Nguyễn Việt Trung và những tài năng xuất chúng đất Việt

13-08-2016 10:51 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mấy năm gần đây, giới yêu nhạc cổ điển, nhất là nhạc của F. Chopin nhắc nhiều đến Nguyễn Việt Trung với danh hiệu “Bàn tay vàng”, một danh hiệu được vinh danh từ những cuộc thi piano ở quê hương F. Chopin.

Mấy năm gần đây, giới yêu nhạc cổ điển, nhất là nhạc của F. Chopin nhắc nhiều đến Nguyễn Việt Trung với danh hiệu “Bàn tay vàng”, một danh hiệu được vinh danh từ những cuộc thi piano ở quê hương F. Chopin.

Mới đây, Nguyễn Việt Trung và 2 bạn trẻ người Việt từ Nga và Na Uy về, là Đỗ Phương Nhi (violon) và Trần Hồng Nhung (cello) rủ nhau, ngẫu hứng một chương trình tại Nhạc viện Hà Nội, một khán phòng tốt nhất cho âm thanh cổ điển hiện nay.

Nguyễn Việt Trung cứ thế, lớn lên trong sự dõi theo đầy thiện cảm của các nhà sư phạm âm nhạc ở Ba Lan. Khó có thể kể hết những giải thưởng mà Trung đã được nhận qua các cuộc thi piano, 2 năm một lần ở Ba Lan và các cuộc thi piano quốc tế khác. Cuộc thi nào Trung cũng đoạt giải thưởng. Khó có thể kể hết những thành tựu mà Trung đã đạt được trong tuổi thanh thiếu niên của em, một pianist chưa đầy 20 tuổi (sinh 1996) được ngưỡng mộ ở những sân khấu lớn thế giới như: Ukraine, Hungary, Pháp, Mỹ, Bruxel, Thái Lan, Việt Nam.

Nguyen-Viet-Trung

Nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung.

Trung đã về nước mấy lần kể từ năm 2012. Sau đó Trung trở lại Ba Lan tiếp tục học tập và tham gia biểu diễn. Bây giờ ở hệ đại học, trung học với thầy mới - GS.TS. Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải Chopin quốc tế 5 năm/1 lần, một người có tên tuổi ở Ba Lan, một người “giải mã’ F.Chopin rất thuyết phục. Bà khuyên Trung nên mở rộng danh sách tác giả cổ điển cần khám phá: như C.Debussy, J.Bach, F.Medelssohn, Rachmaninoff... Những tác giả cổ điển luôn là thách thức cho bất kỳ một nghệ sĩ nào. Nhưng với những tác giả kể trên thách thức càng lớn gấp bội. Bà giáo Katarzyna Popowa không chỉ yêu quý đức kiên trì của Trung mà còn vì tài năng của cậu học trò nên bà hết lòng động viên và miệt mài cùng cậu sinh viên người Việt. Bà khuyên mẹ của cậu nên đi học cùng con, mẹ sẽ là người trải nghiệm đầu tiên những cung bậc cảm xúc và tài năng của con và có thể nói với con về sự cảm thụ ấy. Quá trình học hành, Trung nhận ra rằng bất kỳ nhân tài biểu diễn Chopin nào cũng trải qua những kỹ thuật khi khám phá C.Debussy, hay Rachmaninoff... Ngoài ra, để cân bằng cảm xúc và để đa dạng hơn những trải nghiệm, Trung cũng luyện những tác phẩm của L.Beethoven và J.Bach... Tháng 8 năm nay, Trung sẽ trình diễn bản Concert số 2 cung mi thứ viết cho piano của Chopin tại Hà Nội, hứa hẹn một chương trình tuyệt vời cho khán giả Việt Nam.

Cách mấy ngày trước khi về nước nghỉ hè 2016, Trung được mời biểu diễn trong Chương trình “Young Talents ”của Học viện quốc gia mang tên Chopin, tại Bảo tàng Chopin ở Ba Lan. Và đêm đó, một lần nữa Ba Lan nhắc đến Nguyễn Việt Trung, thần đồng piano, với những sự điêu luyện trong trình diễn tác phẩm của F. Chopin.

Là khán giả “trung thành” của nhạc giao hưởng hàn lâm, tôi đến nhà hát nhiều, nhưng ở chương trình 3 tài năng trẻ người Việt trở về từ thế giới, trong đó có Nguyễn Việt Trung, thấy khán giả giữ yên lặng tuyệt đối khi các nghệ sĩ trình diễn (26/7/2016). Yên lặng đến mức người ngồi cạnh tôi đã áy náy khi vô ý làm tờ chương trình trên tay sột soạt. Sự yên lặng của một khán phòng đông tới mấy trăm người dĩ nhiên là rất khó. Sự im lặng ấy chỉ bị phá vỡ bởi những tràng pháo tay vang dội khi những hợp âm cuối của mỗi tác phẩm ngừng lại.

Gương mặt thiên thần Đỗ Phương Nhi bước ra sân khấu. Tiếng đàn của Nhi vang lên da diết, sâu lắng. Nhi cũng là người nhận nhiều giải thưởng quốc tế, năm nay mới 17 tuổi. Sau Đỗ Phương Nhi là Trần Hồng Nhung. Tiếng đàn của Nhung dữ dội đầy biểu cảm. Nhung là cellist vừa nhận giải mang tên nhà soạn nhạc thiên tài S. Prokofiev tại Nga.

Khán phòng đầy hưng phấn với hai cây vĩ tuổi còn thiếu nữ thì Nguyễn Việt Trung bước ra. Khán giả nở một tràng pháo tay dài, còn Trung, vẫn như năm ngoái ở khán phòng này, gương mặt trong veo, ngơ ngác, hơi bẽn lẽn trước sự nồng nhiệt của khán giả. Bên cây đàn SteinWay, càng thấy vóc dáng Trung nhỏ. Nhưng, những giai âm của bản Variations in C-minor của L.V.Beethoven vang lên thì người ta bỗng thấy Trung là một người khổng lồ. Những ngón tay gieo mưa trên phím. Nghe Trung đàn, bỗng như hiểu ra, kỹ năng điêu luyện ấy, khối cảm xúc lớn lao ấy, chiếm trọn tâm hồn cậu lúc này, nên vẻ mặt cậu vốn đã thánh thiện nay càng trong vắt. Khán giả ngạt thở, chờ đợi bản độc tấu thứ hai của Trung: Scherzo B-minor op 20 của F.Chopin. Trung khéo chọn 2 tác phẩm của 2 nhà soạn nhạc thiên tài, khá quen thuộc với người Việt, đồng thời có thể biểu đạt kỹ thuật ngón đầy đẳng cấp của mình.

Thời gian trôi quá nhanh trong khán phòng Nhạc viện Hà Nội. Đã đến tiết mục cuối: Trung, Nhi và Nhung tam tấu bản Trio elegiaque No.1 của S. Rachmaninoff. Người nọ dẫn dắt người kia, tiếng cao của violin réo rắt gọi tiếng trầm của cello và hòa quyện với nhau trong tiếng mưa rơi lúc khoan lúc nhặt lúc như bão cuốn của dương cầm. “Bọn này tài quá”, tôi nghĩ.  Đứa nào đứa nấy đều “nắm trong tay” hàng trăm tác phẩm kinh điển rồi, nhưng chung một sàn diễn và tam tấu giờ mới là lần đầu. Vậy mà chỉ 3 ngày “khớp nối” chúng đã chinh phục bản thân chúng và chinh phục khán giả.

Khán giả nghe hay quá, không chịu về, cứ đứng dậy mà vỗ tay, mà đòi được nghe thêm nữa. Thế là chúng tiếp tục ngoài kịch mục có sẵn. Sau bản A. Piazolla, chúng nghịch ngợm, không bàn trước, vậy mà chỉ cần đứa này tạo ra những hợp âm đầu tiên, những đứa kia liền tiếp “lời”, đối thoại với nhau, gọi nhau, tung hứng với nhau, những hợp âm cứ thế nối nhau vang lên, trầm xuống, chạy vòng sân khấu và thấm vào tâm trí khán giả.

Và tôi tự hỏi, “Tương lai của âm nhạc Việt phải chăng là ở đây?”


Trần Thị Trường
Ý kiến của bạn