Nhà giáo, nhà báo Trần Bá Lạn: Như nhà nho học sót lại đến hôm nay

31-08-2019 3:17 PM | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Sáng. Hà Nội mát trời, may mắn tôi được nhân viên Bưu điện chuyển tới tập sách của cụ Trần Bá Lạn gửi tặng (cụ là thầy đầu tiên dạy tôi làm báo tại Trường đại học Tuyên giáo từ cuối những năm 60 sang đầu 70 của thế kỷ trước, nay là Học viện Báo chí & Tuyên truyền).

Nhà giáo, nhà báo Trần Bá Lạn.

Nhà giáo, nhà báo Trần Bá Lạn.

Sách có tiêu đề:

“Phù giang vọng tử”

Đền Đức Trần triều Phù Lưu Tế - Mỹ Đức.

Với sự góp sức về hình ảnh của nhiều người, nhưng trong đó cụ Trần Bá Lạn là người dày công chủ biên, khảo cứu, chuyển ngữ, lên trang và trình bày. Hán ngữ nửa chữ bẻ đôi tôi cũng không biết, thế nhưng trước đó cụ từng cho tôi các tập ký sự, khảo cứu, ảnh về dòng họ Trần do cụ chủ biên, chuyển ngữ từ chữ Hán nguyên gốc sang âm Hán - Việt, sau nữa là tạm dịch... nên đọc thấy thấm, thấy hay, thấy ngấm, thấy phải suy ngẫm hơn nên tôi “say” cách dịch và chuyển ngữ của cụ. Xưa dạy nghề báo cho chúng tôi thầy không hé lộ chữ Hán. Nghỉ hưu tháng rộng ngày dài nên tuổi 90 của cụ như thần lực giúp thông tuệ, say lử với loại chữ “ngôn tại” “ý ngoại” cho dù người đời đang lãng quên... Lời vào sách, cụ viết: “Sự nghiệp Nhà Trần trong thế kỷ 13 đã lập nên công tích vang dội, 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông - một đội quân hung hãn tung hoành ở châu Âu, nhưng đã bị đánh đuổi khỏi nước ta. Tôn vinh người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, cùng những thành quả lớn lao của Nhà Trần thời ấy, rất nhiều nơi trên đất nước ta đã lập Đền thờ Nhà Trần... Từ thế kỷ trước, nhân dân xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức - Hà Tây cũ, nay thuộc TP. Hà Nội cũng đã dựng Đền thờ Đức Trần triều. Tại đây đã khắc vào thẻ bài và tiêu đề trên bia với 4 chữ Hán tôn nghiêm. Âm Hán  - Việt là “Phù giang vọng tử” nghĩa là “Đền thờ vọng tử khúc Phù giang” (sông Đáy được gọi chệch đi)”. Đền Đức Trần triều Phù Lưu Tế đã được triều đình ban sắc năm 1925. Nhà nước ta cũng đã công nhận đền là Di tích Lịch sử - Văn hóa. Do nhiều nguyên nhân, nhiều hạng mục của đền bị xuống cấp, nên cụ Trần Bá Lạn được địa phương cậy nhờ hỗ trợ giải trình các câu đối, hoành phi, sắc phong của đền trước thực trạng có thể mất dấu tích...

Bìa cuốn sách do nhà giáo, nhà báo Trần Bá Lạn chủ biên.

Bìa cuốn sách do nhà giáo, nhà báo Trần Bá Lạn chủ biên.

Vốn tôn kính trí tuệ, văn ngôn, võ lực của Đại vương Đức Thánh Trần nên cụ Trần Bá Lạn sẵn lòng nhận lời, xếp đặt thời gian qua lại ngôi đền, mày mò, cẩn trọng đọc, cẩn trọng nghĩ suy, phỏng đoán, cẩn trọng viết mẫu chữ Hán để nghệ nhân đắp lên những câu đối đã mất hoặc đã khuyết từng mảng, trước khi ngôi đền bước vào trùng tu lớn... Đọc tập sách, tôi nhận ra tâm thức của cụ với Nhà Trần, với người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo Đại vương thật quý trọng biết bao. Quý trọng, bởi cụ tỉ mỉ, cẩn trọng đến từng mili. Hán văn là cực khó vì không có dấu chấm phẩy - như trong sắc phong cụ phải mò mẫm cho ra chủ ngữ trong một câu có tới 200 từ, vì chủ ngữ nó nằm ở đâu chứ có ở đầu câu đâu để cứ đọc là dịch được. Lại ví như 2 câu đối cổng chính vào đền bị bong mất 2 mảng làm mất chữ ở dưới chân, cụ kỳ công tham khảo Từ điển của Đào Duy Anh để chọn chữ, chọn nghĩa. Hơn thế, cụ phải mầy mò rà lại các nguyên tắc thơ cổ để tìm chữ bổ sung, điền vào cho lọn ý. Thể theo Hán Việt thì vế đối thứ nhất bong mất một chữ ở đầu câu, vế thứ hai mất 2 chữ ở đầu câu và 2 chữ ở cuối câu, chỉ còn là: “....liệt oanh oanh chương Thánh vũ/... kiểu kiểu phố...” nay được điền bổ sung là: “Liệt liệt oanh oanh chương Thánh vũ/ Tình tình kiểu kiểu phố Thần công”. Tạm dịch là: “Liệt liệt oanh oanh bừng võ thánh/ Phù phép lung linh tỏa thần công”. 4 câu đối ở 2 trụ cánh gà cửa đền bị hỏng tất cả. Người nhà coi đền phải về tận Đền Trần, tỉnh Nam Định làm lễ xin sao chép các câu đối ở đó; căn cứ vào hình sao chép, cụ Lạn lên hình mẫu chữ để đắp lên các cột cánh gà của đền. Khi lên màu trong đợt trùng tu này lại phát hiện 2 bài thơ bằng chữ Hán trên 2 bức cuốn thư ở tường hiên. Một ở phía Đông, một ở phía Tây. Cụ Trần Bá Lạn đã giải trình ra chữ Hán nguyên gốc, âm Hán - Việt bức thư bên hiên đông, là: “Đại vương sinh binh/ Duy trung tăng lão/ Nhất tâm vĩnh dục/ Vạn cổ thực báo”, dịch ra văn thuần Việt: “Đại vương lúc sinh thời/ Vững lòng trung kiên định/ Nhất tâm rèn giũa mãi/ Đời đời đặng tri ân”! Bức cuốn thư mé hiên Tây cũng là thể thơ tứ tuyệt như trên, ghi theo kiểu thư pháp ẩn nét, âm Hán - Việt: “Tế sơn trà trà/ Đằng vân quyết quyết/ Đại vương công đức/ Tâm ngôn thủy trường”. Tạm dịch: “Núi Tế dịu dàng/ Mây Đằng quyết quyết/ Công đức Đại vương/ Tiếng lòng tuôn mãi”! Cuốn sách mỏng, chỉ vài chục trang, nhưng là cả một công trình rất đáng trân trọng. Chả thế mà, khi công việc hoàn tất trong niềm vui rộn ràng của các bậc cao niên và gia đình cụ thủ từ Đền Đức Trần triều Phù Lưu Tế, cụ Lạn bộc bạch: “Tôi vui, vì đã góp một phần nhỏ nhoi bằng khả năng vốn có để dịch thuật chữ Hán cổ đối với cả loạt câu đối, hoành phi, cuốn thư, sắc phong... của công trình có giá trị lịch sử - văn hóa này”!

Lời khiêm nhường, nhỏ nhẹ nhưng công sức của cụ không hề nhỏ. Chỉ toàn cảnh mặt tiền Đền Đức Trần triều Phù Lưu Tế sau ngày trùng tu - mùa xuân 2019 với 2 bức cuốn thư trên đốc cửa phía Đông và phía Tây đã thấy sự góp công không hề nhỏ của cụ Trần Bá Lạn. Khi xem 2 cuốn thư trên ảnh, cụ phải tìm đến người bạn nguyên Chủ tịch Câu lạc bộ UNESCO thơ Đường Việt Nam để xác minh những chữ viết ngoáy thuở xưa cho chuẩn rồi mới dịch. Công sức thâm nho, đức tính cẩn trọng kỹ càng; đức hạnh ân nghĩa với người anh hùng chống quân ngoại xâm phương Bắc của cụ Trần Bá Lạn đã rất đậm trên hoành phi câu đối cửa chính diện của đền, trên chính cung Đền Trần triều, trên sắc phong, trên  thần phả, trên các câu đối, trong yết kỵ tế văn...

Khi kẻ tham tàn đang rình rập bãi Tư Chính trên biển phận của Việt Nam ta, tôi thêm kính nể, quý trọng biết bao bản dịch của cụ Lạn với cặp câu đối trên tiền đường của đền: “Nhất chiến phấn hùng uy trực vi Đông A bình Bắc khấu/ Thiên thu lưu chính khí thượng tru tử quỷ phúc sinh nhân”; tạm dịch “Một trận chiến phấn chấn oai hùng bởi Đông A - bình giặc Bắc/ Ngàn năm lưu chính khí thượng phong diệt chết quỷ - phúc dân lành”. Yêu kính biết bao bản dịch câu đối chính điện: “Thiên khải thánh nhân Trần - Thát tạo doanh thâu vận hội/ Địa lưu thần tích kiếp Đằng vi ki niệm giang sơn”; tạm dịch: “Trời đã tạo dựng ra thánh nhân Trần - Thát để mở ra vận hội/ Đất đã lưu lại dấu tích thần kỳ, quyết trận Đằng giang để ghi nhớ non sông”. Đọc “Yết kỵ tế văn” - bài văn tế lễ việc kỵ - giỗ bản dịch sang văn xuôi, tôi càng thấu hiểu tâm thức, đức hạnh của người dịch với Đức Đại vương, bậc thánh thần chống giặc ngoại xâm phương Bắc. Bài văn (khổ văn) tế, thấm mãi trong lòng tôi: “Đức Thánh Đại vương cao cả, bậc thần uy danh hiển hách, nổi tiếng chấn yên bọn quỷ quái vùng trời Nam, dẹp tan quân giặc Bắc, tạo lập lại cơ đồ, Nhân dân đồng tâm kỷ niệm bậc Tướng tôn kính, dâng lễ các đấng tiên Trần, bái phục cầu mong thấu cảnh, công lớn dẹp giặc Thát, ban phúc cho dân lành. Văn tự loan truyền qua các triều đại trước, tới các con cháu ngày nay, thật thấm nhuần ân đức cực kỳ rạng rỡ vậy”! Chỉ bằng tác phẩm, với sự kỳ công tìm lại; chỉ bằng văn bản chuyển ngữ cẩn trọng đủ thấy tâm thức, đức hạnh trong sáng, ân sâu nghĩa nặng với Đức Đại Vương - Trần Hưng Đạo... của cụ Trần Bá Lạn. Dù cho, đó chỉ là Di tích Đền Trần của một vùng quê: xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, Hà Nội! Cụ “Đích danh là nhà nho học còn sót lại đến hôm nay!” như bạn đồng nghiệp của tôi đã thốt lên khi trong tay có tập sách này!

Hà Nội, trời chớm thu - 2019


Nguyễn Uyển
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH