Tôi càng xúc động hơn khi cuốn tiểu thuyết đó, nếu tôi không nhầm thì nhân vật chính lại được sáng tạo từ nguyên mẫu là chính tác giả. Nghĩa là anh đã biến tất cả những đau khổ, mất mát về tinh thần và vật chất của bản thân thành những dòng chữ ròng ròng sự sống, không chỉ động viên mình mà còn tiếp sức cho mọi người đứng lên, đứng lên mạnh mẽ, sau lần vấp ngã. Vì thế, tôi nghĩ tác phẩm không chỉ có giá trị tác dụng cho một thời, cho một số người mà cho tất cả những ai đứng bên bờ vực thất vọng, làm tôi nhớ đến tên của một tập thơ: "Mạnh hơn tuyệt vọng".
Cuốn bản thảo đã cuốn hút tôi đến mức tôi đọc liền 2 lần trong 3 ngày liên tiếp. Cuốn sách đã hấp dẫn tôi bằng những trang sôi động từ những trải nghiệm đã biến thành nghệ thuật, lại có ý nghĩa giáo dục về nhân cách, về lòng hướng thiện và những trải nghiệm đã biến thành nghệ thuật, lại có ý nghĩa giáo dục về nhân cách, về lòng hướng thiện và ý chí nghị lực của con người trong cuộc sống, nhất là trong những khúc quanh, vượt dốc.
Cuốn sách có 3 phần gần tương xứng nhau. Phần I có thể coi như phần nói về bước đầu thành công và triển vọng.
Phần II là những khó khăn và tổn thất, một phần do hoàn cảnh khách quan, chủ quan (sự chưa hiểu, chưa ủng hộ của một số cơ quan công luận, sự cả tin hoặc vung tay quá trán của nhân vật chính - Khôi, đặc biệt là âm mưu và hành động thôn tính của một doanh nhân thiếu tâm (nhân vật Núi).
Phần III Trong tù. Đây là phần hấp dẫn nhất vì đó là thử thách lớn nhất đối với nhân vật chính. Nhưng hấp dẫn không chỉ vì có nhiều cảnh gây cấn, không bình thường mà là vì qua đó, hiển hiện lên một nhân cách, một nghị lực vượt lên đau khổ và sức cảm hóa của anh đối với những người chung quanh, trong đó có những người tù đã quá quen với việc vào tù ra tội và cả việc làm đại ca của mọi người, sức cảm hóa và đối với cả những vị quản giáo bản chất tốt, luôn đồng nhất sự nhân đạo với phép công bằng… Tác phẩm còn hấp dẫn người đọc bằng những chuyện đời thường, những mối tình như mối tình thay đổi của Hồng, mối tình chớm nở của Hân…
Chương cuối Ra tù và quyết tâm lập lại sự nghiệp. Phần này ngắn, chỉ có vài chục trang, coi như là Vĩ Thanh, vì mới chỉ là sự bắt đầu của một cuộc "phục nghiệp", có thể sẽ là nội dung của một cuốn sách khác. Chúng ta hãy đón chờ.
Đọc xong tác phẩm, ta cảm động và cảm phục nhân vật chính và tác giả, nhưng đây là một tác phẩm nghệ thuật, vậy nó phải đáp ứng yêu cầu toàn bích về nghệ thuật. Về điều này thì mong rằng trong lần tái bản, tác giả sẽ lưu ý cho mấy điểm sau:
Về nhân vật, cần tập trung sức mạnh nghệ thuật hơn nữa để có một điển hình văn học về tính cách, nhân cách và tài năng (nhân vật chính). Về một số nhân vật phụ, có nhân vật không cần viết kỹ quá (như một số tay anh chị), nhưng có nhân vật lại cần nói rõ hơn (như một số nhân vật nữ).
Về kết cấu, cần cân nhắc thêm độ dài dung lượng của từng phần cho hợp lý hơn. Ví dụ phần II nên tăng cường hơn để nêu bật sự tham lam, sảo quyệt của nhân vật doanh nhân kình địch - Núi.
Chúng ta tin rằng, nếu khắc phục được vài thiếu sót trên, Đường đời dốc đứng sẽ có chỗ đứng trong tiểu thuyết và đời sống đương đại và sẽ làm đà cho phần 3 của bộ tiểu thuyết Đường đời mà hai phần đã ra mắt bạn đọc) (Phần I Đường đời - Hoàng Dự, phần II - Đường đời dốc đứng - Nguyễn Hữu Khai).
Bản thân tôi là một nhà văn, xuất thân là giáo viên, đã viết nhiều thể loại như thơ kịch, ký, truyện ngắn nhưng chưa viết tiểu thuyết bao giờ nên không dám lạm bàn về nghệ thuật, chỉ có đôi dòng cảm nhận với tư cách là bạn đọc, theo nhã ý yêu cầu góp ý của tác giả.