Tạo giống hoa lay ơn khác biệt
Lay ơn là loài hoa đẹp và sang trọng, giá tăng rất cao vào dịp Tết. Trong các nghi lễ quốc gia, các cuộc họp quan trọng, người ta thường dùng hoa lay ơn để trang trí. Điều khó khăn trong nghề trồng hoa hiện nay là rất nhiều củ giống phải nhập khẩu. Việc nội địa hóa giống hoa trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tế này, PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả và cộng sự đã nghiên cứu, tạo ra giống hoa lay ơn có thể điều khiển được thời gian nở hoa, chất lượng hoa tốt.
Ngày 5/2, PGS.TS Đặng Văn Đông và nhóm nghiên cứu đã thực nghiệm vùng trồng hoa lay ơn tại Quảng Ninh. Sản phẩm hoa lay ơn có tên Việt Hà do Viện Nghiên cứu Rau quả lai tạo từ nguồn giống lay ơn địa phương trong nước với giống lay ơn nhập nội từ Hà Lan. Cây sinh trưởng, phát triển rất khỏe, tỷ lệ mọc mầm đạt 99% sau 7-10 ngày trồng. Thời gian từ trồng đến xuất hiện ngồng hoa (ở điều kiện đồng bằng Sông Hồng) từ 60 - 65 ngày, từ trồng đến thu rộ 82 - 85 ngày. Cây trổ bông đồng đều và khá tập trung, tỷ lệ trổ bông/số cây trồng đạt 98%.
PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết, cây có khả năng chống chịu rất tốt với bệnh khô đầu lá (đây là bệnh sinh lý, do các điều kiện môi trường gây ra) do vậy bộ lá rất xanh đẹp, hầu như không có vết bệnh. Chiều cao cây đạt 135 - 150 cm, số hoa >12 hoa/cành, đường kính cành hoa lớn 1,1 – 1,2cm, đường kính bông hoa to 10,5 – 11,2 cm, cành hoa mập cứng, rất dễ vận chuyển.
Đặc điểm nở hoa của loài này là 5 – 6 nụ hoa/cành lên màu cùng thời điểm. Khác với các giống lay ơn khác, hoa dưới nở, gần tàn bông hoa trên ngọn mới nở - hoa lay ơn do nhóm nghiên cứu lai tạo nở gần như đồng loạt, tạo nên lọ hoa rất đẹp. Hoa có màu hồng cam, sau khi cắt có độ bền hoa cắm đạt từ 8 -10 ngày. Thành công của nghiên cứu này giúp hạn chế việc phải nhập củ từ nước ngoài, có thể được trồng ở khắp mọi miền đất nước.
PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết, điểm đặc biệt nữa của giống hoa lay ơn này là có thể điều khiển thời điểm ra hoa theo ý muốn. Để điều chỉnh cho hoa nở sớm có thể dùng biện pháp tưới phun nước ấm lên cây hoa để tăng nhiệt. Nếu quần thể cây sinh trưởng mạnh, chậm phân hoá mầm hoa và vươn hoa, dự tính sẽ nở muộn so với thị trường thì phải hãm khô, ngừng cung cấp nước đột ngột.
Nhiệt độ không chỉ ảnh hưởng đến sự phân hoá và phát dục của hoa mà còn ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của nụ. Nụ đã được phân hoá gặp nhiệt độ thấp quá trình sinh trưởng sẽ bị chậm nên hoa cũng nở muộn. Nếu ruộng hoa sinh trưởng kém, có thể biểu hiện ra hoa sớm, cần bón tăng lượng đạm, tưới phân hữu cơ và đảm bảo đầy đủ nhu cầu nước của cây để làm chậm quá trình nở hoa.
Do vậy người trồng hoa có thể tính toán để hoa nở đúng dịp Tết, đẹp lại thu nhập cao hơn so với một số giống lay ơn nhập khẩu khác.
Cách giữ hoa lay ơn tươi lâu dịp Tết
Hoa lay ơn có ý nghĩa thể hiện tình cảm gắn bó, keo sơn, sự ấm áp, lòng biết ơn vô bờ bến với ông bà Tổ tiên. Hoa lay ơn (hoa dơn) với tên khoa học là Gladiolus là loại hoa được sử dụng nhiều trong ngày tết truyền thống của người Việt Nam.
Lay ơn là loài hoa có thân cành khá dài, mang nhiều hoa (15 - 20 hoa /cành), có lá xanh hình lưỡi kiếm, cánh hoa mỏng như hình cánh bướm nhìn rất hấp dẫn chính vì vậy nhiều người thường tìm các cách cắm hoa lay ơn nghệ thuật để trang trí cho không gian nhà thêm đẹp mắt.
Do được ưa thích nên những năm gần đây nên những bình hoa lay ơn có mặt ngày một nhiều trong các phòng khách, phòng làm việc,… của các gia đình, cơ quan, công sở… nhất là vào những ngày lễ, ngày Tết. Thế nhưng cũng giống như những loài hoa có thân, cành mềm khác, hoa lay ơn cắm trong bình thường không giữ tuổi được lâu, vì chúng thường bị thối ở cuống gần vết cắt làm cho bông hoa nhanh bị héo, đôi khi có những nụ hoa còn bị héo trước khi nở.
Để hoa lay ơn tươi lâu, trước khi cắm hoa phải xúc rửa bình thật sạch bằng xà bông rồi phơi khô ngoài nắng, nhất là những bình hoa đã cũ và thường cắm những loại hoa có thân cành mềm dễ gây thối nước như hoa huệ, thược dược,… Sau mỗi lần thay nước cũng phải xúc rửa bình thật sạch.
Chuyên gia khuyên nên cắt xéo vết cắt để tăng cường bề mặt hút nước cho cành hoa, đồng thời khi cắm mặt cắt không bị áp sát đáy bình, cành hoa hút nước dễ hơn.Nếu cắt hoa từ trên cây, nên cắt dài cuống cành hoa một chút để trước khi cắm vào bình bạn có thể cắt bỏ phần gốc của cành hoa khoảng 3 - 5cm (nơi có cột không khí trong ống mạch cản trở việc hút nước của cành hoa). Khi cắt bỏ đoạn gốc cành hoa phải nhúng cả gốc cành vào trong nước hoặc đưa gốc cành vào vòi nước đang cháy để cắt, sau đó cắm nhanh cành hoa vào bình. Làm như vậy nước trong bình sẽ tiếp xúc trực tiếp được với cột nước trong các ống mạch của cành hoa, tạo thành một cột nước liên tục chuyển đến các bộ phận của cành hoam giữ hoa tươi lâu hơn.
Sau khi rời khỏi cây mẹ, yêu cầu đầu tiên của cành hoa là nước, vì thế sau khi cắt phải cắm ngay cành hoa vào nước càng sớm càng tốt, để cành hoa luôn ở trong trạng thái trương nước, nếu không cành hoa dễ bị héo do chúng vẫn tiếp tục thoát hơi nước nhưng không được bổ sung nước. Nếu tình trạng thiếu hụt nước kéo dài, cành hoa sẽ không có khả năng tươi trở lại, hoặc nếu có tươi trở lại được thì cũng yếu sức, mau tàn.
Phải thay nước bình hoa hằng ngày, khi thay nước phải rửa sạch cuống hoa, nhất là phần cắm ngập nước. Nếu nhà đã có sẵn máy sục khí Ôzôn để rửa rau quả thì tốt nhất là nên dùng nước đã xục khí Ôzôn (sau khi xục khí Ôzôn nước đã được tiệt trùng, rất sạch) để cắm hoa, hoa sẽ tươi lâu hơn).
Có một mẹo nhỏ là cho 2 thìa đường hoặc 1/4 lon nước ngọt có gas vào nước cắm hoa giúp hoa có thêm dinh dưỡng, gia tăng quá trình quang hợp, để hoa tươi lâu hơn. Có thể hòa 2 muỗng nước cốt chanh hoặc nước giấm táo vào 1 lít nước để làm tăng nồng độ axit trong nước, giúp hoa tươi lâu hơn. Dùng viên B1 giã nhỏ hòa vào nước cắm hoa cũng giúp hoa tươi lâu hơn...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết hôm nay 6/2: Miền Bắc trở lạnh đúng dịp Tết, có nơi xuống gần 9 độ / SKĐS