Mai Văn có 2 loại tượng chính: tượng nghệ thuật và tượng chân dung. Đứng trước tượng nghệ thuật của Mai Văn (như tượng: mỹ nữ cung đình múa, tượng khỏa thân...), đường nét của ông đẹp một cách đầy ấn tượng, khó lòng dứt chân bước đi được. Các phóng viên, các du khách đến thăm xưởng điêu khắc của ông đều chụp ảnh kỷ niệm tơi tới. Và hầu như ai cũng đều có cảm tưởng mình vừa phát hiện ra những con đường kỳ diệu trong đời. Ai cũng cảm ơn Mai Văn đã dẫn họ tới một thế giới mới, tưởng như đâu đó mà bây giờ mới gặp.
Loại tượng thứ hai của Mai Văn là tượng chân dung: tượng Quang Trung, tượng Nguyễn Tuân, tượng A-Lếch-Xăng-Đrốt..., tượng nào cũng mang một hồn riêng cho hình khối của mình và người xem nhận ra ngay người đang đứng trước mặt mình là ai. Tượng chân dung Mai Văn làm nhiều nhất là tượng Bác Hồ. Nhẩm tính lại, số tượng Bác mà ông xuất xưởng có tới hơn 5.000 bức.
Nhà điêu khắc Mai Văn với những bức tượng Bác Hồ do ông chế tác. |
Lý do nào mà ông làm nhiều tượng Bác Hồ đến thế?
Mai Văn tâm sự: Quê ông ở Quảng Bình. Năm 1957, Bác Hồ về Quảng Bình, đó là một kỷ niệm Mai Văn không thể quên. Tình yêu Bác ngày càng sâu nặng. Năm thứ 2 ở Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp, thầy trò chung tay xây dựng tượng Bác Hồ, rồi tiếp đó Hồ Uông (người dân tộc Vân Kiều ở Quảng Trị) bảo Mai Văn: “Dân tộc Vân Kiều chúng tôi yêu Bác lắm, Mai Văn giúp mình làm cho dân tộc mình bức tượng Bác để đồng bào dân tộc Vân Kiều thờ”. Mỗi lần làm tượng Bác, lòng mình nặng lòng với Bác hơn. Cho đến khi Quảng Bình kỷ niệm 40 năm giải phóng và 10 năm đổi mới, Mai Văn được Quảng Bình cho dựng tượng Bác, Mai Văn đã hoàn thành công việc của mình: Đó là hình ảnh Bác Hồ về thăm Quảng Bình, cao 3m, không kể bệ, bức tượng Bác lớn nhất trong đời Mai Văn đã làm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vậy là làm tượng Bác đã thành nghề của Mai Văn. Song để Mai Văn trở thành thương hiệu, đó là khi quân đội tổ chức Hội thao toàn quân tại Thừa Thiên Huế vào khoảng trước năm 1990, để có quà tặng cho các đơn vị tham gia hội thao, quân đội đã đặt Mai Văn làm bức tượng đồng với chủ đề: Bác Hồ đi Chiến dịch Biên giới. Tượng Bác cầm ống nhòm để quan sát chiến trận được anh em rất khen.
Từ đấy, nói đến nhà điêu khắc làm tượng Bác Hồ ở Huế, ai cũng tìm đến Mai Văn. Tỉnh Minh Hải lúc ấy gồm 2 tỉnh Bạc Liêu và Vũng Tàu ra gọi Mai Văn vào làm cho tỉnh 400 bức tượng Bác. Cuối cùng, Mai Văn đã phải làm tới 600 bức tượng mới phân phối đủ cho yêu cầu của dân Minh Hỏi.
- Những bức tượng lớn nhất Mai Văn làm là những bức tượng nào?
- Bức tượng Bác đứng cao 3m làm cho Quảng Bình là bức tượng lớn nhất. Bức thứ 2 là bức tượng đồng làm cho Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp Bình Trị Thiên bằng đồng cao 2 mét 1. Còn tượng bán thân đặt ở các hội trường lớn, tượng cao 1 mét 6 thì nhiều lắm.
Mai Văn kể một kỷ niệm: khi Liên hiệp xã thủ công nghiệp Bình Trị Thiên mời ông làm tượng Bác, ông nói: Tiểu thủ công nghiệp thì có quan hệ gì với Bác mà làm tượng. Đồng chí phụ trách nói: Chúng tôi sẽ dùng nghề đồng tiểu thủ công nghiệp để đúc tượng Bác thì Mai Văn mừng lắm. Vì trong nước mình, nghề đúc đồng ở Huế là rất nổi tiếng từ cửu đỉnh đến các cột đồng, vạc đồng, bảng đồng trong Hoàng cung chẳng đã rất nổi tiếng đó sao. Đúng như vậy, tượng đồng của Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp Bình Trị Thiên được khen nức nở.
Nhà điêu khắc Mai Văn đã thành thương hiệu rực rỡ ở Huế. Ai đến Huế tìm người điêu khắc chân dung cũng tìm đến Mai Văn. Mai Văn sinh năm 1936, ông là sinh viên của Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp ngay từ khóa đầu tiên mở vào năm 1959. Sau 4 năm học, ông ra trường. Vậy là cho đến nay, Mai Văn đã có hơn 50 năm cầm búa, luyện bột trong nghề điêu khắc.