Nhà Gươl – Văn hóa truyền thống người Cơ Tu
Đối với đồng bào Cơ Tu, làng nào không có nhà Gươl không thể gọi là làng văn hóa. Nhà Gươl đó là tài sản chung, là không gian sống động linh thiêng, nó như một linh hồn sống, sức mạnh sự gắn kết cộng đồng của dân làng.
Các buôn làng của người Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều có nhà Gươl. Nhà Gươl là trung tâm sinh hoạt của cả buôn làng, là nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng như: Lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê); Lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng Cơ Tu (Pơ-ngoót); Lễ mừng được mùa (Bhuối Aví)...
Nhắc đến tộc người Cơ Tu, không thể không nhắc đến Gươl - Ngôi nhà chung của đồng bào, do chính người trong làng lập nên. Đồng bào dân tộc Cơ Tu tỉnh Quảng Nam hiện đang sinh sống chủ yếu ở 3 huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Từ xa xưa trong bất kỳ làng nào của người Cơ Tu ở huyện Tây Giang nói riêng, người Cơ Tu nói chung luôn có nhà Gươl. Đối với đồng bào Cơ tu, làng nào không có nhà Gươl, không thể gọi là làng văn hóa. Theo quan niệm của người Cơ Tu, Gươl là chốn linh thiêng nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên họ. Trong Gươl, mọi người không được đánh cãi nhau mà luôn đoàn kết đùm bọc thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh vì sự tồn tại và phát triển giống nòi của cộng đồng người Cơ Tu.
Nhà Gươi là công trình tiêu biểu của người Cơ Tu, nhà Gươl truyền thống sẽ góp phần vào việc khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu, giúp cho các thế hệ Cơ Tu mai sau hiểu biết và kế thừa những giá trị văn hóa vật chất tinh thần của dân tộc mình.
Tuấn Anh