Thông tin từ UBND quận Đống Đa, do ảnh hưởng của bão số 3, một nhà dân trên phố Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội) đã bị đổ sập tại vị trí tầng 2. Rất may vụ việc không ghi nhận thương vong về người.
Tương tự, cũng trong chiều 7/9, tại Dị Nậu (Thạch Thất, Hà Nội) cũng xảy ra 1 vụ sập công trình. Theo đó, toàn bộ phần kho chứa đồ của 1 hộ dân đã bị gió mạnh kéo đổ. Cũng may vì là kho chứa đồ nên vào thời điểm xảy ra sự cố không có người bên trong.
Hiện thiệt hại khiến công trình của nhân dân bị hư hại tạm thời chưa thể thống kê, chính quyền các địa phương cùng các lực lượng khác sẽ đợi bão tan để khắc phục hậu quả.
Mưa lớn do ảnh hưởng của bão không chỉ khiến công trình hư hại mà còn ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện.
Cụ thể, khoảng 17h30 chiều 7/9, ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống tại Hà Nội, một số địa bàn thuộc quận Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân... đã bị mất điện. Việc mất điện 1 phần nguyên nhân là do hàng loạt cây cối gãy đổ làm ảnh hưởng đến lưới điện và các trạm biến áp.
Bên cạnh vấn đề về lưới điện, bão số 3 tiến gần Thủ đô làm tăng nguy cơ xảy ra ngập úng.
Theo đó, dự báo trong 3 - 6h giờ tới, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 50 - 90mm, có nơi trên 130mm.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho bết đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội với độ sâu phổ biến từ 20 - 40cm. Đáng chú ý một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn với độ sâu từ 30 - 50cm.
Chiều 7/9, trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - ông Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo, kêu gọi người dân không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
Xem thêm video được quan tâm:
Siêu bão Yagi thẳng tiến Bắc Bộ với sức gió 'khủng', loạt tỉnh thành cho học sinh nghỉ học.