không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không chỉ có sách vở Mác, Lênin, mà phải từ thực tiễn cuộc sống được chưng cất, được tổng kết thành lý thuyết sống động và thuyết phục. Hoàng Tùng là người hoạt động thực tiễn nhiệt tình và sôi nổi. Ông học tập tư tưởng phong cách lãnh tụ Hồ Chí Minh thâm nhập sâu vào đời sống văn hóa chuyên nghiệp và không chuyên, từ dân gian đến bác học. Phẩm chất ấy, nhân cách ấy thể hiện quá rõ ràng ở nhà lý luận Hoàng Tùng.

Là thế hệ học trò của nhà lý luận Hoàng Tùng, nhưng tôi có may mắn được tiếp xúc nhiều lần với ông, càng thấy ông, một con người uyên bác và nhiệt tình, không tạo ra khoảng cách trẻ già, cao thấp... Ông luôn chú ý lắng nghe và gợi mở, phản biện rất nồng nhiệt và chân thành, đặc biệt ông rất quý văn nghệ sĩ. Ông chịu ảnh hưởng phong cách Hồ Chí Minh, điều mà không phải ai cũng có được và cũng làm được, mặc dù họ vẫn nói: Học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh...  Tôi đã thấy nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi ngay dưới hè nhà tập thể hoặc sàn tập để trò chuyện với văn nghệ sĩ.

Nhớ lại thời kỳ phụ trách Viện Nghiên cứu Sân khấu Việt Nam trong những năm 80, 90 thế kỷ 20, tôi thường mời nhà lý luận Hoàng Tùng tới dự một số hội thảo khoa học về nghệ thuật dân tộc, hoặc nói chuyện với các nhà nghiên cứu. Ông ít khi từ chối, trừ bận công việc gì đó. Khi ông tới thì các cán bộ trẻ thường bao vây ông để hỏi han, chất vấn những vấn đề mà họ đang cần biết, cần giải đáp về bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, hoặc tiếp thu, vận dụng văn hóa của nhân loại như thế nào cho đúng, bởi thời kỳ đó sân khấu Việt Nam đang hướng ngoại, ở đâu cũng học tập và vận dụng Stanixlaxki (Liên Xô) và Bertolht Brechct (Đức).

Nhà lý luận Hoàng Tùng nói rất hay về tính dân tộc trong văn hóa. Ông nói rất say sưa trên diễn đàn, có khi gần một tiếng đồng hồ. Ông ít khi nói ngắn, viết ngắn vì mạch cảm hứng và bao giờ ông cũng nêu ra nhiều vấn đề và giải quyết vấn đề thật sâu sắc theo quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Ông rất thích tuồng, chèo và thường nhắc tên những nghệ sĩ tuồng, chèo nổi tiếng trên quê hương Hà Nam của ông như Bạch Trà (tuồng), Dịu Hương (chèo).

Bài phát biểu của đồng chí Hoàng Tùng bao giờ cũng được ông sửa chữa rất nhiều, dân gian thường gọi là “sửa nát bét”. Có lần ông giao cho tôi một bài tham luận viết tay đem về đánh máy, nhưng cán bộ của tôi không sao đọc nổi, họ phải dò lần từng câu, từng chữ, phải đoán, phải dịch mất một ngày mới xong và xong rồi, đem đọc mới thấy đặc sắc, bởi vì những luận điểm của nhà lý luận Hoàng Tùng hoàn toàn mới và có sức thuyết phục cao. Những ý kiến vô cùng sâu sắc của nhà lý luận Hoàng Tùng đã giúp chúng tôi, đặc biệt là cán bộ trẻ rất nhiều trong công tác nghiên cứu nghệ thuật dân tộc, theo quan điểm của Đảng ta. Có thể nói, những ý kiến của nhà lý luận Hoàng Tùng đã gợi mở rất nhiều cho đội ngũ nghiên cứu ở Viện chúng tôi lúc bấy giờ, mặc dù thời đó ở khối Viện, Bộ Văn hóa đã có hai nhà lý luận Hà Huy Giáp, Hà Xuân Trường trực tiếp chỉ đạo, nhưng những ý kiến của nhà lý luận Hoàng Tùng với chúng tôi bao giờ cũng mới, cũng bổ ích, vì vậy mà chúng tôi rất quý mến ông.

Tình yêu nghệ thuật dân tộc của nhà lãnh đạo văn hóa tư tưởng Hoàng Tùng còn thể hiện rất rõ từ sau ngày ông nghỉ hưu, khác với một số vị lãnh đạo cấp cao, chủ yếu là “an cư” tránh né hoạt động xã hội, ngần ngại tiếp xúc văn nghệ sĩ, hoặc chỉ xuất hiện ở những nơi quan trọng... Còn ông Hoàng Tùng thì chẳng từ chối những hoạt động văn hóa nghệ thuật nào, khi được mời, nhất là những buổi biểu diễn, hoặc tọa đàm về âm nhạc dân gian ở Hà Nội, ông thường có mặt. Tôi đã chứng kiến ông ngồi dự những buổi diễn ca trù tại sân đình, sân chùa. Ông chăm chú lắng nghe tiếng đàn, nhịp phách, câu hát tha thiết nỉ non của nghệ nhân. Ông say sưa thưởng thức cái hay cái đẹp của nghệ thuật dân gian truyền thống và cuối buổi ông lại phát biểu động viên các nghệ nhân, ông không quên nhắc tôi: “Mời giáo sư hãy phát biểu nhận xét và động viên các nghệ nhân...”. Cử chỉ ấy làm cho những người hoạt động nghệ thuật dân tộc cảm thấy gần gũi, ấm lòng mà yêu nghề hơn, yên tâm hơn trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc. Rất tiếc là, hiện nay rất hiếm những người có hiểu biết sâu nghệ thuật dân tộc và có nhiệt tình với phong trào đàn hát dân gian như cựu Bí thư Trung ương Đảng Hoàng Tùng - một người không chỉ giỏi làm báo, viết báo, lãnh đạo báo chí, mà còn rất giỏi về lý luận văn hóa dân tộc. Chúng tôi coi ông như một bậc thầy về lý luận và ông cũng là một Mạnh thường quân của văn nghệ dân tộc. Mẫu người như nhà lý luận Hoàng Tùng thật khó tìm thấy trong cơ chế thị trường ở Việt Nam hôm nay. Vì vậy mà tôi xin nghiêng mình trước danh nhân văn hóa Hoàng Tùng.

Hà Nội, tháng 5/2017


GS. Hoàng Chương
Ý kiến của bạn
Tags: