Nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán Còn mãi tình yêu lớn với Thủ đô

05-10-2014 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ở ngưỡng thượng thọ 100 “xưa nay hiếm”, sức đã yếu và đi lại khó khăn nhưng nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán (sinh năm 1915)...

Ở ngưỡng thượng thọ 100 “xưa nay hiếm”, sức đã yếu và đi lại khó khăn nhưng nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán (sinh năm 1915) – một người con Hà Nội vẫn chưa thấy dấu hiệu ngơi nghỉ, cụ vẫn miệt mài và đam mê với công việc. Cụ vẫn dành tình yêu cho mảnh đất Hà Nội thân thương và trìu mến…

Một tình yêu lớn với Hà Nội

Ở Hà Nội bây giờ không còn nhiều những “cây đa, cây đề” nặng lòng với văn hóa đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Cho nên đến giờ, nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán tròn trăm tuổi vẫn miệt mài với công việc được xem như một viên ngọc quý giữa lòng Thủ đô.

Cụ Vũ Tuân Sán nhận bằng chứng nhận, kỷ niệm chương “Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội” do bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội (phải) và ông Nguyễn Đức Lợi (trái) - Tổng Giám đốc TTXVN trao tặng.

Cụ Vũ Tuân Sán nhận bằng chứng nhận, kỷ niệm chương “Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội” do bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội (phải) và ông Nguyễn Đức Lợi (trái) - Tổng Giám đốc TTXVN trao tặng.

Cụ Vũ Tuân Sán ở số nhà 44, ngõ 116 phố Đại Từ (Hà Nội). Đến thư phòng của cụ không khỏi ngỡ ngàng với những tủ sách, báo được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Trong những năm 1960 của thế kỷ trước, cụ Vũ Tuân Sán công tác tại Sở Văn hóa Hà Nội. Tới năm 1975, cụ được Viện Hán Nôm mời về làm việc bởi cụ giỏi Hán Nôm và am hiểu về văn hóa Việt Nam, Trung Quốc. Sau này, nghỉ làm việc ở Viện Hán Nôm, cho đến nay, cụ ít xuất hiện trên báo chí vì làm công việc nghiên cứu. Nếu những ai quan tâm đến văn hóa lịch sử đất thủ đô, không thể không biết tới cuốn sách Hà Nội xưa và nay của cụ Vũ Tuân Sán.

Đây là cuốn sách được cụ dày công nghiên cứu, làm hàng chục năm trời. Hà Nội xưa và nay được chia thành 5 phần: Hà Nội sử địa; Hà Nội di tích; Hà Nội danh nhân; Hà Nội văn học; Hà Nội văn nghệ dân gian, nghề truyền thống. Đọc Hà Nội xưa và nay sẽ thấy ở mỗi bài viết của cụ Vũ Tuân Sán là những tìm tòi, khám phá về Hà Nội xưa. Cụ đã dành nhiều thời gian và dày công nghiên cứu về việc định đô Thăng Long của vua Lý Thái Tổ, về thành Thăng Long Hà Nội cùng một loạt địa danh lịch sử như núi Nùng, núi Khán, núi Sưa, Bến Đông, Thập tam trại và các di tích như miếu Đồng Cổ, chùa Hàm Long, đền Ngọc Sơn, miếu Trung Hiền. Bên cạnh đó, cụ Vũ Tuân Sán còn nghiên cứu về các sự kiện nhân vật lịch sử như cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đại phá quân Thanh, Pham Tu, Chu Văn An, Bùi Xương Trạch, Nguyễn Quý Đức, Bùi Huy Bích, Phạm Đình Hổ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trọng Hợp, Bùi Liêm... Đặc biệt, từ những tư liệu lịch sử thu thập được, cụ Vũ Tuân Sán đã xác định được địa điểm của Hoàng cung thời Lý Trần cách đây vài thập kỷ.

Bên cạnh Hà Nội xưa và nay đầy giá trị, trên kệ sách của cụ Vũ Tuân Sán hiện nay còn có cuốn Hà Nội nghìn xưa - sách in chung với GS. Trần Quốc Vượng. Trong cuốn sách này, hai nhà nghiên cứu đã kết hợp truyền thuyết, huyền tích với cứ liệu sử học và kết quả khảo cổ để viết nên những câu chuyện sinh động, có sức thuyết phục về truyền thống dựng nước, giữ nước và những nét sinh hoạt của người Thăng Long xưa trong suốt dặm dài lịch sử dân tộc. Và rồi trên kho “tư liệu” cụ Vũ Tuân Sán còn lưu giữ được, đó là các báo cáo khoa học, luận văn, bài nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học uy tín nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu Hán Nôm, Phật học, văn học… một thời được giới nghiên cứu và công chúng đón nhận. Từ đó thấy được không có di tích nào ở Hà Nội mà không có dấu xe đạp của cụ, cách làm của cụ là sự kết hợp giữa tư liệu trong sử sách và tư liệu còn bảo tồn trong lòng dân đầy khoa học.

Và tấm lòng nhân hậu…

Đến nay, dù khép mình trong thư phòng với những tủ sách cao chất ngất nhưng cụ Vũ Tuân Sán vẫn giữ thái độ nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Tuổi cao chỉ làm cụ Vũ Tuân Sán yếu và chậm hơn còn sự bền bỉ và một tình yêu lớn đối với Hà Nội trong cụ vẫn đầy ắp. Gặp cụ ở nhà riêng, trong căn phòng làm việc, cụ luôn giữ bên người chiếc kính lúp và một cái đèn pin. Hai đồ vật này là vật bất ly thân với cụ Vũ Tuân Sán. Cụ chậm giọng và điềm tĩnh nói cho tôi nghe “đó là 2 thứ không thể thiếu đối với tôi mỗi khi ngồi nghiên cứu và đọc sách, báo hiện nay. Tôi vẫn giữ thói quen làm việc đều đặn, như một cách để giữ trí óc được minh mẫn và để thỏa mãn niềm đam mê, tình yêu với văn hóa Hà Nội”.

Tôi tin rằng vì thế mà cụ Vũ Tuân Sán đến nay vẫn giữ được sự minh mẫn, bởi dù tuổi cao khiến việc đi lại khó khăn nhưng trong ngày cụ được vinh danh “Giải thưởng Lớn” trong Lễ trao giải “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” hồi cuối tháng 8/2014, tôi gặp lại cụ Sán. Cụ vẫn đến đúng giờ trên chiếc xe lăn với sự trợ giúp của con, cháu, chắt và nụ cười của cụ vẫn thường trực trên môi. Con cháu phải dìu cụ lên nhận giải. Nhưng trên bục của vinh quang, cụ vẫn nói sang sảng, tròn trịa trước nhiều người: “Tôi mong có thêm nhiều cá nhân dành tình yêu cho Hà Nội. Tôi xin trích 1 triệu đồng tiền giải thưởng gửi đến các chiến sĩ nơi đảo xa; 1 triệu đồng tặng các cháu nhỏ tàn tật ở Hà Nội…”.

Những “viên ngọc” quý như nhà Hà Nội học - nhà nghiên cứu Hán Nôm Vũ Tuân Sán không còn nhiều, và cụ - một pho từ điển sống về đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến vẫn đan tỏa ngát những hương thơm, để tất cả nhìn vào phải ngả mũ kính phục hoặc một lòng kính yêu… 

Phạm Quỳnh

 


Ý kiến của bạn