Hà Nội

Nhà báo nước ngoài đánh giá cao y tế cơ sở của Việt Nam

06-02-2015 19:48 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ðầu tư cho y tế cơ sở (bao gồm y tế tuyến xã, phường, thị trấn và y tế thôn, bản) gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng là chiến lược chăm sóc sức khỏe đỡ tốn kém

Ðầu tư cho y tế cơ sở (bao gồm y tế tuyến xã, phường, thị trấn và y tế thôn, bản) gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng là chiến lược chăm sóc sức khỏe đỡ tốn kém, hiệu quả lâu dài và bền vững nhất ở Việt Nam. Thực tế này đã không chỉ làm cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được chăm sóc sức khỏe tốt hơn mà còn góp phần làm cho Việt Nam đã và đang thực hiện thành công nhiều mục tiêu thiên niên kỷ liên quan đến y tế.

Ngành y tế Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và sáng tạo

Mới đây, đoàn nhà báo Liên hợp quốc gồm nhiều phóng viên của các tờ báo lớn của Mỹ, Anh, Canada... đến Việt Nam để tìm hiểu thực tế khi Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá cao kết quả thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về y tế. Sau khi đi thực tế tại một số xã vùng sâu vùng xa của huyện Mường Chà, Mường Ẳng của tỉnh miền núi Điện Biên, “3 cùng” với người dân ở đây, được chứng kiến các thầy thuốc tuyến cơ sở của Việt Nam nỗ lực vượt khó để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân địa phương, tại cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin giữa các nhà báo viết về y tế của Việt Nam với đoàn nhà báo Liên hợp quốc, nhiều nhà báo trong đoàn này khẳng định, ngành y tế Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và sáng tạo, đặc biệt là có hệ thống cô đỡ thôn bản giúp giảm tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Điều trị cho bệnh nhân người dân tộc tại bệnh viện đa khoa Bắc. Ảnh: TM

Điều trị cho bệnh nhân người dân tộc tại bệnh viện đa khoa Bắc. Ảnh: TM

Đoàn nhà báo quốc tế bày tỏ sự khâm phục các thầy thuốc Việt Nam khi phải làm việc trong điều kiện khó khăn, cơ sở vật chất chưa đầy đủ, bệnh viện tuyến trên quá tải bệnh nhân, còn tuyến dưới (nhất là ở vùng sâu, vùng xa), trang thiết bị y tế thiếu thốn nhiều.

Đánh giá cao hệ thống y tế cơ sở gắn với cộng đồng ở Việt Nam được Nhà nước quan tâm và phát triển hơn nhiều nước có cùng điều kiện kinh tế, các nhà báo quốc tế đặc biệt ghi nhận mô hình cô đỡ thôn bản ở miền núi, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam. 1.700 cô đỡ thôn bản đã góp phần giúp Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong 10 quốc gia đang đi đúng lộ trình thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ dưới 5 tuổi.

Y tế cơ sở - điểm tựa bảo đảm công bằng y tế

Trên thực tế, Việt Nam đã sớm quan tâm phát triển mạng lưới y tế cơ sở, trong đó có Quyết định 950/QÐ-TTg năm 2007 về đầu tư xây dựng trạm y tế xã thuộc vùng khó khăn giai đoạn 2008 - 2010.

Theo Bộ Y tế, ngay từ năm 2012, trên cả nước, 98,9% số xã, phường đã có trạm y tế; 80% số xã, phường đã đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã theo Quyết định số 370/2002/QÐ-BYT của Bộ Y tế áp dụng cho giai đoạn 2001-2010 (hiện Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3447/QÐ-BYT về Bộ tiêu chí quốc gia y tế xã áp dụng cho giai đoạn 2011 -2020); gần 80% số trạm y tế có bác sĩ làm việc; 95,3% số trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 96,9% số thôn, bản ở khu vực nông thôn, miền núi đã có nhân viên y tế hoạt động. Nhiều trạm y tế được xây dựng khang trang, sạch đẹp và không chỉ đủ thuốc thiết yếu mà còn được cấp các trang, thiết bị y tế cơ bản như siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm sinh hóa, máy đo đường huyết... Khoảng 80% số trạm y tế cơ sở trên toàn quốc đã triển khai KCB BHYT với khoảng 20% số thẻ đăng ký KCB ban đầu tại tuyến xã, phường.

Cùng với việc quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với chính sách BHYT và sự quyết tâm, nỗ lực của ngành y tế cũng như các cơ quan liên quan, hiện nay, mục tiêu mở rộng tỷ lệ dân số và bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững đang có những kết quả khả quan, giúp người dân, đặc biệt là người bệnh nghèo có thẻ BHYT vững tâm hơn khi đi KCB. Cũng từ năm 2012, ngành y tế bắt đầu triển khai thực hiện Dự án GAVI (Dự án tăng cường năng lực y tế cơ sở một số tỉnh trọng điểm) do Tổ chức Liên minh toàn cầu về vaccin và tiêm chủng tài trợ. Nhờ đó, đến nay, hầu hết các xã vùng sâu, vùng xa đều tổ chức được các điểm tiêm chủng ngoại trạm, giúp người dân tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ tiêm chủng mở rộng, góp phần bảo đảm tính công bằng xã hội trong chương trình tiêm chủng nói riêng cũng như thụ hưởng các dịch vụ y tế nói chung tại địa phương.

Cùng với tăng cường cán bộ, y, bác sĩ từ BV tuyến trên về cơ sở theo Đề án 1816 của Bộ Y tế, sự phát triển y tế cơ sở là điều kiện thiết yếu để bảo đảm chăm sóc ban đầu, tiến đến mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe (CSSK) toàn dân, góp phần giải quyết triệt để và bền vững tình trạng quá tải BV và bảo đảm công bằng trong CSSK, tăng cường công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe, nâng cao kiến thức của người dân, góp phần triển khai nhiều chương trình y tế quốc gia như tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng, CSSK bà mẹ - trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, giám sát dịch bệnh, phòng, chống một số bệnh không lây nhiễm... Mạng lưới y tế cơ sở đã góp phần thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000, uốn ván sơ sinh từ năm 2005 và đưa Việt Nam trở thành một trong 8/74 quốc gia đạt tiến độ thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm tử vong trẻ em; một trong 9/74 quốc gia đạt tiến độ thực hiện về mục tiêu giảm tử vong mẹ; một trong 3 quốc gia đạt được mức độ giảm hơn 75% tỷ số tử vong mẹ trong giai đoạn từ 1990 - 2010.

                                                              Nguyễn Hoàng

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn