Nhà báo Hồ Quang Lợi: Báo chí Việt Nam kiên cường chống dịch

21-06-2021 10:02 | Thời sự
google news

SKĐS - “Làm báo thời Covid” với những góc nhìn liên quan trực tiếp đến nghề báo và người làm báo từng được quan tâm, nhận xét, đánh giá trên phạm vi cả nước và thế giới suốt hơn một năm qua. Nhân Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc phỏng vấn nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam xung quanh tâm điểm này.

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Phóng viên: Thưa nhà báo Hồ Quang Lợi, năm 2020 và nửa đầu năm 2021 đã diễn ra trong một bối cảnh chưa từng có trên phạm vi toàn thế giới, bởi sự bùng phát của đại dịch COVID- 19. Theo ông, báo chí Việt Nam đã có sự trưởng thành như thế nào trong quá trình truyền thông chống dịch, tính đến thời điểm hiện nay?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trước hết, cần khẳng định rằng chúng ta có một truyền thống, một phẩm chất tốt đẹp của đội ngũ những người làm báo Việt Nam trên cả nước, thể hiện sáng ngời trong thời gian qua. Đó chính là sự tiên phong, bám sát tuyến đầu, là tinh thần dấn thân, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hiểm nguy để làm nghề khi đất nước, nhân dân gặp khó khăn.

Chính những nỗ lực đó đã trực tiếp thúc đẩy sự trưởng thành mạnh mẽ về chất lượng nguồn lực báo chí. Trước hết ở cách thức tiếp cận thông tin, sự gia tăng giá trị thông tin trong hoạt động báo chí. Hơn bao giờ hết, trong đại dịch, xã hội cần được đáp ứng bằng một thông tin chính xác, bổ ích và hiệu quả.

Báo chí chính thống của chúng ta đã làm được điều này, không chỉ “dẹp loạn” tin giả, tin giả bị đánh tơi bời, mà còn tạo được sự áp đảo đối với thông tin không chính thống.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều thách thức, để phục vụ các nhiệm vụ chống dịch đột xuất, việc tổ chức tòa soạn như thành lập các nhóm phóng viên tác chiến ở thực địa, khu vực biên giới, khu cách ly, khu điều trị… đã được triển khai với với tinh thần tiên phong. Với khả năng tác nghiệp và kinh nghiệm tích lũy được ở những người làm báo lâu năm lẫn phóng viên trẻ, đã kết nối hiệu quả với tòa soạn trong việc đăng tải kịp thời, hấp dẫn các thông tin nóng trên các ấn phẩm báo in, phát thanh truyền hình và đặc biệt là báo điện tử.

Ở đây ta cũng nhận thấy rõ việc xây dựng tòa soạn hội tụ, báo chí đa phương tiện đã được phát huy rất tốt. Phóng viên ra hiện trường có thể chủ động tác nghiệp đa dạng, vừa chụp ảnh, viết bài cho báo in, đồng thời làm chương trình phát thanh- truyền hình và báo điện tử…

Quá trình này cũng cho thấy, báo chí trong nước với công nghệ truyền thông hiện đại, đa phương tiện, phong phú, đa dạng, hấp dẫn được sử dụng ngày càng chất lượng, chuyên nghiệp trong hoạt động phòng , chống dịch với nhiều dạng thức mới như Multimedia, Infographic, Mega story, Audio, Video…

Phóng viên: Điều gì đã giúp báo chí luôn có được “nguồn năng lượng dồn nén bên trong” để góp phần đem lại sức mạnh trên khắp các vùng miền đất nước trong cuộc chiến truyền thông phòng, chống dịch kéo dài suốt từ đầu năm 2020 đến nay, thưa ông?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Bám sát đời sống báo chí và nhiệm vụ chống dịch đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, ưu tiên số 1 của các cơ quan báo chí cả nước. Đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định: Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 trên toàn thế giới, đây chính là một thành công nổi bật của Việt Nam trên nhiều phương diện. Không chỉ kiên trì, từng bước khống chế được dịch hết đợt này sang đợt khác, nhằm bảo vệ được sức khỏe, tính mạng của người dân, mà còn là thắng lợi của khối đoàn kết toàn dân, thể hiện sự thống nhất rất cao giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong quá trình chỉ đạo, điều hành và thực hiện khi đất nước phải đối mặt với nguy cơ lớn.

Các chủ trương, biện pháp đưa ra đều được người dân ủng hộ. Trước hết, bởi những chính sách ấy luôn bắt đầu từ dân, vì dân, vì cuộc sống và tính mạng của họ, nhất là lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã không chỉ một lần khẳng định rõ chủ trương sẵn sàng hy sinh lợi ích kin tế vì sức khỏe cộng đồng.

Một sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, các ngành các cấp. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã tỏ rõ tầm nhìn, sát sao từng giờ, từng ngày; vừa thận trọng vừa quyết đoán, đã đưa ra những quyết định hết sức chính xác. Các lực lượng y tế, quân đội, công an và báo chí tích cực hợp tác chặt chẽ trên tuyến đầu chống dịch. Năng lực y tế dự phòng của Việt Nam đã có cơ hội được rèn luyện, trưởng thành, nâng cao được trình độ ứng phó, xử lý để bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân.

Trận chiến chống COVID -19 cho thấy một chế độ xã hội nhân văn, sự quan tâm đối với bộ phận người yếu thế, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Ai là người Việt Nam, đều là “giống nòi mình”, dù ở trong nước hay nước ngoài, đều được quan tâm, cứu giúp. Những người nước ngoài đến với Việt Nam mà nhiễm bệnh cũng được nhận sự đùm bọc đó. Cách nghĩ, thái độ ứng xử này lan tỏa trong xã hội, dấy lên tinh thần đoàn kết, chia sẻ, sự gắn kết cộng đồng.

Một đất nước 100 triệu dân, ở ngay sát Trung Quốc, lượng người nước ngoài vào nhiều, vẫn khống chế được dịch trong một thời gian dài, được coi là một “điểm đến an toàn”, trong khi cả thế giới đâu cũng dịch dã.

Năm ngoái, đến cuối tháng 5 cả nước chỉ có 327 người nhiễm, đã chữa khỏi 85%, không có tử vong. Năm nay, dịch lan ra nhiều địa phương, xuất hiện nhiều chủng mới nguy hiểm, nhưng chúng ta cũng đã có kinh nghiệm hơn, nên vẫn tiếp tục chủ động và kiên trì chống dịch. Phải nói rằng, báo chí Việt Nam vẫn luôn giữ vững vị trí tiên phong trong lực lượng xung kích chống dịch của nước nhà.

Phóng viên: Báo chí Việt Nam đã có một hành trình chủ động phòng, chống “làn sóng” đại dịch COVID-19 ngay từ đầu và đã dành được sự thừa nhận và khen ngợi từ các đồng nghiệp quốc tế. Ông có những đánh giá gì về sự chủ động vào cuộc của báo chí trong cuộc chiến này?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Việt Nam được quốc tế xếp đứng đầu thế giới về niềm tin của người dân vào báo chí, truyền thông. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của thắng lợi trong trận chiến này.

Trong bối cảnh dịch dã, báo chí là một trong bốn lực lượng ở tuyến đầu. Cả hệ thống báo chí đã vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc.” Các tòa soạn làm việc ngày đêm, luôn có nhóm phóng viên xung kích trực tiếp có mặt tại các khu vực có dịch, có khi ra tận biên giới. Ở đâu có hoạt động chống dịch, ở đó có phóng viên, bất chấp nguy cơ lây nhiễm cao. Tinh thần làm việc đó, cộng với những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, đã kịp thời giúp cho người dân có nhận thức thông suốt, có kiến thức cần thiết, đồng lòng tuân theo các yêu cầu, chỉ dẫn chống dịch. Báo chí cũng kịp thời cổ vũ những tấm gương cảm động, những nhân tố tích cực trong lực lượng chống dịch và trong cộng đồng, giúp hạn chế thấp nhất những tiêu cực, sai sót.

Một điều rất rõ là, dù các vùng miền của đất nước ta trong thời gian cách ly, nhìn bình lặng bên ngoài, nhưng bạn bè quốc tế vẫn cảm nhận được Việt Nam là một quốc gia có niềm tin, có khát vọng, đầy ắp tình yêu thương con người. Trong sự chấp hành chỉ dẫn cách ly, thấy động lực thuyết phục mạnh mẽ trong toàn đất nước; thấy được báo chí rất trách nhiệm, sáng tạo, thông tin hiệu quả, thuyết phục với tinh thần dấn thân, quả cảm.

Hiếm có chiến dịch truyền thông nào tập trung cao độ nhiều tháng trời ròng rã, với một khối lượng tin bài nhiều chưa từng có về một chủ đề như thế.

Phóng viên: Ông lý giải như thế nào về “hiện tượng báo chí” đó?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Chúng ta đang có một một nền báo chí luôn đặt lợi ich đất nước, nhân dân lên hàng đầu, lấy đó làm tâm nguyện làm nghề. Dù làm việc trong điều kiện chống dịch nghiêm ngặt và bản thân các cơ quan báo chí cũng gặp khó khăn gay gắt về tài chính, nguồn thu giảm mạnh… Song lực lượng báo chí  không hề có sự lùi bước. Không có cơ quan báo chí nào đứng ngoài cuộc. Tôi rất tự hào vì những điều đó khi cảm nhận được rõ nét là tinh thần dấn thân, quả cảm, năng động sáng tạo của các đồng nghiệp trên khắp đất nước.

Phóng viên: Nhìn rộng ra và khách quan hơn, đôi khi vẫn gặp đây đó, dù rất ít, những sai sót, sự không chuẩn mực, một số thông tin không chính xác, của một bộ phận người làm báo. Ông nghĩ gì về điều này?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Hiện chưa có tổng kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm chính thức về sự tham gia của báo chí vào mặt trận quan trọng, đột xuất vừa qua. Đúng là thỉnh thoảng vẫn thấy có thông tin thiếu chính xác, sau đó đã kịp thời được chấn chỉnh, sửa chữa. Đã từng có có một vài nhà báo lên mạng xã hội phát biểu thiếu xây dựng, sau đó đã được yêu cầu xử lý nghiêm. Một bài học cho những người làm báo, không thể phát ngôn lạc lõng, đứng ngoài và vô trách nhiệm. Có thể thấy, đây là một trận chiến mà tin giả rất khó tác oai tác quái, vì thông tin chính thống luông kịp thời, chính xác và hiệu quả.

 Trân trọng cảm ơn ông!


Mộc Miên (thực hiện)
Ý kiến của bạn