Chuyện thứ nhất, đang trên đường đi làm, chợt điện thoại reo, cô nhà báo tên A. vội lấy điện thoại ra nghe. Bỗng một xe máy với hai bóng người trờ tới, một tên giật phắt chiếc điện thoại. Cô nhà báo nhanh như cắt, đuổi theo, đạp vào chiếc xe, xông vào hai tên cướp đấm đá túi bụi, khiến chúng phải vứt lại điện thoại chạy thoát thân. Một lúc sau cảnh sát giao thông tới định phạt cô nhà báo tội gây rối trật tự công cộng vì không ai ngờ cô gái nhỏ thó vậy mà dám đánh hai tên cướp bặm trợn.
Hỏi: “Bạn có học võ à?”. Trả lời: “Tui chỉ học mấy tháng thôi mà cũng học lâu rồi. Tức quá nên hăng máu, liều thân”. Hiện cô chỉ tiếc chiếc điện thoại yêu quý “có thể chụp ảnh đăng báo rất đẹp, tiện lợi” bị trục trặc, không còn “mượt”. Về chuyện này thầm nghĩ: dũng cảm thật, nhưng hơi liều, lỡ bọn cướp có hung khí thì sao?
Chuyện thứ hai cũng của hai cô nhà báo nói trên. Sau khi đến một “phòng khám Trung Quốc” tại TP.HCM, hai cô vác ba lô chạy trối chết, từ trên lầu xuống tầng trệt, ra bãi đỗ xe. Số là sau khi hai cô phỏng vấn, người của phòng khám cầm phong bì không biết chứa bao nhiêu tiền cố ép hai cô phóng viên lấy. Hai cô từ chối thì họ bám theo để nhét phong bì vào tay, vào túi của các cô… “May mà thoát được”, một cô kể. Cô nói: “Mình mà cầm phong bì coi như là “tù binh” của họ để họ sai khiến, có khi còn tố ngược mình nữa”. Cô kể thêm: “Một đồng nghiệp của tôi lỡ cầm phong bì 5 triệu đồng, gọi điện cho tôi thảng thốt: “Anh lỡ cầm phong bì rồi làm sao đây?”. Đúng là đã “ lỡ”, mà ở đây là “lỡ” cả cuộc đời, vì sau đó anh bị công an triệu tập do phía gửi anh phong bì tố cáo”.
Đúng! Đây là chuyện dũng cảm trong những chuyện dũng cảm của nhà báo thời nay. Cuộc sống khó khăn dễ khiến nhiều nhà báo xiêu lòng vì những cái phong bì dạng nói ở trên.
Giữ cho mình bình thường thôi cũng đáng gọi là dũng cảm? Thực tế, các nhà báo nói chung, nhà báo viết về lĩnh vực y tế nói riêng, nhiều người làm việc hết sức nhiệt tâm, lặn lội đến những vùng sâu, vùng xa, theo chân những thầy thuốc trong những ngày phòng chống dịch bệnh, thảm họa đầy khó khăn và nguy hiểm. Đã có những nhà báo bị đe dọa, bị côn đồ đánh trọng thương. Nhưng cũng phải công nhận, trong cuộc sống hiện nay, tránh được “viên đạn bọc đường” như hai nữ nhà báo trên cũng đã là dũng cảm.
Đến đây, chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Cái vết thương xoàng mà đưa viện/ Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo”. “Cái vết thương xoàng”… Phải chăng chuyện nhà báo thời nay cũng chỉ nhỏ nhoi so với những câu chuyện của lớp người đi trước, thời của những nhà báo dưới bom rơi, lửa đạn, những phóng viên chiến trường?
Mỗi thời, mỗi khác. Tuy nhiên, thời nay các nhà báo cũng có cách dũng cảm của riêng mình. Kết thúc bài viết chợt nhớ đến một nữ đồng nghiệp trẻ: nụ cười hồn hậu, nhưng phỏng vấn sắc sảo bằng tiếng Anh lưu loát… Thế hệ nhà báo mới đã ra đời! Mong họ vừa giỏi, mang tầm quốc tế vừa dũng cảm.