Nhà bị đám cháy bên cạnh lan sang có được bồi thường không?

13-11-2023 15:31 | Xã hội

SKĐS - Ngày 11/11, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại số nhà 229 đường Lê Hồng Phong (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) thiêu rụi nhiều tài sản của căn nhà cạnh đó. Vậy, các nhà bị cháy lan có được bồi thường hay không?

Như Báo Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, khoảng 10 giờ 35 phút, ngày 11/11, đám cháy bùng phát tại căn nhà số 229 Lê Hồng Phong (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), sau đó nhanh chóng lan rộng, bao trùm 2 căn nhà bên cạnh là căn nhà số 231, 233.

Được biết, căn nhà 229 và 233 là cửa hàng buôn bán các loại dụng cụ, máy móc phục vụ trong nông nghiệp. Còn số nhà 231 là cửa hàng kinh doanh đồ điện tử, âm thanh (đây cũng là căn nhà bị thiệt hại nặng nề nhất do đám cháy gây ra).

Theo người chủ căn nhà số 231, cả căn nhà 3 tầng này đều chứa hàng điện tử, thiết bị âm thanh, ánh sáng với trị giá trên 10 tỷ đồng nhưng đã bị lửa thiêu cháy.

Nhà bị đám cháy bên cạnh lan sang có được bồi thường không?- Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy. Ảnh cắt từ clip

Sau khi vụ cháy xảy ra, dư luận đang băn khoăn và đặt câu hỏi về việc bồi thường thiệt hại trong vụ việc này.

Theo đó, những ngôi nhà bên cạnh bị cháy lan sang thì việc bồi thường sẽ được xử lý như thế nào? Ai là người phải bồi thường cho những chủ nhân của ngôi nhà bị cháy lan sang này.

Chia sẻ rõ hơn về vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, nếu nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định "ngọn lửa xuất phát từ căn nhà số 229" sau đó gây thiệt hại tài sản hơn 10 tỷ đồng cho căn nhà 231 và căn nhà 233 thì có thể xác định ban đầu rằng căn nhà số 229 đã gây thiệt hại.

Do vậy có thể xác định chủ sở hữu căn nhà số 229 phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ căn nhà số 231 và 233. Nội dung trên được xác định dựa trên cơ sở khoản 3, điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015.

Giá trị bồi thường tuân theo nguyên tắc thiệt hại được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận, thương lượng mức bồi thường theo quy định tại điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015.

Trường hợp các bên không thương lượng được thì đề nghị Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật.

Xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được tuân theo quy định tại điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015. Theo Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. Thiệt hại khác do luật quy định.

Hai vụ cháy lớn trong ngày 11/11, thiệt hại có thể lên đến nhiều tỷ đồngHai vụ cháy lớn trong ngày 11/11, thiệt hại có thể lên đến nhiều tỷ đồng

SKĐS - Khoảng 10h30 sáng 11/11, tại số nhà 229 đường Lê Hồng Phong, TP. Buôn Ma Thuột đã xảy ra vụ cháy lớn. Lửa bùng lên dữ dội nhanh chóng lan sang 2 cửa hàng bên cạnh.


Phúc Đức
Ý kiến của bạn