Nhà khoa học và tình cảm nồng hậu với Việt Nam

18-08-2018 11:23 | Xã hội

SKĐS - Mới rồi tôi đến Bắc Giang, một người bạn ở Hội Văn nghệ tỉnh biết tôi thích tìm hiểu về “những điều mới lạ” thì giới thiệu tôi gặp một người hàng xóm là chị Nguyễn Thị Xuân.

Chị Xuân trạc 30 tuổi, khi tôi đến thấy vợ chồng chị đang vui vẻ bên đứa bé trai kháu khỉnh khoảng nửa năm tuổi. Sau khi chào hỏi, chị chủ nhà kể với tôi về “ân nhân” của mình là PGS.TS. y khoa Trần Vân Khánh ở Đại học Y Hà Nội. Cách đây hơn 2 năm chị về Hà Nội khám thai, tình cờ được tiếp xúc với BS. Vân Khánh đang làm việc tại bệnh viện thực hành của trường. Bác sĩ phát hiện chị mắc bệnh máu không đông bẩm sinh (Hemophilia) và đã tư vấn cho chị, theo quan hệ di truyền đứa trẻ trong bụng cũng sẽ mắc căn bệnh này ở mức độ nặng hơn. Bác sĩ còn bảo, bất kỳ ai cũng mang trong mình gene tốt và gene xấu. Nhiều trường hợp bố mẹ khỏe mạnh và không ngờ rằng khi hai gene xấu trong cơ thể vô tình kết hợp với nhau sẽ tạo thành bệnh lý cho đứa con. Những trường hợp bố hoặc mẹ đang mắc bệnh di truyền, tỷ lệ lây sang con là rất cao. Lúc đó chị mới mang thai đến tháng thứ ba vẫn còn thời gian để “sửa chữa”. Và người bác sĩ mới quen đó đã tận tình hướng dẫn cho vợ chồng chị cách chọn phôi an toàn rồi mới mang thai. Kết quả là sau hai năm kiên trì, vợ chồng chị đã có được bé trai kháu khỉnh, hoàn toàn khỏe mạnh hôm nay. Chị Xuân bảo, nếu ngày ấy “ông trời” không cho chị được gặp BS. Vân Khánh thì có lẽ cuộc sống gia đình chị đã rẽ sang một ngả khác, với rất nhiều hệ lụy nguy hiểm cho đứa con sau này. Người nữ bác sĩ ấy quả là một người thầy thuốc tài giỏi lại có tâm giúp đỡ người khác. Thế rồi tôi trở về Hà Nội, đúng dịp công bố giải thưởng Kovalevskaia năm 2018, tôi (tất nhiên cả vợ chồng chị Xuân và nhiều gia đình hiếm muộn khác) thật vui mừng khi thấy có tên PGS.TS. Trần Vân Khánh trong số hai nhà khoa học nữ được giải lần này với công trình về liệu pháp điều trị gene sử dụng mô hình tế bào đối với bệnh lý di truyền...

Vợ chồng GS. Neal Koblitz (bên phải) cùng tác giả (đứng đầu bên trái) tại trụ sở Viện Toán học Việt Nam.

Vợ chồng GS. Neal Koblitz (bên phải) cùng tác giả (đứng đầu bên trái) tại trụ sở Viện Toán học Việt Nam.

Đến nay, giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam đã có chặng đường phát triển được 33 năm. Vào thời kỳ giải mới ra đời tôi còn là phóng viên của một tờ nhật báo, tôi đã có may mắn được gặp và phỏng vấn vợ chồng nhà khoa học người Mỹ khai sinh giải thưởng này. Đầu năm 1985, GS.TS. toán học Neal Koblitz và Tiến sĩ sử học Ann Hibner đến Việt Nam và đã sáng lập quỹ mang tên nhà nữ toán học lừng danh người Nga X.V.Kovalevskaia, dành riêng cho những nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Từ đó giải Kovalevskaia đã trở thành giải chính thức thường niên của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Tuy giá trị vật chất của giải không  phải là cao, song do cách làm kỹ lưỡng, nghiêm túc nên các cá nhân, tập thể được nhận giải này những năm qua nhìn chung đều rất xứng đáng. Đến năm 2018, giải Kovalevskaia đã trao cho 17 tập thể và 48 cá nhân thuộc nhiều ngành nghề khác nhau và PGS.TS. Trần Vân Khánh là người trẻ nhất trong số các nhà khoa học nữ nhận giải thưởng (chị sinh năm 1973).

Tôi có nhiều bạn bè ở Viện Toán học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), trụ sở tại đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Tôi được GS. Nguyễn Xuân Tấn cho biết, vợ chồng nhà toán học Koblitz vừa sang, đang có chương trình làm việc ở Viện Toán. Thế rồi ngay sau đó nhờ sự giới thiệu nhiệt tình của anh, vị khách Mỹ đã tiếp tôi cởi mở, thân mật. Vào câu chuyện, biết tôi từng là phóng viên báo Quân đội, GS. Neal Koblitz kể về những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, lúc anh còn đang học ở đại học Princeton, bang New Jersey. Ngày đó phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam đang lan rộng khắp nước Mỹ, ở trường đại học danh tiếng này đã xảy ra cuộc biểu tình lớn của sinh viên chặn đường vào Viện Nghiên cứu quốc phòng. Chính phủ Mỹ đàn áp, 200 sinh viên bị bắt, có 30 người nhất quyết không nộp tiền phạt mà chấp nhận ngồi tù để phản đối, trong số đó có Neal và Ann. Tình yêu của anh chị đã nảy sinh từ cuộc đấu tranh bảo vệ công lý, chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa như thế. Về sau anh bảo vệ thành công học vị tiến sĩ toán, còn chị cũng hoàn thành luận văn tiến sĩ lịch sử toán học về Kovalevskaia. Xophia Vaciliepna Kovalevskaia (1850-1891) có những cống hiến sáng chói trong toán học ở nửa cuối thế kỷ XIX, bà cũng là người phụ nữ đầu tiên đạt được tất cả những danh hiệu cao quý như giáo sư đại học; tiến sĩ; viện sĩ hàn lâm… trong xã hội lúc đó còn nhiều lề thói cổ hủ trọng nam khinh nữ.

Chị Ann kể tôi nghe về ý định ban đầu dẫn đến sự ra đời của giải thưởng. Năm 1978, lần đầu tiên anh chị đến thăm Việt Nam, trước đó cũng đã có những cuộc tiếp xúc với một số nhà toán học Việt Nam tại các hội nghị quốc tế. Đất nước từng gây ấn tượng sâu đậm trong tâm trí hai người về tinh thần dũng cảm ngoan cường chống ngoại xâm, giờ đây được tận mắt tìm hiểu công cuộc xây dựng trong hòa bình, đặc biệt là với những phụ nữ làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Họ luôn tỏ ra có ý chí vươn lên mạnh mẽ, giàu sức sáng tạo, nhưng hoàn cảnh sống, cùng cơ sở vật chất để thực hiện đề tài nghiên cứu của các chị thì còn nghèo nàn, lạc hậu. Cần làm gì để thiết thực giúp đỡ, khuyến khích những người phụ nữ đáng quý trọng ấy? Câu hỏi này cứ ám ảnh Neal và Ann sau khi trở về Mỹ. Ann vừa xuất bản cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của Kovalevskaia, trong đó nhiều điều thuộc nội dung bản luận án tiến sĩ sử học ngày trước của chị. Cuốn sách ra đời, đã có đông đảo bạn đọc đón nhận. Được nhuận bút gần chục nghìn đô-la, anh chị đã nghĩ ngay đến việc lập một quỹ dành cho nhà khoa học nữ Việt Nam. Và ý tưởng của hai người còn có sự ủng hộ chí tình của bạn bè trong giới, làm cho số quỹ vốn ban đầu tăng nhanh chóng. Trong một phần ba thế kỷ qua, anh chị đã nhiều lần qua lại Việt Nam. Sau mỗi chuyến đi anh chị đều tỏ ý vui mừng khi thấy đội ngũ khoa học nữ thêm đông đảo và quỹ Kovalevskaia ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội, là minh chứng sinh động cho quá trình bình đẳng giới ở Việt Nam. Cuối cuộc trò chuyện, khi nghe tôi hỏi: trong những năm qua có sự lựa chọn nào của hội đồng xét giải thưởng làm anh chị không thật hài lòng? Suy nghĩ giây lát Neal nói, cũng có trường hợp đáng tiếc đấy, như với kỹ sư hóa thực phẩm N. Là tổng giám đốc một liên hiệp sản xuất thực phẩm lớn, cống hiến nổi bật của chị ấy trong lĩnh vực kinh doanh chứ không hoàn toàn là nghiên cứu khoa học. Rồi Neal cười vui mà bảo: “Đến giải Nobel còn có lúc bị trao nhầm cơ mà!”.

Nhà nước ta đánh giá cao sự nhiệt tình và những đóng góp to lớn cho phát triển khoa học công nghệ cùng sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở Việt Nam, đã tặng vợ chồng nhà khoa học N. Koblitz huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ” và huy chương Hữu nghị. Vào năm 2009, GS. Neal Koblipz còn có một bài báo đăng trên VietnamNet Online gây xôn xao dư luận. Đây là bài phản biện khá bất ngờ và sắc sảo với bản “Báo cáo Vellery” của nhóm giáo sư thuộc Đại học Harvard, Mỹ về nền giáo dục Việt Nam. Nhiều vấn đề ông nêu ra hiện còn được tiếp tục tranh cãi, song qua phản biện này cho thấy sự hiểu biết trong lĩnh vực khoa học - giáo dục, cùng tình yêu Việt Nam sâu bền của ông.

Trở lại đôi điều với công trình nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn thành công của PGS. Trần Vân Khánh. Theo GS. Tạ Thành Văn, Phó hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội thì nghiên cứu của chị thuộc lĩnh vực bệnh học phân tử, nhằm giúp chẩn đoán sớm, chẩn đoán trước sinh, định hướng điều trị can thiệp giúp các bác sĩ có thể tiên lượng các thể bệnh thuộc lĩnh vực này. Và trường hợp đứa con còn mang thai của chị Xuân ở Bắc Giang là một trong những bệnh lý di truyền phổ biến ở Việt Nam và thế giới với tần suất mắc 1/3.500 trẻ. Hầu hết những trẻ mắc bệnh này đều có dấu hiệu suy cơ và tiến triển ngày càng nặng, cuối cùng dẫn đến tàn phế, mất khả năng đi lại ở tuổi 12 và thường tử vong ở tuổi đôi mươi do tổn thương cơ tim và rối loạn hô hấp. Kết quả nghiên cứu của PGS. Trần Vân Khánh đã được đăng trên tạp chí y học có uy tín của thế giới, nằm trong số 170 công trình khoa học đã công bố của chị.


Phạm Quang Đẩu
Ý kiến của bạn