Đúng như giới phân tích đã cảnh báo trước đó, VN-Index có thể đối diện với áp lực chốt lời ngắn hạn do đã tăng suốt thời gian dài, cộng thêm điểm kháng cự cứng 1,515 - 1,535 - tức mốc cao nhất lịch sử kể từ giai đoạn cuối 2021 đầu 2022.

Nhà đầu tư đồng loạt chốt lời cổ phiếu khi VN-Index chạm mốc 1,500 điểm.
Trên sàn Hose - đại diện cho chỉ số VN-Index ghi nhận có 203 mã cổ phiếu giảm điểm trong khi có 118 cổ phiếu tăng điểm. Thanh khoản sàn Hose đạt hơn 35,4 nghìn tỷ đồng và ưu thế thuộc về phe bán.
Sàn giao dịch HNX cũng ghi nhận ưu thế của phe bán với 106 cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, trong khi 82 cổ phiếu tăng giá. Thanh khoản trên sàn HNX phiên 21/7 đạt gần 3.000 tỷ đồng.
Còn sàn giao dịch UpCom ghi nhận phe mua vẫn chiếm ưu thế với 164 mã cổ phiếu tăng điểm, trong khi đó, số cổ phiếu giảm điểm là 133. Thanh khoản tại sàn giao dịch UpCom đạt trên 871,8 tỷ đồng.
Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 21/7 đạt 38.373 tỷ đồng - giảm đôi chút so với phiên giao dịch cuối tuần trước (18/7).
Đóng cửa phiên giao dịch 21/7, chỉ số VN-Index lui về mốc 1.485,05 điểm - giảm 12,23 điểm - tương đương 0,82%.
Chỉ số thị trường suy yếu do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt bị chốt lời. Có 17/30 cổ phiếu nằm trong nhóm VN30 suy giảm. Trong đó phải kể đến các mã cổ phiếu họ nhà Vin như VHM -4,17%, VIC -5,88%, VRE -1,53%, MSN -2,02%...
Điểm sáng của thị trường phiên 21/7 thuộc về nhóm cổ phiếu ngành thép khi HPG tăng 1,16%, TVN tăng 2,56%, NKG tăng 0,70% hay HSG cũng tăng 0,28%.
Trước đó, báo cáo phân tích tuần của Chứng khoán CSI nhận định: Xu hướng tăng điểm vẫn đang áp đảo mà chưa có một tín hiệu đảo chiều đáng chú ý nào xác nhận nên khả năng đà tăng còn tiếp diễn trong một vài phiên tới. Tuy vậy ở thời điểm hiện tại, VN-Index đang tiến sát gần mốc điểm cao lịch sử (1,535 điểm) nên xác suất cao sẽ xuất hiện áp lực bán rất lớn.
CSI kỳ vọng ngưỡng quanh mốc 1,515 điểm sẽ có áp lực bán lớn và khả năng sẽ khiến VN-Index có nhịp điều chỉnh sau quá trình tăng 5 tuần vừa qua. Vì vậy nhà đầu tư cần hạn chế việc mua đuổi và duy trì một tỷ lệ tiền mặt lớn, chờ nhịp chỉnh để có vị thế mua an toàn hơn.