Hà Nội

Nhà khoa học làm nên tự hào của ngành vaccin Việt Nam

04-04-2014 19:16 | Y tế
google news

SKĐS - PGS.TS.BS. Lê Thị Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) - một trong hai nhà khoa học nữ vừa được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013

Chị - người phụ nữ nhỏ bé và trẻ hơn nhiều so với tuổi 52, với lối nói chuyện rất trẻ và cực kỳ say mê khi nói về “nghiệp vaccin” đã làm cho câu chuyện trong buổi chiều rét nàng Bân cuối tuần của chúng tôi như ấm hơn. Chị là PGS.TS.BS. Lê Thị Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) - một trong hai nhà khoa học nữ vừa được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013 - một giải thưởng lớn, có ý nghĩa quốc tế tôn vinh các tập thể, cá nhân nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị kinh tế - xã hội được ứng dụng trong thực tiễn của Việt Nam...

PGS.TS. Lê Thị Luân luôn say mê nghiên cứu để tìm ra các chủng vaccin phòng bệnh thuần chủng với người Việt. Ảnh: T.M

PGS.TS. Lê Thị Luân luôn say mê nghiên cứu để tìm ra các chủng vaccin phòng bệnh thuần chủng với người Việt. Ảnh: T.M

Tiết kiệm tiền tỷ nhờ vaccin “made in” Việt Nam

Cuối tháng 2/2014, một thông tin được giới truyền thông quan tâm và đưa tin rộng rãi là sự kiện Việt Nam công bố lần đầu tiên tự sản xuất thành công vaccin phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em. Thông tin này được đăng tải nhiều đến mức chỉ với 44 giây tìm kiếm trên trang mạng google tôi đã tìm được 231.000 kết quả liên quan đến cụm từ “Việt Nam sản xuất thành công vaccin phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em” đó là vaccin Rotavin-M1. “Cha đẻ” của vaccin Rotavin-M1 là PGS.TS.BS. Lê Thị Luân.

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng từ “kỳ tích”. PGS.TS.BS. Lê Thị Luân chia sẻ rằng: “Có nhiều người gọi việc nghiên cứu, sản xuất thành công vaccin phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em của tôi và cộng sự là “kỳ tích”, nhưng tôi không dám nhận từ này vì nó lớn lao quá. Với tôi, thành công này là kết quả của cả một quá trình miệt mài, đam mê nghiên cứu hàng trăm ngàn mẫu phân sau 16 năm với nhiều gian nan, thử thách”. Nói vậy, nhưng ánh mắt chị sáng lên niềm vui. Đối diện với chị tôi cảm nhận được niềm vui đó là hiện hữu bởi việc chị Luân và các cộng sự nghiên cứu, sản xuất thành công vắc xin Rotavin-M1 - loại vaccin đầu tiên được nghiên cứu và sản xuất từ chủng virut của người Việt Nam nên hoàn toàn phù hợp với người Việt Nam đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ hai ở khu vực châu Á và là nước thứ tư trên thế giới sau Mỹ, Bỉ và Trung Quốc tự sản xuất thành công vaccin phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em với công nghệ cập nhật quốc tế.

Từ thực tế của ngành y tế Việt Nam trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân cho thấy, thành công của Việt Nam trong việc tự nghiên cứu và sản xuất vaccin Rota để phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em đã mang lại cái lợi lớn nhất cho ngành y học dự phòng là đưa ra được sản phẩm phòng bệnh cho một loại bệnh rất phổ biến ở trẻ em với giá thành giảm rất nhiều so với vaccin nhập ngoại... Có mặt ở phòng tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccin và sinh phẩm y tế, chúng tôi quan sát thấy rất nhiều bà mẹ đã lựa chọn vaccin Rotavin-M1 của Việt Nam cho con em mình sử dụng bởi hiện nay so với vaccin phòng Rota tiêu chảy của các nước trên thế giới, vắc xin Rotavin-M1 của Việt Nam sản xuất đưa ra thị trường với giá chỉ 250.000 - 300.000 đồng/liều, bằng 1/3 so với giá vaccin nhập ngoại, trong khi hiệu quả được chứng minh là không hề thua kém.

Theo PGS.TS. Lê Thị Luân, việc nghiên cứu và được ứng dụng thành công vaccin Rotavin-M1 đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho Việt Nam mỗi năm. Giảm đến 820.000 lượt thăm khám của trẻ và giảm 122.000 - 140.000 lần trẻ phải nhập viện do virut Rota. Như vậy, đã tiết kiệm được 5,3 triệu USD, trong đó 3,1 triệu cho chi phí trực tiếp, 685.000USD cho chi phí không thuộc lĩnh vực y tế và 1,5 triệu USD cho chi phí gián tiếp để điều trị bệnh tiêu chảy do virut Rota ở nước ta. Thành công từ đề tài nghiên cứu này không chỉ góp phần giải quyết gánh nặng bệnh tật cho trẻ em Việt Nam mà còn góp phần làm nên thắng lợi của đề án “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” của Bộ Y tế và khẳng định vị trí của khoa học vaccin Việt Nam trên thế giới. PGS.TS. Lê Thị Luân tự hào chia sẻ, hiện nước có nền khoa học công nghệ phát triển hàng đầu châu Á là Nhật Bản cũng chưa sản xuất được vaccin Rota phòng tiêu chảy cho trẻ em và họ đang muốn liên kết sản xuất với Việt Nam trong lĩnh vực này.

PGS.TS. Lê Thị Luân. Ảnh: TM

PGS.TS. Lê Thị Luân. Ảnh: TM

Quả ngọt của hành trình vượt khó...

Để có được chỗ đứng trên thị trường hiện nay và được nhiều bà mẹ tin dùng vaccin Rotavin-M1, PGS.TS. Lê Thị Luân và các cộng sự đã phải trải qua hành trình hơn 10 năm gắn bó với hàng trăm ngàn mẫu phân với các phòng thí nghiệm trong và ngoài nước để nghiên cứu ra chủng virut thuần Việt, từ đó có cơ sở sản xuất vắc xin Rotavin-M1. Trong hành trình đó đã có nhiều cảm xúc “hỉ, nộ, ái, ố” khác nhau, đó là không ít những niềm vui của sự thành công bước đầu, rồi những giọt nước mắt thất bại, những tâm trạng bất an, lo lắng...

Năm 1998, khi đó BS. Lê Thị Luân vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cũng là thời điểm mà các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có chương trình giám sát bệnh mùa đông tại Việt Nam. Năm đó, ở Việt Nam, rất nhiều trẻ em nhập viện do nhiễm virut Rota gây tiêu chảy. Tuy nhiên, do việc dùng kháng sinh để điều trị không có kết quả nên các chuyên gia của WHO đã đưa Việt Nam vào một trong những nước thành viên giám sát virut trong 3 năm. “May mắn, tôi được lãnh đạo Trung tâm tin tưởng chọn tham gia. Họ đề nghị các chuyên gia đưa ra ý tưởng làm thế nào để có vaccin ngừa tiêu chảy tốt nhất. Đây cũng là lý do tôi đề xuất đề tài nghiên cứu vaccin Rota phòng tiêu chảy cho trẻ”, PGS.TS. Lê Thị Luân cho biết.

Suốt giai đoạn từ 2001 - 2005, PGS.TS. Lê Thị Luân cùng đồng nghiệp miệt mài nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để tạo chủng virut Rota ứng cử viên. Có những lúc tưởng như công trình đã đi vào ngõ cụt khi việc phát triển virut trở nên khó khăn. Năm 2001, PGS.TS. Lê Thị Luân mang mẫu virut sang Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ để tìm môi trường thuận lợi phát triển virut trên tế bào. Thế nhưng mang virut đã được nuôi cấy thành công đó về Việt Nam, chị Luân cùng đồng nghiệp đã phải mất thêm 2 năm nữa mới có thể tìm ra quy trình phù hợp nhất với virut được chọn lọc. Vượt qua những thử thách đầu tiên, năm 2005, trung tâm đã tạo được toàn bộ chủng giống - nguyên liệu quan trọng nhất cho sản xuất vaccin Rota tại Việt Nam. Thành công bước đầu của công trình nghiên cứu này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi đây là lần đầu tiên giúp Việt Nam chủ động tạo nguồn nguyên liệu ban đầu cho sản xuất vaccin cập nhật quốc tế, không cần phải đợi chuyển giao công nghệ và nhập ngoại. Công trình đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Bộ Khoa học Công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích với tên sáng chế: “Qui trình tạo chủng giống gốc virut Rota giảm độc lực để sản xuất vaccin ngừa bệnh tiêu chảy cấp”. Tiếp đó, PGS.TS. Lê Thị Luân và cộng sự xây dựng thành công qui trình công nghệ sản xuất, kiểm định vaccin Rota trên tế bào vero trong phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn WHO thông qua việc thực hiện Công trình khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu qui trình công nghệ sản xuất vaccin Rota sống, uống, giảm độc lực phòng bệnh tiêu chảy tại Việt Nam”. Kết quả của đề tài này đã được công bố trên rất nhiều tạp chí của ngành y tế và tạp chí uy tín quốc tế về lĩnh vực y học dự phòng. Đây là bước ngoặt trong ngành vaccin học, lần đầu tiên tại nước ta đã sản xuất thành công vaccin Rota sử dụng hệ thống chủng giống thiết lập trên chủng nội địa với công nghệ cập nhật quốc tế.

Để có vaccin hoàn chỉnh về chất lượng, chị Luân lại cùng các cộng sự tiếp tục thực hiện thành công đề tài nghiên cứu “Đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccin Rotavin-M1 sống giảm độc lực phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em Việt Nam”. Đến năm 2008, vaccin Rotavin-M1 đã nghiên cứu thành công trong phòng thí nghiệm và chuyển sang giai đoạn thử nghiệm trên lâm sàng. Bước đầu là thí điểm vaccin trên động vật thí nghiệm. Nhóm nghiên cứu đã mang vaccin ra đảo Rều (tỉnh Quảng Ninh) để thử nghiệm trên loài khỉ. Giai đoạn này rất kỳ công bởi sau mỗi liều vaccin đưa vào thử nghiệm trên khỉ, nhóm nghiên cứu phải ở lại đảo để theo dõi trong 10 ngày liên tiếp, hàng ngày lấy phân khỉ để đánh giá và theo dõi nhiệt độ khỉ, hàng tuần theo dõi trọng lượng khỉ... Do vậy, trong giai đoạn này, chị Luân đã không ít lần để các con ở nhà nhờ mẹ chồng chăm sóc hằng tuần để ra sống ở đảo khỉ...

Sau khi thử nghiệm thành công trên khỉ, vaccin được chuyển sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người. Việc này lại đòi hỏi sự thận trọng hơn rất nhiều, phải tiến hành thử nghiệm làm 3 giai đoạn với số lượng trẻ tham gia thử nghiệm tăng dần. Trong đó, khó nhất là giai đoạn 2 - thử nghiệm trên 200 trẻ từ 6 - 12 tuần tuổi. Do là vaccin thử nghiệm nên việc chọn được trẻ tham gia thử nghiệm không hề đơn giản. Sau khi phối hợp với chính quyền địa phương huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) và TP. Thái Bình (tỉnh Thái Bình), ê-kíp của chị Luân đã vận động được 500 phụ huynh đồng ý cho con tham gia, nhưng tới ngày tiêm vaccin thử nghiệm thì con số trên lại tiếp tục giảm gần một nửa. PGS.TS. Lê Thị Luân kể, dù đã biết chắc vaccin của mình an toàn nhưng chị và các cộng sự không ai có thể yên tâm hoàn toàn vì biết đâu chỉ một sơ suất nhỏ hoặc một trẻ nào đó bị trùng hợp ngẫu nhiên bệnh lý khác, có thể sẽ xảy ra hậu quả nghiêm trọng... Đó là lý do vì sao suốt tuần liền sau khi tiêm cho 200 trẻ, các thành viên trong nhóm nghiên cứu vaccin không ai ngủ ngon, chỉ một cuộc điện thoại số lạ là lại giật thót! May mắn giai đoạn thử nghiệm thứ hai trên người rồi cũng suôn sẻ, an toàn.

Đến giai đoạn thử nghiệm thứ ba trên 800 người thì đơn giản hơn rất nhiều vì lúc này mọi người đã tương đối yên tâm vào vaccin. Năm 2011, vaccin Rotavin-M1 được nghiên cứu thành công trong thử nghiệm lâm sàng và mới đây đã chính thức được Bộ Y tế cấp phép đưa ra thị trường.

Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghiệp y học dự phòng...

Sinh năm 1962, tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, năm 1980 cô nữ sinh Lê Thị Luân ngày đó đăng ký thi vào ĐH Y Hà Nội với mong muốn được làm bác sĩ để chăm sóc sức khỏe cho người thân trong gia đình. Tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa nội nhi, bác sĩ trẻ Lê Thị Luân tiếp tục thi bác sĩ nội trú với mong muốn có thêm kiến thức thực hành nhiều hơn về nghề y. Thế nhưng, khi thi đỗ bác sĩ nội trú, bác sĩ trẻ Lê Thị Luân đã “được” phân vào học chuyên ngành vi sinh. “Lúc đó, người thân và bạn bè đã khuyên tôi không nên theo ngành vi sinh mà nên theo các chuyên ngành của hệ điều trị. Thú thực lúc đó tôi cũng dao động lắm, nhưng rồi lại nghĩ, mình vẫn có bằng bác sĩ nội nhi, giờ theo học vi sinh thì càng hiểu rõ hơn nguyên nhân gây bệnh cho trẻ để có thêm các phương án điều trị cho trẻ tốt hơn” - PGS.TS. Lê Thị Luân kể lại. Việc “được” phân vào học nội trú vi sinh đã là cơ duyên đưa chị đến với nghiệp y học dự phòng - nghiệp vaccin. Với đề tài bảo vệ tốt nghiệp bác sĩ nội trú xuất sắc, ngay khi tốt nghiệp ra trường, bác sĩ trẻ Lê Thị Luân được nhận về làm việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Từ đó bắt đầu một quá trình miệt mài nghiên cứu về vaccin của bác sĩ Lê Thị Luân. Chị luôn làm bạn với chiếc kính hiển vi, với phòng thí nghiệm và những mẫu bệnh phẩm. Trong suốt 24 năm công tác tại Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vaccin và Sinh phẩm y tế (được tách ra từ Viện Vệ sinh dịch tễ TW), mặc dù cùng một lúc đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ nhưng PGS.TS. Lê Thị Luân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Với nỗ lực không ngừng, chị đã nghiên cứu thành công nhiều sản phẩm trong lĩnh vực vaccin và sinh phẩm, trong đó có 3 sản phẩm tiêu biểu như: chủng sản xuất vaccin phòng tiêu chảy cho trẻ em, vaccin Rota phòng tiêu chảy cho trẻ em và các kháng huyết thanh sử dụng kiểm định vaccin thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học.

Tìm gặp PGS.TS. Lê Thị Luân khi đề tài nghiên cứu vaccin phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ vừa được đưa vào sử dụng trong cộng đồng, tôi cảm nhận được niềm vui vẫn đang hiển hiện trên khuôn mặt của chị. Gần hết một chặng đường gắn bó với khoa học, gắn bó với sự nghiệp y tế dự phòng, PGS. TS. Lê Thị Luân tự nhận mình đã may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác khi chứng kiến thành quả khoa học của mình đang dần được phổ biến trên thị trường, góp một phần công sức cho ngành y tế dự phòng trong nước vốn dĩ vẫn chưa được nhiều người quan tâm chú ý. Chính vì thế, chị bảo đã có những lời mời hấp dẫn của các công ty nghiên cứu, sản xuất vaccin nước ngoài dành cho chị, nhưng chị vẫn yêu và gắn bó với những đồng nghiệp, với kính hiển vi của phòng thí nghiệm Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vaccin và Sinh phẩm y tế vì theo PGS.TS. Lê Thị Luân: “Tính tôi đơn giản, không thích thay đổi và tôi luôn có quan niệm sống có trước có sau. Mình may mắn vì ra trường là được làm việc, được nghiên cứu trong môi trường thuận lợi hơn nhiều đồng nghiệp làm y học dự phòng khác nên mình cần có trách nhiệm tiếp tục cống hiến cho nơi đã cho mình thành công. Bác sĩ y học dự phòng, đặc biệt là chuyên ngành nghiên cứu, sản xuất vaccin không phải đối mặt với những ca bệnh khó của bệnh nhân nhưng lại phải đối mặt với sức khỏe của hàng triệu người dân, nhất là các em nhỏ khi sử dụng vaccin. Đó cũng là động lực để cho tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác say mê nghiên cứu để đưa ra những vaccin hiệu quả cho cộng đồng. Nếu được quay trở lại là sinh viên trường y gần 30 năm trước đang trăn trở giữa việc theo y học điều trị hay y học phòng, tôi vẫn sẽ chọn y học dự phòng...”.

Trong câu chuyện của nhà khoa học Lê Thị Luân với tôi, chị đã không kìm được xúc động khi bảo rằng, thành công của chị trong sự nghiệp, có sự hy sinh rất lớn của người chồng đã mất và sự giúp đỡ, động viên của bố mẹ hai bên nội - ngoại. Trước đây, chồng chị - một kiểm sát viên cao cấp của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là một người rất bận rộn, nhưng việc nhà anh lo hết để chị Luân tập trung vào chuyên môn và nghiên cứu khoa học. Từ chăm sóc, dạy dỗ các con đến những việc trong gia đình, anh không để chị phải bận lòng. Năm 2001, anh bị mắc một chứng bệnh hiếm có trên thế giới. Sau 2 năm điều trị, chạy chữa thuốc thang rất nhiều nơi nhưng anh không qua khỏi. Chồng mất khi công việc nghiên cứu vẫn còn bộn bề và chưa có kết quả, hai con của chị, một bắt đầu vào cấp 2, một bắt đầu vào cấp 3 càng khiến chị thêm khó khăn. “Lúc đó tôi suy sụp tinh thần lắm. Các con lại đang ở thời điểm rất cần sự quan tâm, chăm sóc nên phải gần 1 năm sau tôi mới lấy lại được thăng bằng. Cũng may, gia đình hai bên nội ngoại đã luôn bên tôi và các con để động viên, chăm sóc, cho tôi sự thành công ngày hôm nay về khoa học”, PGS.TS. Lê Thị Luân kể lại.

Thành công về khoa học nhưng ở góc độ của một người phụ nữ, chị vẫn tự hào khi nhiều năm liền được tặng danh hiệu “Giỏi việc nước - đảm việc nhà”. Với PGS.TS. Lê Thị Luân, làm nghiên cứu khoa học không phải lúc nào cũng là máy tính, kính hiển vi và ống nghiệm mà thời gian vẫn rất cơ động. Chị vẫn dành được những khoảng thời gian để chăm lo cho con và bên gia đình, vẫn có thời gian xem phim, đọc sách để tiếp tục tìm ra những hướng nghiên cứu mới cho sản xuất vaccin. Hiện tại, chị Luân và các đồng nghiệp đang tiếp tục nghiên cứu vaccin bại liệt. Đến nay, vaccin bại liệt đã được thử qua giai đoạn tiền lâm sàng, chuẩn bị lâm sàng thành công sẽ đưa lên thử nghiệm lâm sàng trên người. Ngoài ra, chị và các đồng nghiệp vẫn đang say mê nghiên cứu vaccin phòng bệnh tay-chân-miệng cho trẻ... Vẫn biết, hành trình nghiên cứu khoa học không hề đơn giản với nhiều thử thách luôn chờ đón phía trước, nhưng với nhiệt huyết của nhà khoa học yêu nghề, say nghề, tôi tin chắc chị Luân sẽ lại tiếp tục làm nên những niềm tự hào cho ngành sản xuất vaccin Việt Nam... 

Thái Bình


Ý kiến của bạn