“Tôi mới bị tai biến, không trò chuyện được nhiều”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ với PV Báo Sức khỏe&Đời sống.

Thế nhưng thật bất ngờ, nhiều bạn bè thân thiết cũng như các học trò của nhà báo – nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân gần đây không khỏi thích thú, bởi trên trang cá nhân, anh thường xuyên “khoe” những bức họa do chính tay mình vẽ. Những bức tranh cho người ta cảm giác từ ngạc nhiên tới thích thú vì đó là nét vẽ của một cây bút phóng sự hàng đầu của làng báo Việt Nam một thời. Nó mang hồn cá tính, tâm tình mà Huỳnh Dũng Nhân gửi vào tác phẩm.

Nhà báo - nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân hiện tại

TP.HCM đang trong những ngày giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19. Đây cũng là thời gian vàng để Huỳnh Dũng Nhân nghỉ ngơi, đồng thời sáng tác tranh. Phóng viên Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với anh.

Thấm thía lời khuyên của bác sĩ: Hãy biết lắng nghe cơ thể mình

Được biết nhà báo – nhà thơ vừa bị tai biến. Xin anh chia sẻ đôi điều về sức khỏe hiện tại?

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Tháng 4 vừa qua tôi ra Hà Nội làm khách mời chương trình Quán Thanh xuân. Nhân dịp ấy, tôi đi Hà Giang để được đến Cột Cờ Lũng Cú, một ước mơ mà bao nhiêu năm rồi tôi chưa thực hiện được. Không ngờ trong chuyến đi này tôi đã bị tai biến, phải về Hà Nội cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai mất 2 tuần. Các bác sĩ bảo tôi bị phù não do biến chứng từ tiểu đường, may mà nhẹ, chưa đến nỗi bị liệt. Nhờ các bác sĩ chữa trị tích cực tôi đã hồi phục khá tốt.

Huỳnh Dũng Nhân những ngày giãn cách xã hội đã cầm cọ vẽ

Sau đó, tôi về Sài Gòn, điều trị tại nhà. Sức khỏe đã tạm ổn, nhưng tay trái chân trái vẫn yếu, hay bị co cơ đau cứng cả người. Đang vẽ mà làm đổ màu đổ giá vẽ hoài. May mà còn tay phải cử động bình thường.

Từ khi đi bệnh viện, tôi mới thấm thía lời khuyên của bác sĩ: Hãy biết lắng nghe cơ thể mình. Từ đó, tôi biết quan tâm đến sức khoẻ của mình hơn.

Vượt qua bệnh tật, gần đây anh lại cầm cọ vẽ trong những ngày TP.HCM giãn cách chống dịch COVID-19. Anh có thể chia sẻ với độc giả của Báo về việc thường xuyên vẽ gần đây?

-  Tôi vừa mới gượng dậy chống gậy tập đi trong nhà được thì lại gặp ngay đợt cách ly giãn cách xã hội. Đằng nào cũng phải giam mình trong bốn bức tường thôi. Tính tôi không thể ngồi im không làm gì được. Cái chân quen đi, cái đầu quen tìm tòi nạp năng lượng, cái tay quen gõ máy tính, bấm điện thoại lướt Phây rồi. Đọc báo, xem tivi, nghe nhạc mãi cũng chán…

Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua nét vẽ Huỳnh Dũng Nhân

Tôi bèn tìm đến cách giết thời gian khác, đó là vẽ. Sẵn giấy và màu vẽ của con gái đang học vẽ, tôi bắt đầu lên chương trình mỗi ngày vẽ một tấm chân dung. Khi có mỗi một tay cử động thì chỉ vẽ chứ biết làm gì được. Tuy thế, ngay cả vẽ cũng còn khó, khi tay trái không hỗ trợ gì được, cho nên tôi thường vẽ nhanh, vẽ chân dung những người thân quen với ý nghĩ rằng “ vui là chính “.

Quan sát trên “Phây” của anh gần đây, thấy anh thường khoe với bạn bè vẽ chân dung là chủ yếu. Tại sao anh lại chọn vẽ chân dung mà không phải đề tài khác?

-  Tôi thích vẽ chân dung, vì khi vẽ chân dung là khi tôi nhớ về những kỷ niệm những tình cảm với nhân vật đó. Thật thú vị khi thấy sau ít phút, trên nền giấy trắng tinh hiện lên một gương mặt mà mình thương mến có nhiều kỷ niệm. Tôi vẽ theo kiểu ký họa chứ không vẽ truyền thần.

Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Chân dung nhà ngôn ngữ Trần Chút

Nhiều tấm tôi vẽ tạo được sự thích thú ngạc nhiên và được nhân vật xin ngay bản chính để lồng khung treo. Nhưng cũng có những tấm nhận được hồi âm: “Anh vẽ em mà trông giống như …mẹ em”. Những nhận xét tôi thích nhất là câu: “chân dung rất có thần thái”. Tôi cố vẽ bằng được tính cách, thần thái của mỗi gương mặt chứ không chỉ cố vẽ cho giống. Khi vẽ tôi có cảm giác như mình đang được nói chuyện với nhân vật. Còn vẽ tĩnh vật, vẽ phong cảnh thì tôi chưa thử, nhưng có lẽ không thú vị bằng vẽ bạn bè người thân của mình.

Và khi vẽ, tôi thấy mình không còn là người đang bị tai biến nữa

Anh chia sẻ việc mình vẽ là để “chống trầm cảm mùa cách ly”, xin hỏi, qua những ngày cầm cọ, anh có thấy điều gì tích cực hơn trong con người mình không?.

- Trong thời gian cách ly giãn cách xã hội để chống dịch, điều tôi sợ nhất là buồn. Buồn đến mức tê tái. Không ra khỏi bốn bức tường, không gặp ai, không trò chuyện giao lưu với ai, rồi cùng một lúc mất đi hàng loạt thói quen mỗi ngày, chán kinh khủng. Và sống buồn quá, khép kín quá, ức chế quá, sẽ dễ bị trầm cảm.

Chân dung PGS-TS-Bs. Mai Duy Tôn, giám đốc Trung tâm đột quỵ bệnh viện Bạch Mai

Khi cầm cọ vẽ, tôi trả lời được câu hỏi: Hôm nay ta phải làm gì. Tôi thấy thời gian trôi qua nhanh hơn. Sau mỗi tấm chân dung, tôi biết mình sẽ có sự kết nối chia sẻ với bạn bè, nỗi buồn sẽ nhanh chóng qua đi khi mình đem được ít nhiều niềm vui cho người khác. Thế giới hình ảnh và sắc màu luôn có ngôn ngữ của nó. Đôi khi một tấm chân dung đen trắng lại đem lại nhiều năng lượng tích cực hơn cả một tranh chân dung tỉa tót sắc màu.

Và tôi luôn vui khi làm được điều gì đó chứ không phải là ngồi thụ động, ngồi than vãn hay kêu ca, chờ đợi người khác đem lại niềm vui cho mình… Khi vẽ, tôi thấy mình không còn là người đang bị tai biến nữa.

Chân dung bác sĩ Giáng Hương

Khó khăn nhất là rèn luyện tính kiên trì

Vốn là nhà báo – nhà văn, khi làm quen với hội họa, anh có thấy sự khác và giống nhau trong sáng tác các loại hình này không?

Hồi nhỏ tôi có ba ước mơ: Khi lớn lên sẽ thành cầu thủ bóng đá, họa sĩ và lái xe.

Nhưng cuộc đời đã kéo tôi vào nghề cầm bút.

Như vậy không phải bây giờ tôi mới làm quen với hội họa. Mà tôi từng được học vẽ từ năm 13 tuổi. Đồng nhuận bút đầu tiên trong đời của tôi là từ một bức tranh chứ không phải là từ bài báo. Nói chính xác là sau hơn nửa thế kỷ tôi mới có điều kiện cầm cọ vẽ trở lại. Bây giờ màu vẽ, giấy vẽ, họa cụ vừa đẹp vừa đầy đủ hơn thời xưa, lý do gì mình không vẽ, nhất là khi tôi đã trở thành tỉ phú thời gian, vừa đã nghỉ hưu, vừa bị bệnh nằm một chỗ, lại vào ngay thời buổi cách ly….

Chân dung nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (tự họa )

Còn văn chương giống hội họa là có tính sáng tạo, bay bổng. Báo chí thì giống hội họa ở sự tái hiện một nội dung gì đó, một đằng bằng câu chữ, một đằng bằng sắc màu. Nhưng tất cả các lĩnh vực này đều có mẫu số chung, đó là sự lao động không bao giờ ngưng nghỉ của con người.

Khó khăn lớn nhất khi anh cầm cọ vẽ là gì ? Đề tài, phong cách nghệ thuật hay là cách thể hiện, bảng màu…?

-  Khó khăn lớn nhất của tôi khi cầm cọ vẽ có lẽ là việc rèn luyện tính kiên trì, trong đó có chút xíu liên quan đến vấn đề sức khoẻ. Nếu bức tranh nào tôi kiên trì, ngồi lâu, chịu khó tập trung vào khâu dựng hình để ít ra tấm chân dung cũng giống được nhân vật. Còn đề tài vẽ chân dung thì vô cùng.

Chân dung bà xã (ma ma tổng quản)

Con gái

Tôi quen thân với bao nhiêu bạn bè, đồng nghiệp thì có bấy nhiêu đề tài, chỉ sợ không có sức mà vẽ. Tất nhiên tôi không dám vẽ những vị khó tính, cầu toàn, sợ bị họ chê… Khi nhận được tranh tôi vẽ, có người đã “trả công” cho tôi…mực khô, muối vừng, nhưng cũng có người thưởng cho màu vẽ, giấy vẽ… nên về họa cụ lúc này tôi có khá dồi dào để chiều chuộng cái đam mê muộn màng của mình .

Anh có dự định lấn sân hội họa chuyên nghiệp không?

- Câu hỏi này chắc bạn biết trước câu trả lời rồi. Không và không. Không đủ khả năng. Không còn thời gian. Và tôi trộm nghĩ cứ vẽ nghiệp dư đôi khi được người ta chiếu cố chấp nhận. Thành một họa sĩ chuyên nghiệp thì nhiều tiêu chuẩn cao lắm, hãy đợi để tôi… đi học vẽ lại từ đầu.

Chân dung ca sĩ Đen Vâu

Cảm ơn nhà báo đầu tiên trò chuyện với chương trình “vẽ chống trầm cảm mùa cách ly” của tôi.

Cảm ơn anh đã chia sẻ với độc giả Sức khỏe&Đời sống. Mong anh và gia đình sẽ bình an đi qua đại dịch. Chúc anh sẽ luôn mạnh khỏe, tiếp tục những hành trình nghệ thuật và những đam mê của mình.

NXB Tổng hợp TPHCM cũng vừa phát hành tập thơ “Riêng một góc nhìn” của tác giả Huỳnh Dũng Nhân.






"Đây thực sự là một điểm nhấn trong chương trình viết và vẽ chống trầm cảm mùa cách ly dịch COVID-19 của tôi.

Đây là tập thơ tôi viết và tự tay hoàn thành bản thảo trong vòng 3 tháng trở lại đây, kể từ khi nằm bệnh viện Bạch Mai sau khi bị cấp cứu vì tai biến ở Hà Giang, về Sài Gòn lại viết tiếp khi nằm một chỗ tại nhà và trị bịnh, rồi lại viết cả khi cả nước thực hiện đợt giãn cách xã hội. Tôi nghĩ mình sẽ bị trầm cảm nếu không viết và tập vẽ chân dung bạn bè.
 Hôm nay tập thơ của 3 tháng đầy sự cố ấy đã ra đời.

Đây là tập thơ thứ ba và là tập sách thứ sáu tôi viết sau 6 năm về hưu" (Huỳnh Dũng Nhân)                                                                                                      
Ý kiến của bạn