Từ cuối năm 2019, xã Châu Nhân được sáp nhập từ hai xã Hưng Châu và Hưng Nhân với dân số trên 7.700 người. Trong đó, xã Hưng Nhân cũ nằm hoàn toàn ngoài đê sông Lam, nơi đây được xem là "rốn lũ" của huyện Hưng Nguyên.
Đã quá quen thuộc, hằng năm cứ vào mùa mưa lũ, hơn 1.000 căn nhà của các hộ dân xã Châu Nhân thuộc (Hưng Nhân cũ) đều bị ngập lụt do nước từ đầu nguồn đổ về.
Người dân địa phương cho biết, nếu mưa lớn liên tục trong vòng 3 ngày thì mực nước có thể dâng từ 1,5-2m, biến xã Hưng Nhân (cũ) trở thành hòn đảo nửa chìm nửa nổi biệt lập với các địa phương xung quanh.
Từ năm 2011, nhiều hộ đã xây dựng các công trình như nhà chòi chống lũ, cồn tự cứu, gác chạn... để đảm bảo an toàn tính mạng về người, tài sản khi lũ về. Trong trường hợp khẩn cấp có thể di chuyển cả người và tài sản thiết yếu lên những công trình này, rất tiện dụng. Đặc biệt xây dựng các mô hình này có chi phí vừa phải, phù hợp với khả năng của đa số hộ gia đình. Theo khảo sát, có hơn 70% hộ dân xã Châu Nhân áp dụng phương pháp này.
Khi có thông tin về các cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới có khả năng gây mưa lớn, làm nước sông Lam dâng lên nhanh, người dân sẵn sàng di chuyển tài sản, trâu bò, lợn gà… lên chòi tránh lũ và cồn tự cứu. Nhờ đó, thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra trong những năm gần đây tại xã Châu Nhân đã được giảm thiểu đáng kể.
Cách làm này phù hợp với địa thế thấp trũng, đặc biệt hơn là kinh phí xây dựng vừa phải, phù hợp với khả năng của đa số hộ gia đình.
Không chỉ xã Châu Nhân, tại một số địa phương thường xuyên bị ngập lụt như xã Hưng Lợi (huyện Hưng Nguyên), xã Nam Cường (huyện Nam Đàn), người dân cũng đã chủ động trong việc xây dựng nhà chòi tránh lũ, cồn tự cứu để ứng phó với lũ.
Nhiều người dân xã Châu Nhân vẫn còn khiếp đảm khi nhắc đến những trận lũ kinh hoàng vào các năm 1978, 1988 và năm 2000. Nước lũ lên rất nhanh vào ban đêm, khiến họ phải chạy trốn lên đê để bảo toàn mạng sống, còn nhà cửa, tài sản thì bị tàn phá, cuốn trôi theo dòng nước.
Thiên tai cũng là nỗi ám ảnh không dứt đối với ông Phạm Văn Hoan ở xã Châu Nhân. Mỗi năm, khi mùa lũ đến, gia đình ông lại phải đối mặt với cảnh 'chạy lụt', cuộc sống thường nhật luôn đầy rẫy bất an. Hơn 10 năm trước, gia đình ông nhận được sự hỗ trợ 30 triệu đồng từ Nhà nước, vay thêm 10 triệu đồng từ ngân hàng chính sách, vay mượn thêm từ người thân, chòm xóm để xây dựng một nhà chòi hai tầng kiên cố. Từ đó, nỗi lo về mùa lũ đã được giảm thiểu đáng kể.
"Trong suốt thời gian dài, chúng tôi không có lấy một giây phút yên ổn, lúc nào cũng phải sống trong lo lắng, sợ hãi. Mỗi khi lũ về, người dân đều phải chạy tán loạn như ong vỡ tổ. Đôi khi, chúng tôi phải sống nhờ ở những nơi khác suốt nhiều ngày, hoặc phải sơ tán cả gia đình lên đê, chấp nhận bỏ lại tài sản giữa dòng nước đục, thật xót xa. Chỉ đến khi có được nhà chòi, mọi thứ mới dần ổn định. Con cái giờ đây yên tâm làm ăn xa, còn ông bà và các cháu ở nhà có thể tự lo liệu được", ông Hoan chia sẻ.
Bà Trần Thị Vinh ở xóm 9, xã Châu Nhân cho biết, bà sống một mình nuôi hai con sau khi chồng mất sớm. Hiện tại, một đứa con làm việc ở xa, trong khi đứa còn lại đã mắc chất độc da cam hơn 30 năm nay. Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình bà phải sống trong một căn nhà thấp bé, mùa hè thì nóng bức, mùa mưa lại khổ sở. Mỗi khi bão lũ ập đến, nỗi lo sợ lại dâng cao. Có những lần nước lũ dâng ngang cửa sổ, bà phải nhờ hàng xóm giúp đỡ để đưa hai mẹ con đến nơi an toàn.
Rất may mắn, nhờ sự hỗ trợ từ chương trình xóa nhà tranh tre dột nát cùng sự giúp đỡ của cộng đồng, bà Vinh đã xây dựng được một ngôi nhà hai tầng vững chắc. Mặc dù diện tích không lớn, nhưng ngôi nhà đã giúp bà bớt lo lắng hơn. Tầng dưới được sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày, trong khi tầng trên (nhà chòi) có cầu thang bên ngoài để sử dụng trong các tình huống khẩn cấp.
"Mỗi khi mưa bão, tôi không biết xoay sở thế nào, lại thêm con bệnh tật triền miên. Thực sự nếu không có sự giúp đỡ của cộng đồng, mẹ con tôi không thể vượt qua nổi. Giờ đây, có nhà cửa đàng hoàng, chúng tôi không còn phải sống trong lo sợ như trước nữa. Hàng ngày, mẹ con tôi sinh hoạt ở tầng dưới, còn khi có mưa bão, người và tài sản có giá trị sẽ được di chuyển lên chòi phía trên", bà Vinh chia sẻ.
Ngoài các 'nhà chòi' độc đáo, xã Châu Nhân còn xây dựng các nhà tránh lũ cộng đồng. Theo quan sát, căn nhà cộng đồng này có đầy đủ các vật dụng để bà con có thể sinh hoạt, tránh trú mưa bão an toàn nếu di tản. Trên tầng 2 của căn nhà có khu vực bếp, nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch, bà con có thể tạm trú trong một khoảng thời gian.
Ông Lê Khánh Quang, Chủ tịch UBND xã Châu Nhân cho biết, khu vực thường xuyên bị ngập lụt là xã Hưng Nhân cũ, nằm hoàn toàn ngoài đê, có hơn 1.100 hộ dân. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, 73 hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn đã được xây dựng nhà chòi chống lũ. Nhờ đó, vào mùa mưa bão, các hộ dân đã chủ động hơn trong việc kê cao tài sản, gia súc gia cầm. Tuy nhiên, một số hộ dân với chuồng trại ẩm thấp, thường xuyên bị ngập sâu vẫn phải đưa gia súc và phương tiện lên đê để đảm bảo an toàn.
Đổ nhà trên phố cổ trong đêm.