Nhà biên kịch Châu Thổ: Tôi chưa xem Trăng nơi đáy giếng!

05-03-2009 11:06 | Thời sự
google news

Sau khi phim Trăng nơi đáy giếng đoạt giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LH phim Dubai và giải Cánh diều bạc thì những cái tên như diễn viên Hồng Ánh, đạo diễn Vinh Sơn vốn đã nổi tiếng lại được báo chí “khai thác” nhiều hơn.

Sau khi phim Trăng nơi đáy giếng đoạt giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LH phim Dubai và giải Cánh diều bạc thì những cái tên như diễn viên Hồng Ánh, đạo diễn Vinh Sơn vốn đã nổi tiếng lại được báo chí “khai thác” nhiều hơn. Trong khi tác giả kịch bản Châu Thổ, giải Biên kịch xuất sắc nhất , người góp phần quan trọng làm nên bộ phim thì hơi… “im lặng”. Nhưng lần này, chị đã trò chuyện cùng TT&VH:

 
Nhà biên kịch Châu Thổ
- Tôi hơi bất ngờ vì kịch bản của mình đoạt giải Cánh diều. Tôi nhớ khoảng năm 2003, truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng của Trần Thùy Mai đã được đạo diễn NSƯT Lê Đức Tiến, lúc đó vào Sài Gòn nhận chức giám đốc Hãng phim Giải phóng đưa cho tôi chuyển thể vời lời nhắn gửi đầy tâm huyết: Đây là “của hồi môn” anh mang từ Hà Nội vào cho Hãng phim Giải Phóng. Được biết, trước tôi truyện ngắn này đã có một vài nhà văn chuyển thể thành kịch bản phim truyện, và hình như còn được giải thưởng nữa. Nhưng ông Tiến vẫn chưa hài lòng và đề nghị tôi viết lại. Tôi nhớ cái truyện đó cũng không dài lắm và sau khi đọc tôi rất hào hứng vì truyện hay. Để chuyển thể từ một truyện ngắn thành 120 trang kịch bản hoàn chỉnh trong vòng 2 tuần, tôi đã đầu tư khá công phu. Ví dụ như sưu tầm cũng như xem các đoạn băng lễ hội có hát hầu văn ở Huế.

Vẫn biết phim là của đạo diễn nhưng kịch bản của tôi cũng là một “bộ phim trên giấy” với đầy đủ “hình ảnh, âm thanh” của nó.

* Xin chị so sánh đôi chút về “bộ phim trên giấy” của chị với phim trên màn ảnh của đạo diễn Vinh Sơn?

- Đến giờ tôi chưa xem phim nên không thể so sánh được. Tôi chỉ nghe bạn bè xem phim kể lại và nói chung là chưa hình dung được phim ra sao. Chỉ biết là có nhiều ý kiến khen ngợi bộ phim này.

* Phim từ kịch bản của mình mà mình không xem! Có phải vì đã mâu thuẫn từ trước với đạo diễn nên chị quay lưng với phim?

“Nói chung, mâu thuẫn giữa tôi và đạo diễn cũng vì muốn tác phẩm tốt hơn, dù có thể chi tiết đạo diễn thêm, bớt vào kịch bản sẽ đắt hơn chăng?” (Phát biểu của nhà biên kịch Châu Thổ)


- Hôm 3/3, phim có chiếu ở IDECAF TP.HCM, anh Vinh Sơn có mời, nhưng vì tôi nhiều việc quá nên không đi xem được. Chỉ đơn giản có thế! Nhưng từ lâu nay, giữa biên kịch và đạo diễn mà không cãi nhau mới là chuyện lạ, cãi nhau là bình thường. Với tôi, có những chi tiết mình rất tâm đắc trong Trăng nơi đáy giếng lại không được đạo diễn dùng thì phải “cãi” để bảo vệ “đứa con” của mình chứ. Nói chung, mâu thuẫn giữa tôi và đạo diễn cũng vì muốn tác phẩm tốt hơn, dù có thể chi tiết đạo diễn thêm, bớt vào kịch bản sẽ đắt hơn chăng? Khi kịch bản hoàn thành, anh Lê Đức Tiến lúc đó là Giám đốc Hãng phim Giải phóng muốn mời đạo diễn khác làm, nhưng tôi đề nghị anh Vinh Sơn.
 
 
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đang chỉ đạo Hồng Ánh diễn xuất
"Trăng nơi đáy giếng". Ảnh VTC

* Chị đề nghị đạo diễn Vinh Sơn làm phim nhưng sau đó chị đòi rút lại kịch bản?

- Tôi có gửi đơn lên Cục Điện ảnh xin rút lại kịch bản khi bộ phim đã tìm được nguồn tài chính để thực hiện. Như tôi đã nói, mâu thuẫn giữa biên kịch và đạo diễn là chuyện bình thường. Nhưng dù thế nào chúng ta cũng phải tôn trọng nhau để công việc đạt kết quả tốt. Tuy vậy, có lúc tôi cảm giác mình không được tôn trọng. Bây giờ tôi nói ra chỉ để mà nói, vì quan điểm của tôi là chỉ “cãi nhau” khi đang làm việc, chứ việc xong rồi thì coi như… xong phim.

Công bằng mà nói, để có thành công như Trăng nơi đáy giếng, đạo diễn Vinh Sơn đã đầu tư công sức, tâm huyết rất nhiều. Ở tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, tôi đã “ngộ” ra nhiều điều và biết chắc rằng mình hơi “khó tính” với các đạo diễn.

* Chị chưa xem phim nhưng chắc chắn đã đọc truyện ngắn, chị “lẩy” ra những gì từ truyện ngắn để có “bộ phim trên giấy” 120 trang?

- Tôi lấy tư tưởng và cốt truyện. Khi đọc truyện, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi biết truyện này làm phim được vì nó có chất điện ảnh. Tất nhiên, để có một kịch bản hoàn chỉnh như một bộ phim trên giấy, tôi phải làm nhiều thứ. Chẳng hạn như thêm vào các chi tiết để nâng tầm tư tưởng cho phim cũng như tăng tính kịch vì đây là kịch bản phim chứ không phải là “truyện ngắn nối dài”.

* Nói đến biên kịch, chị nhận xét thế nào về thực trạng biên kịch ở ta với tư cách dân trong nghề?

- Nói sòng phẳng, ở ta hiện nay, biên kịch có nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu như ai cũng có thể trở thành nhà biên kịch, cái danh xưng tác giả kịch bản hiện nay cực kỳ bát nháo. Mà suy cho cùng, biên kịch là nghề hơi bị… bạc, bởi phim được khen hay chê, hoành tráng hay không đều là của “ông đạo diễn”, dù tác giả kịch bản đã hết lòng hết dạ làm cho cái “nền móng” bộ phim thật tốt.
 
 
Nhà biên kịch Châu thổ tên thật Nguyễn Thị Bích Thủy. Các tác phẩm đã dựng thành phim: Di chúc những oan hồn, đạo diễn Văn Lê, phim tài liệu nhựa, đoạt giải Bông sen Vàng năm 2000; Người đàn bà không hóa đá, đạo diễn Đào Bá Sơn, phim truyện nhựa 90 phút 2001; Giá mua thượng đế, đạo diễn Hồ Ngọc Xum, phim truyện nhựa 90 phút năm 2005; Trăng nơi đáy giếng, Đạo diễn Vinh Sơn, phim truyện nhựa 120 phút 2008.

Ngoài ra chị là tác giả KB của các phim truyền hình : Họ từng chung kẻ thù, đạo diễn Lê Cung Bắc ( 6 tập ); Sóng tình, Đạo diễn Minh Cao ( phim lẻ 90 phút); Hoa hồng, đạo diễn Hồng Phú Vinh ( 5 tập); Ghen, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo - Trương Dũng ( 32 tập); Những chiếc lá thời gian, đạo diễn Lê Cung Bắc, phim video 120 phút; Rặng trâm bầu, Đạo diễn Bùi Đình thứ - phim Video 120 phút; Hồi xuân, đạo diễn Bùi Đình Thứ ( 5 tập – hài); Tình yêu pha lê, đạo diễn Xuân Cường ( 25 tập); Lọ lem thời @, đạo diễn Trần Ngọc Phong ( 32 tập); Cha dượng, đạo diễn Phạm Thanh Phong - Quốc Thành ( 30 tập); Gió nghịch mùa, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo (40 tập).

Hoàng Nhân (thực hiện)
Theo TT&VH online

 


Ý kiến của bạn