Hà Nội

Nhà khoa học tật nguyền và cuốn sách bán chạy nhất

28-12-2017 10:52 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cuốn “Lược sử thời gian” của nhà vật lý người Anh Stephen Hawking được xuất bản lần đầu tại quê hương ông năm 1988, trở thành cuốn best seller ngay năm đó và trong 10 năm tiếp theo cuốn sách đã đạt những con số kỷ lục 10 triệu bản in, được dịch sang 40 thứ tiếng trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, cuốn sách đã được chuyển ngữ năm 1995, đến nay cũng đạt con số kỷ lục về số lần tái bản, năm 2017 là lần tái bản thứ 16 với 10.000 bản.

Nhà vật lý lừng danh trên xe đẩy

Stephen William Hawking sinh ngày 8/1/1942, là một nhà vật lý lý thuyết, vũ trụ học, hiện là Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học lý thuyết thuộc Đại học Cambridge, nước Anh. Trong số những công trình khoa học quan trọng của ông, nổi bật nhất là sự hợp tác với Roger Penrose về lý thuyết kỳ dị hấp dẫn và tiên đoán lý thuyết hố đen phát ra bức xạ (tức bức xạ Hawking). Hawking là người đầu tiên khởi đầu một nền vũ trụ học dựa trên sự thống nhất giữa thuyết tương đối tổng quát và cơ học lượng tử. Ông nhận nhiều vinh dự khác nhau, trong đó có Huân chương Tự do Tổng thống, Giải Wolf, là thành viên của Hội Nghệ thuật Hoàng gia và Viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng...

Ngày 20/4/2009, Stephen Hawking rơi vào tình trạng nguy kịch vì căn bệnh nan y hội chứng xơ cứng teo cơ (ALS). Người phát ngôn Đại học Cambrigde, thông báo rằng giáo sư Hawking “phải nhập viện và đang rất yếu”. Các tờ báo bắt đầu đăng tải những bài tóm lược vinh danh cuộc đời của ông hoàng vật lý lý thuyết như cáo phó sớm. Thế nhưng, căn bệnh không thể khuất phục được Hawking.

Tổng thống Mỹ B. Obama trao Huân chương Tổng thống - huân chương cao nhất của Mỹ cho giáo sư S. Hawking năm 2014.

Tổng thống Mỹ B. Obama trao Huân chương Tổng thống - huân chương cao nhất của Mỹ cho giáo sư S. Hawking năm 2014.

ALS là căn bệnh khiến các tế bào thần kinh tê liệt. Một khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ cảm nhận cơ thể từ từ đông cứng cho tới khi liệt hẳn. Họ dần mất khả năng vận động, không thể nhai thuốc, thức ăn và gặp khó khăn khi hít thở. Bệnh nhân thường chỉ có thể sống được 2-5 năm sau khi phát hiện. Hơn 50% người sống tới năm thứ ba, 20% sống được 5 năm nữa, nhưng vượt qua ngưỡng này, tỷ lệ sống sót giảm mạnh. Chỉ hơn 5% bệnh nhân có thể chống chọi bệnh trong 20 năm. Stephen Hawking là một trong số hơn 5% hiếm hoi ấy. Thiên tài khoa học đã hai lần đánh dấu cột mốc 20 năm sống cùng ALS.

Khả năng sống sót phi thường của Hawking khiến nhiều chuyên gia cho rằng có thể ông đã chiến thắng hội chứng ALS. “Ông là một ngoại lệ. Tôi chưa từng thấy ai sống sót với căn bệnh này lâu đến thế. Điều phi thường không chỉ dừng lại ở độ dài thời gian, mà ở chỗ căn bệnh dường như đang suy yếu. Tình trạng bệnh ổn định như vậy là cực kỳ hiếm”, Nigel Leigh, giáo sư về thần kinh học lâm sàng tại King’s College, London, phát biểu trên British Medical Journal năm 2002.

Hơn một thập kỷ sau nhận định của giáo sư Nigel, khi Hawking bước sang tuổi 70 vào năm 2012, nhiều nhà nghiên cứu tiếp tục bày tỏ sự kinh ngạc. “Hawking thật phi thường. Tôi không biết ai từng sống sót lâu như vậy”, AP dẫn lời chuyên gia Anmar al-Chalabi. Theo nhiều nhà khoa học, cuộc chiến với ALS được bắt đầu sớm có thể phần nào lý giải cho kỳ tích sống sót của ông. Độ tuổi trung bình được chẩn đoán ALS là 55, trong khi các triệu chứng bắt đầu với Hawking khi ông còn rất trẻ. Hawking từng viết trong hồi ký: “Vào năm thứ ba tại Oxford, tôi nhận thấy mình ngày một vụng về. Tôi bị ngã một vài lần mà không rõ lý do. Mãi tới khi vào học tại Cambrigde, cha tôi mới chú ý và đưa tôi gặp bác sĩ. Ông ấy gửi tôi đến một chuyên gia và ngay sau sinh nhật 21 tuổi, tôi bắt đầu làm các xét nghiệm tại bệnh viện. Tin mình mắc bệnh thần kinh vận động làm tôi vô cùng sửng sốt”.

Hawking cho rằng, công việc nghiên cứu đã tặng cho ông nhiều thời gian mà người khác không thể có được. “Tôi có một công việc và được chăm sóc đặc biệt. Điều này chắc chắn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tôi may mắn làm việc trong ngành vật lý lý thuyết, một trong số ít lĩnh vực mà sự tàn tật không phải là khuyết điểm quá quan trọng”, Stephen chia sẻ với New York Times năm 2011.

Nhiều năm nay, cuộc sống, giao tiếp của S. Hawking gắn với chiếc xe đẩy có gắn bộ máy tính đặc biệt. Để giao tiếp, ban đầu Hawking rướn lông mày để chọn những chữ cái trên một thẻ đánh vần. Nhưng về sau ông nhận được một chương trình máy tính tên là “Equalizer” từ Walt Woltosz. Trong một phương pháp mà ông sử dụng tới tận ngày nay, sử dụng một công tắc ông chọn các cụm từ, từ, hoặc chữ cái từ một bộ nhớ chứa khoảng 2.500-3.000 lựa chọn được quét qua bởi máy. Hawking bình luận rằng: “Giờ tôi đâm ra giao tiếp tốt hơn là trước khi tôi mất giọng nói”.

Một trong những thông điệp đầu tiên Hawking đưa ra với thiết bị phát giọng nói của mình là yêu cầu trợ lý giúp ông hoàn thành việc viết Lược sử thời gian. Cuốn sách cuối cùng cũng ấn hành tháng 4/1988 ở Hoa Kỳ; tháng 6 ở Anh quốc và trở thành một thành công phi thường, nhanh chóng vươn lên đầu các danh sách bán chạy nhất ở cả hai quốc gia và duy trì vị trí không chỉ nhiều tuần mà nhiều năm liên tục.

Lược sử thời gian được dịch sang nhiều thứ tiếng, thành công dẫn đến những khoản tiền hậu hĩnh, nhưng cũng đem lại thách thức trong vai trò người nổi tiếng. Hawking đã di chuyển liên tục để quảng bá công trình của mình, tham gia tiệc tùng và khiêu vũ tới tận đêm khuya.

Cuốn sách phổ biến khoa học bán chạy nhất

Năm 20 tuổi ông tốt nghiệp đại học và chuyển đến đại học Cambridge làm tiến sĩ về vũ trụ học. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ Tính giãn nở của vũ trụ, ông được giới chuyên môn đánh giá là một trong những nhà vật lý tài ba nhất của thời đại. Năm đó ông mới 24 tuổi. Hơn chục năm sau đó, Hawking cho ra đời cuốn Lược sử thời gian, cuốn sách đầu tiên của ông dành cho những người không phải chuyên gia về vật lý vũ trụ, chứa đựng những khám phá trên những ranh giới của vật lý học, thiên văn học, vũ trụ học.

Cuốn Lược sử thời gian nhiều năm qua luôn là sách best seller, trước hết do chính tác giả, một nhà khoa học tài năng và là người có nghị lực để vượt qua bệnh tật một cách phi thường như vậy. Ở Việt Nam, sách ra mắt độc giả hơn 20 năm nay, trung bình cứ hơn 1 năm tái bản một lần, đó là điều đặc biệt hiếm có trong nghề xuất bản. Để đạt được điều đó, một phần còn do bản dịch tốt. Hai nhà khoa học là GS.TS.Cao Chi và cựu giảng viên vật lý Phạm Văn Thiều đã chuyển ngữ nguyên bản tiếng Anh ra tiếng Việt một cách chuẩn xác và tài hoa.

Mở đầu cuốn sách là những nhận thức sơ khởi của con người về vũ trụ. Từ thời nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristotle khoảng 340 năm trước Công nguyên, đưa ra ý tưởng trái đất đứng yên, mặt trời, mặt trăng và các hành tinh quay xung quanh nó theo quỹ đạo tròn, điều này còn làm ta liên tưởng đến sự tích bánh dày - bánh chưng ứng với “trời tròn đất vuông” quan niệm của người Việt cổ. Rồi mục sư người Ba Lan N. Copernicus, nhà thiên văn học Đức J. Kepler, nhà thiên văn học Ý G. Galilei... đã chứng minh ngược lại với tư tưởng của nhà thờ Thiên Chúa giáo, rằng trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ mà chỉ là một hành tinh xoay quanh mặt trời. Bên cạnh quan niệm đó, vẫn còn số đông tin rằng vũ trụ về cơ bản là tĩnh và không thay đổi. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi, khi vào năm 1929, E. Hubble đã thực hiện một quan sát, những thiên hà xa xôi đang chuyển động rất nhanh ra xa chúng ta. Nói cách khác, vũ trụ đang giãn nở. Nhận định này đã gợi ý cho ra đời một lý thuyết quan trọng bậc nhất của vật lý vũ trụ, là thuyết Vụ nổ lớn (Big Bang). Phát minh vũ trụ đang giãn nở là một trong những cuộc cách mạng trí tuệ vĩ đại của thế kỷ XX. Năm 1965, hai nhà vật lý người Mỹ là A. Penzias và R.Wilson đang tiến hành trắc nghiệm trên máy dò sóng cực ngắn rất nhạy, đã băn khoăn khi thấy máy của họ bị nhiều “tiếng ồn”, về sau mới biết rằng họ tình cờ phát hiện được những bức xạ tàn dư của sự giãn ra xa nhau giữa các thiên hà. Nhờ phát hiện này mà hai người đã được trao giải Nobel Vật lý năm 1978. Hiện chúng ta mới chỉ biết được là vũ trụ đang giãn nở 5-10% trong mỗi khoảng thời gian là nghìn triệu năm...

Trong lần tái bản mới đây, S. Hawking cũng cho rằng, thành công của cuốn sách đã chỉ ra, có một sự quan tâm của rất nhiều người trên thế giới, bởi cùng có chung những câu hỏi lớn: Chúng ta từ đâu tới? Và tại sao vũ trụ lại vận hành như nó trên thực tế? Sự tài tình của cuốn sách dành cho đông đảo người đọc “bình dân” còn ở chỗ, với những câu hỏi lớn như thế mà cái cách tác giả trình bày câu trả lời gọn ghẽ, trọn vẹn, có lập luận chặt chẽ đầy sức thuyết phục; thể hiện những vấn đề rất phức tạp trong vật lý học dễ hiểu với mọi người mà không cần dùng bất kỳ một công thức toán học nào, ngoại trừ phương trình nổi tiếng của A. Einstein E=mc2. Hawking còn tiếp tục việc viết sách khổ biến khoa học, ấn hành Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ năm 2001 và A Briefer History of Time (tạm dịch “Một Lược sử tóm tắt của thời gian”).

Hawking còn tiếp tục xuất hiện thường xuyên trên màn ảnh: các bộ phim tài liệu về giai đoạn bắt đầu căn bệnh của Hawking (2004), cùng một sê-ri phim tài liệu Stephen Hawking, Master of the Universe (2008). Qua năm tháng, Hawking vẫn duy trì bộ mặt công chúng với một loạt tuyên bố gây chú ý và thường gây tranh cãi, nhiều người còn cho đấy là những lời tiên tri. Ông từng khẳng định rằng, virut máy tính là một dạng sự sống, rằng con người nên sử dụng kỹ thuật di truyền để tránh khỏi bị vượt mặt bởi máy tính, và rằng người ngoài hành tinh có lẽ tồn tại và cần tránh giao tiếp với họ vì họ có thể sẽ chinh phạt con người. Hawking bộc lộ mối lo ngại rằng sự sống trên trái đất bị đe dọa do một cuộc chiến tranh hạt nhân đột ngột, một virut được lập trình gene hay các mối hiểm họa mà chúng ta còn chưa nghĩ tới...

Cuộc chiến bền bỉ chống lại căn bệnh hiểm nghèo của Hawking, dù được giải thích bằng lý do nào đi nữa, cũng khiến ông trở thành một minh chứng kỳ diệu cho sức sống của con người.


Phạm Đào Ly
Ý kiến của bạn