Nhà cách mạng Nguyễn Thị Bình với những dấu ấn đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục

20-11-2022 10:59 | Thời sự
google news

SKĐS - Chủ đề "Nhà cách mạng Nguyễn Thị Bình với những cống hiến cho giáo dục Việt Nam" đã được nhiều tác giả - những người từng làm việc nhiều năm ở Bộ Giáo dục đề cập đến. Trong bài viết này, xin được tóm tắt những dấu ấn đặc biệt trong một số lĩnh vực giáo dục của nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình.

Thủ tướng: Có những thầy cô đã hiến dâng cả tuổi xuân, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của học sinhThủ tướng: Có những thầy cô đã hiến dâng cả tuổi xuân, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của học sinh

SKĐS - Nhiều thầy cô đã vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, hy sinh, tâm huyết với nghề; có những thầy cô đã hiến dâng cả tuổi xuân, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh...

Những ấn tượng đặc biệt trong một số lĩnh vực giáo dục của nguyên Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thị Bình

Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Châu Sa, sinh ngày 26/5/1927 tại Sa Đéc, là cháu ngoại nhà chí sĩ cánh mạng Phan Chu Trinh, quê ở Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Lúc mới 18 tuổi, bà đã tham gia giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám ở thành phố Sài Gòn và sau đó bà tham gia phong trào Phụ nữ cứu quốc làm Hội trưởng Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ 1951 – 1953 bọn địch đã bắt bà và giam tại Khám Chí Hòa. Khi ra khỏi nhà tù, bà tiếp tục tham gia phong trào đòi hòa bình thi hành Hiệp định Giơnevơ.

Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, nước nhà thống nhất, bà Nguyễn Thị Bình được Quốc hội cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục nước Việt Nam từ ngày 26/7/1976 đến 16/2/1987. Mặc dù lĩnh vực giáo dục không phải sở trường của Bà, nhưng Đảng, nhà nước cần Bà sẵn sàng chấp nhận.

Những năm tháng này là thời kì đặc biệt của lịch sử nước ta. Khi bà Nguyễn Thị Bình về làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì đất nước vừa mới thống nhất hơn một năm. Bên cạnh niềm hân hoan phấn khởi trong cả nước về đại thắng mùa xuân thì đất nước ta cũng đang chồng chất bao nhiêu khó khăn, kinh tế tài chính bị kiệt quệ sau chiến tranh, khủng hoảng triền miên do chế độ bao cấp mà ta chưa thoát ra vì còn đang tìm con đường đổi mới. 

Thêm vào đó, tình hình chiến tranh biên giới phía Nam phía Bắc càng gây ra nhiều sự bất ổn, lại thêm thiên tai xảy ra liên tiếp ở miền Trung và miền Nam. Về giáo dục ở 2 miền Nam Bắc rất khác nhau. Hệ thống giáo dục ở miền Bắc là 10 năm, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Trong lúc đó, Hệ thống giáo dục ở miền Nam là 12 năm, đã nhiều năm chịu ảnh hưởng của nền giáo dục thực dân kiểu mới, phản động, và không phát triển. Số người mù chữ ở miền Nam trong vùng mới giải phóng có đến 95% dân chúng. Nhiệm vụ quan trọng lúc này là làm thế nào cho nền giáo dục Nam Bắc hòa nhập với nhau về mọi mặt.

Nhà cách mạng Nguyễn Thị Bình với những cống hiến cho giáo dục Việt Nam - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tới thăm, tri ân nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Bình nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: MOET

Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã đề ra nhiều chủ trương biện pháp để nhanh chóng làm cho hệ thống giáo dục Nam Bắc được thống nhất. Chỉ trong vòng 2 năm đã xóa mù chữ cho 1,4 triệu người chiếm 95% số người mù chữ do chế độ cũ để lại. Đối với giáo dục phổ thông bà giữ nguyên hệ thống giáo dục 12 năm không gây xáo trộn, thu nhận toàn bộ các thầy cô giáo từ mầm non đến đại học đã từng phục vụ trong nhà trường Mỹ Ngụy. Đối với giáo dục phổ thông, bà chủ trương huy động nhân lực vật lực có trong hệ thống giáo dục miền Bắc để hỗ trợ cho giáo dục miền Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình khi đó động viên kêu gọi giáo viên miền Bắc sẵn sàng xung phong vào miền Nam, đi đến những vùng mới giải phóng để phát triển trường học từ mầm non đến THPT. Đặc biệt, bà chú ý phát triển xây dựng các trường sư phạm đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Củng cố 2 trường ĐHSP Huế, ĐHSP Sài Gòn và các khoa sư phạm ở ĐH Cần Thơ và Tây Nguyên, mở thêm cơ sở ĐHSP Quy Nhơn, cơ sở ĐH ngoại ngữ tại Đà Nẵng,…

Bằng nhiều chủ trương, biện pháp sáng tạo, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã nhanh chóng làm cho giáo dục ở miền Nam theo kịp đà phát triển giáo dục ở miền Bắc. Ở miền Bắc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình có nhiều giải pháp chuyển tiếp hệ thống 10 năm sang hệ 12 năm. Như vậy, chỉ trong mấy năm sau khi thống nhất nước nhà, bà đã làm cho Hệ thống giáo dục trong cả nước thống nhất cả về hệ thống cũng như nội dung, phương pháp thành một thể thống nhất, đào tạo nguồn nhân lực xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cùng với nhiệm vụ thống nhất hệ thống giáo dục trong cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình lại bắt tay thực hiện Nghị quyết cải cách giáo dục số 14 của Bộ Chính trị ban hành vào năm 1979. Cuộc cải cách giáo dục theo Nghị quyết 14 cũng đã đạt được những thành tựu to lớn trong hoàn cảnh đất nước cực kì khó khăn không thể nào phủ nhận.

Chăm lo cho sự nghiệp giáo dục cần phải xây dựng kiềng ba chân vững mạnh

Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình cũng thường nói với các cộng sự: Chăm lo cho sự nghiệp giáo dục cần phải xây dựng kiềng ba chân vững mạnh, đó là: Đối với người học cần chú ý giáo dục toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ và ý tưởng học tập suốt đời; Xây dựng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên và chăm lo đời sống cho họ; Xây dựng cơ sở vật chất từng bước tiêu chuẩn hóa và hiện đại hóa phục vụ cho việc giảng dạy học tập.

Trong từng chân kiềng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình có nhiều chủ trương, biện pháp sáng tạo phù hợp với từng hoàn cảnh và từng giai đoạn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã cho mở ngay các trường, khoa sư phạm đào tạo giáo viên dạy thể dục, mỹ dục cho tất cả các loại hình trường từ mầm non đến đại học. Năm 1982, bà đề xuất chủ trương rèn luyện thể dục, mỹ dục qua Hội thi Hội khỏe Phù Đổng tại nhà trường địa phương hàng năm và toàn ngành tổ chức hội khỏe theo chu kì 4 năm một lần nhằm mục đích giáo dục rèn luyện thể chất, mỹ dục cho học sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình rất chăm lo đến công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Bộ trưởng đã trình chính phủ ra quyết định 126/CP ngày 19/3/1981 "Về công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông và việc sử dụng hợp lí học sinh THCS và THPT tốt nghiệp ra trường". Việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã định hướng được nghề nghiệp tương lai của chính mình. Nhờ vậy mà việc tuyển lựa học sinh vào các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học rất thuận lợi. Để tạo điều kiện cho công tác hướng nghiệp, Bộ trưởng chủ trương xây dựng hệ thống trung tâm kĩ thuật tổng hợp hướng nghiệp ở các tỉnh huyện, cụm trường. Ở từng trường học, xây dựng xưởng trường, vườn trường để học sinh thực tập.

Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thị Bình rất chăm lo công tác xây dựng đội ngũ giáo viên từ mầm non đến đại học. Bộ trưởng đã chủ trương phân cấp cho địa phương mở trường đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Đối với ngành giáo dục, lần đầu tiên Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thị Bình phân công hẳn một Thứ trưởng phụ trách cơ sở vật chất và đời sống giáo viên. Đây là một mảng chân kiềng quan trọng của ngành giáo dục.

Một vấn đề khác cũng rất được Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thị Bình quan tâm chỉ đạo đó là vấn đề giáo dục miền núi và vùng khó khăn, ở tại những nơi này có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống và gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, nhất là về giáo dục. Phần lớn người dân tộc bị mù chữ, trẻ em thất học nhất là trẻ em gái. Bộ trưởng rất quan tâm chỉ đạo công tác xóa mù và sau xóa mù. 

Đối với công tác đối ngoại của ngành giáo dục, bà có nhiều hoạt động đầy ấn tượng. Để chỉ đạo công tác đối ngoại, bà đã nâng vị trí Ban Đối ngoại trực thuộc văn phòng Bộ thành Ban Đối ngoại trực thuộc lãnh đạo Bộ, sau một thời gian ngắn Bộ lại nâng thành Vụ Hợp tác quốc tế trực thuộc Bộ. Bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo công tác viện trợ cho giáo dục Lào và Cam-Pu-Chia về chuyên gia, giáo viên, cơ sở vật chất. Cử nhiều chuyên gia giáo dục đi dạy ở nhiều nước Châu Phi, tranh thủ sự giúp đỡ về cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực của các nước anh em có trình độ phát triển như Liên Xô, CHDC Đức, Cuba.. Tranh thủ sự giúp đỡ một số tổ chức quốc tế như UNICEF, UNESCO, Ngân hàng Thế giới… để có thêm điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách giáo dục. Bà không những chăm lo công tác đối ngoại của ngành giáo dục mà còn thực hiện một số công tác đối ngoại cho Nhà nước, nhất là việc dẫn đầu các đoàn đàm phán hoãn nợ.

Về giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã dám đương đầu với những khó khăn về kinh tế xã hội sau đại thắng mùa xuân năm 1975, với những "cây đa cây đề" của ngành giáo dục để đưa ra nhiều chủ trương sáng tạo, nhiều biện pháp hữu hiệu đem lại sự thống nhất ngành giáo dục toàn quốc, thực hiện thành công cuộc cải cách giáo dục theo Nghị quyết 14 của trung ương. Nhiều chủ trương của Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thị Bình trong nhiều lĩnh vực giáo dục vẫn còn ý nghĩa cho đến ngày nay và trong tương lai.

Nhân dịp chúc thọ nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình ở tuổi 80, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Bộ Giáo dục Lê Năng An đã viết:

"… Trang vàng sử sách còn ghi dấu

Một bậc nữ lưu sáng giữa trời…".

3 điều hạnh phúc của nghề giáo3 điều hạnh phúc của nghề giáo

SKĐS - Sự trưởng thành của học trò, an vui của mỗi gia đình, xã hội là niềm sung sướng của chúng ta - những người đi xây đắp tâm hồn và trí tuệ, đặt lên bệ phóng tương lai cho bao thế hệ.



PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Ý kiến của bạn