Nhà lãnh đạo WikiLeaks có thể bị dẫn độ sang Mỹ

12-04-2019 10:15 | Quốc tế
google news

SKĐS - Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assangeđã bị cảnh sát Anh bắt giữ ngay tại Đại sứ quán Ecuador ở London, Anh. Vậy là sau 7 năm tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador, ông Julian Assange sẽ phải đối diện với cơ quan tư pháp tại Anh và có nguy cơ sẽ bị dẫn độ sang Mỹ xét xử.

Xem video vụ bắt giữ nhà lãnh đạo WikiLeaks:

Cảnh sát Anh cho biết,  họ đã được mời vào bên trong Đại sứ quán Ecuador tại London để thi hành lệnh bắt giữ sau khi Chính phủ Ecuador rút quy chế tị nạn với ông Assange.

Những sự việc vừa xảy ra dường như đã được dự liệu bởi trước đó, ngày 8/4, Chính phủ Ecuador thông báo sẽ điều tra nhà sáng lập WikiLeaks Assange vì tình nghi liên quan tới việc làm rò rỉ thông tin về cuộc sống gia đình của Tổng thống Lenin Moreno. Đáp lại, ông Assange cho rằng cáo buộc của Tổng thống Moreno nhằm tìm cách trục xuất ông khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London.

Bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks sáng 11/4

Ngay trong ngày 11/4, nhà sáng lập trang web WikiLeaks đã bị cảnh sát Anh đưa ra trình diện tại tòa án Westminster ở thủ đô London.  Tại phiên tòa, thẩm phán đã kết tội ông Assange vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại vào năm 2012 sau khi có yêu cầu dẫn độ của Thụy Điển về cáo buộc ông xâm hại tình dục phụ nữ. Ông Assange có thể sẽ đối mặt với án tù lên tới 12 tháng về tội danh này.

Ông Julian Assange năm nay 47 tuổi, là nhà sáng lập WikiLeaks, quốc tịch Australia sống tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London từ tháng 6/2012 đến nay để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển xét xử với cáo buộc xâm hại tình dục.

Ông Assange luôn bác bỏ những lời buộc tội vì cho rằng đây chỉ là cái cớ của Mỹ với mục tiêu bắt giữ và dẫn độ ông này sang Mỹ để xét xử các tội danh tiết lộ hàng nghìn bí mật quốc gia của Mỹ năm 2000. Khả năng ông Assange bị dẫn độ sang Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu bị đưa sang Mỹ xét xử, ông Assange có thể bị kết án tù hoặc bị tử hình. Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc nhà sáng lập WikiLeaks có âm mưu cùng với cựu nhân viên phân tích tình báo cho quân đội Mỹ Chelsea Manning tìm cách xâm nhập một máy tính mật của chính phủ. Ông Assange sẽ đối mặt với án tù lên tới năm năm nếu bị kết tội.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ecuador cũng cho biết đã được phía Anh đảm bảo sẽ không dẫn độ ông Assange sang một quốc gia khiến ông này có thể bị tử hình.  Sau vụ bắt giữ nhà lãnh đạo WikiLeaks, Ecuador đang đối mặt với những áp lực từ cả trong và ngoài nước. Trang WikiLeaks đã cáo buộc Ecuador hủy bỏ "trái phép" việc tị nạn của nhà sáng lập Julian Assange, khẳng định Đại sứ quán Ecuador ở London đã mời Cảnh sát Anh vào tòa nhà để bắt giữ ông này. Trong khi đó, Người phát ngôn của Điện Kremlin  Dmitry Peskov đã tuyên bố Nga hy vọng London không xâm phạm các quyền của ông Assange.

Ông Assange trên xe cảnh sát sáng 11/4

Trong một phản ứng gay gắt nhất, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố nước này sẽ đưa vụ bắt giữ ông Assange ra các tổ chức quốc tế. Bà Zakharova cho rằng vụ bắt giữ ông Assange ngày 11/4 đã đi vào lịch sử như trường hợp vi phạm quyền của các nhà báo và tấn công vào tự do ngôn luận, và Nga sẽ đưa trường hợp này ra các tổ chức quốc tế, song rất cần phải có ý kiến của các tổ chức nghề nghiệp báo chí về tình huống chưa từng có tiền lệ này.

Thủ tướng Anh Theresa May hoan nghênh việc bắt giữ ông Assange, đồng thời tuyên bố: "Không ai đứng trên luật pháp". Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt cho rằng: “Julian Assange không phải là anh hùng, ông ấy đã che giấu sự thật trong nhiều năm”.

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cho biết, ông Assange sẽ tiếp tục nhận được sự bảo hộ lãnh sự thông thường từ phía Chính phủ nước này và các nhân viên lãnh sự sẽ tìm cách gặp ông Assange tại nơi giam giữ. “Tôi tin tưởng đúng như Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt công khai xác nhận vào tháng 7-2018 rằng ông Assange sẽ trải qua quy trình đúng với quyền ông được hưởng trong thủ tục pháp lý mà ông phải đối mặt tại Anh”, bà Payne cho biết.


Hải Yến
Ý kiến của bạn