Nhà báo thời 4.0

21-06-2019 10:07 | Thời sự

SKĐS - 94 năm báo chí cách mạng là một chặng đường đầy kiêu hãnh và tự hào đối với các nhà báo nước ta.

Không chỉ đồng hành cùng dân tộc, nhân dân trong công cuộc giành độc lập, tự do, giữ gìn bảo vệ Tổ quốc mà còn góp phần xây dựng đất nước, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng văn minh trong thời kỳ mới, đưa Việt Nam có một vị trí, uy thế chính trị trên trường quốc tế. Nhà báo Việt Nam thời hội nhập, toàn cầu hóa, công nghệ 4.0 có nhiều điều kiện tác nghiệp,  nhưng cũng có nhiều vấn đề cần phải tỉnh táo với ngòi bút của chính mình.

Báo chí Việt đã thật sự là “chuẩn” chưa?

Trước đây báo chí Việt Nam là một trong những “kênh” không chỉ là truyền thông tin đến người đọc, yêu cầu chính xác tuyệt đối, sự sai sót về thông tin gần như không có, mà còn là một hình thái chuẩn về ngôn ngữ, chính tả. Những cách dùng từ ngữ được thống nhất trên các báo, đài từ Trung ương đến địa phương và như một chuẩn mực của ngôn ngữ Việt. Câu cửa miệng một thời như một sự đánh giá về uy tín của báo chí trong người dân: “Báo nói thế”, “báo viết thế”. Với độc giả, báo chí của ta là không thể sai. Đó cũng là một niềm tự hào đối với những người làm báo Việt Nam nói chung.

Công nghệ cao, truyền thông đa phương tiện, những phát minh khoa học đã làm thay đổi và thậm chí làm phong phú thêm những hình thức của báo chí. Báo in, báo hình, báo tiếng, báo mạng... mà trong mỗi loại lại có nhiều hình thức đa dạng khác để truyền thông tin đến độc giả nhanh nhất, nhiều nhất, đầy đủ nhất và trên hết là hấp dẫn nhất. Báo chí Việt Nam cho dù sự tiếp nhận công nghệ có chậm hơn nhưng cũng đã thừa hưởng những ưu việt của các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ ngành báo chí, cách thức tác nghiệp và những tư duy mới trong làm báo nên không ngừng phát triển.

Những con số về kênh truyền hình từ Đài quốc gia VTV đến các đài địa phương, các công ty truyền thông đa phương tiện..., mỗi ngày một tăng với nhiều chương trình, phục vụ mọi đối tượng, kể cả vươn sóng ra nước ngoài, không thể đếm hết được. Báo in từ báo ngày, báo sáng, báo chiều, tin nhanh, tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san... từ những tờ báo truyền thống đến các báo ngành, hội, đoàn thể... con số đầu báo ngày hôm nay đã khác ngày mai, không ngừng tăng... Báo điện tử cũng đang trên đà phát triển không thua gì với báo in, báo hình, báo nói với số lượng người truy cập ngày càng cao với các báo điện tử, trang tin điện tử. Phải nói một cách ví von là  hôm nay là “rừng báo” Việt.

Báo nhiều, thông tin nhiều, sự đua tranh là không thể tránh khỏi. Và rồi thông tin đưa ra đã không còn một chuẩn nào nữa cho dù có bao nhiêu quy định, quy chế. Ngôn ngữ báo chí được dùng tùy tiện, mỗi báo một cách dùng khác nhau, không theo chuẩn nào, ngay cả những tờ báo truyền thống về chuẩn ngôn ngữ cũng phá bỏ “luật”, trong một tờ báo mà cách dùng ngôn ngữ đã khác nhau giữa bài này với bài kia, giữa người này với người khác. Sự “trong sáng của tiếng Việt” bị phá vỡ trong ngôn ngữ báo chí hôm nay, nhiều từ mới lạ, biến tấu biến thể, không theo một phép tắc quy chuẩn nào. Người Việt đọc, nghe đôi khi khó hiểu cho dù là tiếng Việt 100%.

Về thông tin, chỉ có thể dùng một tính từ miêu tả “muôn hình vạn trạng”, để diễn tả sự mênh mông, phong phú, tràn ngập các kiểu thông tin, từ Tây sang Đông, từ trên vũ trụ xuống mấy tầng địa cầu, từ cổ xưa tới tương lai (chưa diễn ra), từ riêng tư cá nhân đến riêng tư thiên hạ... từ vi mô tới vĩ mô, không thiếu một tin gì. Kênh lấy thông tin cũng “vô bờ bến”, chính thống và không xác định (chỉ cần click chuột là cả thế giới trong tầm mắt, tha hồ search đầy chữ), không thể phân biệt được. Chính thế mà thông tin đã bị “nhiễu”. Có những thông tin mà mỗi tờ một khác, chuyện này như “chuyện thường ngày”, chưa kể kiểu lấy thông tin chữ “tác” thành chữ “tộ”, hiểu sai nội dung, chỉ thiệt cho người đọc không biết đàng nào là chính xác, không kể tới việc gây hậu quả nghiêm trọng mà trong thời gian qua báo chí đã vướng phải.

Chuẩn mực trong việc đưa tin, bình luận, phân tích và định hướng dư luận xã hội hiện tại gần như bị buông lơi. Có một hiện tượng là báo chí bây giờ mải mê chạy theo “câu view” nhiều quá, những hiện tượng không tốt lại được làm “nóng” lên, thậm chí còn “nuôi dưỡng” những điều thiếu tích cực, chưa nói tới việc một số nhà báo bán rẻ lương tâm nghề nghiệp cố tình đưa thông tin sai lạc. Đó là sự không chuẩn mực của báo chí.

Hiện nay, các nhà báo được học hành nhiều, được tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ, điều kiện phương tiện tác nghiệp thuận lợi. Ảnh: Nguyên Hồng

Hiện nay, các nhà báo được học hành nhiều, được tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ, điều kiện phương tiện tác nghiệp thuận lợi. Ảnh: Nguyên Hồng

Nhà báo trẻ Việt hôm nay có thật sự là nhà báo?

Những nhà báo thế hệ đàn anh trước là những tấm gương về sự học hỏi, sự nghiêm túc, thận trọng trong nghề nghiệp, một bài báo là tâm huyết với cây bút của mình. Đối với các vấn đề có tính học thuật họ phải nghiên cứu kỹ, thậm chí là mời chuyên gia lĩnh vực đó tham mưu, cố vấn, để cho ra những bài báo có sức thuyết phục cao. Đôi khi để viết một lĩnh vực nào, họ phải đi học để có một chút kiến thức về lĩnh vực đó, để khi viết không bị sai.

Đất nước bước vào thời kỳ mới, hội nhập với thế giới, mọi mặt đều phát triển theo xu hướng chung của toàn cầu. Nhà báo Việt Nam hôm nay, nhất là các nhà báo trẻ, được học hành nhiều, được tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ, điều kiện phương tiện tác nghiệp thuận lợi, nhưng thật sự họ có phải nhà báo đa tài không? Họ có nắm được những nguyên tắc của một nhà báo thật sự là như thế nào? Hay chỉ bị cái “hào quang” của danh “nhà báo” làm cho ý nghĩa của nghề nghiệp bị chính họ làm giảm uy tín?

Không mất công nhiều lắm cũng thấy được ở các báo, những chuyên đề mang tính học thuật như văn hóa, giáo dục, y tế, kinh tế... thường giao cho một vài nhà báo “có vẻ” am hiểu lĩnh vực đó. Sự “am hiểu” này không phải do học hành mà do sự phân công, rồi làm dần thành quen, được chỉ mặt đặt tên phụ trách. Chính thế mà có những bài báo của nhiều nhà báo viết theo cảm tính, cảm quan của cá nhân, không mang tính khách quan, không viết theo cái nhìn đại diện chung của mọi người, viết thiếu chính xác, thiếu tính thuyết phục, có khi còn “adua” nhau viết kiểu “hội đồng”, gây dư luận trái chiều. Có nhà báo trẻ tự ảo tưởng về tài cầm bút của mình, cho mình cái quyền cao hơn người khác, được lên giọng phán xét hay, dở, đúng, sai, hướng người đọc vào “mê lộ” thông tin của mình làm sai lạc đi ý nghĩa đích thực của vấn đề, trong khi kiến thức thật sự của bản thân nhà báo thì chẳng bằng ai.

Thông tin nhiều, nhưng không biết chắt lọc, chọn lựa, đối chứng, không có tư duy theo chiều sâu vấn đề, nên nhiều bài báo đọc xong không biết là đang đặt ra hay đề cập vấn đề gì. Chỉ thấy một mớ thông tin vụn vặt, hời hợt, đôi khi có vẻ giật gân. Chính những điều đó nói lên sự thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng của người làm báo đích thực, chưa kể là đôi khi có các nhà báo vì danh vọng cá nhân đã không ngại “bẻ cong” bút để nhằm đạt được mục đích của mình. Ngoài ra còn phải nói đến một kiểu nhà báo ở các báo, không cần biết kiến thức được học là gì, miễn có thể viết được là thành nhà báo, nên có những người học kinh tế viết văn hóa, học quay phim thì viết kinh tế, học ngữ văn thì cho viết giáo dục, y tế, sinh viên khoa biên kịch mới tốt nghiệp  thành nhà báo viết đủ thứ nhân vật từ nhà văn hóa, nghệ sĩ nhiếp ảnh, diễn viên sân khấu, điện ảnh, nhạc sĩ đến các nhà doanh nghiệp trong ngoài nước... Có một chút ngoại ngữ thì cho ngay về chuyên mục thời sự quốc tế. Cho nên mới có những bài báo, bài phỏng vấn ngô nghê, đọc rất buồn cười.

Nhiều ý kiến đến từ chuyên gia, nhà khoa học đều khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử, tuy nhiên họ cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nhiều tờ báo vẫn chưa thực sự phát huy vai trò của mình mà chỉ chăm chăm chạy theo sự kiện thiếu tích cực để “giật tít, câu view”... Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và “cuộc chạy đua” với mạng xã hội, báo chí cần thực hiện vai trò định hướng dư luận xã hội chứ không phải chạy theo khai thác những hiện tượng tiêu cực, không lành mạnh như nhiều tờ báo hiện nay.

Bao giờ cho đến... nhà báo chuyên nghiệp?

Nếu thống kê số sinh viên của các trường đại học ở Việt Nam có các khoa báo chí, truyền thông, các khoa chuyên ngành như phát thanh, truyền hình... thì khó có con số chính xác. Trong số họ khi ra trường sẽ bổ sung vào lực lượng nhà báo hùng hậu không kém một đội quân nào. Riêng số phóng viên, nhà báo của các báo hiện thời không thể tính bằng con số được cấp thẻ, mà nhiều hơn thế. Nhưng trong số đó, bao nhiêu người là nhà báo chuyên nghiệp thật sự theo đúng nghĩa của 2 chữ “nhà báo”? Có phải tất cả các nhà báo đều học và tốt nghiệp ngành báo chí? Có phải các nhà báo tốt nghiệp Khoa Báo chí đều được học chuyên ngành về một lĩnh vực, để rồi khi về báo sẽ chuyên sâu vào chuyên mục đó? Và có bao nhiêu nhà báo không phải học ngành báo chí? Không thể trả lời được những câu hỏi này một cách rõ ràng được vì có quá nhiều những lý do của một sự không chuyên nghiệp ngay từ hạ tầng cơ sở.

Nhìn vào những sinh viên báo chí mới ra trường hỏi thử trong số họ có bao người có thể “đứng” được 1 trang báo, hay 1 chương trình trên các loại báo hình, báo tiếng, báo mạng... thật sự để trở thành “cây bút”, thành một cái tên xác lập uy tín của tờ báo? Có thể độc lập tác nghiệp với nhiều kỹ năng tổng hợp của nghề báo để năng động trong công việc một khi yêu cầu phải làm việc một mình trong nhiều điều kiện phức tạp khác nhau?

Ngày trước, do điều kiện lịch sử mà việc đào tạo ngành báo chí không được chuyên môn hóa. Nhưng hôm nay, khi Việt Nam đã không có gì ngăn cách và khác biệt với thế giới, thì không có lý do nào để không chuyên nghiệp hóa một ngành nghề ngay từ cơ sở: Khoa Báo chí, hay đại học báo chí với tất cả các chuyên ngành đào tạo kỹ năng của người làm báo chuyên nghiệp, xây dựng một cái nền vững chắc cho khởi điểm của nghề. Không phải chỉ lấy kinh nghiệm hay năng khiếu cá nhân mà thành.

Báo chí là một ngành nghề chuyên nghiệp, nó cần những kiến thức tổng hợp của nhiều ngành nghề khác, đã tới lúc cần có những “cây bút” chuyên gia của các chuyên ngành cho một tờ báo, để bảo đảm cho tính chuyên nghiệp, chính xác và thuyết phục của thông tin, cũng như uy tín của tờ báo (Điều này thì nghề báo nước ngoài đã có từ lâu).

Cuối cùng, là một vấn đề không nằm trong chuyên môn nhưng nằm ở khía cạnh đạo đức của nhà báo. Chúng ta đang xây dựng một nền báo chí vừa có tính chiến đấu, vừa có tính nhân văn và đặc biệt là phải góp phần xây dựng nền tảng văn hóa, nền tảng đạo đức, tinh thần của xã hội. Nhà báo phải có lương tâm, phải biết nhìn thấu đáo mọi việc vì lợi ích chung, có cái tâm và trách nhiệm bản thân với những gì mình viết ra. Đừng để cây bút và trang viết của mình không trong sạch.


Hoài Hương
Ý kiến của bạn