Nhà khoa học hay... linh cảm

16-02-2017 11:44 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - GS. Đinh Phạm Thái năm nay tròn 80 tuổi. Ông vốn là nhà luyện kim màu nổi tiếng, nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội.

GS. Đinh Phạm Thái năm nay tròn 80 tuổi. Ông vốn là nhà luyện kim màu nổi tiếng, nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ông có bằng tiến sĩ, rồi tiến sĩ khoa học đều từ những phát kiến trong việc luyện thiếc, vậy mà gần đây ông còn được Nhà nước cấp bằng sáng chế mới cho việc luyện một kim loại mới là bismut. Ông thường kể với người viết bài này về những “linh cảm đúng” mỗi khi suy nghĩ giải quyết những việc cụ thể, cả trong nghiên cứu khoa học và trong đời thường, giữ gìn sức khỏe, chống lại bệnh tật...

Linh cảm trước sự hiện diện của một “chất lạ”

Những năm gần đây tuy tuổi cao, song GS. Đinh Phạm Thái vẫn còn hướng dẫn một số học trò làm luận văn tiến sĩ. Nghiên cứu sinh Trần Viết Thường ở Trường cao đẳng Luyện kim Thái Nguyên được thầy Thái hướng dẫn một phương pháp mới thu hồi thiếc và bismut từ bùn anot trong tinh luyện thiếc ở một mỏ thiếc của địa phương. Sau 3 năm miệt mài nghiên cứu, trò đã hoàn thành tốt luận văn tiến sĩ về tinh luyện thiếc, còn thầy chợt nảy ra ý tưởng mới trước một hiện tượng “lạ” khi làm thí nghiệm. Một lần, thầy Thái để chất biosen trong cốc thủy tinh thí nghiệm cho tự khô, mà đáng ra phải dùng phương pháp chuẩn là lắng lọc và sấy. Khi lấy bột biosen ra, tình cờ ông dùng cái thìa nhôm nhỏ không biết ai để đấy, xúc và cạo bột đáy cốc. Bỗng thấy trong bột biosen màu trắng xuất hiện một vài vẩy màu đen như một thứ dị vật bên ngoài rơi vào. Linh cảm nghề nghiệp mách bảo: Có thể đấy là hệ quả của một phản ứng hóa học nào đó. Ông chủ ý xiết mạnh tay hơn, đầu thìa xuất hiện càng nhiều màu đen, đặc trưng của chất bismut. Ông lặp lại nhiều lần thí nghiệm, rồi lấy hẳn bột nhôm trộn vào bột biosen, chẳng mấy chốc màu đen xuất hiện dày đặc. Chất đó chính là bismut hoàn nguyên ở nhiệt độ thường, một nguyên tố được dùng nhiều trong công nghiệp hóa dược và điện tử. Vậy là GS.TSKH. Đinh Phạm Thái với một linh cảm nhạy bén đã phát hiện ra phản ứng “nhiệt kim kép” khi luyện bismut. Phát kiến này đã được giới thiệu trên tạp chí Kim loại của Hội Đúc - Luyện kim Việt Nam số 61 - tháng 8/2015. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp bằng độc quyền sáng chế cho phương pháp mới luyện bismut từ hợp chất BiOCl (Bằng số 14552, ngày 14/9/2015). Mới đây, có thêm một nghiên cứu sinh từ Đại học Mỏ - Địa chất đến xin theo thầy Đinh Phạm Thái để làm luận văn tiến sĩ theo hướng mới về luyện bismut ở nhiệt độ thường từ quặng Núi Pháo (Thái Nguyên).

Đôi bạn già, GS. Đinh Phạm Thái (bên trái) và GS. Phan Trường Thị sau ngày ra viện, cuối năm 2016.

Đôi bạn già, GS. Đinh Phạm Thái (bên trái) và GS. Phan Trường Thị sau ngày ra viện, cuối năm 2016.


Linh cảm về nấm mồ người anh trai

Ông Đinh Phạm Thái sinh ra, lớn lên ở làng Gôi Mỹ (Sơn Hòa, Hương Sơn, Hà Tĩnh) trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước. Người anh cả Đinh Nho Diệm, với bút danh Quỳnh Dao vốn là một nhà thơ tiền chiến cùng thời với Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử... Sớm giác ngộ cách mạng, Quỳnh Dao - Đinh Nho Diệm hoạt động bí mật, hiện ở di tích nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) tên ông được khắc cùng với tên những chiến sĩ bị Pháp bắt năm 1943, vượt ngục thành công theo đường cống ngầm trong các đêm từ 11 đến 16/3/1945. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946, Quỳnh Dao - Đinh Nho Diệm lên chiến khu Việt Bắc, từ ngày đó gia đình không nhận được tin tức gì về ông nữa. Đinh Phạm Thái kém anh trai gần 20 tuổi, khi lớn lên biết rất ít thông tin về người anh đi hoạt động cách mạng và sau này bị mất tích. Thời kỳ giảng dạy ở Đại học Bách khoa, ông quyết định tìm hiểu tung tích về anh trai mình. Trước hết ông đến gặp nhà thơ Huy Cận và được nhà thơ cung cấp một thông tin quan trọng: Khoảng tháng 4/1947, Huy Cận đã gặp bạn thơ tiền chiến Quỳnh Dao bên bờ sông Lô, Tuyên Quang. Rồi bà Chúc ở Yên Phụ, Hà Nội cung cấp thêm một chi tiết: Nơi hai thi sĩ gặp nhau gần đền Cấm, cạnh bến Tràng Đà, thuộc huyện Yên Sơn. Ông đã mấy lần lên Tuyên Quang dò hỏi, một lần gặp được bà Vũ Khắc Hùng, lão thành cách mạng của tỉnh Tuyên Quang. Vừa nhìn ảnh thi sĩ Quỳnh Dao, bà nhận ra ngay, bảo đúng anh ấy hồi năm 1947 ở nhà một bí thư chi bộ và thường đọc thơ trong các buổi sinh hoạt văn nghệ của xóm. Và bà kể: “Ngày đó tôi chưa đầy 20 tuổi, rất có cảm tình với nhà thơ tài hoa, nhưng thấy anh nghiêm nghị thì không dám gần. Hôm ấy anh đang đạp xe bên rặng cây cạnh bờ sông Lô thì có chiếc máy bay Bà Già của Pháp ập tới. Nghe một loạt đạn nổ chói tai, thấy anh đã ngã xuống bên đường. Anh bị thương nặng, máu ra nhiều, lúc đó chẳng có phương tiện cấp cứu, ít phút sau anh tắt thở. Anh được bà con chôn ở rìa quả đồi trước mặt kia kìa...”.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, khu đồi đó giờ là vườn cây rậm rạp. Ông Đinh Phạm Thái trèo lên đồi tìm kiếm theo hướng tay bà Hùng chỉ. Đang đi bên cạnh một cột điện nhỏ, bất ngờ ông vấp vào một mô đất, ngã nhoài về trước. Ông bỗng linh cảm: Phải chăng là một ứng nghiệm, chính dưới mô đất chứa di thể người anh kính yêu? Ông ngoài nghiên cứu khoa học, còn là một nhà thơ, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cảm xúc dâng trào ông đã viết bài Tìm anh, có đoạn: Cất tiếng gọi anh thăm thẳm núi/Thành Tuyên chạng vạng trời sâu/Ngày Anh đi em còn để chỏm/Giờ sao đã đốm giữa ngàn lau/Em chỉ muốn cào lên đất đá/Sờ chân Anh, nắm được tay Anh... Rồi lần sau lên Thành Tuyên, ông đi cùng với người con gái thi sĩ Quỳnh Dao và hai chú cháu đào tìm khu vực có mô đất hôm trước. Bỗng thấy dưới tầng đất đồi màu đỏ nhiều sỏi sạn cứng, có một lớp đất đen, tơi xốp. Hai chú cháu bồi hồi  lấy ra nắm đất đen được cho đó là chứa di thể của nhà cách mạng kiêm thi sĩ đã khuất, mang về quê hương, để trong một cái tiểu sành nhỏ, lập một ngôi mộ “gió” khói hương, thờ cúng.

Linh cảm về bệnh tật

GS. Đinh Phạm Thái dáng người tầm thước, càng về già nom ông càng quắc thước, đẹp lão. Ông luôn sống hòa đồng, vui vẻ với những người xung quanh và ông luôn cảm thấy khỏe mạnh, không có bệnh mạn tính gì. Thế rồi đến một ngày, ông chợt phát hiện bên đùi trái có một khối nhỏ, nắn thấy mềm. Ông tham khảo ý kiến một số bác sĩ, họ đều khuyên nếu đúng là u mỡ thì không có gì nguy hiểm, có thể chung sống với nó. Có một sự việc ngẫu nhiên xảy ra ở nơi thờ cúng tổ tiên họ Đinh tại làng Gôi Mỹ quê ông. Trong khi trùng tu khu vực nhà thờ, cần phải bứng một cây cau lùn trước đó đã trồng đúng vào chính giữa con đường độc đạo mới. Sau sự việc này ít bữa, ông bỗng thấy khối u ở giữa đùi trái mình ngày một phát triển, to hơn, rắn hơn. Đã đến lúc không thể “chung sống” với nó nữa, các nhà chuyên môn cũng khuyên ông nên phẫu thuật “nhổ” đi. Thế là cuộc phẫu thuật đã tiến hành chóng vánh vào cuối năm 2016 tại một bệnh viện ở Hà Nội. Bác sĩ lấy ra nguyên vẹn một khối bằng quả trứng gà được bọc kín. Chỉ một thời gian sau, bệnh nhân đã đi lại được bình thường và vết mổ lành sẹo.

GS. Đinh Phạm Thái có người bạn thân học cùng khóa 1 ở Đại học Bách khoa, là GS. Phan Trường Thị. Biết tính bạn hay “linh cảm”, lần gặp lại nhau sau khi ra viện, GS. Thị vui vẻ hỏi bạn: Có mối liên hệ nào giữa việc bứng cây cau lùn trên đường vào nhà thờ tổ với việc loại bỏ khối u giữa đùi anh không nhỉ? Vị giáo sư luyện kim trả lời: Về mặt tâm linh theo mình, có thể có. Và thực tế thì cả hai việc “di dời” đều đã thành công. Linh cảm của mình mách bảo, không có gì đáng bi quan về sức khỏe cả!

Hiện hàng ngày nhà luyện kim màu của chúng ta vẫn thường xuyên tập đi bộ và tính tình vẫn vui vẻ, hòa đồng như xưa...


Phạm Quang Đẩu
Ý kiến của bạn