Học theo Ozu, coi làm phim giống một cái đạo, không chiều lòng ai, chỉ chiều lòng chính cái đạo của mình để tìm một đích đến, Nguyễn Vinh Sơn đã chọn con đường gian khó nhất. đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn xem đó không chỉ là niềm đam mê nghệ thuật mà còn là duyên nợ như đã được định trước. Đã có Tuổi thơ dữ dội, Đất Phương Nam và hôm nay là Trăng nơi đáy giếng là minh chứng cho chất nghệ sĩ độc đáo trong ông.
Năm 2005, có một người đàn ông tóc bạc, tay luôn xách chiếc máy quay cùng với mái đầu hơi hói, một mình về Huế thuê một thửa đất rộng 2.000m vuông. Trên thửa đất ấy, ông dựng một nếp nhà theo kiểu của người dân xứ Huế. Bờ rào là hàng chè tàu được vun tỉa và xén gọn gàng. Trong khu vườn có chiếc ao nhỏ trồng sen, có những cây cau mướt lá và những khóm chuối nõn xanh. Cảnh vật thân thương, thơ mộng và đậm chất sông Hương, núi Ngự. Ông cũng không thường xuyên ở đó mà thuê một người chăm sóc cho nó. Không ai biết ông sẽ làm gì với căn nhà đẹp ấy. Và rồi, đến tận 2 năm sau, người dân nơi đây mới biết ông dùng để làm bối cảnh chính cho bộ phim ông chuẩn bị quay: Trăng nơi đáy giếng.
Nguyễn Vinh Sơn chỉ đạo diễn xuất phim Trăng nơi đáy giếng. |
Những ai từng tìm hiểu về quá trình thực hiện của bộ phim "Trăng nơi đáy giếng" hẳn đều cảm phục lòng kiên trì và sự hy sinh vì nghệ thuật của Nguyễn Vinh Sơn. Ông đã dành 5 năm cho việc đọc, ngấm, hiểu, viết kịch bản phân cảnh, đi chọn cảnh, chọn người, chọn cả "những chi tiết nhỏ" mà không phải khán giả nào cũng nhận ra. Kinh phí làm phim hạn hẹp, cơ chế khó khăn khiến tâm hồn nghệ sĩ như ông cũng không ít lần phải đấu tranh. Đó là một quá trình đấu tranh với chính mình. Đấu tranh dữ dội vật lộn với niềm đam mê đang "rừng rực" chảy trong huyết quản ông. Nguyễn Vinh Sơn không ít lần làm hồ sơ xin tài trợ từ các quỹ văn hóa nước ngoài. Hễ ở đâu có cơ hội ông đều một mình "lăn xả" đến đó với khao khát của người đam mê phim mong một ngày được cầm máy quay những cảnh đầu tiên của Trăng nơi đáy giếng.
Điều khó nhất của ông là làm sao có thể tìm được những nhân vật (không phân biệt vai chính hay phụ) phải chuẩn là người Huế. Ông chia sẻ: "Vì phim quay và thu tiếng trực tiếp nên tôi cần các diễn viên phải nói giọng Huế. Tôi tìm hoài các diễn viên của hai đoàn nghệ thuật ở Huế, nhưng hầu hết là giọng Quảng Bình". Như tìm kim đáy bể, suốt một năm trời mà không ra nữ diễn viên chính. Ông phải tìm tới diễn viên Hồng Ánh và quyết định chọn nhân vật này. Nhiều người xem khen giọng Hồng Ánh nhẹ hơn, kéo cái nhịp phim nhẹ hơn một chút, bên dàn diễn viên toàn giọng Huế trầm nặng. Nhưng dù sao Vinh Sơn vẫn thấy tiếc. Tiếc cho mình, tiếc cho phim và tiếc cho Huế. Vì đã không tìm được cô gái ấy, mà không thể lồng giọng Huế cho Hồng Ánh khi quay đồng bộ và tiếng được thu trực tiếp. Có thể coi Vinh Sơn là một người cầu kỳ trong điện ảnh. Gai góc, khó khăn, thậm chí có cả những trăn trở trong nghề không như ý nhưng làm phim, được đạo diễn điện ảnh, đó là con đường mà ông đã chọn.
Trăng nơi đáy giếng được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Trần Thùy Mai, kể về thế giới cô đơn của Hạnh (Hồng Ánh thủ vai), một người phụ nữ hết mực tôn thờ chồng, chấp nhận hy sinh hạnh phúc của mình vì chồng và cuối cùng tìm đến thế giới tâm linh như một giải thoát. Đây là câu chuyện nhân văn đầy cảm động, xoay quanh diễn biến tâm lý và các chi tiết đời sống của một vài nhân vật chính.
Phong cách của Trăng nơi đáy giếng có ít nhiều hơi hướng phong cách làm phim của đạo diễn Nhật Bản Yasujizo Ozu. Và chính sự lựa chọn táo bạo này đã đem lại thành công cho bộ phim của Nguyễn Vinh Sơn. Lâu lắm người ta mới thấy một nguyên tác văn học được kể lại bằng hình ảnh một cách hết sức chậm rãi, đẹp mà buồn, không bi lụy sướt mướt, đặc trưng rất Huế. Như có chủ ý lấy cảnh tả người, những khuôn hình được chăm chút kỹ lưỡng từ từ làm cho người xem ngấm vào chất Huế ấy và cứ thế dần dần đồng cảm với những nỗi buồn thương của câu chuyện.
Một trong những dấu ấn khá đắt của bộ phim là những cảnh Hạnh đóng, mở các cánh cửa ngôi nhà rường của vợ chồng chị, như một ẩn dụ về sự đóng, mở thế giới tình yêu của riêng chị, tuy nhiên đến nhiều lần sau, việc cảnh này vẫn được lặp lại một cách đơn điệu và thiếu tiết chế đã làm giảm đi sự tinh tế và gợi cảm của hình ảnh ấy. Những cảnh lên đồng cũng được thể hiện khá tự nhiên chủ nghĩa theo kiểu tài liệu, thiếu điểm nhấn cho nhân vật, khiến nhân vật chìm đi trong những hình ảnh dân tộc học. Trả lời câu hỏi khán giả nước ngoài trong lần Nguyễn Vinh Sơn đưa bộ phim Trăng nơi đáy giếng công chiếu tại 12 trường đại học hàng đầu Mỹ, ông dí dỏm: "Bạn ngạc nhiên vì chuyện tôi để Hạnh (diễn viên Hồng Ánh) đóng, mở cánh cửa nhiều lần trong phim, bản thân tôi cũng... ngạc nhiên, nói như thế nào là đúng, à, tôi cũng hơi... "điên" một chút khi để cảnh mở - đóng cửa như vậy nhiều lần. Tôi nghĩ mỗi lần đóng, mở những cánh cửa là mỗi lần nhân vật chia sẻ những cảm xúc khác nhau của mình. Lần đầu tiên là mở và đón nhận yêu thương từ con người và xã hội, còn lần đóng cửa cuối cùng (sau vài lần đóng và mở cửa với bao nhiêu chuyện xảy ra khiến nhân vật tê tái cõi lòng) là từ chối tình yêu và muốn đóng luôn cửa lòng mình với mọi người, với thế giới bên ngoài".
Quá trình lao động vì nghệ thuật miệt mài của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nay đã thu được trái. Sự thành công của ông là niềm vui và tự hào cho phim Việt tại trường phim quốc tế. Tại Liên hoan phim Madrid dành cho phim Ấn Độ và châu Á diễn ra ở Tây Ban Nha vào trung tuần tháng 6 vừa qua, trong khuôn khổ hạng mục phim châu Á, vượt qua 8 đạo diễn khác, đạo diễn Vinh Sơn với bộ phim Trăng nơi đáy giếng đã được vinh danh với giải thưởng đạo diễn châu Á xuất sắc nhất. Phim Trăng nơi đáy giếng được Viện bảo tàng lớn hàng đầu Hoa Kỳ Smithsonian (Washington D.C) chọn trình chiếu tại Liên hoan phim châu Á diễn ra vào tháng 10 ở Mỹ.
Thanh Nam