(SKDS) - Đó là chuyện Nhà hát Kịch Việt Nam từ nhiều năm nay đã không có nhà hát riêng. Mỗi khi có vở diễn mới, các nghệ sĩ lại phải đi thuê Nhà hát Lớn để có chỗ trình làng và quanh năm phải bươn chải đi tìm chỗ diễn.
Những ai quan tâm đến sân khấu đều thấy đó là một hiện tượng rất phi lý. Được mệnh danh là Nhà hát Kịch Việt Nam (một Nhà hát Quốc gia) mà lại không có “nhà”, hiện phải lấp ló sau Nhà hát Lớn, nếu ai không thuộc Hà Nội thì cũng chẳng biết nó nấp ở đâu!!
Thực ra trước đây, vào những năm 60 của thế kỷ trước, trụ sở của Nhà hát Kịch Việt Nam chính là tại Nhà hát Lớn. Nhưng vì thời đó còn chiến tranh, ta không có điều kiện xây dựng, nên những kỳ họp Quốc hội, Kỷ niệm Quốc khánh của ta và cả các nước đều phải tổ chức tại Nhà hát Lớn.
Quản lý Nhà hát Lớn do đó không chỉ thuần túy là chuyện nghệ thuật mà còn có những chuyện phức tạp về trật tự, an ninh. Ai quản lý Nhà hát Lớn, qua nhiều lần trao đổi vẫn không dứt khoát. Đó là một chuyện dễ hiểu.
Nhưng sau chiến tranh, chúng ta đã có điều kiện hơn. Cung Văn hóa Hữu nghị rồi trụ sở Hội nghị Quốc tế Hùng Vương, Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình được xây dựng.
Hà Nội cho xây lại Rạp Công nhân và Đại Nam dành cho Nhà hát Kịch và Nhà hát Chèo Hà Nội. Bộ Văn hóa Thông tin cho xây rạp Kim Mã cho Nhà hát Chèo và giao hẳn rạp Hồng Hà cho Nhà hát Tuồng Trung Ương thì số phận Nhà hát Lớn vẫn cứ không rõ ràng.
Do Nhà hát Kịch Việt Nam từ lâu không có nhà hát thường xuyên riêng, cùng với một số lý do khác về mặt quản lý... nên ngày càng xuống cấp. Vị thế Nhà hát Kịch Quốc gia về kịch lu mờ dần. Những ai yêu sân khấu kịch đều thấy luyến tiếc một thời hoàng kim mà nó đã từng có, kể cả trong thời kỳ chiến tranh gian khổ nhất.
Tôi thiết nghĩ: Lãnh đạo cần có điểm và diện. Ngoài chuyện lo chung về phong trào sân khấu, cần chú ý tới một số đơn vị trụ cột, tạo mọi điều kiện để nó có thể gánh vác nhiệm vụ đầu tàu.
Để làm được điều đó, tất nhiên có nhiều việc phải làm, nhưng như người ta thường nói: trước hết cần an cư rồi mới nói tới lạc nghiệp được.
Sở dĩ Nhà hát Tuổi trẻ hiện là đơn vị năng động, có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân là có một rạp hát riêng, lại ở một đường phố tấp nập với những bảng giới thiệu tiết mục và lịch diễn đầy hấp dẫn.
Có một nhà hát đường hoàng không chỉ là chuyện bộ mặt bề ngoài, nó sẽ tác động đến ý thức về vị thế của mình, về tinh thần trách nhiệm trước sự tin cậy của Nhà nước và nhân dân, về tác phong chính quy trong hoạt động nghệ thuật, về lòng tự trọng và yêu nghề...
Để lấy lại thanh thế của Nhà hát Kịch Việt Nam, làm sống lại vị thế đầu tàu, sưởi ấm lại tình cảm của khán giả đã có đối với Nhà hát Kịch Việt Nam trước đây... là một trách nhiệm nặng nề và một việc làm phức tạp và cần bền bỉ... nhưng người ta phải khởi sự bằng việc làm cần thiết trước, đó là Bộ giao cho Nhà hát Kịch Việt Nam một môi trường hoạt động cần thiết, trên cơ sở đó mà thực thi tiếp một số biện pháp về củng cố tổ chức, kế hoạch hoạt động và nâng cao chất lượng nghệ thuật.
GS. TS. NSND. Đình Quang