Theo nội dung những lá thư mà ông thường xuyên gửi về cho mẹ, đó là vào tháng 7 năm 1891 với thân hình mảnh khảnh đi trên con tàu chở khách của Pháp, người thanh niên ấy bước lên bờ biển Nha Trang bâng khuâng ngắm cảnh đẹp. Chỉ hoang sơ vài xóm chài lưa thưa mái tranh, nhưng cảnh đẹp của núi rừng, màu xanh của biển và thiên nhiên trù phú, ban mai trong lành êm ả…tất cả đã lôi cuốn níu chân ông ở lại. Ông làm bạn với người dân vạn chài Xóm Cồn, rồi đi thám hiểm, cứ mỗi lần đi về ông lại ghi chép, được thỏa sức đam mê...hơn nửa thế kỷ sinh sống tại Việt Nam. Ông trở thành nhà bác học lừng danh thế giới, trước lúc tạ thế ông thiết tha được nằm lại mảnh đất Việt mãi mãi…Ông là Alexandre – john – Emile Yersin, sinh ngày 22 táng 09 năm 1863 tại Thụy Sĩ, có mẹ là người Pháp, bố là giáo viên người Thụy Sĩ, nhưng đã mất 3 tuần trước khi ông chào đời.
Bác sĩ Alexandre Yersin.
Năm 1883 ông vào học ngành y thuộc Viện hàn lâm Lausanne, học đại học tại Đức rồi sang Paris. Tại đây ông may mắn được gặp và làm việc tại Phòng thí nghiệm vi trùng với nhà khoa học nổi tiếng Louis Pasteur. Bác sĩ Roux, một cộng sự của Pasteur đã nhận ra Yersin có những biểu hiện tài năng bẩm sinh. Cùng với việc hình thành Viện pasteur Paris lừng danh trên thế giới, là nơi nuôi dưỡng, nẩy nở các tài năng và sáng tạo xuất chúng. Hàng loạt nhà bác học như: Monod, Walfe của Viện đã đạt giải thưởng Nobel về Y học. Được thừa hưởng cả “thư viện” khoa học, một núi công việc để ông thỏa trí đam mê, những lá thư khi đi xa ông gửi về cho mẹ cũng chỉ nói về công việc “…Ngài Pasteur có nói về con là ngay sau khi tốt nghiệp bác sĩ, con sẽ là thành viên tích cực của Viện Pasteur…”. Nhưng có một ngày Louis Pasteur đã viết vào nhật ký đầy luyến tiếc “ Bỗng chốc ý muốn cuồng nhiệt đi du lịch xa đến với Yersin và thế là không gì có thể cầm giữ ông lại bên cạnh chúng tôi”. Không một ai thông cảm cho Yersin, ông quyết định đi thám hiểm trong sự bàng hoàng tiếc nuối của cả thầy và các cộng sự. Ông còn mời gọi nhà khoa học hãy đến với ông cùng đồng hành đam mê vùng đất lành Nha Trang. Trong thư gửi cho bác sĩ E.Roux ông viết: “Hãy đến đây với tôi, ông sẽ biết ở đây thú vị như thế nào, thời tiết không nóng nhiều cũng không lạnh lắm, một không khí thanh bình tuyệt đối và nhiều công việc cần làm”. Rất có thể ông đã nhận ra với khí hậu nhiệt đới, người dân nghèo, những tiềm ẩn về bệnh tật…đặc biệt thích thám hiểm và mạo hiểm, vì thế càng yêu quý nơi này hơn, nơi mà ông có thể vừa đi thám hiểm vừa “giúp dân”.
Theo nhật ký chuyến đi ngày 21/6/1893, ông tìm ra Cao nguyên Lâm Viên, Lang Biang (Đà Lạt được khởi công xây dựng năm 1899). Từng nhiều năm đi khắp các vùng để thám hiểm, sang Camphuchia, Lào, Ấn Độ…nhưng khi nghe tin Hồng Kông bị bệnh dịch hạch, ông xin chính phủ Pháp được đi Hồng Kông tìm hiểu dịch và thật may mắn cho nhân loại, chính ông đã tìm ra Tác nhân gây ra bệnh dịch hạch, cứu sống loài người và trở thành ân nhân của nhân loại.
Trở lại Nha Trang, ông chính thức đặt nền móng xây dựng Viện Pasteur Nha Trang và Trại chăn nuôi Suối Dầu vào những năm 1895 - 1896. Ông âm thầm cống hiến cả cuộc đời cho khoa học thế giới nói chung và cho ngành y tế dự phòng Việt Nam nói riêng: Ông đặt nền móng xây dựng Viện Pasteur Nha Trang và hệ thống các Viện Pasteur tại Đông Dương, đem lại hiệu quả vô cùng to lớn trong phòng chống dịch bệnh cho khu vực Đông dương và Châu Á, ông được suy tôn là “Cụ tổ” của ngành y tế dự phòng Việt Nam. Đưa cây cao su, cây canh- ki-na, chà là…vào trồng tại Việt Nam và cả Đông Dương, đưa kính thiên văn về nghiên cứu và giúp thông báo thời tiết khí hậu cho người dân đi biển. Ngày 27 tháng 2 năm 1902, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Doumer, người đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trường thuốc Đông Dương tại Hà Nội (Đại học y Hà Nội ngày nay), cùng lúc bác sĩ A Yersin được cử làm Hiệu trưởng và khai giảng khóa học đầu tiên, tới nay trường đã trên trăm năm.
Điều thú vị và thật may mắn bởi ông đã chọn Nha trang sống và làm việc hơn 50 năm (1891 – 1943). Bác học A. Yersin không chỉ là một bác sĩ tài ba, mà ông còn là nhà nông học, thiên văn học, nhà thám hiểm…nhưng cốt cách tuyệt vời nhất trong ông chính là trái tim nhân hậu. Tài giỏi mà khiêm nhường. Ông vượt lên tất cả mọi gian khó khi xa Tổ quốc, xa gia đình, người thân, cống hiến lớn lao cho loài người, nhưng lại yêu đất nước, con người Việt Nam đến mức “xin được an nghỉ vĩnh viễn nơi đây”. Đáp lại người dân nơi đây đã dành cho ông nơi yên nghỉ trên một ngọn đồi cách Nha Trang gần 20 km, xung quanh là cây xanh cỏ và đầy hoa. Lúc ông tạ thế, hiếm có đám tang ông tây nào lại được người dân chài Xóm Cồn, Xóm Bóng Nha Trang tiễn đưa ông với khăn tang trắng đầu, kèn trống, người nối người dài hàng cây số. Ngày nay, rất nhiều đường phố, công viên, trường học…cả nước lần lượt được mang tên ông. Là một bác học lừng danh của thế giới, nhưng với người dân xóm chài Nha Trang, ông chỉ là “ông Năm” có trái tim nhân hậu. Khu mộ, ngôi chùa người dân lập để thờ ông tại Suối Cát (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) và bảo tàng A.Yersin đặt tại Viện Pastuer Nha Trang được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1990... Viện Pasteur Nha Trang mà ông đã khởi dựng và làm việc, giờ đây trở thành trung tâm y tế dự phòng hàng đầu của cả nước.