Nha đạm tử trị kiết lỵ, sốt rét

SKĐS - Nha đạm tử còn có tên: sầu đâu rừng, sầu đâu cứt chuột, khổ luyện tử, hạt khổ sâm, xoan rừng. Theo Đông y, nha đạm tử vị đắng, tính hàn; vào kinh can và đại tràng.

Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, triệt ngược, trị lỵ, cắt cơn sốt rét. Chữa sốt rét, kiết lỵ, chai chân, nốt ruồi, mụn cóc. Người lớn, mỗi lần dùng 10-15 hạt, trị sốt rét; 10-30 hạt, trị lỵ amíp. Trẻ nhỏ: mỗi tuổi 1 hạt, nhưng không vượt quá liều của người lớn.

Một số bài thuốc ứng dụng lâm sàng:

Chữa lỵ amíp, có máu mủ, lúc ngưng lúc phát:

Bài 1: nha đạm tử nhân, mỗi lần uống 10- 15 hạt (ngày 3 lần. Đợt điều trị 1 tuần).

Bài 2: nha đạm tử 20 hạt nghiền vỡ, ngâm trong 200ml dung dịch natri bicacbonat 1%. Hút dịch thụt vào hậu môn, cách 1 ngày thụt một lần; làm 4-5 lần. Trị lỵ amíp cấp và mạn tính.

Bài 3: nha đạm tử 10 hạt, bột tam thất 4g, kim ngân hoa 16g, cam thảo 8g. Uống nha đạm tử với bột tam thất, sau đó chiêu bằng nước sắc của các vị kia. Trị lỵ mạn tính lâu ngày không ngừng.

Cắt cơn sốt rét: Nha đạm tử nhân 10-15 hạt, cho vào nang, uống với nước, ngày 2-3 lần. Trị chứng sốt cách 2 ngày hoặc 3 ngày (cách nhật). Bài thuốc này còn trị sốt rét ác tính; tác dụng với bệnh trùng hút máu (Ochistosomiasis) thời kỳ đầu, đi lỵ có máu mủ nhưng đợt điều trị kéo dài hơn.

Chữa chai chân: Dùng dao gọt bỏ chỗ cứng, lấy băng dính che chỗ da lành, đắp bột nha đạm tử nhân vào chỗ chai chân, dán băng dính để cố định. Có thể dùng dầu nha đạm tử bôi chỗ chai.

Chữa viêm túi mật, sỏi đường dẫn mật: nha đạm tử 6g, kim tiền thảo 40g, nhân trần 40g, sài hồ 16g, mã đề 16g, chi tử 12g, chỉ xác 8g, uất kim 8g, đại hoàng 6g. Sắc uống.

Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư yếu, hay nôn mửa kiêng dùng. Phụ nữ có thai và trẻ nhỏ cấm dùng.


TS. Nguyễn Đức Quang
Ý kiến của bạn