Nhà báo phải vượt qua chính mình

21-06-2023 13:58 | Blog thầy thuốc

SKĐS - Những thách thức đối với người làm báo thời nay không hề nhỏ. Cũng như bấy lâu thôi, ai đó đã từng cho rằng nghề báo là nghề nguy hiểm. Nguy hiểm bởi sự dấn thân có lúc phải quên mình để đi tìm sự thật, viết về sự thật và họ luôn đứng về phía chính nghĩa

Tôn vinh cái tốt đẹp hay vạch trần sự xấu xa cũng chỉ để góp phần làm cho cuộc sống nhân văn hơn từ một xã hội giàu lòng yêu thương và có lẽ phải. Để hoàn thành trách nhiệm với xã hội, nhà báo phải vượt qua chính mình.

Người làm báo giỏi biết phát hiện sớm những nhân tố tích cực trong xã hội để biểu dương và cũng tỉnh táo nhìn nhận ra các tiêu cực từ cuộc sống để phản ánh, phê phán. Vì thế, hơn ai hết nhà báo phải là người trung thực. Sự trung thực mãi mãi là nền tảng đạo đức của nhà báo, là tiêu chí quan trọng nhất để định danh cho người cầm bút. Khi ngòi bút bị bẻ cong bởi bất cứ lý do gì, thì danh xưng nhà báo mặc nhiên sẽ hoen ố và họ không còn xứng đáng với tên gọi đó nữa. Mắt sáng, lòng trong mới mong có được những bài báo sắc sảo, hữu ích cho xã hội. Tác phẩm báo chí đi vào lòng người khi nó được viết ra từ một cái tâm trong sạch; trước hết phải như thế đã rồi mới nói đến sự tài giỏi của người cầm bút.

Nhà báo phải vượt qua chính mình - Ảnh 1.

Phóng viên tác nghiệp tại Hội báo toàn quốc 2023. Ảnh: Bảo Long

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, không phải nhà báo nào cũng giữ được mắt sáng, lòng trong khi hành nghề. Trong khi cuộc sống của nhà báo cũng như bất kỳ ai khác có quá nhiều nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai, mà xung quanh lại có quá nhiều cám dỗ bủa vây, tác động lên ngòi bút của họ. Sự bẻ cong ngòi bút của nhà báo là điều nguy hiểm cho cộng đồng. Hiện tượng khen, chê không đúng của báo chí gây ra những tai hại khôn lường cho xã hội. Gần đây, trên mạng xã hội, thiên hạ râm ran về một nữ doanh nhân đang bị truy nã từng được ngợi ca tưng bừng trên báo chí.

Đương nhiên rồi, hiện tượng ấy chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng nó làm tổn hại danh dự của nền báo chí cách mạng nước ta, làm méo mó hình ảnh của đông đảo nhà báo lòng trong, bút sắc. Hơn nữa, trong xã hội có không ít kẻ chưa từng làm báo và là người của cơ quan báo chí, nhưng giả danh phóng viên để tống tiền các doanh nghiệp, khiến hình ảnh nhà báo chân chính bị hoen ố.

Giữa dòng đời đầy sự pha trộn, lẫn lộn trong - đục, tốt - xấu bởi tình trạng xuống cấp đã tới mức báo động của đạo đức xã hội, của những luân lý cao cả bị coi thường và điều đáng nói nhất là sự nhạt nhòa lý tưởng, thì việc nhà báo giữ được cái tâm sáng là chuyện không dễ dàng.

Nhà báo cũng là con người. Mầm tham vốn có sẵn trong mỗi con người, chỉ cần gặp cơ hội, điều kiện, hoàn cảnh, nó sẽ trỗi dậy. Ai chẳng muốn có nhiều tiền để xây nhà đẹp, mua xe sang, để được mở mày mở mặt với bạn bè.

Ai chẳng biết đồng tiền vốn có sức mạnh siêu hình và quái đản trong đời sống xã hội. Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền, người ta từng lập luận thế cơ mà.

Nhà báo cũng vậy thôi, nếu không biết thế nào là đủ, không phân biệt rõ sai đúng và thiếu bản lĩnh thì rất dễ cúi đầu để đồng tiền sai khiến. Lúc ấy, thì làm sao mỗi con chữ, mỗi trang báo mang trong nó sự thật cuộc sống được. Cái sai bị che chắn đồng nghĩa với tội lỗi được bảo kê, xã hội sẽ hứng chịu hậu quả, cuối cùng sẽ là như vậy thôi.

Rất tai hại khi những bài báo ẩn chứa trong đó những thông tin không chính xác. Tội phạm trở thành anh hùng. Người tốt, việc tốt bị che lấp hay vướng chịu oan khuất khó gỡ. Ai là nhà báo đã vượt được lên mình để không bị sa ngã trước cám dỗ của đồng tiền mua chuộc? Ai là nhà báo đã giữ được tấm lòng trong sạch để không làm những điều khuất tất có hại cho cộng đồng? Ai là nhà báo trân trọng, giữ gìn danh dự của nghề như một điều thiêng liêng? Ai là nhà báo chân chính trong khi xã hội lấy đồng tiền làm thước đo như bây giờ? Mỗi nhà báo hãy tự trả lời câu hỏi đó để được thanh thản hay xấu hổ trước xã hội và đồng nghiệp.

Tôi nghĩ, viết báo luôn là một nghề khó. Khó từ mẩu tin vắn trở lên. Một cái tin chưa đến trăm chữ cũng có thể làm rúng động toàn mạng xã hội. Những nhà báo giỏi luôn được xã hội gọi tên một cách trân trọng.

Làm báo thời cách mạng công nghiệp lần thứ 4 càng có nhiều thách thức. Thách thức nằm ở cả bản lĩnh, tinh thần và nghiệp vụ. Mạng xã hội với tính rộng khắp, nhanh nhạy, hỗn tạp của nó vẫn đang là thách thức không nhỏ với báo chí và các nhà báo. Cuộc chạy đua chưa có hồi kết giữa mạng xã hội với báo chí đang diễn ra từng giây, từng phút và không thể nói không quyết liệt.

Sức hút của một số trang cá nhân hay nhóm trên mạng xã hội vô cùng ghê gớm. Hàng nghìn, hàng vạn, thậm chí hàng triệu người theo dõi, chia sẻ lan tỏa thông tin với tốc độ chóng mặt. Thế giới được gọi là ảo mà chẳng ảo chút nào. Bao câu chuyện, bao sự việc được trình bày, diễn giải, trao đổi trên cõi ảo bao la, trập trùng đó. Đủ mọi cung bậc, mọi màu sắc, mọi âm thanh của cuộc sống trên đó; từ chính trị đến kinh tế, quân sự, văn hóa, ngoại giao... đều có mặt. Hòa bình, chiến tranh. Chuyện xưa, chuyện nay. Tình yêu, tình dục. Thời tiết, thời trang... đều hiển hiện.

Ai cũng có quyền đưa lên, có quyền giải thích hay tranh cãi một câu chuyện, một vấn đề nào đó. Thông tin tràn ngập, tầng tầng, lớp lớp liên tục tác động vào mọi người, trong đó có các nhà báo, rất dễ bị cuốn vào những dòng chảy ào ạt ấy. Hai vấn đề đặt ra cho người làm báo, một thuộc về công việc xử lý thông tin, hai là tác phẩm của mình không bị mạng xã hội nuốt trôi đi mau chóng. Có nhà báo biết chọn lọc thông tin để định hướng và tổ chức bài viết chất lượng. Lại có nhà báo chỉ biết “luộc” lại thông tin trên mạng làm thành bài của mình. Người kiểm duyệt không có tầm dễ bị lừa lắm. Sự việc chỉ có một nhưng góc nhìn lại nhiều hơn và cách thể hiện đương nhiên phải khác nhau.

Cái giá của một bài báo hay không chỉ được đo bằng mồ hôi, chất xám mà đôi khi phải đổi bằng máu... Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Những câu hỏi mà người làm báo trong thời đại 4.0 phải trả lời bằng những tác phẩm báo chí có ý nghĩa thiết thực với xã hội...

Ai viết hay, độc đáo sẽ được độc giả đón nhận nhiều hơn, thích thú hơn. Do đó, nhà báo phải không ngừng nâng cao tay nghề của mình. Những bài báo sắc sảo không phải tự dưng có được. Trước khi ngồi gõ bàn phím đã có một hành trình thâm nhập thực tế và thu thập tài liệu thông tin liên quan. Viết như thế nào đây cho vừa đủ độ nhưng sắc bén luôn là niềm đau đáu của nhà báo. Chẳng dễ chút nào cả. Rất dễ hời hợt, nông cạn nếu ít suy ngẫm, cân nhắc. Viết báo vừa đòi hỏi nhanh nhưng vừa phải đúng và hay. Mỗi bài báo cần một đầu tư đúng mức và sự sáng tạo không nhỏ bé của người viết. Mỗi lần gõ phím cho ra đời tác phẩm là một lần nhà báo tự vượt lên mình.

Tác phẩm báo chí chính là thước đo đạo đức và sự tinh thông của nhà báo. Muốn được thế, ngoài việc tu dưỡng đạo đức nhà báo phải tự học rất nhiều. Những gì được trang bị trong nhà trường chỉ là nền tảng thôi, nó không bao quát, thay thế được rất nhiều kiến thức liên quan đến báo chí. Một bài báo hay mang trong nó những hiểu biết về vấn đề tác giả phản ánh. Không hiểu rộng, biết nhiều khó trở thành nhà báo giỏi được. Muốn hiểu rộng, biết nhiều cần phải học hỏi, trau dồi. Việc học hỏi của nhà báo như câu chuyện thường ngày vậy.

Cũng như nhà văn, tác phẩm định danh cho nhà báo. Những nhà báo nổi tiếng nhờ các bài báo hay của họ. Cái giá của một bài báo hay không chỉ được đo bằng mồ hôi, chất xám mà đôi khi phải đổi bằng máu. Ở nước ta, trong chiến tranh và hòa bình đã có những nhà báo ngã xuống khi đang tác nghiệp, làm nhiệm vụ. Họ luôn có mặt ở những điểm nóng của cuộc sống hay âm thầm lần theo những dấu vết tội phạm để có được tác phẩm báo chí mang ánh sáng lương tâm.

Là một nhà văn cũng là một người làm báo, tôi không bao giờ cho rằng viết báo là dễ. Một bài báo có sức lay động hàng triệu con người cũng giá trị như một tác phẩm văn học xuất sắc vậy. Giá trị của một tác phẩm báo chí xuất sắc không nên và không thể đặt nó trong sự tồn tại theo thời gian mà nằm ở sự tác động xã hội lâu dài.

Ví dụ thấy rõ nhất là những bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ lâu vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng của người cán bộ đảng viên, về những nguy cơ suy thoái của đảng cầm quyền, về tham ô lãng phí... vẫn mang tính thời sự nóng hổi. Những bài báo ấy khi đọc lại ta thấy vẫn còn nguyên sự tươi mới như Bác vừa viết xong và cũng thật gần gũi vô cùng bởi sự khúc chiết, mạch lạc, ngắn gọn.

Tôi nghĩ, chúng ta nên học nhiều, học kỹ cách làm báo của Bác. Đó là, không uốn éo, quanh co, không màu mè, rườm rà mà thường đi thẳng vào vấn đề, từ việc diễn giải, phân tích sự việc hay đề xuất hướng xử lý mang tính khoa học, mới mẻ và thực tiễn.

Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Những câu hỏi mà Bác Hồ đặt ra cho Báo chí Cách mạng Việt Nam từ năm 1959 đó vẫn phải là điều đáng suy nghĩ với chúng ta, những người làm báo trong thời đại 4.0, khi kỹ năng làm báo đa phương tiện là một đòi hỏi và yêu cầu đương nhiên. Trả lời các câu hỏi đó bằng những tác phẩm có ý nghĩa thiết thực với công cuộc dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc hiện nay là nghĩa vụ của các nhà báo. Không thể khác và để làm được, làm tốt điều đó, các nhà báo phải tự vượt qua và vượt lên chính mình.



Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
Ý kiến của bạn