Gặp nhà điêu khắc Lê Liên, tôi đành “bó tay” không thể hầu rượu anh được. Thường anh vừa tạc đá vừa nhâm nhi. Thói quen này hình thành từ những năm đầu thập niên 70, khi chàng lãng tử Lê Liên mới 20 tuổi, từ Nam Định lên với vẻ đào hoa, pha chút ngang tàng mênh mông, chỉ đi xe đạp và gánh theo bầu rượu, anh lang thang gần chục năm trên đất Kinh Bắc để làm công tác bảo tồn, bảo tàng các di tích văn hóa lịch sử, tại khắp 16 huyện lỵ ở Bắc Giang.
Bắt đầu từ chuyện cổ tích dân gian
Rượu vào anh vẽ vời đủ chuyện, nhưng túm lại anh khoái nhất cái chuyện thời trẻ, say bí tỉ trên Lục Ngạn với nhà sử học Trần Quốc Vượng. Khi đi khảo sát tu bổ và gìn giữ các hiện vật còn sót lại theo thời gian, uống say đến nỗi cứ ôm cột đình mà hát: “Người ơi người ở đừng về...”. Nhất là cái hôm anh “vồ” được một bức tượng mặt người đuôi chim, khi sắp bị người dân ném vào lò vôi. Anh gạ họ uống rượu cùng rồi hỏi mua về chơi. Họ khoái và đồng ý, thế là anh lọ mọ suốt một ngày trời, buộc, bê, khuân, vác đưa về Phòng Văn hóa Hà Bắc (ngày đó còn nhập hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh). Lê Liên cười váng nhà nói, lại được khao bữa rượu chết thôi với bánh đa và khế chua.
Nhà điêu khắc Lê Liên bên tượng “Chuyện cổ tích”.
Ngẫm ra cái việc đi tìm bới lại quá khứ, Lê Liên cứ hình dung như mình đang mày mò khám phá những câu chuyện cổ tích của ông cha để lại. Đường nét rồng bay phượng múa này cần phải tô vẽ lại, phải đề can để lưu lại bản gốc. Rồi tàu lá cùng những phiên bản chữ Nôm cổ trên các xà gỗ miếu mạo đình chùa, nơi Kinh Bắc tựa như một thế giới kỳ ảo bị mai một theo thời gian. Lê Liên lang thang nhiều ngày mê mải với những họa tiết, hình tượng lạ lùng đậm chất “Folklor” bí ẩn. Có những đêm không về, Lê Liên ngủ ngay với những hình tượng ông phỗng, ông rối, hay ông tễu trên những bậc thềm đình làng ở đâu đó. Lê Liên trò chuyện và tưởng tượng ra những câu chuyện cổ mà mình đã từng được bà nội kể cho nghe từ thuở ấu thơ. Giờ đây, anh lại nằm bên những nhân vật ngày xưa ấy và cùng với họ thì thầm chuyện trò, cùng uống rượu và cười phớ lớ. Những chuyến đi cùng với mọi người như thế kể cả tháng trời cũng chả hết.
Bất ngờ, vào một đêm nằm ngủ, Lê Liên bỗng nhớ tới tất cả, những ký ức thần tiên tuổi thơ và gương mặt của người bà hiện lên. Khi đó các cháu đang hỉ hả cười như mình ngày nào, vây quanh bà lắng nghe những câu chuyện thú vị. Lê Liên ngồi bật dậy trong cơn mộng du, đầy ám ảnh với những thỏi đất trong tay. Anh đắp và nặn dựng một khối tượng gồm năm đứa bé vây quanh bà, với một không khí đắm đuối vào những nét thần tiên hiện lên trên từng khuôn mặt. Đó là tác phẩm đầu tiên trong cuộc đời làm tượng của Lê Liên. Một đêm sáng tạo và bùng nổ cảm xúc với chất liệu đất và những hình tượng dân gian từ đình chùa lẩn vào như bị cuốn hút cùng với thiên nhiên cỏ cây.
Bức tượng này cũng có số phận khá lý thú. Vì khi làm mẫu nhỏ, Lê Liên vẫn cất giấu một chỗ vì chưa dám trình làng, chỉ khoe với Anh Vũ. Không ngờ Anh Vũ (nhà điêu khắc - nhà thơ - một thổ dân Lạng Giang - bạn đồng nghiệp và cũng là “bạn rượu” của Lê Liên từ thời trai trẻ) mê mẩn với cụm tượng này và bí mật bàn với Lê Liên mang về nhà mình ở xóm Tân Mới, để dựng phóng to lên nhìn cho đã. Lê Liên kể, đó là vào khoảng giữa năm 1972, hai người phải đi tìm nhiều đất sét để dựng tượng. Không ngờ ý tưởng ngày một phát triển và “Chuyện cổ tích” càng lớn thêm. Bức tượng lù lù ở giữa ngôi nhà lá đơn sơ trên sườn đồi. Nhiều khi làm thấy vướng và lại thiếu ánh sáng nữa, thế là Anh Vũ xin phép vợ dỡ cả mái nhà, để lấy ánh sáng cho Lê Liên dựng tượng.
Có đêm mưa dột, vợ chồng Anh Vũ chiều bạn đã huy động tất cả khả năng để che đậy cho tượng còn cả nhà cùng con cái nằm tênh hênh giữa trời chịu ướt. Lê Liên bồi hồi kể lại chuyện tình bạn ấy cũng đẹp như một câu chuyện cổ tích thời nay vậy. Nhưng rồi chưa hết, bức tượng vẫn chỉ là tượng đất chưa được hoàn chỉnh để trình làng. Thạch cao ngày đó còn hiếm. Để tạo nên một bức tượng thạch cao khá tốn kém. Phải mấy tháng sau Lê Liên mới có cơ hội “thu dọn” thạch cao tại các công trình khác, bỏ tiền mua thêm để dựng tượng. Tính ra phải đến nửa năm, hì hục và chờ đợi, bức tượng “Chuyện cổ tích” mới hoàn chỉnh.
Phải đợi một ngày bất ngờ, vào năm 1974, tỉnh Hà Bắc diễn ra một hội nghị quan họ và đánh giá những hiện vật sưu tầm được, Lê Liên tranh thủ mời nhà điêu khắc nổi tiếng Nguyên Hải và cũng là thầy giáo dậy mình trong Trường Mỹ thuật đến nhà Anh Vũ để xem “Chuyện cổ tích”. Không ngờ ông thầy này ngạc nhiên và khen Lê Liên là một tài năng. Khi ấy, Lê Liên mới có tham vọng sẽ trình làng ở một triển lãm nào đó. Và hai năm sau, trong Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1976, tác phẩm này đã được ông Trường Chinh khen ngợi và tạo nên một hiện tượng điêu khắc mang đậm dấu ấn truyền thống và được tôn vinh là một tài năng trẻ đáng khích lệ. Anh được trở về học hệ Đại học Mỹ thuật công nghiệp (1977-1982).
Ít năm sau, bức tượng “Chuyện cổ tích” đã được một nhà sưu tầm người Pháp mua với giá hơn 10.000USD. Hôm nay đến nhà anh, ngồi bên bức tượng là một phiên bản dựng lại sau này. Anh nói nó chỉ còn độ 90% hồn cốt của tác phẩm đầu tiên. Nhưng nụ cười trẻ thơ thì vẫn hồn nhiên như vậy, bố cục theo triết lý ngũ hành trong đạo Phật được thể hiện qua các tượng đài đình chùa. Năm em bé vây quanh bà nói lên sự hoàn chỉnh đó và câu chuyện ấy được kể mãi về sau.
Đột nhiên, Lê Liên ép tôi tợp một chén rượu thơm, do chính vợ anh ngâm thảo dược, êm và dịu đậm chất Kinh Bắc ngày nào. Anh muốn tôi uống, để lấy sức nghe tiếp một “Chuyện cổ tích” khác.
Đài tưởng niệm cách mạng trong nhà tù Hỏa lò của Lê Liên.
Đến “Đài tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng nhà tù Hỏa Lò”
Tôi đi cùng anh đến Khu Di tích Hỏa Lò, với một không khí khác lạ. Anh dẫn tôi đến trước công trình tượng đài mà anh dựng từ năm 2000. Mặc dù tôi đã từng được xem ảnh và nghe nói trên báo chí, nhưng khi đến đây tôi thấy choáng ngợp bởi quy mô tượng đài, dài tới chừng 20m và cao gần 7m. Sự choáng ngợp không làm tôi giật mình bằng sự hiện diện của những hình ảnh các chiến sĩ được khắc sâu trong bức tường đá khổng lồ. Từng đôi mắt đầy sắc khí hiện lên. Từng cánh tay như vụt bay ra từ quá khứ khốc liệt, trong cuộc đấu tranh trong nhà tù man rợ nhất của Pháp, được dựng lên từ năm 1896. Hình tượng cao cả của những chiến sĩ cách mạng, bất chấp mọi tội ác cùng cực dã man, cùng với chiếc máy chém đẫm máu. Họ đã vượt lên trong đấu tranh, giữ vững khí tiết của người đi tiên phong trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Có thể nói nơi đây là “địa ngục trần gian” và cũng là nơi nêu cao ý chí kiên cường, bất khuất của các lãnh tụ cộng sản trung kiên, trong quá trình chiến đấu và giành giật lấy sự sống, cùng sự tồn vong của đất nước. Đường nét của các nhân vật được Lê Liên xử lý một cách độc đáo. Đó là nghệ thuật khắc âm bản, nét chìm sâu, sắc nét mang yếu tố dân gian đậm chất sử thi và cất tiếng nói một cách sâu sắc về cuộc đấu tranh sinh tồn của con người, cùng với lý tưởng cao cả vì cộng đồng và vì lý tưởng cách mạng dân tộc.
Một bất ngờ hơn, khi Lê Liên dẫn tôi ra phòng trưng bày chiếc máy chém cao tới 4m và nói, trong thời gian làm tượng đài ròng rã suốt cả năm trời, anh đã ngủ và uống rượu trên chiếc máy chém này. Anh nói, lúc đó là sự vô tình khi chiếc máy chém còn để gần công trường thi công. Tiện việc bày đặt dụng cụ và chất liệu anh làm bên cạnh nó mà không hề để ý. Thế rồi, ăn cũng trên máy chém, ngủ cũng trên mâm máy chém. Lắm đêm chợt tỉnh và một ý tưởng lóe sáng thế là lại rượu trên bàn máy chém. À còn Anh Vũ nữa chứ. Lê Liên chợt nhớ một thời gian cũng nhờ ông bạn về trông coi cùng công trình. Anh còn kể, có lúc đang làm công trình, cố thi sĩ Hoàng Cầm, cùng quê Anh Vũ vào chơi và cùng nhau nhâm nhi trên mâm máy chém. Lúc đó nhà thơ Hoàng Cầm chợt nhớ chiếc máy chém này vào năm 1930, đã từng được đưa lên Yên Bái để xử chém nhà yêu nước Nguyễn Thái Học, cùng các chiến sĩ khởi nghĩa. Thật đẫm máu. Ngồi bên nó để tạc tượng với tất cả ý chí căm thù tội ác thực dân thì còn gì bằng. Tôi ngắm tượng đài mà thầm phục anh đã kể lại được một câu chuyện cổ tích cách mạng từ thuở trứng nước giải phóng dân tộc với hình tượng biểu trưng rất cao. Chiến thắng của những người cộng sản là tất yếu. Đó là ý tưởng sâu sắc hiện lên với mạch cảm xúc mãnh liệt của người nghệ sĩ. Đài tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng nhà tù Hỏa Lò cùng với tác phẩm “Đồng quê” và “Khi chiến tranh đi qua” của Lê Liên đã được Nhà nước trao giải thưởng năm 2007.
Và, chén rượu
Vậy đó, tôi hứng lên vội nâng chén rượu lên uống cùng anh. Bởi cái lẽ anh thuyết phục tôi, rượu cũng chính là một hương vị cổ tích của ông cha ngàn xưa để lại. Anh đã ngấm nó cùng với bao chuyện hay của đời sống và đã uống nó với mọi niềm vui. Rượu đã nghe cùng anh những chuyện cổ tích của ông cha viết nên và thế là Lê Liên đã cùng rượu kể chuyện lại với niềm vui dào dạt nhất, hứng khởi nhất, hồn nhiên nhất. Những cái còn lại sau rượu là sự thăng hoa đến kỳ lạ của Lê Liên. Để khi ngắm tác phẩm của anh, chúng ta sẽ thấy mọi điều trở nên thật bất ngờ đúng với cái tên “Cổ tích Lê Liên”.
Bài, ảnh: Vương Tâm