Văn hóa nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê ở Tây Nguyên hiện đang mất dần trong sự phát triển của xã hội. Thay thế vào đó là các kiểu kiến trúc nhà ở của người Kinh. Tuy nhiên, chính quyền vẫn chưa có biện pháp bảo tồn văn hóa của những ngôi nhà này.
Độc đáo văn hóa tâm linh nhà dài
Từ xa xưa vùng đất Đăk Lăk là nơi người bản địa Êđê Kpă sinh sống. Khoảng 50 ngôi nhà dài tạo thành một buôn trải dọc theo dòng suối Ea Tam dưới sự cai quản của tù trưởng Ama Thuột. Người Êđê có tập quán sống chung ba hoặc bốn thế hệ trong một ngôi nhà lớn gọi là Sang. Đó là kiểu nhà sàn làm bằng gỗ và tre nứa, thường là rất dài để đủ chỗ sinh hoạt cho cả một đại gia đình tới hàng chục người. Họ rất ít khi làm nhà mới thay cho nhà cũ, nếu có thêm người thì nối phần sau nhà dài thêm. Cũng bởi lẽ đó nên trong dân gian còn có tên gọi là nhà dài. Xưa kia, chàng Đăm San và nàng H’Nhí đó sống trong những ngôi nhà dài như thế, bên trong đó chứa được cả vài chục tiểu gia đình, có một gian khách lớn và sang trọng, thường là nơi diễn ra những lễ cúng cầu sức khỏe, mừng mùa màng, mừng mùa mưa hay giải độc cho ai đó ốm đau, bệnh tật... Nhà dài Êđê thật lắm huyền thoại, bên trong đó, ở gian nhà khách có để giàn chiêng gồm 9 chiếc và một cái trống lớn có tên H’ gơr. Và giàn chiêng vừa bí ẩn, vừa lãng mạn này để trên chiếc Kpan, khi tấu nhạc chiêng, những nhạc công - nghệ sĩ dân gian sẽ ngồi trên đó, tiếng chiêng vang lên thôi thúc, âm thanh ấy được chính thức hóa khi nó được tấu ngay trên chiếc Kpan. Cho nên, Kpan là bệ phóng của âm hưởng Êđê. Một cách tự nhiên, nó lại có thêm sức nặng của văn hóa truyền thống.
Toàn cảnh nhà dài. |
Nhà dài kêu cứu...
Trước đây, thường mỗi căn nhà dài có từ 7 đến 9 cặp vợ chồng sinh sống. Từ những năm 1980 của thế kỷ trước trở lại đây, thực hiện chủ trương đưa đồng bào làm công nhân ở các nông, lâm trường, những hộ gia đình tự tách từ căn nhà dài truyền thống ra thành những gia đình riêng, được cấp đất, làm nhà... Những ngôi nhà dài truyền thống dần bị “xóa sổ” trong ý nghĩ xây dựng nhà của người dân Êđê, điều này thể hiện rõ nét ở những nơi dân cư tập trung sống quanh các nhà máy, công trường trồng và chế biến cà phê, cao su. Chính vì vậy mà những ngôi nhà dài của các huyện Chư M’ga, Buôn Đôn... của tỉnh Đăk Lăk dần bị thay thế bằng các nhà xây bê tông, mái tôn đỏ rực...
Sự thay đổi nếp nhà đó thay đổi triệt để kiến trúc ngôi nhà dài truyền thống của người Êđê. Kéo theo sự thay đổi đó là tập tục sống, sinh hoạt, giá trị truyền thống của giới trẻ cũng bị xáo trộn đến bất ngờ. Tới Đăk Lăk, tận mắt chứng kiến Kpan-bệ phóng của âm hưởng Êđê bị để trong mưa gió, bị người dân cưa nhỏ ra để làm vách, làm sàn... thật đau lòng. Tới Krông Buk, không mấy ai biết gì về Kpan. May mà còn mấy già làng nói chuyện cho nghe... Nhưng hiện nay thì thế hệ trẻ không có nhu cầu học và nghe về Kpan. Họ ưa mặc quần jeans, hát karaoke, đi xe máy và coi tâm hồn mình đã và đang hội nhập với thế giới. Hiện nay, phần lớn giới trẻ dân tộc Êđê không còn xem chiếc Kpan, trống, chiêng... là vật thiêng trong nhà nữa, mà thay thế vào đó là ti vi màn hình phẳng, đầu đĩa, dàn hát karaoke... Nhiều ngôi nhà dài còn “được” người dân tháo dỡ ra bán, cầu thang, Kpan cưa ra để làm củi nấu.
Thiết nghĩ, các cấp chính quyền của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung cần đưa ra những giải pháp khôi phục, bảo tồn văn hóa nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ có ý thức bảo tồn và phát huy nét kiến trúc nhà dài. Để những ngôi nhà truyền thống với bao yếu tố tâm linh chứa đựng trong nó không bị mất đi trong đời sống hiện đại đang ngày một tiến nhanh như vũ bão.
Việt Lam