Nhà giáo nhân dân và những chiếc máy ảnh

20-11-2015 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân (AHLĐ, NGND) Nguyễn Đức Thìn chính là người đã khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt”- một phong trào gắn bó mật thiết với thiếu niên...

Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân (AHLĐ, NGND) Nguyễn Đức Thìn chính là người đã khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt”- một phong trào gắn bó mật thiết với thiếu niên, học sinh nước nhà hơn nửa thế kỷ qua. Ông cũng là một tấm gương sáng về tinh thần lạc quan, nghị lực phi thường và khát vọng sống để công hiến thật nhiều cho quê hương, đất nước...

Bên cạnh nỗi niềm thiết tha và gắn bó với nghề giáo, Nguyễn Đức Thìn còn có một sở thích và đam mê cháy bỏng đã cùng ông vượt qua những khúc quanh khắc nghiệt của cuộc đời: Đó chính là nhiếp ảnh.

Nhà giáo nhân dân và những chiếc máy ảnh

Đôi bàn tay với di chứng của bệnh phong không thể cản niềm đam mê bấm máy của thầy Thìn.

Nguyễn Đức Thìn ham thích tìm hiểu và tập tành chụp ảnh ngay từ những năm tháng là đội viên Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, 11 tuổi ông ra tận hiệu ảnh Hạ Long, 34 phố Hàng Trống (Hà Nội) mua chiếc máy ảnh chụp bằng phim và học kỹ thuật chụp, tráng phim, in ảnh.

Trong suốt những năm làm “anh giáo làng”, sau đó là giáo viên Trường cấp I xã Liên Sơn (nay là xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn), ông đã dùng máy ảnh để ghi lại những phong cảnh đẹp của quê hương, những sự kiện diễn ra trong trường, những nụ cười hồn nhiên, ngộ nghĩnh, những tấm gương chăm học chăm làm của các em học sinh thân yêu trong đời thường  và trong phong trào “Nghìn việc tốt”... để làm tư liệu xây dựng phòng truyền thống của trường. Trong đợt Đế quốc Mỹ ném bom B52 vào Hà Nội cuối tháng 12/1972, phòng truyền thống Trường Tam Sơn cũng bị bom đánh sập, trong đó có cái máy ảnh của ông, làm ông “tiếc đứt ruột”. Ngay sáng hôm sau, ông chạy bộ hơn ba cây số ra tận thị trấn Từ Sơn mượn máy ảnh về ghi lại tội ác dã man của giặc Mỹ đã gây ra đối với ngôi trường, giết hại đồng nghiệp và học sinh thân yêu của ông.      Năm ông 28 tuổi, phong trào “Nghìn việc tốt” lúc này đã trải qua được 15 năm và đang lan tỏa rộng khắp trên miền Bắc nước ta, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn đang  say mê, hăm hở với nghề, thì nỗi đau ập đến, căn bệnh phong (theo quan niệm cũ đó là một trong “tứ chứng nan y”), như một mũi tên làm gãy cánh con chim đang bay bổng, nó chà xát gan ruột ông, lăm le vùi dập cuộc đời ông. Nhưng ngay từ những ngày đầu đến sống và điều trị bệnh tại “trại phong” Quỳnh Lập, Nguyễn Đức Thìn vẫn luôn lạc quan, tin tưởng và quyết tâm phải trở thành một bệnh nhân có ích: Cùng với việc mở lớp dạy học cho con em các bệnh nhân, ông đã dùng máy ảnh ghi lại những sự kiện diễn ra nơi ông đang sống, ông tự làm các công việc “buồng tối”,  in ảnh bằng ánh sáng mặt trời, có khi dùng đèn pin như một thợ ảnh chuyên nghiệp.

Đặc biệt hơn cả, nhờ có máy ảnh, ông đã hai lần chụp được khoảnh khắc “long giáng” trên đỉnh đền Đô. Điển hình vào năm 1998, giữa lúc trống giong, cờ mở, lễ hội rực rỡ sắc màu, các bô lão trong làng trang nghiêm hành lễ, thì 11 vầng mây xuất hiện đậu lại trên đỉnh “Thọ lăng Thiên đức” - nơi đặt 11 lăng của các đức trị vì nhà Lý. Qua hồ bán nguyệt, 3 đám tự nhiên rẽ ra, 8 vầng mây tụ lại linh ứng với bát vị Tiên Vương nhà Lý về với con cháu! Sự kỳ diệu ngẫu nhiên của đất trời đã làm nức lòng dân làng Đình Bảng và du khách thập phương. Ông đặt tên là “Cổ Pháp tường vân”, nghĩa là dải mây tốt lành trên đỉnh Cổ Pháp. Nhiều năm qua, du khách thập phương đến đền Đô ai cũng được chiêm ngưỡng bức ảnh lồng trong khung kính treo trang trọng trên chính điện.

Nhiều bức ảnh do Nguyễn Đức Thìn chụp đã được trưng bày tại  phòng truyền thống của “trại phong” Quỳnh Lập, các xã Tam Sơn, Phù Khê, Đình Bảng và triển lãm tại Hà Nội, in trên nhiều sách, báo, trong những bộ phim tư liệu, gợi thêm cảm hứng cho bao thi nhân và lữ khách thập phương hành hương đến đền Đô nói riêng và tới đất nước Việt Nam ta nói chung.

Nhà giáo nhân dân và những chiếc máy ảnh

Bức ảnh “Cổ Pháp tường vân”.

Năm 1976, trong dịp đi công tác tại TP.Hồ Chí Minh, mẹ đẻ ông tặng ông một số tiền, ông dành mua một máy chữ xách tay và một máy ảnh hiệu Pratica, hằng ngày làm bổn phận “ông từ đền Đô”, ông vẫn đeo bên mình. Nhưng rất tiếc, một hôm trong lúc đang say sưa giới thiệu lịch sử đền Đô, chợt tìm máy ảnh để ghi lại khoảnh khắc xúc động của du khách về trẩy hội, thì chiếc máy ảnh đã không cánh mà bay. Một đồng chí lãnh đạo tỉnh thân mật chia sẻ: “Thìn ơi, bình tĩnh! Hãy vui đón khách đã”. Mặc dù buồn và tiếc, ông vẫn tươi cười đáp lại: “Anh yên tâm. Tôi tiếc cái máy ảnh ấy vì đó là một kỷ vật của mẹ đẻ tôi tặng, đã cùng tôi gắn bó hơn một phần tư thế kỷ, giờ bị mất, đó là phần lỗi của tôi với mẹ. Nhưng người lấy máy ảnh ấy chắc là cũng thiếu thốn, nghèo khổ hơn tôi nên không giữ trọn được đạo đời “Đói cho sạch, rách cho thơm”, tôi giận ít, thương nhiều!”

Có lần biết được chuyện ông Nguyễn Đức Thìn mất máy ảnh lần thứ hai, nên trong một chuyến đi công tác tại Nhật Bản ông Nguyễn Bá Thanh (đã từ trần đầu năm 2015, đã chọn mua chiếc máy ảnh, vừa vặn với bàn tay bị dị tật cho thầy giáo Thìn. Hiện nay ông đang sử dụng chiếc máy này và trân trọng giữ gìn, bảo vệ như một kỷ vật với cuộc đời.

***

Những ai đã từng xem bộ phim tài liệu nhựa Người thắp lửa hẳn sẽ đều bùi ngùi, xúc động khi thấy hình ảnh ông Nguyễn Đức Thìn với đôi bàn tay khuyết tật, cầm bút gõ trên bàn phím gửi thông điệp của lòng mình qua các con chữ: “Hãy thắp lửa nhân ái, cho cuộc đời bớt đau”. Kết nối những khoảnh khắc cuộc đời Nguyễn Đức Thìn, với những danh xưng người đời trân quý ban tặng: Anh giáo làng, Thầy giáo Nguyễn Đức Thìn, Sứ giả nghìn việc tốt, Thi sĩ anh hùng, Nhà nhiếp ảnh, Ông từ đền Đô, Người viết sử đền Đô...

 Tân Huyền

 


Ý kiến của bạn