Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều đang hành động với động lực từ tình yêu. Những gì có động lực từ tình yêu sẽ luôn khiến mình không phải hối tiếc. Nó được lan tỏa, được cộng hưởng và tạo ra một nguồn năng lượng mạnh mẽ để chúng ta thăng hoa trong công việc mà chưa bao giờ cần dừng lại để hỏi bản thân rằng: Mình có đang dấn thân hay không?.

Chào Phan Ý Linh. Xin được gọi bạn là nhà sản xuất hay nhà báo đây?

- (Cười rất tươi). Gọi sao cũng được anh ạ!

Trong ý nghĩ của tôi nhà sản xuất phim tài liệu phải là những người từng trải có vốn sống, nhưng Linh lại rất trẻ vì sao Linh lại chọn phim tài liệu?

- Đó là một nhân duyên thôi ạ. Và em nghĩ rằng tuổi nào cũng có cái hay của tuổi đấy. Nhà thơ Phạm Tiến Duật, trong bài thơ Khúc thanh xuân, có nói rằng: Tuổi trẻ nắng cũng là bạn của mình. Và mưa cũng là bạn của mình. Nghĩa là với tuổi trẻ không có gì là ngại.

Nhà báo Phan Ý Linh tham luận tại Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu”

Tại sao trẻ tuổi lại chọn cái này mà không chọn cái kia. Trẻ mà làm cái gì chẳng được. Thích làm gì thì làm thôi. Cái đó là cái lợi thế. Mọi người thường hay hỏi em là con gái lại làm phim tài liệu, đi quay rất nhiều như thế có dấn thân quá không? Hy sinh quá không?

Nhưng em thấy là em đang làm những công việc mà mình thích. Từng ngày và từng lúc trong công việc của mình, mình đều thấy vui và hạnh phúc. Và mình chưa hy sinh một cái gì cả. Mình đang được làm đúng điều mà mình muốn. Chưa bao giờ phải dừng lại để mình hỏi đã dấn thân hay không. Bởi mình không thấy mình khổ hay vất vả chút nào. Ngược lại là thấy vui.

Nhiều bạn đọc trao đổi với tôi, nhà sản xuất Phan Ý Linh trẻ. Sao lại lựa chọn thể loại phim tài liệu mà không chọn thể loại khác? Phim tài liệu chọn bạn hay bạn chọn phim tài liệu?

- Em nghĩ rằng phim tài liệu tìm đến em.

Quay ngược lại thời gian, em tốt nghiệp đại học tâm lý xã hội ở Ấn Độ. Gia đình em, ba mẹ em rất nghiêm khắc đối với em.

Không hề chiều con nên khi mà em tốt nghiệp đại học, ba mẹ em khi đấy đang làm trong ngành ngoại giao, đang đi nhiệm kỳ. Mong muốn của ba mẹ em là em tiếp tục đi học lên thạc sĩ. Nhưng mong muốn của em là em muốn được đi làm.

Mẹ em cho em 1 tháng về Việt Nam để tìm việc. Nếu sau một tháng đấy con không chứng minh con tìm được việc thì chấp nhận ở nhà theo sự chỉ bảo của mẹ, nhận tiền của mẹ và phải nghe lời mẹ.

Trong một tháng đấy em nộp đơn rất nhiều nơi, và bắt đầu em “hạ cánh” dần không còn tinh vi, tinh tướng như lúc trước nữa. Việc gì mình cũng nhận, việc nào cũng làm từ phiên dịch, tổ chức sự kiện, bất kỳ một thứ gì, miễn là có việc. Có tiền nuôi sống bản thân.

Phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống trò chuyện cùng Phan Ý Linh

Cho đến một ngày em dùng hết số tiền tạm ứng mà mẹ em cho 200 đô la Mỹ, chưa tìm được công việc nào mà mình ưng ý thì tình cờ hôm đó em ngồi một quán café ngay trung tâm Hà Nội. Em gặp được đạo diễn Đào Thanh Hưng, qua câu chuyện biết em về Việt Nam tìm việc.

Thời điểm đó, đài truyền hình AVG đang tuyển người. Anh Hưng có nói em thử nộp hồ sơ xem. Hôm sau em đi nộp hồ sơ, và hôm sau được gọi đi phỏng vấn.

Hôm đó, nhà báo Đặng Thái Văn phỏng vấn em. Hỏi cái gì em cũng không biết....Thôi thế thì bác cho con vào đây học việc, để xem có học được gì từ các anh, chị không. Đó là cái nhân duyên.

Em vào AVG và cộng tác 1 tháng. Đề tài đầu tiên của em là về một thầy giáo tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội xin lên vùng cao dạy hát cho trẻ em ở đó. Đề tài rất là đơn giản thôi. Đề tài đó được bác Văn duyệt và gửi đi sản xuất. Và sau đấy là ký hợp đồng với em luôn, 1 năm.

Sau đó, được làm việc với các anh, chị được mọi người dẫn dắt, dạy cách làm nghề như đạo diễn Nguyễn Nhật Duy dạy dỗ và dìu dắt em, từ những ngày em chập chững bước vào nghề. Dạy em về khuôn hình…

Chuyên ngành tâm lý xã hội giúp em rất nhiều trong việc khai thác nhân vật. Tiếp cận với đối tượng là trẻ em và phụ nữ. Cách làm sao để khai thác nhân vật có thông tin tốt nhất. Những câu hội thoại rất tự nhiên trong thời gian ngắn, chuyên ngành tâm lý em học đã giúp ích cho em rất nhiều.

Về mặt hình ảnh, về sản xuất phim mình không có khái niệm gì nhưng sau 2 năm làm việc ở AVG, em đi học ở Italia về đổi mới và tổ chức văn hóa nghệ thuật. Đặc biệt em đã học chuyên ngành sản xuất phim.

Sau khi đi học ở Italia về, em vào VTV làm việc. Liên tục trong 4 năm ê kip của chúng em đã có nhiều tác phẩm đạt giải cao ở trong nước cũng như quốc tế. Bọn em chưa bao giờ nghĩ rằng mình làm phim để đạt giải thưởng cả.

Nhưng cách tiếp cận đề tài phim tài liệu của nhóm, của bản thân em cũng đã chuyển hướng. Đề tài mà em ưa thích đó là những vấn đề bình dị trong cuộc sống, tình anh em, những lát cắt nhỏ, chuyển tải thông điệp tình yêu rất đơn giản, đó là những cái em hướng đến.  Những cái đấy không phải đòi hỏi sự từng trải hay dày dạn gì mà chỉ cần quan sát cuộc sống, thấy những cái đẹp và mong muốn chuyển tải đến khán giả.

Đó có thể các câu chuyện rất đời thường mà đâu đó vì bận rộn chúng ta không để ý đến, không được kể. Các bộ phim của chúng em khai thác những đề tài rất nhỏ như vậy thôi.

Bạn nói bạn chưa phải dấn thân nhưng tôi đã xem các bộ phim tài liệu mà bạn đã đạt giải và nhận thấy sự lao động nghiêm túc của cả ê kip. Ví dụ như bộ phim Anh Em, để lại trong tôi nhiều cảnh quay xúc động và giữ người xem ngồi lại trước màn hình để đắm đuối vào từng câu thoại, từng khuôn hình?

-Bộ phim Anh Em, anh vừa nói, ê kip chúng em ghi hình trong 3 ngày. Nhưng 3 ngày đó, liên tục, liên tục đồng hành cùng các nhân vật. Từ lúc các em thức dậy cho đến khi các em đi ngủ.

Việt Nam là "mỏ vàng" của phim tài liệu

Phan Ý Linh chưa được đào tạo qua trường báo và không qua một trường lớp dạy về làm phim tài liệu và bây giờ gặt hái được nhiều giải thưởng về phim tài liệu. Đâu là bí quyết của Linh?

-Em nghĩ rằng cái gì cũng cần sự chân thành. Cái gì không biết mình phải nói là không biết, không giấu dốt. Ví dụ như về khuôn hình, đạo diễn sẽ giúp em. Nhưng ngược lại các đóng góp của mình phải mang được cái gì cho cả ê kip thì đó là vai trò của nhà sản xuất. Nhà sản xuất là người khởi xướng dự án và tìm hướng ra cho sản phẩm, tìm nguồn đầu tư nữa.

Em hiểu được phim tài liệu thế giới đang "ở đâu" và em có thể mang tác phẩm đấy mang ra liên hoan phim giới thiệu với bạn bè và kết hợp với các kênh truyền hình khác để họ cũng phát sóng những câu chuyện ở Việt Nam. Đó là sở trường của em. Và các anh em trong ê kip cũng đồng thuận là cùng hướng tới vấn đề nhỏ. Có câu nói em rất tâm đắc. "Hãy nghĩ đến những điều bình dị của dân tộc ta sẽ chạm đến văn minh của nhân loại."

Rất may mắn mọi người đều hiểu và ủng hộ vấn đề đó nên là khi làm việc với nhau rất ăn ý, phối hợp tốt cho nhau, bổ sung cho nhau và quan trọng nhất là hiểu ý nhau. Ví dụ như anh giỏi hình ảnh thì anh sẽ làm hình ảnh. Anh chắc nội dung, sẽ làm nội dung. Mình giỏi về định hướng, kiếm tiền và liên hoan phim thì mình sẽ làm mảng đó.

Phim tài liệu rất dày công từ lúc tìm đề tài. Và em sẽ là người tìm đề tài. Sau đó gặp gỡ nhân vật, thuyết phục họ. Khi thuyết phục được rồi mình còn có đủ năng lượng để theo đuổi câu chuyện đó không. Ví dụ như bọn em làm phim Chị gái. Bọn em bị lỡ khoảnh khắc, mẹ của Pia sinh em bé nên phải theo đuổi câu chuyện đấy.

Vì một đề tài rất đơn giản người chị gái 9 tuổi đã có 2 em trai rất nghịch ngợm và Pia mong muốn rằng sẽ có thêm em gái nhưng mẹ lại sinh thêm em trai nữa. Pia rất thất vọng.

Pia sẽ đối mặt với chuyện đó như thế nào, đấy là câu chuyện trong gia đình. Một đề tài tưởng như đơn giản nhưng ê kip chúng em quay cả tháng trời. Nào quay lúc các em ăn, các em chơi, các em giao tiếp, chơi với nhau, giận nhau…tất cả những cái đó rất kỳ công.

Thành công của tác phẩm là khi từng thành viên trong ê kip họ trưởng thành qua tác phẩm đấy. Sự thành công, trưởng thành của từng cá nhân là điều em hướng tới. Như 2 quay phim trong ê kip với bộ phim Những kẻ mộng mơ. Năm ngoái bộ phim đạt giải Cánh diều bạc. 2 quay phim giành giải quay phim tài liệu xuất sắc nhất. Như vậy có thể thấy rằng chúng ta cùng phát triển, cùng nhau đi lên.

Mô hình hiện nay ở nước ta chưa có giải thưởng dành cho nhà sản xuất nhưng vai trò của nhà sản xuất khi ra quốc tế rất quan trọng. Bởi người họa sỹ vẽ tranh họ không thể nào mang tranh bán ra thế giới được. Muốn đưa tác phẩm đi xa, vươn xa rất cần vai trò của nhà sản xuất.

Ê kíp của chúng em rất gắn bó, tin tưởng nhau và đồng điệu với nhau nữa. Khi ra hiện trường chúng em không cần nói nhiều chỉ cần nhìn mắt nhau là hiểu.

Bởi khi mình nói, giao tiếp nhiều ở hiện trường sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhân vật. Cứ thế 4 năm nay rồi, bọn em chưa thay đổi ê kíp. Em nghĩ quan trọng nhất là sự chân thành.

Mình như thế nào mình nói để ê kip hiểu mình và ngược lại mọi người cũng cần nói để hiểu rằng vai trò của ai cũng quan trọng. Cả nhóm cần hướng tới thành quả cuối cùng là tác phẩm hay nhất xứng đáng với thời gian mà nhân vật dành cho mình.

Bạn có nghĩ rằng bạn đã mang làn gió mới cho phim tài liệu của Việt Nam hay không?

- Em nghĩ rằng chất liệu của Việt Nam chúng ta đang có là rất hay. Đúng là “mỏ vàng” của phim tài liệu. Dẫn chứng là trong 2 năm liên tiếp, em mang chất liệu, ý tưởng đem ra thế giới, em luôn đạt giải thưởng ý tưởng hay nhất.

Điều đó nghĩa là, không phải em hay quá, do chất liệu đó đã hay rồi và mình có sự chân thành, thật thà,  chân thật khi mà truyền tải để bạn bè hiểu đúng chất liệu mang ra giới thiệu. Nhiệm vụ của em để bạn bè quốc tế người ta hiểu rõ nhất "chất liệu" của Việt Nam.

Rõ ràng, các thế hệ đi trước làm tài liệu rất hay vì sao không mang đi xa được, em nghĩ rằng thiếu vai trò của nhà sản xuất.

Nhà sản xuất sẽ phải đưa tác phẩm đi xa, “bay” cao nhất có thể. Khi thấy được thành quả của cả tập thể được đền đáp xứng đáng, không có lý do gì giữa nhà sản xuất, đạo diễn, quay phim…lại không phối hợp tạo thành ê kíp ăn ý. Hiện tại, một năm ê kip của chúng em có thể sản xuất được 5 bộ phim tài liệu cho VTV trong đó có bộ phim đặc biệt.

Qua quá trình làm phim tài liệu em thấy được là cách mình tiếp cận đề tài, cách mình kể chuyện rất quan trọng. Chúng ta phải thật sự dành tâm huyết cho nó và cả thời gian, sự kiên nhẫn.

Đó là yêu cầu của nhà làm phim tài liệu cần có. Nếu chúng ta dàn dựng muốn nhanh, không thể thuyết phục được người xem.

Đầu tiên mình cần phải chân thành với nhân vật của mình đã. Nếu như em quay trong 3 ngày và câu chuyện không có gì thì cả ê kip phải chấp nhận thực tế. Không thể gượng ép được.

Và càng không thể nói nhân vật, giận nhau đi để chị quay. Phải tôn trọng tính sự thật của nó và cực kỳ kiên nhẫn. Thế mới nói rằng, để làm phim tài liệu yếu tố may mắn chiếm rất nhiều.

Tinh thần của Bạch Mai khi đó là tình yêu

Lý do bạn chọn đề tài về Cuộc chiến COVID-19 ở Việt Nam?

-Mong muốn của ê kip kể một câu chuyện đơn giản nhất cho điều phức tạp. Làm sao để người dân Việt Nam hiểu được.

Lấy điểm nhìn từ người trẻ không biết, vì khi mình biết quá nhiều, làm phim sẽ thiếu khách quan.

Mình không biết gì về y tế vậy ta sẽ làm bộ phim như thế nào? Kể với khán giả Cuộc chiến  COVID-19 ở Việt Nam ra sao?

Phan Ý Linh cùng ê kip của mình trong thời gian Bệnh viện Bạch Mai cách ly

Em sẽ kể câu chuyện này với các bạn thế hệ 9x giống em như thế nào?. Em cũng rất hồi hộp khi bộ này sẽ thực hiện ra sao?

Nhưng cả ê kip đều thống nhất cách làm như từ trước đây bọn em vẫn làm đó là hướng đến những câu chuyện nhân văn, tình người sâu sắc trong hoàn cảnh dịch COVID.

Đoàn làm phim không nói nhiều về khoa học của dịch bệnh nhưng nó là hoàn cảnh xảy ra và chúng ta không thay đổi được hoàn cảnh.

Từng cá nhân đối mặt với dịch bệnh như thế nào đó là câu chuyện mà em hướng đến. Người bán hàng ngoài đường đối mặt ra sao, giám đốc bệnh viện đối mặt như thế nào?

Người bác sĩ buộc phải cách ly dù đã hẹn con về tổ chức sinh nhật, mẹ đang ở trong bệnh viện, không biết ngày nào mới được về.

Rồi các doanh nghiệp đối mặt như thế nào? Hình ảnh cả ê kip ghi lại là những giờ phút mọi người đối diện với khủng hoảng và phải đưa ra quyết định làm thế nào?

Về câu chuyện bạn gửi thư đến Tổng giám đốc VTV xin cả ê kip được vào Bạch Mai trực tiếp ghi hình trong những ngày bệnh viện cách ly ra sao?

Em nhớ hôm đó khi đang quay  tại Công an cửa khẩu sân bay Nội Bài, bạn biên tập trong nhóm của em cho xem 1 clip của chương trình VTV.

Trong clip đó, GS Tuấn (GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - PV), có nói 2 câu làm em nhớ mãi: Các bác sĩ BV Bạch Mai không phải là nguồn lây và Bệnh viện Bạch Mai không phải là ổ dịch. Câu nói đó và bối cảnh xung quanh GS lay động đến em và em nghĩ rằng, chúng em cần chuyển hướng quay về Bạch Mai ngay.

Vì mỗi giây, phút trôi qua là khoảnh khắc lịch sử. Ngay lúc đấy chúng em tìm cách liên hệ với GS Tuấn và được GS cho phép vào BV sáng ngày hôm sau.

6h sáng hôm sau hẹn nhau tập kết đồ đạc, chia tay gia đình. Trong ê kip lúc đấy có một anh kỹ thuật đã đồng hành với chúng em nhiều nămy, là người phụ trách ánh sáng…Vợ mới sinh con được 3 tháng.

Một bạn quay phim vợ cũng vừa sinh con. 1 anh nữa sắp cưới vợ, vừa mới biết bầu sinh đôi. Ê kíp đã bàn bạc và quyết định, anh vừa sinh con ở nhà. Người ở nhà đã rất buồn, tại sao em không được chọn mà lại là anh này?

 

Bức thư của nhà báo Phan Ý Linh gửi Tổng giám đốc Đài THVN có đoạn:
Với tư cách là một người dân, chúng tôi tuân thủ những yêu cầu của Nhà nước trong khoảng thời gian khó khăn này. Tuy nhiên, với tư cách là người làm nghề, chúng tôi muốn đóng góp công sức của mình cùng với các anh em đang thực hiện nhiệm vụ ở những khía cạnh khác. Chúng tôi hoàn toàn nhận thức về sự rủi ro trong quá trình tác nghiệp và sẽ tuân thủ mọi yêu cầu về y tế để không tạo thêm gánh nặng cho ngành y tế nước nhà. Kính mong TGĐ xem xét nguyện vọng và đồng ý để cho nhóm sản xuất được tác nghiệp.

 

Mọi người cũng tự thu xếp cuộc sống của mình để khăn gói vào Bạch Mai và xác định luôn vào Bạch Mai là tự cách ly cho đến khi bệnh viện hết phong tỏa.

Em đã viết một bức thư lên Tổng giám đốc để xin phép được thực hiện bộ phim này.

Sáng hôm sau chúng em có mặt tại vùng đệm của Bạch Mai. Em còn nhớ cuộc điện thoại cho mẹ, em báo: Con được vào Bạch Mai rồi. Con đang rất vui. Còn đầu dây bên kia, im bặt! Không nói câu gì.

Một lúc sau mẹ em mới nói: Thôi con cứ vào đi. Mẹ ở nhà sẽ thắp hương hàng ngày mong các cụ phù hộ độ trì cho con gái.

Khi ô tô của đài dừng ở vùng đệm, em nhìn thấy cảnh tượng, có lẽ là trong cuộc đời làm báo em sẽ còn nhớ mãi hình ảnh Bệnh viện Bạch Mai khi đó. Một sự hỗn loạn.

Những chiếc xe tải rất lớn để xếp đồ. Các lực lượng đang rà soát chặt chẽ người ra, vào. Hàng rào thì bao quanh. Các bác sĩ đứng ở phía cổng viện nhìn ra bên ngoài lặng lẽ.

Cả xe khi đó không ai nói câu nào. Ê kip của em có em, anh đạo diễn, quay phim và anh kỹ thuật. Bước qua hàng rào, GS Tuấn đã đợi ở cổng.

Khi vào bệnh viện, điều em cảm nhận được đó là sự tĩnh lặng và bình tĩnh vô cùng. Nó khác hẳn với bên ngoài hàng rào. Vào đến Bạch Mai, tiếp xúc với các y, bác sĩ em đã cảm nhận được tinh thần hết lòng với bệnh nhân, kiên trì và nhẫn nại.

Phan Ý Linh có mặt tại phao số 0 khi cùng kiểm dịch y tế quốc tế kiểm dịch các tàu hàng, tàu khách trước khi vào bờ

Họ đang chống chọi với nhiều điều vẫn kiên cường. Mặc dù họ đang nhận về nhiều điều gây bất lợi cho họ, gia đình họ, con cái của họ. Có bố mẹ làm ở Bạch Mai, con ở nhà không ai chơi, không ai tiếp xúc….

Thế nhưng chúng em cảm nhận ở trong ánh mắt họ một niềm lạc quan, thương yêu bệnh nhân. Bởi người nhà bệnh nhân đã buộc phải đi cách ly, các bác sĩ là những người trực tiếp chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân nặng, rất nặng không chuyển được đi đâu hết.

Họ không những điềm tĩnh mà còn lạc quan. Bác sĩ không lạc quan thì làm sao bệnh nhân có thêm tinh thần chống chọi với bệnh tật được?

Qua câu chuyện của Bạch Mai em cũng đã học được câu chuyện của cuộc đời, của những giá trị nhân văn. Mình không thay đổi được hoàn cảnh nhưng mình có thay đổi cách nhận diện và đối diện với vấn đề.

Có thể do nỗi sợ làm chúng ta kỳ thị, lảng tránh. Nhưng nếu có động lực từ tình yêu, chúng ta sẽ cư xử khác. Em đã chứng kiến rất nhiều người đến động viên các bác sĩ Bạch Mai trong thời điểm đấy

14 ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm và chứng kiến toàn bộ “cuộc sống” Bạch Mai tại thời điểm phong tỏa đó, bạn cảm nhận như thế nào về nghề thầy thuốc?

-Toát lên trong em đó là hình ảnh người bác sĩ có ý chí sắt đá, có sự tập trung không bị cảm xúc chi phối. Hình ảnh đó trong em rất xúc động.

Họ cũng là con người thôi không để bản thân rơi nước mắt, không để cho bản thân yếu đuối. Dù họ rất có quyền được yếu đuối và hoang mang. Tinh thần của họ thật là tuyệt vời. Bởi họ không chỉ nghĩ cho họ mà còn với bệnh nhân nữa.

Chúng em đã quay được những hình ảnh bác sĩ cắt móng tay cho người bệnh, gội đầu cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân gọi điện về nhà…Hình ảnh người thầy thuốc trong hoàn cảnh ngặt nghèo không nghĩ về bản thân mà chỉ lo đến người bệnh.

Trong Bạch Mai không có chữ sợ. Tinh thần của Bạch Mai khi đó là tình yêu. Yêu bệnh viện, yêu đồng đội, yêu nghề. Ngày Bạch Mai được dỡ phong tỏa, em thấy được hình ảnh có những nuối tiếc, họ nuối tiếc khoảng thời gian ở bên nhau, được ở gần với bệnh nhân. Em thấy được hình ảnh rất đẹp, rất là con người.

Có một câu nói của vị thiền sư: Trước mắt tôi không có kẻ thù chỉ có những người bạn đã thông cảm và chưa thông cảm. Em thấy rất phù hợp với hoàn cảnh xảy ra đối với các bác sĩ Bạch Mai ở thời điểm đó.

Trong Bạch Mai với bệnh nhân của họ, em chỉ thấy tình yêu thương. Em rất khâm phục tinh thần và ý chí của các bác sĩ.

Khi dịch bệnh đang ở giai đoạn căng thẳng nhất, các bạn chắc cũng có những nỗi sợ và ê kip đã chiến thắng như thế nào?

-Phải nói là may mắn, toàn bộ ê kip đều có tinh thần giống nhau. Chẳng có gì phải đáng sợ cả bởi vì mình có tuổi trẻ. Mình sống một lần và mình cảm thấy mình rất tự hào khi có mặt trong thời khắc đất nước khó khăn.

Với vai trò là người làm nghề, làm báo, mình đã chọn nghề mà trong thời khắc đấy, không có mặt ở những điểm nóng thì sứ mệnh của người làm báo ở đâu?

Khi em vào Bệnh viện Bạch Mai tại thời điểm đó, cảm thấy sứ mệnh của người làm báo và đạo đức nghề nghiệp của mình dâng cao hơn lúc nào hết.

Cách đối diện với hoàn cảnh của bác sĩ là bài học cho bản thân mình. Hình ảnh bác sĩ trưởng khoa Thận Nhân tạo những ngày đó cứ 5h30 sáng có mặt tại cổng đón bệnh nhân chạy thận vào viện, dù cho mưa hay nắng, đều đặn như vậy. Hay hình ảnh bác sĩ Hùng, phó giám đốc bệnh viện, thời điểm đó lúc nào cũng đi đi lại. Đi hết từ khoa này sang khoa khác để xem cán bộ của mình có thiếu gì không.

 

Trong Bạch Mai không có chữ sợ. Tinh thần của Bạch Mai khi đó là tình yêu. Yêu bệnh viện, yêu đồng đội, yêu nghề.

 

Muốn làm việc với bác sĩ là cứ phải vừa đi vừa nói, vì anh không ngồi một chỗ. Thời điểm đó, mẹ của bác sĩ Hùng cũng đang ở trong bệnh viện, anh cũng chủ động không thăm mẹ vì công việc luôn phải đi lại rất nhiều, gặp rất nhiều.

Hay hình ảnh Khoa Hồi sức tích cực của bác sĩ Cơ, có một em bệnh rất nặng, suy đa tạng. Mẹ của em thì cũng đã được đi cách ly. Các bác sĩ phải chăm sóc toàn diện cho em.

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai tổ chức sinh nhật cho em gái trong thời gian bệnh viện cách ly. Ảnh: BVCC

Đợt bệnh viện cách ly thì đúng ngày sinh nhật của em, bác sĩ cũng xoay xở được 1 chiếc bánh sinh nhật để tổ chức cho em ngay trong thời điểm đó. Em nghĩ buổi sinh nhật đó thật là đặc biệt cho cả bác sĩ và em bé kia. Dù em cũng được biết, nhiều bác sĩ đã hứa với con sẽ về nhà tổ chức sinh nhật nhưng họ đã không về được.

Hay chị Nhâm ở Khoa Thận Nhân tạo, thời điểm bệnh viện bị phong tỏa, con chị chỉ có vài tháng tuổi, chị vẫn đang cho con bú. Ngày nào chị cũng vắt sữa, vắt sữa rồi bỏ đi. Bởi không có bất kỳ đồ gì được phép gửi ra bên ngoài cả.

Nhưng chị vẫn vắt sữa, để nuôi hy vọng, hy vọng cho bản thân mình, khi bệnh viện hết phong tỏa chị về chị vẫn còn sữa, vẫn giữ những giọt sữa dành cho con. Những câu chuyện nhỏ những đã toát lên hình ảnh xúc động, tận tâm của thầy thuốc.

Mỗi người có cách khác nhau để duy trì sự lạc quan của mình. Hay ở Khoa Y học cổ truyền, mỗi ngày 6h sáng, cán bộ y tế đánh răng cho bệnh nhân, lau rửa cho bệnh nhân nặng.

Ê kip cũng ghi được những hình ảnh bác sĩ kiên nhẫn cầm bô, chờ bệnh nhân đi tiểu vì họ là những bệnh nhân rất là nặng. Các bác sĩ không cho phép mình nghĩ đến chuyện buồn và việc riêng. Họ đã dành những điều tốt đẹp nhất cho bệnh nhân.

Cảm ơn Phan Ý Linh về buổi trò chuyện thú vị này. Chúc em sẽ tiếp tục có nhiều thành công trong tương lai!

Ý kiến của bạn