Nguyên vẹn ký ức hào hùng Ngày Giải phóng Thủ đô

10-10-2022 07:55 | Thời sự

SKĐS - Dù đã trải qua 68 năm nhưng ký ức về Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 vẫn in đậm trong tâm trí quân và dân Hà Nội, đặc biệt là đối với những nhân chứng lịch sử.

Có mặt tại trưng bày "Khúc ca khải hoàn" nhân kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022) do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (103 tuổi, Trưởng ban đại diện Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày TP. Hà Nội) kể lại, ông tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi. Thời đó, ai cũng mong mỏi ngày đất nước giành được độc lập, ngày dân tộc được giải phóng, đoàn tụ...

"Tất cả mọi người đều hướng về Hà Nội, và chúng cũng tôi sẵn sàng hy sinh tất cả cũng vì Thủ đô. Nhờ có trưng bày này mà tôi đã được sống lại những giây phút hào hùng, đầy tự hào", Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương chia sẻ.

Theo lời Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, "Khúc ca khải hoàn" đã tái hiện chặng đường chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội trong những năm kháng chiến gian khổ; gợi nhớ cuộc trở về với biết bao cảm xúc, niềm vui của 68 năm trước khi đoàn quân lớp lớp tiến về Thủ đô. Từ thời khắc lịch sử trọng đại ấy, Hà Nội và cả nước đi lên với những bước chuyển mình quan trọng. Trưng bày cũng thể hiện niềm tự hào và lòng biết ơn những người con đã hy sinh vì Thủ đô thân yêu.

68 năm, nguyên vẹn ký ức Ngày Giải phóng Thủ đô - Ảnh 1.

Các đại biểu là cựu tù chính trị tại Nhà tù Hỏa Lò tham quan trưng bày “Khúc ca khải hoàn” nhân kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh: Khánh Huyền

Ðại tá Dương Niết (90 tuổi) bày tỏ, 68 năm trước, ông là chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca, Trung đoàn 102, Ðại đoàn 308, tham gia tiếp quản Thủ đô. Tiểu đoàn Bình Ca được giao nhiệm vụ đặc biệt, vào trước các vị trí Pháp đóng quân ở Hà Nội để bảo vệ nhân dân, chống địch phá hoại, bảo đảm cơ sở hạ tầng của thành phố để khi bộ đội chính quy vào tiếp quản được toàn vẹn.

Ông Niết nhớ lại, theo kết quả đàm phán với ta tại Hội nghị quân sự Trung Giã, Pháp sẽ đón bộ đội Việt Nam tại cầu Đuống. 8h sáng 8/10/1954, những chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca đã có mặt ở phía Bắc cầu Đuống. Đứng chờ khoảng 15 phút, một hạ sĩ quan Pháp ra mời bộ đội Việt Nam vào và tổ chức lễ đón chính thức trên cầu Đuống.

Sau lễ đón, 30 chiếc xe GMC của Pháp đưa các chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca vào Hà Nội. Trời hôm đó lất phất mưa bay, lấy lý do đó, một viên sĩ quan Pháp yêu cầu các xe phủ kín bạt, mục đích là để dân không nhìn thấy bộ đội trên xe. Nhưng một số anh em ngồi trên đầu xe vén bạt nhô người ra, khi đoàn về đến Gia Lâm, người dân ùa ra đường hoan hô rất đông.

68 năm, nguyên vẹn ký ức Ngày Giải phóng Thủ đô - Ảnh 2.

Các hiện vật tại Trưng bày “Khúc ca khải hoàn”. Ảnh: Khánh Huyền

Xe vào đến Hà Nội thì về thẳng trụ sở Ban Liên hiệp đình chiến, đóng ở Nhà thương Bến Thủy (Bệnh viện Trung ương quân đội 108 bây giờ). Tại đây, đoàn được chia làm 35 tổ, mỗi tổ từ 3 - 5 người sẽ di chuyển về 35 vị trí có quân Pháp đóng. Đây là những vị trí quan trọng do Pháp đã chiếm giữ ngay từ khi chúng đặt chân đến Hà Nội như: Phủ toàn quyền, Tòa thị chính, Tòa án tối cao, Sở Cảnh sát Bắc Việt, nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy đèn Bờ Hồ, ga Hàng Cỏ, nhà tù Hỏa Lò, Bệnh viện Bạch Mai…

Trong ký ức của Đại tá Dương Niết, không khí Hà Nội trước ngày bộ đội ta về tiếp quản khá im ắng. Nhưng đến ngày 9/10, khi những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên thì cả Hà Nội như bừng sáng với rợp trời cờ hoa. Dù chính quyền thành phố chưa thành lập, nhưng người dân biết tin đã tự bảo nhau may cờ, khẩu hiệu. Đêm 9/10, người dân còn làm cổng chào, căng khẩu hiệu chuẩn bị cho ngày 10/10 đón đoàn quân chiến thắng.

"Chúng tôi trở về được nhân dân đón tiếp rất nồng hậu. Ai cũng cảm nhận rất rõ trong không khí ấy là những cảm xúc khao khát hòa bình, tự do, niềm vui vô bờ bến. 68 năm trôi qua, cứ đến ngày này, khi xem những hình ảnh tái hiện chặng đường chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội, chúng tôi ôm nhau khóc rưng rưng", Đại tá Dương Niết xúc động.

68 năm, nguyên vẹn ký ức Ngày Giải phóng Thủ đô - Ảnh 3.

Những người lính năm xưa sống lại không khí hào hùng của ngày giải phóng Thủ đô tại trưng bày. Ảnh: Miên Hạo

Ở tuổi 95, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà, chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu khi xưa vẫn nhớ như in những ký ức ngày tham gia giải phóng Thủ đô.

Ngày 10/10/1945, ông vinh dự được đứng trong Đoàn quân Đại thắng rầm rập tiến về tiếp quản Thủ đô, giữ trọn lời thề "Nguyện tiến về Hà Nội". Trong những ngày đầu tiếp quản, do biết ngoại ngữ Anh, Pháp ông được giao phụ trách Trại hàng binh Âu, Phi.

"Ngày 10/10/1954, đối với người dân Hà Nội 9 năm kháng chiến bị kìm kẹp trong ách của địch, ngày Giải phóng Thủ đô hơn cả ngày hội, đây là ngày giải phóng sau thời kỳ kháng chiến chống pháp, Hà Nội bị tạm chiếm, bị o ép đủ thứ không thể biểu hiện lòng yêu nước công khai của mình, đến ngày Giải phóng Thủ đô mình được tự do mang lá cờ đỏ sao vàng để vẫy, đồng thời được phát biểu những nguyện vọng chính đáng.

Ngày Giải phóng Thủ đô cũng gắn kết tình cảm giữa người cán bộ quân đội về giải phóng với nhân dân, bởi vì nhiều người có gia đình hiện đang sinh sống trong Hà Nội thời kỳ tạm chiếm. 9 năm kháng chiến không được gặp nhau cho nên ngày này là ngày đoàn tụ của gia đình", ông Nguyễn Tiến Hà nhớ lại.

68 năm, nguyên vẹn ký ức Ngày Giải phóng Thủ đô - Ảnh 3.

Nhân dân thủ đô vui mừng đón chào đoàn giải phóng quân ngày 10/10/1954. Ảnh tư liệu

Cũng tại trưng bày, bà Đỗ Thị Hải, vợ của ông Lê Văn Ba (tên thật là Trần Khắc Cẩn, học sinh kháng chiến Hà Nội bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò năm 1952-1953) nghẹn ngào chia sẻ: "Ngày mùng 10/10/1954 khi giải phóng Thủ đô, tôi đã chạy quanh bờ hồ cùng với các đoàn thể, hát mừng ngày vui của đất nước.

Khi vào đến Triển lãm, thấy có sự đóng góp của chồng mình trong cuộc kháng chiến, tôi rất vui mừng và cũng thương nhớ. Dịp này, tôi đã đưa cháu nội đến để cho cháu hiểu thêm về công việc của ông đã làm thời kỳ kháng chiến và hy sinh anh dũng. Từ đó, để cho cháu có trách nhiệm hơn đối với gia đình và xã hội".

Trưng bày "Khúc ca khải hoàn" tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) tái hiện chặng đường chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội trong những năm kháng chiến gian khổ; gợi nhớ cuộc trở về với biết bao cảm xúc, niềm vui của 68 năm trước khi đoàn quân lớp lớp tiến về Thủ đô. Từ thời khắc lịch sử trọng đại ấy, Hà Nội và cả nước đi lên với những bước chuyển mình quan trọng. Trưng bày cũng thể hiện niềm tự hào và lòng biết ơn những người con đã hy sinh vì Thủ đô thân yêu.

Trưng bày "Khúc ca khải hoàn" được thể hiện qua 3 nội dung: Bền bỉ kháng chiến, Ngày về chiến thắng và Hà Nội của ta.

Các cánh quân của Đại đoàn Quân Tiên Phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. Ảnh tư liệu

Nội dung thứ nhất tái hiện hình ảnh nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Nội dung thứ hai, "Ngày về chiến thắng" chia sẻ những câu chuyện, hình ảnh về thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu mốc son lịch sử, buộc địch phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ và rút quân ra khỏi miền Bắc Việt Nam.

Trước khi rút khỏi Thủ đô, thực dân Pháp tìm mọi cách phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo đồng bào di cư vào Nam, trì hoãn việc trao trả tù binh. Nhưng tất cả đều thất bại trước lòng yêu nước, khát khao tự do của nhân dân. Lực lượng tự vệ, công nhân với thái độ kiên quyết, đúng mực, có lý lẽ đã ngăn chặn hiệu quả sự phá hoại, lôi kéo của địch.

Gương mặt rạng rỡ của các chiến sĩ Đại đoàn 308 Quân Tiên phong (nay là Sư đoàn 308) về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh tư liệu

Nội dung thứ ba, "Hà Nội của ta" là những tư liệu, hình ảnh 70 năm đã trôi qua từ ngày tiếp quản Thủ đô, hơn 30 năm tiến hành đổi mới, đời sống người dân và bộ mặt Thủ đô có nhiều thay đổi. Những ngôi nhà cao tầng san sát, rực rỡ ánh đèn, những đường phố rộng rãi.

Hà Nội đang vươn cao để quyết tâm xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhưng ký ức về Thủ đô anh hùng vẫn còn mãi với thời gian. Những địa điểm được tiếp quản ngày ấy giờ trở thành "chứng nhân" lịch sử, gợi nhớ những thời khắc không thể nào quên.

Điểm nhấn trong không gian trưng bày được thiết kế theo phong cách cổ động. Cổng chính được thiết kế với những đường cong uốn lượn, lấy cảm hứng từ lá cờ Việt Nam. Trên cổng chính có minh họa hình ảnh chiến sỹ trở về tiếp quản Thủ đô trong niềm hân hoan chào đón của thiếu nữ Hà thành. Trước cổng, bức tranh khổ lớn (dài 7m) khắc họa hình ảnh các chiến sĩ trở về tiếp quản Thủ đô trong không khí vui tươi, tràn ngập cờ, hoa đón chào của người dân Hà Nội được hiển lộ.

Những khoảnh khắc đặc biệt ngày Giải phóng Thủ đôNhững khoảnh khắc đặc biệt ngày Giải phóng Thủ đô

SKĐS - Những đêm trước ngày 10/10/1954, Hà Nội thao thức không ngủ, hồi hộp chờ bộ đội ta tiến vào tiếp quản thủ đô.


PV
Ý kiến của bạn