Trong mỗi cá thể người cũng vậy, khó có ai hoàn hảo, tốt đẹp, trong sạch tuyệt đối. Bởi thế mới phải có những tiêu chuẩn đạo đức chung để người ta soi vào đó mà giữ mình và tu dưỡng luyện rèn. Người làm báo cũng vậy, vinh quang bao nhiêu thì dễ bị cám dỗ bấy nhiêu, càng nổi tiếng càng nguy hiểm.
Có vẻ như, cuộc sống càng hiện đại càng phức tạp. Thời đại 4.0 huyền diệu, sự kết nối vạn vật trên toàn cầu không còn là giấc mơ nữa. Điện thoại thông minh. Ôtô thông minh. Thành phố thông minh... Khi công nghệ chiếm lĩnh đời sống con người thì cái tốt, cái xấu cũng đều được "thông minh hóa". Cái tốt, cái xấu đều lan tỏa rất nhanh trong "ngôi làng Trái đất" và đương nhiên nó dễ xâm nhập vào con người vốn được ví như cây sậy mong manh. Cái tốt tinh tế gần kề với cái xấu tinh vi, đôi khi rất khó nhận ra một cách rõ ràng.
Nhà báo với sự nhạy cảm "đặc biệt" chắc chắn dễ chạm vào các mặt sáng, tối của cuộc đời nhất. Có người đứng vững để lớn thêm và bước tiếp. Có kẻ gục ngã và thoái lui cùng với vết dơ khó gột rửa sạch trong đời, trong nghề. Điều đó cũng chẳng có gì lạ, nó hiển nhiên như 1 cộng 1 bằng 2 vậy. Thực sự thì nhà báo luôn đứng trước những thử thách nghiệt ngã mà lắm khi người ngoài nghề không thấu tỏ. Không phải nhà báo nào, lúc nào cũng dễ dàng vượt qua được. Nên với người làm báo, tôi nghĩ không gì quý hơn, cần hơn cái Tâm trong sáng. Cái Tâm trong sáng ấy, không có sẵn trong mỗi người mà nó phải được giáo dục, tu dưỡng, rèn giũa một cách thường xuyên. Khi có rồi cũng phải giữ gìn cẩn thận như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Với người làm báo, cái Tâm cũng quan trọng như cái Tài vậy. Một bài báo hay, có sức lay động xã hội sâu sắc và rộng rãi luôn được "bảo hiểm" bằng cái Tâm.
Sự thật chỉ có một. Nhưng, cái tốt vẫn có thể bị dìm ép, hoặc thổi phồng. Cái xấu được che đậy, bưng bít. Nhãn quan của nhà báo là phải xuyên qua sương mù để nhìn rõ chân tướng, sự việc. Nhà báo giỏi là nhà báo biết bóc tách các lớp vỏ vây buộc bên ngoài để nhìn được cốt lõi sự việc, bản chất vấn đề, nhận ra đúng sai để đưa nó vào trang viết một cách khách quan, kịp thời.
Người làm báo bao giờ cũng đứng về phía sự thật, phía chính nghĩa. Phát hiện, phản ánh, ngợi ca cái tốt; phê phán, vạch trần cái xấu đúng như nó có là nhiệm vụ vinh quang của người làm báo. Tôn trọng sự thật là cái không thể thiếu, không bao giờ thiếu của nhà báo.
Đội ngũ làm báo trước hết phải cất lên tiếng nói chính đáng của nhân dân; đấy cũng là tiếng nói của Tổ quốc. Nó ngược lại với phát ngôn thù địch của những kẻ nuôi dã tâm chống phá đất nước này. Những kẻ thù địch bao giờ, lúc nào cũng đặt đất nước ta trong lăng kính tăm tối, méo mó. Ngay cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và nhân dân ta đang làm tốt hiện nay cũng bị họ bóp méo, bôi lem nếu không muốn nói là xuyên tạc, vu cáo.
Tôi nghĩ rằng, cuộc chiến đấu trên mặt trận báo chí hiện nay chẳng đơn giản, dễ dàng chút nào. Nhà báo cách mạng thực sự là chiến sĩ, họ luôn có mặt ở tuyến đầu cuộc sống; chiến tranh hay hòa bình, bình thường hay thiên tai, dịch dã đều như thế. Các nhà báo sát cánh cùng chiến sĩ trên trận tuyến bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên cương Tổ quốc. Họ có mặt nơi thiên tai tàn phá dữ dội, nơi rốn lũ, tâm bão đang hoành hành. Và cũng như thế, trong điểm nóng, vùng đỏ, tâm dịch COVID - 19 các nhà báo không phải là lực lượng ở tuyến sau. Không như thế thì làm sao có được các bài viết, các bản tin, hình ảnh... phản ánh kịp thời sự việc. Sức lay động của các tác phẩm báo chí trước hết ở tính chân thật, sự kịp thời và hàm lượng nhân văn chứa trong đó. Thông qua những bài báo như vậy, thế giới sẽ nhìn rõ hơn, đúng hơn về đất nước và con người Việt Nam. Đó cũng là câu trả lời chính đáng cho những kẻ thù địch. Luận điệu của họ bị sự thật bác bỏ. Không gì hiệu quả hơn là chúng ta lấy sự thật cuộc sống để minh chứng cho cái tốt đẹp, cái nhân văn đang diễn ra mỗi ngày trên đất nước này. Chẳng có gì phải ngần ngại khi viết bài biểu dương sự cao cả của cuộc sống, kể cả tâm đắc với việc nêu gương người tốt, việc tốt. Khi cái tốt nhiều lên, người tốt nhiều lên cũng có nghĩa cái xấu đã giảm xuống. Sự cứu rỗi cho con người chỉ và phải dựa vào cái tốt đẹp. Không thể nào khác được.
Tôi nghĩ, nhà báo là sứ giả đáng tin cậy của thế giới tốt đẹp, trong đó sự thiện lương, chia sẻ, yêu thương luôn sinh sôi, nảy nở.
Chúng ta khát vọng một cuộc sống an hòa, bình đẳng, hạnh phúc. Nhưng cuộc sống chưa được như thế. Dòng đời vẫn trong đục, đục trong lẫn lộn. Xin được lấy một dẫn dụ. Trong ngành Y có rất nhiều thầy thuốc đã có mặt ở tuyến đầu trong đại dịch COVID-19 vừa qua và bây giờ. Họ là những người trực tiếp chứng kiến nhiều bi kịch cuộc sống trong ranh giới mong manh sinh tử. Họ làm việc quá sức mình để cứu sống nhiều người nên không ai xa xót hơn các thầy thuốc khi chứng kiến những cái chết bất thường của đồng bào. Trên tay họ bật lên tiếng oa oa của đứa trẻ vừa ra đời, nhưng mẹ bé không còn nữa vì thứ virus độc ác kia. Tiếng khóc sơ sinh là hạnh phúc thấm lệ của những chiến sĩ mặc áo trắng. Và, làm sao không cay xót khi cũng có những người đã không giữ được mình và trượt ngã. Tuy nhiên, không nên vì thế mà gạt bỏ hết công sức của cán bộ y tế trong phòng chống dịch. Một số tướng tá quân đội, cảnh sát biển, công an phạm tội bị pháp luật "điểm danh", nhưng không phải vì thế mà cho rằng lực lượng vũ trang, nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc bị suy yếu, bị biến chất hoàn toàn.
Còn rất nhiều ví dụ khác nữa để minh chứng cho sự trong, đục của dòng đời vốn rất ngổn ngang, bề bộn. Tôi muốn nói rằng, người làm báo phải biết tỉnh táo hay diễn đạt chính xác hơn là cần cảnh giác trong khi làm nghề. Bẫy xấu có ở nhiều nơi, sự cám dỗ giăng giăng mọi chốn, một nhà báo bị mua chuộc sẽ trở thành kẻ đồng lõa với cái xấu. Sự tồi tệ được tiếp tay. Cái ác có thêm đồng minh "sang trọng". Đó là chưa nói tới những người được gọi là nhà báo nhưng đã lấy "quyền lực" nghề mưu tính lợi lộc cho riêng mình. Khi đã âm u trong nhận thức thì sẽ cong queo trong hành vi. Ngòi bút, một là bị bẻ cong, hai là sẽ bị "ma đưa lối, quỷ đưa đường". Thật tai hại. Nói nghề báo là nghề nguy hiểm nên hiểu theo nhiều nghĩa. Nguy hiểm vì bị đe dọa tới mạng sống; họ có thể bị đánh đập dã man hoặc bị giết bằng súng, bằng dao, bằng thuốc độc... Và họ có thể "chết" vì tiền, vì gái, vì danh lợi và rất nhiều thứ khác.
Mạng xã hội là một thách thức "xứng đáng" với các nhà báo bây giờ. Chẳng có ở đâu mà thông tin nhanh nhạy, đa chiều, đa thức như mạng xã hội. Ví nó là trường học bao la hay cái chợ trời bát ngát đều đúng cả. Các hãng thông tấn, các tờ báo, tạp chí "đuổi" theo mạng xã hội đến bở hơi tai. Tôi tự hỏi, chẳng biết mạng xã hội đang "nuôi" báo chí hay báo chí đang "nuôi" mạng xã hội. Hay cả hai đang dựa dẫm, tác động vào nhau theo kiểu nửa bạn, nửa thù. Hệ lụy từ mạng xã hội mang lại cho báo chí không phải ít. Kiểu như nhà báo khai thác nguồn tin, bài trên mạng rồi về chế tác thành bài viết của mình, rốt cuộc "lợi bất cập hại". Nói thêm, kiểu báo chí khai thác quá sâu, diễn đạt quá đậm đời tư của những người nổi tiếng để câu bạn đọc cũng là cách làm nghề thấp kém.
Một tờ báo lớn phải là tờ báo đích thực "sang trọng" theo hướng chuyên nghiệp, dòng chảy chính phải dạt dào tính nhân văn, gắn chặt với Tổ quốc và nhân dân. Tờ báo, tạp chí ấy trước tiên phải có ích với dân tộc mình. Nó phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của quốc gia, của đa số công dân, của đông đảo người lao động. Vì vậy sứ mệnh đặt lên vai báo chí nói chung và mỗi nhà báo nói riêng không hề nhỏ. Vẫn câu hỏi không mới: Viết cái gì? Viết thế nào? Viết cho ai? nhưng chưa bao giờ cũ. Cái Tâm, cái Tài của người làm báo thể hiện rõ trong từng tác phẩm của họ. Và xuyên suốt cuộc đời người cầm bút trên lĩnh vực báo chí vẫn phải là tôn trọng sự thật. Điều này đã nói, xin được nhắc lại như thế. Vì chỉ viết đúng, viết hay về sự thật cuộc sống, không tô hồng, không bôi đen mới là nhà báo đích thực của Tổ quốc, của nhân dân.