Trong các "công việc tay trái" ấy, tôi đam mê nhất vẫn là công việc viết báo. Công tác ở một ngành nghề chẳng liên quan gì đến việc viết lách, ấy vậy mà tôi lại dành tình yêu và niềm say mê đặc biệt cho nghề tay trái của mình. 18 năm gắn bó với nghề viết báo nghiệp dư đã mang đến cho tôi rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời.
Từ năm 2005, khi mới vào công tác ở một công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, tôi đã bén duyên với công việc viết lách, bắt đầu từ việc thường xuyên viết bài gửi đăng ở Tạp chí Tư vấn mỏ. Sau đó, tôi lại mạnh dạn viết bài và gửi bài cho Tạp chí Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, Tạp chí Than-Khoáng sản Việt Nam. Khi bài báo được đăng, lại một cảm xúc khó tả ùa đến, tôi cầm tờ báo đọc gần như thuộc lòng, rồi so sánh với bản thảo xem ban biên tập đã sửa như thế nào để lần sau thay đổi cách viết. Mỗi ngày một chút, thấm dần cho đến khi kỹ năng thành thục đến mức tôi có thể hiểu "gu" của từng tờ báo mà mình cộng tác.
Càng được đăng nhiều bài, cảm giác hạnh phúc của tôi càng nhân lên gấp bội và càng có động lực viết bài. Từ chỗ ban đầu chỉ dám gửi đăng ở tạp chí công ty, tạp chí ngành, sau đó tôi mạnh dạn gửi cho nhiều báo, tạp chí như Văn nghệ trẻ, Vnexpress, Vietnamnet, Dân trí, Lao động, Hà Nội mới, Người Hà Nội, Tuổi trẻ và báo Sức khỏe và Đời sống…Đến nay, tôi đã có rất nhiều bài viết, cộng tác thường xuyên với nhiều tờ báo, tạp chí. Càng viết tôi càng say mê. Nhiều khi đang lau nhà, chợt nghĩ ra chủ đề gì trong đầu là vứt luôn cây lau nhà ở đó và ngồi vào máy tính viết một mạch mới thôi. Hay có những đêm đã lên giường đi ngủ, bỗng nảy ra ý tưởng gì đó mới mẻ, tôi lại bật dậy ngồi viết bài đến sáng mới đi ngủ. Những ngày thứ 7, chủ nhật được nghỉ, có những hôm tôi mải viết quên cả ăn trưa, viết đến 14h chiều, gửi bài xong mới đi ăn trưa. Tôi viết nhiều đến mức bạn bè, đồng nghiệp lầm tưởng tôi học chuyên Văn ở trường cấp 3 hay học ngành ngữ văn ở đại học.
Thực tế là tôi học chuyên Anh ở cấp 3 và học ngành sư phạm tiếng Trung Quốc ở đại học. Không được đào tạo thì phải tự đào tạo, vì thế tôi phải luôn tự học, tự đọc nhiều sách, luôn để ý quan sát xung quanh và ghi chép từ thực tế sinh động khách quan để làm hành trang cho mình. Mục tiêu viết báo của tôi không phải lấy viết báo để kiếm sống mà đơn thuần chỉ là để thỏa mãn đam mê, muốn lan tỏa gương sáng, việc tốt ra toàn xã hội.
Những năm tháng tôi gặp nhiều sóng gió trong cuộc sống nhất cũng quãng thời gian tôi có nhiều bài được đăng báo nhất. Bởi, tôi coi viết văn, viết báo như là cách để quên đi mọi nỗi muộn phiền, tự tạo ra niềm vui cho bản thân và trải lòng vào những trang viết. Khi trải qua những năm tháng khổ đau nhất mà không bị gục ngã, không hề sống buông thả do chán chường, mất niềm tin vào cuộc sống, tôi thầm cảm ơn đam mê viết lách đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong cuộc đời. Những trang văn, trang báo chính là người bạn thân thiết luôn gắn bó với tôi suốt 18 năm qua. Khi cầm bút, tôi được là chính bản thân tôi, được viết ra những điều tôi nghĩ mà không sợ mất lòng người khác. Cây bút chính là người bạn đồng hành đã giúp tôi cân bằng cảm xúc, biết cách buông bỏ mọi oán hận, tha thứ cho những người làm mình phải đau khổ, sống ung dung tự tại, bình thản trước mọi thay đổi của cuộc sống và mọi người xung quanh. Tôi nhận ra công việc viết văn, viết báo đã mang lại rất nhiều điều tuyệt vời cho tôi.
Viết báo đã mang đến cho bản thân tôi nhiều trải nghiệm đáng quý về công việc và cuộc sống. Mỗi khi đi đến vùng đất nào mới, tham gia sự kiện gì đó, tôi luôn có thói quen chụp ảnh, viết bài về những nơi tôi đã đi qua. Tôi có thể lan tỏa tinh thần nhân văn, truyền cảm hứng tích cực tới nhiều người thông qua các bài viết của mình.
Một trong những vai trò quan trọng nhất của báo chí chính là thể hiện được mọi khía cạnh về văn hóa-xã hội của đất nước. Là "ngòi bút" thể hiện cho sự văn minh của một quốc gia qua ngôn ngữ nói và cả ngôn ngữ viết. Ngoài ra, báo chí là nơi gìn giữ và sáng tạo ra những ngôn từ mới, thuật ngữ mới trong cách viết. Kỹ năng viết là "vũ khí" sắc bén nhất và tối cao của nghề báo. Để rèn luyện "ngòi bút" ngày càng sắc sảo, tôi luôn phải không ngừng học hỏi, trau dồi, đầu tư những kỹ năng, kiến thức mới liên quan đến viết lách để nâng cao "tay nghề" của mình, để không bị thụt lùi trước thời buổi công nghệ thông tin 4.0.
Báo còn là nơi để tôi bày tỏ chính kiến về vấn đề mình quan tâm, đồng thời chuyển tải những kiến thức đến với công chúng rộng rãi. Có thể bày tỏ tiếng nói ngợi ca cái thiện, dũng cảm đấu tranh chống lại cái ác, những thói hư tật xấu, các tệ nạn xã hội, tệ quan liêu, hối lộ, tham ô. Cảm thấy cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn khi được góp tiếng nói và trang trải lòng mình trên trang báo.
Viết báo giúp tôi rèn luyện tư duy vững vàng, trong sáng. Để viết báo thành công, tôi cần trang bị một tư tưởng trong sáng, có cái nhìn khách quan, nhận định vấn đề một cách rõ ràng. Luôn giữ cái tâm hướng đến những điều tốt đẹp, tích cực, chủ động làm sáng tỏ vấn đề và dùng ngòi bút một cách trung thực.
Công việc này giúp tôi rèn luyện tư duy nhanh nhạy và có khả năng phân tích tình huống "khác biệt" so với những người bình thường. Công việc viết lách đã giúp tôi thỏa mãn đam mê của mình. Hơn nữa, nhờ viết lách mà thế giới quan được mở rộng, thấy lòng bao dung hơn về con người và cuộc sống.
Niềm đam mê viết văn, viết báo dường như đã tạo động lực cho tôi sống tự tin, cống hiến nhiều hơn trong công việc.
Có thể nói báo chí đã trở thành cái duyên trong cuộc đời, viết lách là niềm vui, khiến tôi có những giây phút thăng hoa thật thú vị.
Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), kính chúc các nhà báo chuyên nghiệp và các "nhà báo nghiệp dư" thật nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui nhân ngày trọng đại này, luôn giữ mãi ngọn lửa đam mê với nghề, hạnh phúc trọn vẹn trên con đường đã chọn, trở thành những nhà báo đúng nghĩa, đáp ứng những điều kiện cần và đủ, đó là "mắt phải sáng, tâm phải trong và bút phải sắc".