Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Làm báo tử tế và nhân văn

27-01-2020 13:37 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam dành cho tôi cuộc trò chuyện vào một buổi sáng sớm ngày cuối năm, khi sương mù còn giăng khắp phố phường Hà Nội, dòng người hối hả ngược xuôi năm hết Tết đến...

Với 40 năm tuổi nghề, nhà báo Hồ Quang Lợi đã trải qua các vị trí công tác của nghề báo, rồi làm Phó Tổng biên tập, Tổng Biên tập và các công việc quản lý: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Hầu như toàn bộ công việc của anh là hoạt động báo chí và phục vụ báo chí, vì vậy, xuyên suốt câu chuyện của chúng tôi là những suy tư trăn trở với nghề của người đứng đầu hội những người làm báo.

Ảnh: KH

Ảnh: KH

Cách đây hơn 20 năm, khi tôi mới làm biên tập viên, hàng tuần tôi thường xuyên đọc bài bình luận thời sự quốc tế của anh trên báo Sức khỏe&Đời sống. Ngày đó, anh là cây bút viết bình luận quốc tế chủ lực, những bài báo mang bút danh Quang Lợi xuất hiện thường xuyên trên tờ Quân đội Nhân dân và nhiều tờ báo khác đã gây chú ý với đông đảo bạn đọc cả nước. Các bài viết của anh từ đặt tít, nội dung, lập luận, chính kiến, định hướng tư tưởng đều rất chặt chẽ và có phong cách riêng. Đọc bài của anh, mọi người đều cảm nhận được một bút lực dồi dào, tầm tư duy sắc bén, khoa học và logic, một cây bút viết rất nghề và có tâm. Lựa chọn cho mình thể loại chính luận, bình luận - là thể loại không dễ viết, bởi bài viết dễ bị khô, nhưng với Hồ Quang Lợi, mỗi bài báo của anh đều có sức cuốn hút đến câu chữ cuối cùng. Người đọc như đang được đặt mình trong thế sự của bài viết, cuốn theo dòng sự kiện ngồn ngộn và mê mải dõi theo tình tiết, thấm đẫm tính nhân văn. Các bài viết của anh thường dài, nhưng đọc mà như vẫn thấy ngắn, bởi sức hấp dẫn đến từng câu chữ và sự thăng hoa cả về tư duy lẫn ngôn từ...

Nghiệp biên tập viên như tôi, “bực” nhất là phải tiếp cận với những bài như của nhà báo Hồ Quang Lợi. Bởi dù bài có dài mà vẫn muốn đọc nữa. Nhưng trang báo thì có hạn nên phải biên tập bớt bài dài cho vừa khuôn khổ. Vì vậy mỗi bài viết của anh, tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới biên tập được vài câu, mà cắt bớt câu nào cũng thấy tiếc. Tôi đã nhiều lần “được bực”, được thử thách nhưng rất có hứng khi phải biên tập những bài viết khiến mình phải vò đầu bứt tai như các bài viết của anh. Bởi đó đều là bài viết hay, có sự chắt lọc trong từng câu chữ và có sức ảnh hưởng lớn. Tác giả của bài viết rất có tâm với nghề chữ nên đều để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc. Quả thật, cảm nhận của tôi không nhầm, bởi nhà báo Hồ Quang Lợi đã được bạn đọc dành cho rất nhiều sự yêu mến và giới làm nghề đánh giá cao. Anh liên tục đoạt rất nhiều giải thưởng cao: 9 Giải báo chí quốc gia và toàn quốc (trong đó có 5 Giải A) các năm 1991, 1997, 1999, 2003, 2004, 2005, 2006, 2008, 2009; 2 Giải thưởng văn học, nghệ thuật, báo chí về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân (1991-1995, 1999-2004); 2 Giải nhất Giải báo chí Ngô Tất Tố (2008, 2017)...

Quan trọng là làm nghề tốt và tử tế

PV: Ngày nay, giới trẻ làm nghề báo có vẻ dễ dãi với nghề quá, anh cảm nhận về điều này thế nào?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Có một thực tế là cách rèn nghề, tâm thế làm nghề của một bộ phận những người làm báo hiện nay còn chưa ổn, nhất là ở báo điện tử. Ngày nay, do báo điện tử phát triển mạnh, đăng bài ở một số tờ quá dễ nên có người tưởng làm báo dễ. Việc quản lý ở một số báo điện tử cũng chưa thật chặt chẽ, cho nên việc sử dụng con người cũng còn dễ dãi. Đôi khi, lên báo điện tử sai thì sửa, hoặc gỡ đi, khá thoải mái. Một cung cách làm nghề như vậy khiến một số bạn trẻ cứ tưởng ai cũng làm báo được.

Nhiều bạn trẻ thích học truyền thông báo chí, nhưng không phải thích để làm phóng viên giỏi, viết những bài viết hay, mà thích bề nổi của truyền thông, thích nổi tiếng, nghĩ là nghề báo kiếm được nhiều tiền...

Làm nghề để có thu nhập tốt là mong ước chính đáng. Nghề báo, nếu làm tốt, làm tử tế thì vẫn sống tốt được bằng nghề. Cố gắng rèn luyện ngòi bút để giỏi nghề. Quan trọng là làm nghề tốt và tử tế. Định vị, định danh bằng nghề. Đó là con đường lập nghiệp bút lành mạnh và bền vững.

Anh nhắc đến từ tử tế, ý anh muốn nói đến điều gì?

Trong khái niệm tử tế có hai điều. Về chuyên môn nghiệp vụ, phải làm nghề thật sự nghiêm túc, không ngừng học nghề, say mê rèn nghề để ngày càng tinh thông nghiệp vụ. Về đạo đức nghề nghiệp, ngòi bút phải chính trực, khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải. Không được bẻ cong ngòi bút để vụ lợi.

Gần đây có hiện tượng nhà báo đi “đếm tầng”, tống tiền doanh nghiệp, lợi dụng sức ảnh hưởng của mình hù dọa doanh nghiệp để trục lợi...

Đó chính là biểu hiện đáng buồn, đáng xấu hổ của sự làm nghề không tử tế.

Trước đây nghề báo được xã hội trân trọng, nhưng hiện nay nhà báo liên hệ với cơ quan, doanh nghiệp để làm việc rất khó khăn. Theo anh, có phải đó chính là ảnh hưởng của sự làm nghề không tử tế?

Những tiêu cực trong giới báo chí gần đây quả thực là sự không tử tế cả về mặt nghiệp vụ và cả về mặt đạo đức, xúc phạm danh dự và lòng tự trọng của những người làm báo chân chính, những người làm báo tử tế, làm mai một uy tín của giới báo chí đối với xã hội. Người ta vẫn thấy báo chí là quan trọng, vẫn thấy báo chí có quyền lực, thậm chí còn được coi là “quyền lực thứ tư” trong xã hội. Nhưng quyền lực đó, có lúc người ta nhìn nhận theo khía cạnh là có sự thao túng và khuynh đảo của những người làm báo không tử tế. Số người vi phạm đó không nhiều, nhưng con sâu làm rầu nồi canh, ảnh hưởng của nó thì rất tai hại. Chỗ này, chỗ kia nói nhà báo đi tống tiền, đi hù dọa..., lập tức vụ việc được loan báo trên truyền thông và xã hội cảm nhận hình ảnh không tốt đẹp về nhà báo. Người ta e ngại báo chí, sợ báo chí và vì thế người ta lảng tránh. Cho nên phóng viên đi đây đi đó, và cả người làm báo tử tế cũng gặp khó khăn. Vì người ta biết đâu ông nhà báo này làm nghề tử tế hay không, nên tốt nhất là cứ “tránh xa cho lành”. Tâm lý chung khá phổ biến là cứ nghe có nhà báo đến là người ta ngại, không biết ông đến có mang điều gì tốt đẹp không, hay lại bới móc, hay lại kiếm chuyện đây.

Bới móc và kiếm chuyện là thói xấu hiện nay của một số người làm báo. Nó đang được cảm nhận như một căn bệnh tai hại của báo chí. Việc bới bèo ra bọ, bé xé ra to, thậm chí bơm vá lên rồi nuôi những vấn đề đó để kiếm lợi qua nhiều thao tác lắt léo. Một cú điện thoại, một tin nhắn và từ đó cài cắm những ý định xấu, trong đó có ý đồ trục lợi.

Có một số cơ quan báo chí dễ dàng in thẻ phóng viên cấp cho những người chưa có thẻ nhà báo, in thẻ cộng tác viên (CTV) cấp cho CTV. Có người viết bài thì ít mà làm kinh tế thì nhiều, mang thẻ CTV đó gặp gỡ doanh nghiệp chỗ này, chỗ kia hù dọa, gây sức ép, kiếm quảng cáo, viết bài PR... Những vi phạm đạo đức nghề nghiệp diễn ra với các cách thức khác nhau, lắt léo lắm, tinh vi lắm, để bắt lỗi xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự là không dễ, bởi người vi phạm cũng nghiên cứu và có đủ cách đối phó, lách luật để không bị bắt lỗi. Có những vấn đề luật pháp có thể không cấm, nhưng về mặt đạo đức nghề nghiệp không cho phép. Chỉ khi mình đối diện với bản thân mình mới biết việc đó tốt hay không tốt, nên làm hay không nên làm, việc làm đó có tử tế hay không tử tế, có gây hại cho ai không. Quả thật, chỉ có bản thân mình mới biết rõ, chứ còn thủ trưởng cơ quan cũng không biết hết được, luật pháp cũng không biết hết được.

Nhà báo đưa thông tin lên mạng xã hội cũng cần cẩn trọng, nghiêm túc

Hội Nhà báo Việt Nam đã xử lý những tiêu cực này thế nào, thưa Phó Chủ tịch?

Những năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt quan tâm và đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ chống tiêu cực trong báo chí. Trước bất kỳ sai phạm nào, Hội cũng phối hợp với cơ quan chức năng thẩm tra, xem xét, quyết định, đưa ra những mức xử lý thỏa đáng.

Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành “10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”, đến nay đã 3 năm. Bản quy định không nhiều chữ, nhưng đó là cái khung với những tiêu chí, những cam kết về mặt tinh thần, về mặt đạo đức của người làm báo, bao quát được cả các vấn đề của thời đại truyền thông kỹ thuật số. Để thực hiện hiệu quả những quy định này, Hội Nhà báo đã áp dụng phần mềm theo dõi việc đăng tin bài trên báo điện tử. Phần mềm này đến nay cũng thực hiện được hơn 2 năm và rất hiệu quả. Năm 2017, mỗi năm có khoảng 400 bài đăng rồi gỡ vì mục đích không trong sáng, đến 2018 còn 171 bài, năm 2019 chỉ còn 71 bài có dấu hiệu không tích cực. Ai đăng lên gỡ xuống thì phải có giải trình thỏa đáng. Cách làm này đã góp phần chấn chỉnh kỷ cương trong hoạt động báo chí nói chung và đặc biệt trong báo điện tử. Hiện tượng nhà báo “đếm tầng”, “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” đã giảm.

Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo...

Điều 5 của 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp rất ngắn gọn: Nhà báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Đây là điều rất quan trọng trong chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp hiện nay. Thế nhưng thế nào là chuẩn mực? Hội Nhà báo tiếp tục ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo, trong đó quy định 4 điều nên làm và 8 điều không được làm khi tham gia mạng xã hội.

Dù nhà báo sử dụng mạng xã hội như một “cư dân mạng” thì cộng đồng xã hội dễ hiểu đấy là quan điểm của nhà báo và ít nhiều mang quan điểm của cơ quan báo chí nơi nhà báo đó đang làm việc. Điều này đòi hỏi nhà báo đưa thông tin lên mạng xã hội cũng cần cẩn trọng, nghiêm túc, chuẩn mực như khi tác nghiệp báo chí.

Còn có chuyện nhà báo hai mặt. Ở báo mình thì viết bài thế này, lên mạng thì lại viết khác, chứa đựng nhiều thông tin trái chiều, thậm chí bài không đăng được báo mình thì lại đăng mạng xã hội. Hội cũng đã xử lý nghiêm một số trường hợp nhà báo sử dụng tài khoản cá nhân đăng tải những nội dung không phù hợp, có người đã bị khai trừ khỏi Hội.

Cũng chính vì hình ảnh và uy tín của báo chí trong xã hội suy giảm nên có không ít nhà báo chống tiêu cực lại bị hành hung khi tác nghiệp. Hội đã bảo vệ họ thế nào?

Có vấn đề mà Hội Nhà báo Việt Nam coi như sứ mệnh của mình đó là: bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp của những người làm báo. Đấy là trách nhiệm thiêng liêng của Hội. Mỗi khi có nhà báo làm nghề bị cản trở, bị de dọa, hành hung, Hội vào cuộc ngay, phối hợp cơ quan báo chí, các cơ quan chức năng có thẩm quyền để điều tra, xác minh, xử lý nghiêm. Đã có trường hợp đưa ra tòa xét xử và có phán quyết nghiêm minh của tòa án. Bảo vệ các quyền lợi chính đáng của người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam thực sự là chỗ dựa tinh thần cho họ, trở thành ngôi nhà ấm áp của giới báo chí cả nước.

Say nghề, yêu nghề dù giữ “lửa nghề” không dễ

Anh có đánh giá gì những bài viết về ngành y tế?

Trong 2 năm gần đây, vấn đề y đức rất được chú trọng trong hệ thống bệnh viện, các biểu hiện tiêu cực giảm đi rõ rệt. Bộ Y tế đã thực hiện các biện pháp quản lý và giáo dục tốt hơn. Môi trường bệnh viện trong sạch hơn. Chuyện chờ đợi khi khám bệnh, người bệnh bị bỏ mặc, “vấn nạn phong bì” giảm đi nhiều. Báo chí đã góp phần tích cực trong công tác này.

Nhìn về tổng thể, hàng chục vạn y bác sĩ đang cố gắng căng sức cứu chữa người bệnh, suốt ngày đêm, ở tất cả vùng miền, đặc biệt là những nơi khó khăn. Thế nhưng báo chí đôi khi viết chưa hết trách nhiệm nên đã vẽ hình ảnh lệch lạc về người thầy thuốc. Một số người làm báo chưa hiểu rõ sự việc, cũng như tính chất đặc thù của ngành y, đưa ra thông tin chưa chuẩn xác, gây tác động ngược trong xã hội. Xã hội ta có 2 nghề được gọi là thầy, đó là nghề giáo và nghề y. Báo chí cần có cách nhìn nhân văn.

Trở lại với vấn đề viết báo. Từ ngày làm công tác quản lý, anh có thấy công việc ảnh hưởng nhiều đến việc viết bài không?

Trước đây, thời gian làm việc của tôi hầu như dành toàn bộ cho viết báo. Sau này, làm quản lý, họp hành nhiều, có những lúc tôi thèm được trở về với cây bút. Nên dù có làm công việc quản lý, tôi vẫn say nghề, còn lửa nghề và muốn viết. Trong 5 năm làm Trưởng ban Tuyên giáo, mỗi năm tôi vẫn ra 1 quyển sách dày khoảng 500 trang. 4 năm làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo, tôi vẫn ra 2 quyển sách. Ban ngày bận thì tôi viết về đêm. Không ít lần, tòa soạn ngạc nhiên khi thấy tôi gửi bài tầm 2-3 giờ sáng, thậm chí 4 giờ sáng. Việc nuôi dưỡng lửa nghề không dễ, nhiều lúc mệt mỏi, nhưng tôi nghĩ là nhà báo thì phải cầm bút, nên lại miệt mài viết. Và niềm vui cầm bút lại cho mình năng lượng, cứ như thế, mỗi ngày...

Trân trọng cảm ơn nhà báo Hồ Quang Lợi!

Khi tôi cầm bút, chỉ có điều cốt yếu nhất chi phối: viết thế nào để đủ sức thuyết phục người đọc. Tôi quên mình là Tổng Biên tập hay Trưởng ban Tuyên giáo hoặc Phó Chủ tịch Hội. Tôi chỉ biết trong tay mình là cây bút, phải viết như thế nào để chính tôi muốn đọc, mình muốn đọc thì mới có thể thuyết phục được người khác đọc cái mình viết ra. Sức thuyết phục trong báo chí là mục tiêu hướng tới của tôi.


Đào Kim Hoàn (thực hiện)
Ý kiến của bạn