Hà Nội

Nhà báo, nhà văn Lê Thấu - Tổng Biên tập đầu tiên của Sức khỏe & Đời sống: Trọn đời cống hiến cho nghề báo

24-02-2024 08:04 | Xã hội

SKĐS - Nhắc đến nhà báo Lê Thấu, nhiều người dành cho ông những tình cảm trân quý, bởi ông đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp báo chí và là người rất đỗi gần gũi, giản dị, mộc mạc...

Nhà báo, nhà văn Lê Thấu - Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Sức khỏe và Đời sống: Trọn đời cống hiến cho nghề báo- Ảnh 1.

Nhà báo, nhà văn Lê Thấu - Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Sức khỏe và Đời sống.

Dấu mốc quan trọng: Sự hình thành Báo Sức khỏe và Đời sống

Ngày 10/10/1961 trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, ngành Y tế còn non trẻ, sự ra đời của một cơ quan báo chí, đặc biệt là tờ báo chuyên ngành - Báo Sức khỏe đã tạo dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sự kiện này cũng thể hiện quan điểm coi trọng công tác truyền thông trong lĩnh vực y tế của Đảng và Nhà nước ta.

Ban đầu, từ những số Báo Sức khỏe xuất bản 2 kỳ mỗi tháng trực thuộc Nhà xuất bản Y học. Đến tháng 10 năm 1995, Báo Sức khỏe được đổi tên thành Báo Sức khỏe và Đời sống (SK&ĐS), tách hẳn ra khỏi Nhà xuất bản Y học, trở thành tuần báo. Nhà báo Lê Thấu đang làm Trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Báo SK&ĐS.

Dấu ấn quan trọng nhất của ông Lê Thấu cho ngành Y tế là khi làm Tổng Biên tập Báo Sức khỏe với mỗi tháng 2 số, mỗi số 8 trang, nhưng dưới tài năng và sự chỉ đạo nhanh nhạy của ông, Báo SK&ĐS đã thành tuần báo 16 trang. Cùng với uy tín nghề nghiệp, ông đã tập hợp được đông đảo công tác viên nhiệt tình và "chiêu mộ" được đội ngũ phóng viên tài năng về đầu quân cho báo. Vì thế, từ mỗi tuần 1 số, Báo SK&ĐS phát triển không ngừng thành 4 số mỗi tuần, lại thêm số Cuối tuần và Chuyên đề SK&ĐS hàng tháng, chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi. Báo SK&ĐS dưới sự lãnh đạo và quản lý của ông Lê Thấu đã tạo nên sức sống cho tờ báo chuyên ngành Y tế, trở thành tờ báo của mọi nhà, mọi người. Báo kịp thời chuyển tải thông tin về các mặt kinh tế, xã hội và kiến thức y học bổ ích, mang tính thời sự tới cộng đồng với sức lan tỏa mạnh mẽ. Đây chính là nền tảng cho sự phát triển các hệ sinh thái của Báo SK&ĐS ngày nay.

Nhà báo, nhà văn Lê Thấu - Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Sức khỏe và Đời sống: Trọn đời cống hiến cho nghề báo- Ảnh 2.

Nhà báo Lê Thấu tham gia Giải bóng bàn Cúp Hội Nhà báo Việt Nam 2017 ở tuổi gần 80.

Gắn bó trọn đời với nghề báo

Nhà báo, nhà văn Lê Thấu sinh năm 1939 tại Hà Nội. Thời trẻ, ông là sinh viên Sư phạm, ra trường làm thầy giáo ở Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội, nhưng nghề báo đã chọn ông. Ông Lê Thấu về công tác tại Báo Nhân Dân, rồi đi thường trú ở khu vực Tây Nguyên nhiều năm. Trở ra Hà Nội cùng gia đình, ông say mê cống hiến cho sự phát triển của Báo Nhân Dân, làm Phó Trưởng ban Văn hoá văn nghệ, Phó trưởng ban Nhân Dân cuối tuần. Tiếp đó, ông chuyển về Bộ Y tế làm Trợ lý Bộ trưởng và sau đó làm Tổng biên tập Báo SK&ĐS cho đến khi nghỉ hưu ở tuổi 66.

Thời kỳ Báo SK&ĐS mới đổi tên gặp rất nhiều khó khăn. Là người yêu nghề báo lại có kinh nghiệm, ông bắt tay vào củng cố và phát triển tờ báo. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp, ông Lê Thấu đã thay đổi diện mạo của tờ báo, SKĐS trở thành tờ báo vừa có tính chuyên môn cao, vừa mang hơi thở của cuộc sống. Nhờ đó mà tờ báo đã có đông đảo độc giả và cũng thu hút được tài chính, đời sống của cán bộ, người lao động của Báo SK&ĐS ngày càng được nâng cao.

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Bộ Y tế thay vì cho ông Lê Thấu về hưu đúng tuổi 60 lại giữ ông tới tận 66 tuổi - một ngoại lệ hiếm gặp vào thời ấy, gần 20 năm trước.

Nghỉ hưu chưa được bao lâu ông lại tiếp tục làm Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe cộng đồng thêm 5 năm nữa. Từ năm 2020, khi Thời báo Văn học nghệ thuật - Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật ra đời, ông cùng nhà văn Võ Khắc Nghiêm, nhà thơ, kịch tác gia, hoạ sĩ Lê Huy Quang tham gia làm cố vấn cho Tổng Biên tập những ngày đầu hình thành và ông đã mời nhiều cộng sự tâm huyết về cộng tác với Thời báo Văn học nghệ thuật tiếp tục hoạt động báo chí.

Có thể nói nhà báo Lê Thấu đã có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Ông đam mê nghề báo và sống bằng tài năng, phẩm hạnh và bản lĩnh của người làm báo.

Với nghiệp văn, ông Lê Thấu bén duyên muộn. Những ngày tháng làm việc và sinh sống ở Đăk Lăk đã cho ông những chất liệu thực để viết nên tác phẩm Trong căn nhà sàn bé nhỏ. Đây là những truyện ông viết về mảnh đất Tây Nguyên sau ngày giải phóng với những gì tâm huyết, ruột gan nhất. Do nhiều năm làm việc tại Tây Nguyên, lại vốn có bản tính ham học hỏi, khám phá, ông Lê Thấu am hiểu tường tận, sâu sắc mảnh đất và con người nơi đây. Cách viết của ông bình dị, tự nhiên như con người ông; kể chuyện, miêu tả mọi điều cứ như cuộc sống vốn dĩ là như thế. Năm 2005, ông đã ghi tên mình vào đội ngũ các nhà văn Việt Nam hiện đại vì những tư tưởng chủ đề mà ông đặt ra đã vượt ra khỏi căn nhà sàn mà lan xa trên đại ngàn và ghi dấu trong lòng bạn đọc.

Ở nhà báo, nhà văn Lê Thấu, có một phẩm chất đặc biệt mà những người gần gũi, thân thiết với ông đều khâm phục. Đó là nghị lực sống phi thường và mẫu mực trong vai trò của một người con, người chồng, người cha, người ông. Ông đã 8 lần cấp cứu vì xuất huyết dạ dày. Ông vừa tận tâm vì công việc, vừa cùng vợ chèo chống, vật lộn với khó khăn, đối mặt với thách thức để vun đắp tổ ấm gia đình. Ông là niềm tự hào của cả gia đình.

Ông Lê Thấu có đức tính gần gũi, thân mật rất đáng quý mà bất cứ ai từng tiếp xúc với ông đều cảm nhận được và ghi nhớ. Ông lịch thiệp, giản dị, nhẹ nhàng và luôn nhiệt thành với bè bạn, đồng nghiệp, nhân viên...

Bên cạnh việc chăm lo cho chất lượng của từng bài viết, sự phát triển của tờ báo, ông Lê Thấu luôn dành thời gian vun vén, cổ vũ tinh thần yêu thể thao cho các nhà báo.

Ông đã cùng nguyên Tổng Biên tập báo Hà nội mới Hồ Xuân Sơn sáng lập Giải Bóng bàn Cúp Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Lê Thấu tham gia giải đấu này từ những mùa giải đầu tiên cho đến tận mùa giải năm 2017 ông vẫn hào hứng tham dự, đã nhiều lần được Ban Tổ chức ghi nhận và trao thưởng cho vận động viên cao tuổi nhất.

Dành cả cuộc đời gắn bó với nghề báo, với môn thể thao yêu thích, những năm cuối đời ông Lê Thấu đã không ít lần phải chống chọi với bệnh tật và "ra đi" ở tuổi 86 trong một ngày mùa xuân ấm áp. Trọn đời, nhà báo, nhà văn Lê Thấu đã để lại rất nhiều tình cảm trân trọng, quý mến, thương yêu của bạn bè, đồng nghiệp, bao thế hệ cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo SK&ĐS.

Nhà báo, nhà văn Lê Thấu - Nguyên Trợ lý Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Nhân Dân cuối tuần; nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng Biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Văn hóa thông tin", Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam", Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân", Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam", Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam", Huy chương "Vì sự nghiệp Giải phóng phụ nữ", Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Hà Mai
Ý kiến của bạn